Nghệ thuật biểu hiện nội tâm của nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết khuất quang thụy (Trang 48 - 53)

1.1 .Khái lược về nghệ thuật tự sự

2.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

2.1.4. Nghệ thuật biểu hiện nội tâm của nhân vật

Cái khó khăn nhất của nhà viết tiểu thuyết là việc miêu tả quá trình phát triển tâm lý của nhân vật. Lep Tônxtôi cho rằng: “Mục đích chính của nghệ

thuật là nói lên sự thật về tâm hồn con người, nói lên được những điều bí ẩn không thể diễn tả bằng ngôn ngữ thông thường được.” Nếu như ngoại hình là những vẻ bề ngoài có thể nhìn thấy được, thì nội tâm là khái niệm: “chỉ toàn bộ cuộc sống bên trong của nhân vật, đó là những tâm trạng, suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác, những phản ứng tâm lí của bản thân nhân vật trước cảnh ngộ, tình huống mà nhân vật chứng kiến hoặc thể nghiệm trên bước đường đời của mình”. [7, tr. 135] Đúng như nhà văn Nguyễn Đình Thi đã từng viết: “cái khó nắm bắt lại là chủ chốt nhất đối với người viết tiểu thuyết vẫn là làm sao luôn viết sâu sắc những ý nghĩ, tình cảm trong tâm hồn con người. Lời nói, việc làm thì có thể nghe thấy được, nhìn thấy được và có thể ghi chép trong sổ tay được. Còn những ý nghĩ thầm kín, những vui buồn, giận ghét trong lòng người thì chỉ có cách là đoán được thôi. Vậy mà nó lại là nguyên liệu chủ chốt để viết thành tiểu thuyết, ở đây, chính tâm hồn nhà văn lại là cái cầu nối để đi vào trong tâm hồn những người khác”. Như vậy, chúng ta thấy được vai trò của việc biểu hiện tâm trạng nhân vật trong tác phẩm văn học và cách mà nhà văn có thể thâm nhập vào bên trong nhân vật để khám phá những cảm xúc ẩn sâu trong tâm hồn mỗi con người.

Với Khuất Quang Thụy, ông đã diễn tả được quá trình phát triển của tâm lý nhân vật một cách hợp lý, chính xác, và phù hợp với quy luật chung, vừa mang nét cá tính riêng không pha trộn. Tìm hiểu thế giới nội tâm của các nhân vật trong tiểu thuyết Khuất Quang Thụy, chúng ta có thể thấy đó là thế giới của rất nhiều mảnh tâm trạng khác nhau với những cung bậc: có thể là sự day dứt, dằn vặt, có thể là niềm hạnh phúc, sung sướng, nhưng cũng có thể lại là sự giằng co giữa sự sống và cái chết, hi vọng và tuyệt vọng…Và tất cả những điều này đều làm nổi bật hơn tính cách của nhân vật.

Không phải trò đùa sử dụng thủ pháp miêu tả tâm lý và đối thoại nội tâm khi xây dựng hình tượng người lính sau chiến tranh. Tiểu thuyết là lời đối

