1.1 .Khái lược về nghệ thuật tự sự
3.3. Giọng điệu trần thuật
3.3.1 Giọng điệu trào lộng, giễu nhại
Kundera quan niệm: “Tiểu thuyết sinh ra không phải từ tinh thần lí thuyết mà từ tinh thần hài hước” [9, tr. 127]. Một trong những nhà lí luận sớm quan tâm đến tiếng cười trong tiểu thuyết là Bakhtin so sánh tiểu thuyết với sử thi, Bakhtin nhấn mạnh tinh thần của tiểu thuyết là yếu tố trào tiếu: “Chính tiếng cười đã xóa bỏ khoảng cách sử thi và nói chung mọi khoảng cách ngôi thứ - giá trị - ngăn chia”. Khảo sát tiểu thuyết như một thể loại văn học, M.Bakhtin đã nêu lên mối quan hệ giữa tiếng cười và tiểu thuyết, mà theo cách nói của dịch giả Phạm Vĩnh Cư: “Tiếng cười đúng là môi sinh của tiểu thuyết: ở nền văn học nào vắng tiếng cười thì ở đó tiểu thuyết hoặc không
thể trưởng thành, hoặc thui chột” [3, tr. 17]. Sau năm 1986, tiểu thuyết Việt Nam ngày càng nhạt dần chất sử thi, tiểu thuyết áp sát vào đời sống, tiếp xúc suồng sã với hiện thực. Sự mở rộng các phạm trù thẩm mĩ khiến tiểu thuyết gần với đời thường hơn. Cái bi không còn phải dè dặt né tránh; tinh thần hài hước gia tăng. Với cái nhìn ở thì hiện tại không hoàn kết, con mắt tiểu thuyết đã nhìn trực diện hiện thực cuộc sống đương đại. Khi những chuẩn mực bị lệch pha, cái hài xuất hiện. Cái nhìn phi thành kính, suồng sã, giễu nhại của chất tiểu thuyết đã quy định một giọng điệu riêng của tiểu thuyết đương đại. Giọng điệu hài hước trong tiểu thuyết đương đại có nhiều cấp độ. Có giọng châm biếm nhẹ nhàng nhưng sâu cay (tiểu thuyết Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng), có giọng trào lộng, châm chích (tiểu thuyết Tạ Duy Anh), có giọng tự trào (tiểu thuyết Chu Lai, Lê Lựu), có giọng giễu nhại (tiểu thuyết Hồ Anh Thái, Thuận). Nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc nhờ người kể chuyện “biết đùa”. Giọng điệu trào phúng, hài hước trở thành một giọng chủ, đem lại sắc thái mới mẻ cho văn học nói chung và tiểu thuyết đương đại nói riêng.
Như đã nhận xét ở trên, trong các tác phẩm của mình, Khuất Quang Thụy rất ít khi lên gân, mà ngược lại rất dung dị và nhẹ nhàng, và giọng điệu trào phúng, hài hước tuy không hẳn là giọng điệu chủ đạo trong các tác phẩm của ông nhưng nó lại là một phần không thể không nhắc tới khi nói về giọng điệu trong tiểu thuyết Khuất Quang Thụy. Cái giễu nhại và trào phúng của Khuất Quang Thụy có khi là giọng tự trào, cũng có lúc là giọng trào lộng, châm chích, hay giọng châm biếm sâu cay nhưng tựu chung lại tất cả đều rất nhẹ nhàng, hòa hợp với ngôn ngữ của từng nhân vật; nhưng cũng không kém phần ám ảnh và sâu sắc. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp giọng điệu trào phúng giễu nhại trong những câu chuyện nửa đùa nửa thật của những người lính khi ngồi nói chuyện với nhau, như trong cuộc trao đổi giữa Phước và Tình trong Không phải trò đùa. Cái giọng điệu châm chích thể hiện rõ qua việc Phước vạch ra sự quan liêu của các cơ quan hành chính
