Thời gian lịch sử sự kiện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) không gian và thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết lê lựu thời kỳ đổi mới (Trang 69 - 75)

5. Cấu trúc luận văn

3.2.1 Thời gian lịch sử sự kiện

Tương ứng với không gian bối cảnh xã hội là thời gian lịch sử sự kiện. Tiểu thuyết trước năm 1975 xây dựng trên một nền không gian rộng lớn quen thuộc, gắn với một kiểu thời gian nghệ thuật mang nét riêng của thời đại. Đó là kiểu thời gian tuyến tính, thời gian lịch sử, sự kiện. Các tiểu thuyết Đất nước đứng lên, Hòn đất, Dấu chân người lính,… đều được tổ chức theo kiểu thời gian này. Sự kiện nối tiếp sự kiện, biến cố nối tiếp biến cố nên thời gian nghệ thuật trong các tiểu thuyết trước năm 1975 vì thế cũng mang âm hưởng gấp gáp, nhanh vội vốn rất phù hợp để diễn tả không khí sục sôi, hào hùng của cả dân tộc trong công cuộc cứu nước vĩ đại. Bối cảnh chiến trận nóng bỏng dường như không cho phép con người dừng lại để nghĩ sâu, nghĩ lâu một điều gì. Mặt khác khí thế hừng hực, sục sôi của triệu triệu con người đã tạo nên một cơn bão lửa nóng bỏng như muốn cuốn trôi tất cả, ào ạt băng băng về phía trước. Để ghi lại không khí rừng rực của thời đại, nhà văn thường bám sát vào thời gian hiện tại, vươn tới thời gian tương lai chứ không chú ý đến thời gian quá khứ, thời gian tâm trạng.

Sau năm 1975, đặc biệt sau đổi mới, cấu trúc, đặc điểm của thời gian nghệ thuật cũng có sự thay đổi. Xu hướng chung là rút ngắn thời gian sự kiện và kéo dài thời gian tâm trạng. Các nhà văn thời kì này tỏ ra hứng thú khi đi sâu khám phá đời sống tâm hồn phong phú, đầy bí ẩn của con người. Biến cố sự kiện trở thành đường viền hoặc cái cớ ban đầu để nhà văn khám phá hành

trình tự ý thức của con người: Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai, Thân phận của

tình yêu của Bảo Ninh, các sáng tác của Lê Lựu là những dẫn chứng sinh động. Với Lê Lựu, những sự kiện lịch sử đặc biệt gắn liền với số phận thăng trầm của dân tộc như chiến tranh, cải cách ruộng đất, thời kì kinh tế bao cấp… có sức hấp dẫn đặc biệt bởi đó là cái phông nền lí tưởng để nhà văn khám phá, lí giải về con người và cuộc đời.

Thời xa vắng, như cái tên của nó, gợi ra một thời quá vãng. Bối cảnh của câu chuyện là những năm sau Cách mạng cho đến trước thời kì đổi mới. Tên nhan đề truyện đã gợi lên yếu tố thời gian nghệ thuật: ấy là cái thời mà con người còn quá giản đơn trong cách nhìn nhận, đánh giá và cả trong sự quan tâm lẫn nhau; là cái thời mà con người “không còn là mình”, “không được sống thật với chính mình”. Những vấn đề lớn lao của thời đại, những biến cố của lịch sử dân tộc được cảm nhận qua cuộc đời bi tráng của người anh hùng chiến bại Giang Minh Sài. Sài đã đi qua chiến tranh với tinh thần chiến đấu anh dũng, với vòng nguyệt quế vinh quang trên đầu. Sài dường như chỉ biết lao động và cống hiến, quên đi khát vọng yêu thương chân chính. Viết

Thời xa vắng, Lê Lựu có đề cập đến chiến tranh tuy chiến tranh không phải là cái phông nền mà là một phần tất yếu của cuộc sống, một chi tiết diễn ra trong đời sống của con người, chứ không đơn giản là điểm tựa của ý chí, niềm tự hào và hành khúc chiến thắng.

