Ngôn ngữ nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết khuất quang thụy (Trang 53 - 61)

1.1 .Khái lược về nghệ thuật tự sự

2.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

2.1.5. Ngôn ngữ nhân vật

Cùng với ngôn ngữ của người kể chuyện, ngôn ngữ của nhân vật trong tiểu thuyết Khuất Quang Thụy đã góp phần làm nên sức hấp dẫn của các tác phẩm. Nhân vật trong tiểu thuyết của Khuất Quang Thụy không nói nhiều song chỉ bằng bấy nhiêu từ ngữ thôi, ta cũng đủ hiểu được tâm lý, cảm xúc, tính cách của nhân vật. Trong tiểu thuyết của Khuất Quang Thụy, nhân vật hiện ra bằng ngôn ngữ đối thoại, hội thoại và độc thoại. Trong đó, độc thoại nội tâm chiếm một dung lượng và vị trí quan trọng, góp phần bộc lộ tính cách nhân vật một cách đầy đủ, sắc nét nhất.

Có thể nói, đây là loại ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi và có mặt ở hầu hết những sáng tác văn học. Ngôn ngữ đối thoại trong các tiểu thuyết của Khuất Quang Thụy được vận dụng dưới nhiều hình thức như qua những câu chuyện, mâu thuẫn, xung đột và qua đó giúp nhà văn khắc họa rõ nét chân dung, tính cách của từng nhân vật, đặc biệt là nhân vật trung tâm.

Trước hết, ta tìm hiểu ngôn ngữ đối thoại của nhân vật trong tiểu thuyết Khuất Quang Thụy. Như ta vừa khẳng định, nhân vật của Khuất Quang Thụy không nói nhiều, không triết lý, không giáo huấn, không răn dạy. Ngôn ngữ của họ diễn ra rất đời thường, rất thực, đậm đà hơi thở của cuộc sống. Đó không phải là những lời lên gân, hô khẩu hiệu, giàu tính kịch mà ngược lại giản dị, mộc mạc, mang tính khẩu ngữ cao. Đó là những đoạn hội thoại ngắn gọn, của các học sinh nữ lớp 10A còn hết sức vô tư, to nhỏ chuyện bắt gặp Đào và Ban có tình cảm với nhau:

“Thanh từ nãy đến giờ vẫn cắm cúi chép thơ, ngẩng lên nói: -Ê, chúng mày…Tao thấy hai đứa nó hôn nhau rồi đấy! -Điêu?

-Thật không Thanh? Thanh chậm rãi kể

-Thì hôm trước máy bay Mỹ ném bom ngoài thị xã, trường báo động. Tao là đứa nhát nhất nên chui vào tít ngách trong của hầm trú ẩn…Khi báo yên rồi, cả lớp ra hết tao mới lò mò chui ra…Ai ngờ, tao thấy ở ngách bên vẫn còn có người…Nhìn kỹ thì ra chàng và nàng đang ôm ghì lấy nhau…Thế này này!

Thanh nói rồi choàng tay ôm lấy Gấm khiến cô này ré lên -Khiếp…Kể thì cứ kể…Lại còn phải minh họa!”[27, tr. 40]

Hay ngôn ngữ đối thoại tình cảm giữa Cung với vợ và con giống như những câu chuyện xung quanh mâm cơm tối của biết bao gia đình Việt thời bấy giờ:

“Mợ Cung vừa từ trong bếp ra nghe thấy cậu Cung nói vậy liền cười khúc khích

-Bố nó lên mặt trăng mà ở với chú cuội thì hợp cảnh đấy! Con bé Cún vội buông đũa chạy lại ôm cổ bố

-Bố…! Con có được lên chơi trên ông giăng không hả bố! Cậu Cung xoa đầu con

-Sao lại không? Con chó Lai Ka của Liên Xô nó còn lên được nữa là con gái yêu của bố, nhể!”[27, tr. 523]