thoại, là câu trả lời đầy tâm huyết trước những vấn đề gay gắt, những cơn lốc của cuộc sống hôm nay. Nhà văn đã thành công khi xây dựng hai nhân vật, hai số phận với hai cuộc đời khác nhau nhưng cùng một điểm xuất phát: họ là những người lính trở về sau chiến tranh. Tuấn và Tình đều tự “trinh sát” về mình, về cuộc đời, tình yêu, chiến tranh và đồng đội. “Trinh sát” là ngôn gữ của quân đội, còn đối với mỗi người, đó là việc đặt vấn đề và suy nghĩ, trăn trở về những vấn đề đó. Việc “trinh sát” không đơn giản vì nó nói lên cuộc đời anh thành hay bại, hạnh phúc hay khổ đau. Người lính trinh sát đã nói “sau mỗi chuyến đi, thật hạnh phúc khi được nói rằng “thưa các đồng chí, chúng tôi đã mang về một sự thật đầy đủ”. Nhưng liệu có một sự thật đầy đủ hay không? Một sự thật đầy đủ có lẽ là một sự thật khó chấp nhận nhất vì nó khác biệt đến lạnh lùng” [27, tr. 2]. Kết quả của mỗi lần “trinh sát” là một sự thật nhưng đôi khi ta hối tiếc đã tìm ra sự thật ấy. Nó có thể làm tan vỡ niềm tin và tình cảm chân thành của con người. Trong cuộc sống mới xa lạ và điên đảo, người lính ngụp lặn trong suy tư và những hồi ức xa xôi. Tuấn luôn tự hỏi mình, anh đã thất bại trong cuộc chiến mới vì cuộc sống hiện đại không có chỗ cho anh hay bởi anh không dám đối diện với lòng mình? Tuấn sống trong những giấc mơ về Thái, về một “khả năng khác” của anh, về những người đồng đội đã chọn “những con đường mòn” chứ không theo một “dòng mạch chính” như anh. Tình cũng luôn tự hỏi anh điên hay những người xung quanh điên. Anh cần bắt kịp với cuộc sống mới hay trở về với những hồi ức, với dĩ vãng. Những nhân vật của Không phải trò đùa đi tìm vị trí của mình trong cuộc đời mới. Họ muốn biết đâu là giá trị đích thực của cuộc sống. Trong quá trình ấy, họ biết được giới hạn của mình, cái không thể và có thể. Họ không chạy trốn mà đối diện với nó, chiến thắng nó. Nhà văn đã nói lên tư tưởng của mình qua lời mẹ Thái “biết đau khổ thì sẽ có hạnh phúc”. Trong cuộc tự “trinh sát” của Tuấn, nhà văn luôn để cho anh gặp các linh hồn – những tiếng nói chân thực nhất. Những linh hồn liệt sĩ muốn mách bảo cho Tuấn câu

chuyện về số phận của họ, về kẻ thù, về chiến tranh và cả cuộc sống hiện tại của Tuấn. Có điều bản thân Tuấn không dám nói, không dám nghĩ vì Tuấn như cây tùng, cây bách chỉ biết vươn thẳng lên đón đợi mọi biến thiên của thời tiết chứ không chịu đâm ngang. Nhưng Tuấn cũng chỉ là một người bình thường, không phải là anh hùng của mọi thời đại, “một anh hùng trong những trận đánh tới cái mà người ta gọi là một anh hùng giữa cuộc đời lại là một khoảng cách rất xa” [29, tr. 182]. Thái xuất hiện như một vị cứu tinh cho người anh hùng đang mệt mỏi trong Tuấn. Những lần gặp Thái, Tuấn luôn đối thoại với mình. Thái xuất hiện như một thực thể lại như một bóng ma. Phải chăng cái hư ảo của Thái sẽ là thực địa mà Tuấn phải tiếp tục trinh sát trên chặng đường sắp tới của mình? Khuất Quang Thụy dùng yếu tố tâm linh, hư ảo như một biện pháp để đi vào chiều sâu tâm lý nhân vật, để mở ra khả năng mới trong việc chiếm lĩnh hiện thực đời sống và con người.

Tác giả như thâm nhập vào từng ngõ ngách sâu kín nhất trong tâm hồn để có thể diễn tả mọi cảm xúc, trạng thái của nhân vật. Trong Góc tăm tối cuối cùng, Khuất Quang Thụy tỏ ra hiểu nhân vật của mình đến chân tơ kẽ tóc, đến tận những ngọn ngành sâu thẳm nhất trong tình cảm, suy nghĩ của nhân vật. Tâm trạng của nhân vật còn được thể hiện qua độc thoại nội tâm hoặc những cuộc đối thoại ngầm. Có thể nói nhân vật ông Dần được nhà văn khắc họa rất ít những hành động mà chủ yếu hiện lên với những đoạn độc thoại nội tâm, những khoảng lặng hồi tưởng quá khứ…hay nói một cách tổng quát đó là toàn bộ thế giới nội tâm của nhân vật, được phơi bày một cách khéo léo từ những trang đầu tiên đến những trang cuối cùng của tác phẩm. Không có một cốt truyện, một số lượng nhân vật đồ sộ như trong Những bức tường lửa hay những trận đánh ác liệt trong Không phải trò đùa, những người lính và chiến tranh chỉ là những kí ức vụn vặt và buồn đau trong ông Dần, còn cuộc sống hiện tại lại là những tháng ngày tự vấn bản thân, đấu tranh giằng xé, cố thoát ra khỏi quá khứ, qua khỏi đau thương và sự hận thù