Giang Minh Sài coi chiến tranh là mảnh đất lí tưởng để chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân bất hạnh, chạy trốn khỏi cuộc sống gia đình gượng gạo, không

có tình yêu, để quên đi bi kịch cá nhân của mình, như một hướng giải thoát. Điều này hoàn toàn khác với Hai Hùng, Ba Thành, Kiên trong sáng tác của Chu Lai, Bảo Ninh đến với chiến tranh để cảm nhận được những tín điều tốt đẹp, thiêng liêng của cuộc đời thanh tân trẻ tuổi.

Lê Lựu từng phát biểu rằng: Sức mạnh của tác phẩm văn học không nằm ở khối lượng hiện thực ghi chép mà còn phụ thuộc vào sự chiêm nghiệm, nghiền ngẫm của nhà văn, vào chiều sâu của những tư tưởng, tình cảm mà anh ta gửi gắm trong đó. Khắc họa, tái hiện một sự kiện lịch sử xã hội đặc biệt: chiến tranh, nét độc đáo của Lê Lựu là ở chỗ: ông không viết về chiến tranh và những gì đã qua như một sự ghi chép các sự kiện lịch sử, miêu tả những hành động anh hùng… mà chủ yếu đi sâu vào số phận con người trong thời điểm khốc liệt ấy. Nhà văn tập trung biểu hiện những khoảnh khắc đời thường, những diễn biến tâm lí của con người để tái hiện lịch sử, tái hiện thời đại.

Cũng viết về chiến tranh, Chuyện làng Cuội lại đề cập đến nghịch lý

trớ trêu, nhiều sự thật trái lẽ. Lưu Minh Hiếu lại coi chiến tranh là công cụ để mở rộng đường danh lợi. Sự hi sinh của hai em Mai, Sau; lòng tốt của bác Văn Yến; nỗi niềm của người mẹ thật thà, tội nghiệp… đều được trưng dựng tối đa để Hiếu dần leo lên cao lên nấc thang danh vọng. Trong chiến tranh, Hiếu là kẻ cơ hội núp sau vỏ bọc; sau chiến tranh, bộ mặt của kẻ cơ hội rõ hơn với những thủ đoạn tàn nhẫn của hắn ngay cả đối với người thân. Hiếu là hiện thân của kiểu người sa đọa, tha hóa ngay từ trong chiến tranh. Chuyện làng Cuội không ồn ào tiếng bom đạn song bóng dáng của chiến tranh lại hiện diện rõ nét bên ngoài vẻ yên tĩnh, bình lặng, tác động sâu sắc đến cuộc đời, số phận nhân vật.

Với Núi trong Sóng ở đáy sông, chiến tranh đã làm biến đổi tất cả cuộc đời hắn: Cuộc sống sơ tán ở quê ngoại đã đem đến cho Núi một tình yêu

đầu đời chóng vánh mà đẹp đẽ, với những giây phút nồng nàn và cả nỗi đau khổ, tuyệt vọng, xấu hổ, nhục nhã, ê chề vì đã yêu người cô họ cách nhau bảy đời; mẹ hắn chết, tình yêu tan vỡ, hắn bỏ học và trở thành một thằng cửu vạn, để rồi bàn tay run rủi của số phận xô đẩy hắn vào con đường tù tội, chặt lìa Núi khỏi khát vọng về cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Chiến tranh thực sự đã trở thành hoàn cảnh sống đầy gai góc góp phần tạo nên bi kịch cuộc đời con người.

Khi bóng tối thảm sầu của chiến tranh khép lại, cũng là lúc cuộc sống hòa bình được mở ra. Ngòi bút xông xáo của Lê Lựu đã kịp thời phản ánh những sự kiện lịch sử quan trọng của xã hội Việt Nam: Cải cách ruộng đất, thời kì bao cấp tem phiếu…không phải để nhằm đào xới quá khứ mà để nhận thức và suy ngẫm về số phận con người qua cơn dâu bể cuộc đời.