Phá vỡ tính chuẩn mực của ngôn từ đối thoại truyền thống, đối thoại trong tiểu thuyết Khuất Quang Thụy tự do và mang cá tính nhân vật. Trước hết là ngôn ngữ của nhân vật người lính trong công việc, đó là những mệnh lệnh chỉ huy ngắn gọn, đanh thép, đó là các cuộc đối thoại chóng vánh nhưng đầy đủ, mang tác phong quân sự, ngôn ngữ tác chiến nơi chiến trường. Chiến tranh là tàn phá, hủy diệt, mất mát, đau thương, Khuất Quang Thụy không né tránh sự thật đó. Hình ảnh người lính trên chiến trường hiện lên rõ nét trong những cuộc tập kích, những trận bom càn, những phút bình yên giữa hai trận đánh. Và ngôn ngữ của những người lính cũng được Khuất Quang Thụy khắc họa chân thực và rõ nét. Đó là mệnh lệnh của sư trưởng Lê Nguyên trong

Không phải trò đùa: "Trung đoàn bộ binh I tăng cường một tiểu đoàn xe tăng, có nhiệm vụ nhanh chóng vượt qua biên giới, tiến đến khu vực có tọa độ X/Y giải vây cho một đơn vị..." [29, tr. 540]. Đó là ngôn ngữ mang đậm chất lính, ngắn gọn, là ngôn ngữ tác chiến trong mỗi trận đánh trong Những bức tường lửa: “Hùng Phong do dự giây lát rồi cũng khoát tay ra lệnh cho anh em “Rút thôi!”

Họ vừa lui được vào khu rừng rậm thì súng cối, súng phóng lựu đạn của địch bắt đầu bắn theo ầm ầm

Đại đội phó ra lệnh. Hùng Phong tranh thủ lúc nằm tránh đạn để kiểm quân. Không thấy Nguyễn Đình Hướng đâu. Anh quay sang phía đại đội phó hét lên:

-Thằng Hướng bị rồi. Tôi phải quay lại tìm nó Nói rồi anh bật dậy chạy quay trở lại

-Cẩn thận đấy!

Đại đội phó dặn với theo”. [27, tr. 298]

Như đoạn đối thoại sau đây giữa nhân vật Hướng và Cung trong Những bức tường lửa sau khi chuyện “cái mũ sắt Triều Tiên” của Hướng được giải nguy: - Cậu lấy mũ của ai mang lên để giải nguy cho tôi đấy?

-Mũ của cậu chứ còn của ai?

-Của tôi á?-Hướng ngạc nhiên hỏi lại-Tôi đã vứt cha nó ở đâu đó quanh cái chợ huyện nhà mình rồi còn đâu.

-Tiên sư ông - cậu Cung chửi-Tôi phải mất một lạng thuốc lào hảo hạng để đổi cho thằng Nhượng bên bếp tiểu đoàn đấy. Từ giờ thì nó thực sự là của ông, liệu mà giữ lấy kẻo mất gáo với ông Báo đấy chứ chả chơi” [27, tr. 152] Hay ngôn ngữ của một người vợ nói với chồng qua điện thoại trong Không phải trò đùa: "Thôi đi ông tướng! Em không nghe những lời động viên của anh đâu. Cái gì thế? Pháo nó bắn vào chỗ các anh đấy à? Dù sao... anh cũng phải thận trọng nhé. Đừng có biến em thành gái góa đấy". [28, tr. 129]. Người đọc có cảm giác như chiến tranh tuy khốc liệt nhưng nó cũng thật gần gũi và con người ta sẵn sàng chấp nhận nó khi được chứng kiến những đoạn hội thoại trên của những người lính giữa lúc chiến tranh khốc liệt. Khuất Quang Thụy còn đưa ngôn ngữ địa phương vào ngôn ngữ đối thoại giữa những người lính bộ đội chủ lực với các cô gái giao liên, hoặc dân quân du kích địa phương một cách tự nhiên, gần gũi. Đó là những đoạn đối thoại giữa Côn và đồng đội với Lài và Sáu, thể hiện được tình cảm quân dân gắn bó, chung một mục tiêu đánh giặc Mỹ cứu nước cứu nhà: “Chị Sáu lắc đầu cười:

-Coi bộ eng tề!...Răng mà cuống lên rứa? Máu thằng Mỹ đó chớ đâu phải máu tui! Để tui thở miếng đó nghen…mình hãy nằm yên đây để tụi trực thăng quần một lúc cho đã rồi đi.