để được sống thanh thản và lương thiện. Ngay ở những trang viết đầu tiên ông Dần xuất hiện trong cuộc nói chuyện với lão đánh xe bò, ông Dần đã bộc bạch rất rõ ràng cái quan niệm sống và mục đích sống rất sâu sắc của mình, cái điều mà tận sâu thẳm trong tâm hồn ông luôn khắc khoải, nhưng không mấy ai thấy được điều đó. Rồi trong cơn say, nhà văn để cho ông Dần miên man trong những suy tư về cái nhà vĩnh biệt, về công việc của mình tại đó, rồi ông lại nhớ về quá khứ, cái ngày lần đầu tiên ông đến bệnh viện và nhận lấy công việc này. Và xen kẽ những dòng hồi tưởng của ông Dần về quá khứ là những dòng suy tư của ông trong hiện tại, những điều mà ông vẫn luôn trăn trở tìm câu trả lời giữa hiện thực: “Cái ác xuất hiện trong tâm hồn đứa trẻ là do người lớn gieo cấy. Vì vậy chúng thực hiện những hành vi độc ác đó một cách hồn nhiên, vô tư giống như trước những trò chơi vậy. Ông là một kẻ cô độc, không gia đình, không vợ con. Ông thèm khát tình thương của trẻ nhỏ, thèm được xem chúng nô đùa, nghe chúng bi bô cười nói, thèm được ôm chúng vào lòng …Nhưng, ông đã bị tước mất cái hạnh phúc đó một cách tự nhiên, giống như đã từng bị tước đi những niềm vui, hạnh phúc và ông đã từng có”. Ông đã chôn giấu những khát khao đó xuống tận đáy lòng, chứ cũng không nghĩ tới việc hiện thực hóa chúng. Chỉ những khi say xỉn ông mới chợt nhớ ra những chuyện từ xa xưa đó thôi. Nhưng có một điều là mỗi lần có cơ hội để được sống với những khát khao yêu thương đó thì ông lại lẩn trốn, lại không dám đối mặt. Cái lần người phụ nữ góa chồng có tình cảm với ông Dần, nhưng ông cũng chỉ coi những người cần ông giúp đỡ mà thôi, bởi vì ông vẫn còn tình cảm và sự thủy chung với bà Nụ. Khi gặp lại bà sau mấy chục năm trời, ông vẫn gọi bà với cái giọng đầy say đắm và si mê. Tưởng chừng hạnh phúc đã mỉm cười với ông Dần, nhưng không phải thế, ông đã không dám đón nhận nó và lại cho hạnh phúc tự nhiên ra đi. Lại một bước ngoặt nữa, bà Nụ muốn trở về bên ông Dần, nhưng vì ông lo lắng cho bà, sợ bà chịu sức ép từ dư luận rồi từ những người con của bà, nên ông đã lại một lần nữa ra đi. Cái kết của

tác phẩm cũng là mở ra cho ông Dần một khởi đầu mới: “Suốt đêm ông không ngủ được, chỉ nghĩ đến cái chuyện ông sẽ có bà ấy bên cạnh cả ngày lẫn đêm. Lúc đầu, ông cũng thấy vui sướng, rạo rực. Nhưng rồi càng nghĩ, ông càng thấy không thể được. Bà ấy không thể vì mình mà mang tai tiếng, không thề vì mình mà xa rời con cháu […]. Không, không thể được […] Phải, ông sẽ ra đi để cho bà ấy yên lòng. […]. Điều ông lo sợ sâu xa hơn, có lẽ…lại chính là điều đó cũng nên. Ông không muốn thất vọng một lần nữa, nên thà tìm cách mà chạy trước. Phải, ông ra đi là đắc sách. Ông sẽ được ôm trong lòng cái ý nghĩ êm dịu, nếu ta không ra đi, ta sẽ được sống với nàng”. Với cái tâm niệm đó, ông đã ra đi một cách lặng lẽ, như một sự chạy trốn.

Ngòi bút của tác giả đã lí giải chiều sâu bản chất của nhân vật. Một bức tranh tâm trạng nhiều màu đã hiện ra để phản ánh những khoảng sáng tối đậm nhạt trong mỗi con người. Khắc họa nội tâm nhân vật là một thủ pháp nghệ thuật quan trọng trong sáng tác của Khuất Quang Thụy. Nhờ khắc họa nội tâm nhân vật mà hành trình tâm lý đa dạng, phức tạp của nhân vật được bộc lộ một cách sâu sắc, mỗi loại người, kiểu người hiện lên vừa có nét chung vừa có nét riêng, tạo nên dấu ấn không thể nào phai trong tâm trí độc giả.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết khuất quang thụy (Trang 48 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)