[…] – Phước bật cười – Thời đại văn minh là thời đại của những giấy tờ, của những nguyên tắc mà lại. Có một chuyện thật nực cười! Một gia đình vừa có người chết mang giấy báo tử lên cửa hàng xin mua một chiếc quan tài. Ông cửa hàng trưởng xem giấy tờ, rồi trả lời thản nhiên “Hết hàng rồi‟‟. Ông chủ nhà có người chết chỉ đống áo quan xếp chồng chất trong cửa hàng; “thế cái gì đây?” Ông cửa hàng trưởng ái ngại nhìn gia chủ: “Đó là hàng dự trù cho quý sau. Hàng của quý này chúng tôi đã bán hết rồi!”. “Thế ra…ông cụ nhà tôi chết ngoài kế hoạch của các ông à?”. “Đúng thế! Hoàn toàn ngoài kế hoạch…” [….] Thế là anh ta phải lật đật lên huyện để “vay” thêm một “xuất chết” cho bố mình.[29, tr. 204]
Hay ngay trong đoạn Tuấn ngồi trên chiếc xe vào Sài Gòn. Một chiếc xe đặc biệt chở toàn ba lô của những liệt sĩ đã hi sinh tại chiến trường Tây Nam. Bên cạnh những mất mát, chúng ta vẫn thấy đâu đó phảng phất giọng điệu giễu nhại, trào lộng của Tuấn khi ngồi trên thùng xe mà tưởng tượng về chủ nhân của những chiếc ba lô đó. Hình ảnh những liệt sĩ hiện lên chân thực và mang hơi thở và nhịp đập của hiện tại, có gì đó vừa hài hước, vừa hoài nghi: […] Nói chung ba lô của liệt sĩ đều nhẹ, chỉ một tay xách. Có suất hình như chỉ có cái vỏ ba lô và một bộ quần áo, nhẹ thòm thõm. Nhưng cũng có suất hơi đầm tay một chút[…] Có một chiếc ba lô khá nặng, cứ thỉnh thoảng lại nhảy tót xuống đầu Tuấn khiến anh rất khó chịu. Bên trong lại nghe lóc xóc tiếng kim khí nữa. Tò mò Tuấn nắn bóp một hồi và nhận ra một lô những thìa, dĩa, phuốc xét. Có lẽ bằng i nốc cả đây. Cái tay này đến là kỳ quặc. Lại có cả mùi nước nữa, mùi nước hoa trộn với mùi mồ hôi lính, mùi ẩm mốc của vải sợi, mùi khét của thuốc đạn, tạo nên một cái mùi tổng hợp lờm lợm. “Không khéo trong ba lô của cái anh chàng này có cả một đôi xu chiêng phụ nữ cũng nên. Một tay nhặt nhạnh có cỡ và nịnh đầm nữa. Rất có thể vợ anh ta là một cô bán cháo lòng hay bún chả ở một phố phủ phố huyện nào đó. Có trời mà biết bên trong cái ba lô to phình này còn có những gì nữa?” Anh dám
đánh cá một ăn một trăm rằng tay này không phải là lính chiến. Rất có thể là một tay quản lý hay anh nuôi hay một tay trợ lý nào đó của cơ quan trung đoàn. Hằng ngày ngoài những lúc bận công việc nhà binh ra anh ta cũng mất khá nhiều thì giờ để làm cho cái ba lô của mình mỗi ngày một căng! […] Nhưng rồi một quả đạn vu vơ, hay một quả mìn vớ vẩn gài trên đường đến kho đạn…! Thế là chấm hết! Anh ta thì nằm lại vùng biên giới này, còn những thìa, dĩa, và những lọ nước hoa thì đang trên đường trở về.[…]. Trong giấy báo tử của anh ta, người ta vẫn cứ ghi đầy đủ những dòng chữ: “ đã hy sinh dũng cảm trên chiến trường biên giới Tây Nam vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc” kia mà. [29, tr. 240]
Trong cuốn tiểu thuyết Những bước tường lửa được coi là bản anh hùng ca vẫn còn đậm chất sử thi thì cũng đã nhen nhóm cho một sự mở đầu và những đổi mới về giọng điệu trần thuật. Khi nói về anh tiểu đội trưởng Nguyễn Xuân Khoái, về cái gọi là “không gian riêng” thì giọng điệu trần thuật phảng phất sự đả kích châm biếm: “tiểu đội trưởng Khoái thực hiện những cuộc trao đổi mua bán vừa bí mật vừa công khai. Anh ta mua lại với giá rẻ, hoặc trao đổi bằng thuốc lào, thuốc lá (thứ hàng hiếm mà tiểu đội trưởng Khoái lúc nào cũng có sẵn trong ba lô)”, hay chuyện Nguyễn Xuân Khoái hối lộ bác sỹ giám định, làm giả hồ sơ bệnh tật để trốn tránh nhiệm vụ đi chiến đấu giải phóng