Những gam màu tăm tối của cuộc cải cách ruộng đất trong Chuyện làng Cuội được nhà văn khắc chạm trên từng trang văn. Chính sách của đội cải cách rút cục chỉ là những trò lừa bịp, giả trá, dâm đãng, đểu cáng. Cuộc sống bình yên ngàn đời xưa của người dân bị phá vỡ, trở nên náo động, rối ren. Tiếng nói hiện thực của Lê Lựu đã tìm được sự đồng cảm của Dương Hướng trong Bến không chồng: Nỗi ám ảnh từ những cuộc đấu tố như vẫn khiến cả người trong cuộc lẫn ngoài cuộc khiếp sợ. Sự lạc hậu, ấu trĩ trong cuộc cải cách này được căn bệnh thành tích làm chất xúc tác nên càng có dịp lộ rõ. Bao nhiêu sự quy kết vô lí, trái đời, phản đạo: Bình quân mỗi làng phải có năm địa chủ! Để rồi những kẻ đáng đấu tố, quy kết lại lọt lưới (những hương dũng, bảo an trước đây), người lương thiện lại bị vu oan (đồng chí Khiêm). Cảnh vợ đấu chồng, con đấu bố, láng giềng nguyền rủa, chửi bới không thương tiếc những người mới chỉ hôm qua còn tình cảm nồng thắm, chén tạc, chén thù…thì giờ đây những người đấu tố như những kẻ lên đồng,

không còn thấy ông bà, bố mẹ, vợ chồng, không thấy con cái, anh em ruột thịt. Không thấy họ hàng, bạn bè, xóm làng, quê quán, không có trước, có sau, trên dưới, không có tình yêu và kỉ niệm, không có tình nghĩa và ân huệ (…) Chỉ có sự độc ác và nỗi đau khổ. Chỉ có âm mưu thủ đoạn và những biện pháp chống trả. Chỉ có một mất, một còn và không thể đội trời chung. Chỉ có tình yêu giai cấp và tình yêu đấu tranh” [48, 190]. Có lẽ đoạn văn khiến cho những ai có lương tri cảm thấy đau đớn như dứt từng khúc ruột cho những lầm lỗi chẳng thể nào sửa sai trong buổi giao thời của lịch sử - xã hội.

Trong dòng chảy bất tận của thời gian, con người mặc nhiên chịu sự tác động của môi trường xã hội. Lịch sử Việt Nam những năm sau ngày đất nước thống nhất được tái hiện chân thực trong tiểu thuyết Lê Lựu. Đó là thời kì bao cấp tem phiếu với tất cả mặt trái của nó đã tác động sâu sắc đến cuộc sống con người.

Thời xa vắng, Hai nhà, Sóng ở đáy sông đã tái hiện một cách sinh động cuộc sống đô thị thời kì bao cấp. Ngòi bút Lê Lựu đã không ngần ngại đề cập đến những chuyện bất hợp lí, những thiếu thốn, khó khăn của một thời: Những người ăn lương phải sống theo chế độ tem phiếu, sự phân chia sản phẩm theo kiểu quân bình khiến cho cách kiếm tiền phổ biến nhất, mang tính

toàn dân nhất là đi phe. “Ngay cả những người trong sạch nhất, những kẻ đần

độn nhất không hiểu gì cái từ phe phẩy cũng sẵn sàng tiếp tay cho phe…Rồi khi cần gì từ hạt tấm đến cái đinh lại chỉ có phe mới có” [52, 32]. Cách sống và kiểu làm ăn con phe đã lấn át nền kinh tế tập trung do nhà nước chỉ đạo. Do đó những gì thuộc về kinh tế do nhà nước quản lí lại trở nên tẻ nhạt, bất lực và không thể sôi động, hấp dẫn và hiệu quả bằng kinh tế thậm thụt đầu đường, xó chợ.