Lài chỉ xuống phía bãi trống:

-Liệu tụi nó có thấy thằng nớ không ha?

-Bộ đui sao không thấy? – Chị Sáu cười – Nhưng tụi nó còn hăm he chán rồi mới đỡ xuống lấy người. Tụi nó cũng sợ mình giăng bẫy chớ bộ!

Rồi chị quay nhìn sang thằng tù binh Mỹ đang nằm sấp mặt trên mặt đất

-Thằng ni coi bộ cũng được chớ…Không bỏ đồng đội lại để chạy lấy mạng là khá rồi héng? Ủa, mà hình như nó cũng bị thương nè. Để tui coi lại xem…Nó mà hỏng bộ giò là mấy eng mệt lắm đó!” [27, tr. 579]. Giọng nói đậm chất nắng gió miền Trung được Khuất Quang Thụy đưa vào làm cho hình ảnh chị Sáu và Lài trở nên duyên dáng và dễ thương một cách khỏe khoắn và mạnh mẽ đầy ấn tượng.

Hòa bình lập lại, chiến tranh đã lùi vào quá vãng mấy chục năm, độ lùi thời gian đủ để chúng ta thoát khỏi vùng hào quang chói lọi của chiến thắng, bình tĩnh, nhìn nhận lại mọi thứ khách quan hơn. Giờ đây các tiểu thuyết gia có thể nói thẳng, nói thật về những điều “cấm kị” trong chiến tranh như những tổn thương, hy sinh, số phận, bi kịch, và khao khát hạnh phúc của người cầm súng. Những từ thông tục xuất hiện trong ngôn ngữ đối thoại có xu hướng ngày càng nhiều và tự nhiên: trong các cuộc đối thoại, nói chuyện của các nhân vật. Ngay ở những trang đầu tiên của Không phải trò đùa, chúng ta đã bắt gặp ngôn ngữ đối thoại của Tuấn và một người lính trong lúc xếp hàng mua vé tàu đượm chất thông tục, mang hơi thở của cuộc sống, gần gũi với những gì đang diễn ra ngoài cuộc sống: “Mẹ kiếp, đéo có vé ông cũng lên được tàu! Sợ gì thằng nào?” hay một câu khác “Câm mồm! Mày bảo ai là thằng thộn?” Hay ngôn ngữ đậm chất lính: “Này chiến hữu. Ta có thể làm

việc với nhau được đấy. Đằng ấy để lại vé cho tớ đi, rồi ra trạm mà bám tàu quân sự. Tớ sẽ trả hậu. Đước chứ chiến hữu?”

Trong Góc tăm tối cuối cùng, ở đầu tác phẩm ta đã thấy ông Dần nói chuyện với một ông bạn - ông chủ xe bò với ngôn ngữ thông tục và có cả những phương ngữ khá là đặc trưng:

-Bác Dần đấy hở? - Ông chủ chiếc xe bò lên tiếng trước -Ừm…

-Rét quá nhẩy?

-Lên đây làm một “quẳn” cho ấm bụng. Cha cha… công với chả việc. Bác cứ mặc mẹ chúng nó, có phải?

[…]

- Thế thì ông vứt mẹ nó cái đôi thùng thổ tả kia đi rồi mà đi làm việc khác – ông Thoảng sẵng giọng – Cùng lắm thì ông đi theo tôi, tôi cũng thể bao ông được. Tội gì ông cứ phải bám lấy cái bệnh viện ấy?

- Nhưng..Tôi chả làm những ấy thì ai làm?