miền Nam cũng được nhà văn đả kích tới tận cùng. Những câu chuyện về những người lính được tác giả kể lại với giọng điệu hóm hỉnh, vừa hài hước vừa trào lộng. Chỉ riêng việc quân phục của Hướng đã có biết bao nhiêu tiếng cười quanh đó. Hướng vốn bé hạt tiêu, phải gian lận cả chiều cao và cân nặng mới được nhập ngũ nên khi nhận được quân trang là một lần giở khóc giở cười: “Nhưng thảm nhất với cậu ta là khi nhận quân trang. Mặc dù đã được ưu tiên chọn số nhỏ nhất rồi nhưng khi nhìn Hướng khoác bộ quân phục lên người Lân và Côn vẫn không nhịn được cười. Cứ như thằng hình nhân khoác áo tơi ngoài ruộng dưa vậy ”[27, tr. 104]
Hướng làm mất chiếc mũ sắt, và bị chính trị viên giáo huấn với giọng điệu trào phúng và cường điệu: “Đồng chí là một quân nhân vô chính trị bậc nhất… Đồng chí có biết để có chiếc mũ này gửi sang cho đồng chí đánh Mỹ, nhân dân Triều Tiên đã phải tốn bao nhiêu mồ hôi, công sức không? Đồng chí đã phụ lòng giai cấp vô sản toàn thế giới rồi đó”. Chính giọng điệu nhẹ nhàng như chính đời lính chiến trên mặt trận đã góp phần tạo nên sự thành công cho những tác phẩm của Khuất Quang Thụy.
Hay ở những trang viết đầu tiên trong Những bức tường lửa, chúng ta bắt gặp sự thay đổi giọng điệu rất độc đáo, thể hiện được tính cách cũng như những mẫu thuẫn ẩn sâu trong con người Hùng Phong. Ở đây ta thấy có cái giọng tự trào của vị tướng Hùng Phong đầy chua chát: “Cái điều mà ông vừa gọi là “Khốn nạn” phải dùng để chỉ hành vi khác của tôi kia. Đó là việc kết hôn với bà Hoan. Bây giờ thì tôi đã đủ can đảm để nói thật với ông rằng ngày ấy tôi nhận lời mai mối để lấy bà Hòa là vì…có chút choáng ngợp trước oai phong của ông bố vợ tương lai […] Hồi đó tôi tự hào lắm, tôi đã tự nói với mình – Đồng chí Hùng Phong ơi, đồng chí khá lắm! Từ nay đồng chí đã trở thành một nhân vật đáng kính trọng rồi. Con đường thăng tiến của đồng chí đã mở ra thênh thang […] Đồng chí sẽ dễ dàng có một vị trí trong những cơ quan khổng lồ của quân đội ở hậu phương. […] Nhưng cuối cùng thì cũng chẳng đi đến đâu. […] Ngoảnh lại, tôi lại thấy mình trắng tay, ông ạ. Mọi thứ đang tuột dần khỏi bàn tay tôi. Gia đình, vợ con, quyền lực và danh vọng…tất cả đang trôi qua kẽ bàn tay tôi như những hạt cát vậy…” [27, tr. 25-27]. Qua lời Hùng Phong, người đọc có thể hình dung ra một con người thất bại trước cuộc đời, sống cuộc sống vô nghĩa lý. Nhưng cũng ngay trong buổi nói chuyện đó, cũng có những lúc Hùng Phong rất kiêu ngạo khi nói về mối tình với Thanh với cái nhếch mép khiêu khích, rồi thoắt cái lại là một Hùng Phong có cái gì vừa đểu vừa thẳng thắn: “Tôi đâu phải là người quân tử? Tôi cũng […] chỉ là một thằng con trai nhà quê tầm thường thôi. Nhưng hồi đó tôi […]
đã đủ khôn ngoan để vừa làm một người anh hùng, một thần tượng […] vừa làm một thằng đàn ông”. Tiếp đến lại là giọng điệu từng trải khiêm nhường hơn “Năm tháng và sự thăng trầm, được mất ở đời đã giúp tôi hiểu ra nhiều điều […] tôi không đáng mặt là một nam nhi nữa, chứ đừng nói gì đến một trang anh hùng”[27, tr. 25-27]. Đoạn đối thoại mở đầu là một thành công của Khuất Quang Thụy về sự chuyển đổi giọng điệu và ngôn ngữ nhân vật, khi muốn độc giả chú ý tới nhân vật trung tâm của mình.