Sài, Tâm – hai nhà trí thức kiểu mẫu đáng kính cũng là nạn nhân của cảnh xếp hàng với sổ gạo, tem phiếu. Công việc không quá vất vả với một

người đàn ông sức dài vai rộng song quan trọng là nó đã lấy đi những khoảng thời gian thực sự cần thiết để người trí thức nghỉ ngơi, tĩnh tâm, sáng tạo. Hơn nữa công việc đơn điệu, tẻ nhạt ấy cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày càng khiến cho đời sống tinh thần của các nhân vật trở nên nhàm chán, thậm chí vô nghĩa. Cái hạnh phúc gia đình mong manh như càng chông chênh, dễ vỡ trước sự tác động của môi trường thế sự.

Vẫn với cái nhìn như của một nhà xã hội học khảo sát về hiện thực đời

sống, Lê Lựu viết: “Trai gái lấy nhau có đăng kí mới mua được một cái màn,

một cái chiếu và một cái giường đôi. Chiếu và màn được mua ngay sau ba tuần đăng kí, còn giường phải xếp nốt đến tháng bảy mới có[52, 8]. Vợ chồng Tâm phải chạy ngược chạy xuôi gần tám tháng trời mới vay được tiền

và mua được gian nhà tập thể 14m2

chật chội, ẩm thấp, dột nát. Cuộc sống vợ chồng với bao thăng trầm, vui ít, buồn nhiều, cả những bi kịch thảm khốc nằm ngoài dự liệu đã diễn ra…

Tiểu thuyết Sóng ở đáy sông tái hiện một cách sinh động cả một thời

gian lịch sử dài của đất Cảng qua cuộc đời nhân vật Núi, qua mối quan hệ giữa Núi và mọi người. Thời gian cốt truyện kéo dài từ chiến tranh sang hòa bình theo những thăng trầm cuộc đời Núi: từ một đứa trẻ học giỏi, chăm ngoan trở thành một tên tội phạm do sự xô đẩy của số phận và do cả lối sống buông thả của chính hắn. Bị cha đẻ tàn nhẫn, vô cảm, lạnh lùng từ mặt, Núi tiếp tục dấn thân vào con đường tù tội. Rồi hắn có con với một người phụ nữ giang hồ. Vợ hắn lại bỏ đi, con ốm, hắn phải chạy vạy khắp nơi tìm cách cứu con. Người đọc giận Núi bởi có lúc hắn là kẻ lưu manh, tha hóa song cũng cảm động và thương xót hắn vì tình phụ tử sâu nặng mà hắn đã dành cho con.

Tiểu thuyết Lê Lựu thời kì đổi mới có thể coi là sự khái quát lịch sử bằng tiểu thuyết, bằng những số phận bi kịch. Đây chính là kiểu cấu trúc lịch sử - tâm hồn của tiểu thuyết mà ta đã bắt gặp trong sáng tác của Nguyễn Khải,

Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường, Bảo Ninh, Chu Lai…Ưu thế của cách viết này là nhà văn phản ánh hiện thực xã hội qua thế giới tâm hồn đầy phức tạp và chiều sâu tính cách rất mực phong phú, hấp dẫn của con người. Vì thế, nhà văn đã diễn tả được những sự thật về tâm hồn con người một cách không dễ dãi. Sáng tác của Lê Lựu dường như đã khẳng định một lần nữa chân lí mà nhà văn Nga Lecmôntôp từng phát

biểu: “Lịch sử tâm hồn con người dù bé nhỏ đến đâu cũng đáng quan tâm hơn

lịch sử của một đất nước” (Một anh hùng thời đại).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) không gian và thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết lê lựu thời kỳ đổi mới (Trang 69 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)