-Cứ vứt mẹ nó đấy, rồi khắc có người làm. Công với chả việc! Ghê bỏ mẹ! Có hôm ông còn ngủ ở cả nhà xác nữa đúng không?

[…]

Sự thành công trong tiểu thuyết của Khuất Quang Thụy toát lên từ tính chân thật, sống động bao quát, và chính ngôn ngữ của các nhân vật cũng góp phần không nhỏ làm nên thành công đó.

2.1.5.2. Ngôn ngữ độc thoại

Cùng với ngôn ngữ đối thoại của nhân vật, ngôn ngữ độc thoại, trong đó có độc thoại nội tâm, là một phương tiện nghệ thuật hữu hiệu mà tác giả sử dụng khi khắc họa nhân vật. Những đoạn độc thoại xuất hiện không nhiều nhưng có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó góp phần bộc lộ thế giới nội tâm, những cảm xúc, suy nghĩ, trăn trở của nhân vật trước những thăng trầm, vấp váp trong cuộc đời, trước những sự việc, những vấn đề gặp phải trong

cuộc sống, để từ đó, người đọc hiểu rõ hơn chân dung của nhân vật, hiểu hơn những nội dung tư tưởng mà nhà văn muốn gửi gắm.

Dòng nội tâm của các nhân vật còn được thể hiện bằng những ngôn từ giàu hình tượng, đồng thời cũng có những dòng độc thoại nội tâm diễn đạt bằng ngôn ngữ rất đỗi nhẹ nhàng và duyên dáng. Lối diễn đạt này làm cho dòng nội tâm của nhân vật diễn ra tự nhiên hơn, không câu nệ vào ngôn từ hay cách diễn đạt của tác giả.

Ngay đầu tiểu thuyết Những bức tường lửa, giáo sư Lân đã miên man với dòng suy nghĩ, xen giữa những suy tư đứt đoạn đó, ông lại độc thoại với chính mình: “Một thời đại văn minh thì giết người cũng phải thật văn minh... Cái món salat trong thực đơn của một cuộc chiến tranh văn minh kể cũng đắt quá chừng” [27, tr. 8]. Thế rồi, trong khi ghi nhật ký vào cuốn sổ do Thanh tặng, Lân đã độc thoại rất nhiều, về sự hi sinh, mất mát to lớn của nhân dân ta và sự phi lý của chiến tranh. Đó là về một đoạn suối nơi thượng nguồn của sông Bến Hải: “Vậy mà cái dòng suối nhỏ ấy lại là nơi chia cắt Bắc-Nam thì còn vô lý hơn? Tiếc rằng mình không biết làm thơ, nếu có đôi chút năng khiếu thi ca hẳn rằng mình có thể viết được một bài về cái đêm qua sông Bến Hải này rồi” [27, tr. 216]. Hay như trong cuốn sách của thiếu tướng Phạm Xuân Ban, khi nhắc đến trường hợp hy sinh của Nguyễn Đình Hướng, ông đã suy nghĩ trước những thi thể của những tên lính Mỹ: “Cả hai thằng Mỹ vẫn còn mở trừng trừng những đôi mắt xanh, xám ngoét. Trên gương mặt chúng là những thớ thịt méo mó, đông cứng lại, hằn rõ dấu vết của sự bàng hoàng khiếp đảm và u uất vì không lý giải được, vì sao cái chết lại đến với chúng đột ngột và khủng khiếp đến thế” [27, tr. 149]. Hay đoạn độc thoại nội tâm của chính trị viên Lương Xuân Báo khi nghĩ về người mẹ của mình, về nỗi niềm mà mình chưa thỏa nguyện ước của mẹ: “Thế là cuối cùng mẹ anh đã ra đi mà không được toại nguyện, cụ chưa được nhìn người con trai duy nhất của mình thành gia lập thất trước khi về thế giới bên kia với cha nó. Anh cũng không

được gặp mẹ lần cuối, không được thực hiện nghĩa vụ của một hiếu tử là đưa mẹ về nơi an nghỉ cuối cùng. Vào đúng những ngày anh sắp sửa cùng đơn vị lên đường vào chiến trường miền Nam thì nhận được tin mẹ đột ngột qua đời. […] Khi đưa anh ra thăm mộ mẹ, em gái anh đã khóc than kể lể bao điều, mỗi lời đều là những mũi kim châm thẳng vào gan ruột, vào trái tim anh. Mẹ anh đã ra đi mà không được thanh thản khi biết đứa con trai duy nhất của người vẫn chưa có nơi có chốn”. [27, tr. 523]

Đưa vào tác phẩm lối nói dung dị, sử dụng ngôn ngữ đời thường, nhà văn đã cố gắng rút ngắn khoảng cách giữa tác phẩm và độc giả. Tiếp xúc tác phẩm của Khuất Quang Thụy chúng ta nhận thấy rõ ràng là tác giả đã có những sự rút gần khoảng cách người kể chuyện và nhân vật, tác giả và bạn đọc. Với lối nói kiểu đời thường này, đã góp phần tái hiện chân thực bức tranh của đời sống với một gam màu lạ, thể hiện được sự đa dạng và sống động của cuộc sống.Từ những trăn trở suy tư của người lính về cuộc chiến tranh luôn xuất hiện thường trực trong các câu hỏi tự vấn bản thân. Đó gần như là sự khó hiểu, không thể cắt nghĩa nổi về chiến tranh, về những đau thương mất mát. Trong Không phải trò đùa, cuốn nhật ký của liệt sĩ Chiến vừa hy sinh mà Tuấn đọc được có những dòng như thế này: "Tôi đã được biết về nền văn minh Ăngco. Tôi cũng đã được các cô gái Khơme buộc chỉ cầu phước vào cổ tay và được cùng họ múa lăm vông, được ăn những bữa cơm chay của những nhà sư Khơme... chẳng lẽ, chính dân tộc này lại có thể sinh ra bọn diệt chủng" [29, tr. 217]. Đến sự ngỡ ngàng về những sự thật vừa nhận ra về cuộc chiến tranh về chính bản thân mình, Chiến đã phải thốt lên: "Ôi! Xương người! Xương trắng cả một khu rừng. Cái ác đang ngự trị trên đất này. Có "mất lập trường" không nếu tôi nói rằng tôi thương xót dân tộc này, đất nước này không kém gì xót thương cho dân tộc tôi, đất nước tôi đã từng bị chiến tranh giày xéo mấy chục năm trời" [29, tr. 218]. Rồi khi thấy câu "Tôi không thể" trong nhật ký của Chiến thì Tuấn bị ám ảnh, anh suy ngẫm đầy

triết lý: "Một câu thật vu vơ nhưng quả là có sức ám ảnh. Thảo nào Chiến đã mất ngủ vì nó hàng tháng trời. Cuộc đời mỗi người có biết bao nhiêu cái "không thể". Đúng thế! Cái hữu hạn luôn sừng sững trước chúng ta" [29, tr. 275]. Hay trong Những bức tường lửa, Côn đã nhận ra cái khốc liệt của chiến tranh và số phận của những con người mà chiến tranh buộc họ phải cầm súng: “Trước ánh sáng ban ngày, quang cảnh trông lại càng tan hoang hơn. Trong mấy ngày đêm vừa qua, anh đã từng đi qua hàng chục ngôi làng như vậy. Những ngôi làng không còn là làng, không một mái nhà tranh còn sót, không có tiếng trẻ con, không có tiếng gà gáy và không một làn khói bếp. Những ngôi làng chỉ có cỏ dại và hố bom. Chiến tranh thật ghê tởm. Con người đang bị đẩy tới bên bờ vực của sự tổn vong. Họ đã buộc phải cầm lấy vũ khí”[27, tr. 549].

Ngôn ngữ độc thoại là một phần quan trọng của tác phẩm văn chương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết khuất quang thụy (Trang 53 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)