5. Bố cục đề tài:
2.3. Quan hệ Mỹ-Ấn Độ trên các lĩnh vực khác
2.3.3 Hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân dân sự
Những ảnh hưởng tại Nam Á, quan hệ mang tính chiến lược với Pakistan và xung đột lãnh thổ chưa được giải quyết đã khiến cho Trung Quốc trở thành nhân tố đe dọa đến an ninh cũng như con đường trở thành một cường quốc tầm vóc vượt ra ngoài khu vực của Ấn Độ. Vì vậy, tìm kiếm một mối quan hệ
gắn bó hơn với Mỹ để kiềm chế Trung Quốc và Pakistan chính là một mục tiêu trong chính sách của Ấn Độ.
Ấn Độ với những thành tích phát triển vượt bậc thập niên 1990 và đầu thế kỷ 21 không ngừng mong muốn vươn tới vị thế của một cường quốc toàn cầu. Trong bối cảnh đó, hướng tới Mỹ là một phương cách thực dụng để Ấn Độ có thể tăng cường tiếng nói và ảnh hưởng của mình, đặc biệt khi Ấn Độ tìm thấy nhiều lợi ích chung trong việc sát cánh cùng với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.
Ngoài ra, để phát triển năng lực hạt nhân của mình, con đường duy nhất mà Ấn Độ có thể tìm ra để tiếp cận với thị trường hạt nhân thế giới là thông qua Mỹ. Hiện tại, năng lượng hạt nhân chỉ chiếm 2-3 % trong tổng sản lượng điện của Ấn Độ. Vì vậy, để phát triển điện hạt nhân phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, Ấn Độ không chỉ cần có nguyên liệu để sản xuất mà còn cần đến các công nghệ mới. Hơn nữa, kho dự trữ uranium hiện nay của Ấn Độ đang phải cung cấp cho cả chương trình hạt nhân dân sự và quân sự của Ấn Độ. Rõ ràng là Ấn Độ không ý định từ bỏ việc phát triển vũ khí hạt nhân của mình, vì vậy, nhập khẩu nguyên liệu hạt nhân từ nước ngoài là lựa chọn duy nhất của Ấn Độ để Ấn Độ có thể tiếp tục chương trình hạt nhân chiến lược của mình đồng thời tăng cường năng lực điện nguyên tử của đất nước. Và Mỹ với tiếng nói quyết định trong các cơ chế kiểm soát hạt nhân toàn cầu chính là chìa khóa để Ấn Độ có thể phá vỡ vòng cấm vận suốt 3 thập kỷ kể từ khi Ấn Độ tiến hành vụ nổ hạt nhân đầu tiên vào 1974, cũng là đáp án cho bài toán năng lượng của cường quốc kinh tế đang lên tại Nam Á này.
Như vậy, có thể thấy ngay từ khi vũ khí hạt nhân ra đời, phổ biến hạt nhân đã trở thành vấn đề an ninh quan trọng đối với cộng đồng quốc tế. Song song với đó, việc phát triển năng lượng hạt nhân cũng thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của giới lãnh đạo các nước, đặc biệt là trong bối cảnh các nguồn
năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt, nhu cầu năng lượng của thế giới tăng cao. Vấn đề hạt nhân với tính hai mặt của nó đòi hỏi sự hợp tác quốc tế chặt chẽ để đảm bảo an ninh hạt nhân cũng như an ninh năng lượng cho thế giới. Từ thập niên 1980, hợp tác phát triển năng lượng hạt nhân trên thế giới đã gia tăng mạnh mẽ, các dự án hợp tác quốc tế này phải đảm bảo các quy định ngày càng chặt chẽ hơn của Hiệp ước phổ biến hạt nhân (NPT) cũng như Nhóm cung cấp hạt nhân (NSG) về an toàn hạt nhân, để đảm bảo không có sự rò rỉ hạt nhân gây nguy hiểm cho tính mạng con người cũng như lọt vào tay các nhóm vũ trang cực đoan. Hơp tác hạt nhân dân sự Mỹ-Ấn Độ cũng nằm trong xu thế chung đó.
Hợp tác hạt nhân dân sự bao gồm các hoạt động, từ phân phối nguyên liệu hạt nhân đặc biệt, nguồn nguyên liệu cho đến việc cấp phép hoạt động hợp tác vì mục đích thương mại, y tế, công nghiệp. Mỹ và Ấn Độ đã từng có hợp tác hạt nhân dân sự, tuy nhiên, quá trình hợp tác đã bị dừng khi Mỹ phát hiện Ấn Độ có dùng chương trình hạt nhân của mình để phát triển vũ khí hạt nhân. Ấn Độ đã tiếp tục chương trình vũ khí hạt nhân vào năm 1998 đã chính thức sở hữu vũ khí hạt nhân. Điều này thúc đẩy Mỹ xem xét lại chính sách hạt nhân của mình với Ấn Độ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là một nhân tố khiến Mỹ muốn tìm kiếm một đồng minh tương xứng để làm đối trọng, và Ấn Độ vốn cũng đang lo ngại trước một Trung Quốc lớn mạnh là một lựa chọn tốt cho Mỹ. Hơn thế nữa, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ đòi hỏi phải có sự hiệu quả của các nước lớn, những nước có nền chính trị ổn định như Ấn Độ. Cuối cùng, thúc đẩy hợp tác hạt nhân với Ấn Độ sẽ tạo cơ hội cho các công ty của Mỹ tiếp cận thị trường đầy tiềm năng này.
Về phía mình Ấn Độ cũng rất mong muốn thông qua hiệp định hạt nhân để xích lại gần Mỹ, tạo cân bằng lực lượng với Trung Quốc tại khu vực. Ngoài ra, nhu cầu năng lượng của nền kinh tế kết hợp với nhưng khó khăn của
chương trình hạt nhân quân sự buộc Ấn Độ phải tìm cách gỡ bỏ cấm vận hạt nhân quốc tế, và Mỹ chính là chìa khóa cho vấn đề này.
Từ năm 2001, chính quyền Bush bắt đầu các động thái thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ. Các quan chức Ấn Độ xác định nhu cầu năng lượng gia tăng là một điểm chính để thúc đẩy quan hệ hợp tác, đặt biệt là hợp tác trong lãnh vực hạt nhân. Để đi đến nhất trí về văn bản hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự như được công bố ngày 3/8/2007, hai nước Mỹ và Ấn Độ đã vượt qua rất niều trở ngại trong nội bộ cũng như với cộng đồng quốc tế. Hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự Mỹ Ấn Độ đã được kí kết vào 10/10/2008 đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ giữa hai nước. Đây là một hiệp định được xây dựng trên cơ sở nhận thức về những lợi ích chung cũng như những bước tiến về lòng tin trong suốt hơn một thập kỉ sau chiến tranh lạnh. Hiệp định này cũng được thúc đẩy từ những thay đổi trong tương quan về sức mạnh tại Nam Á và từ những đòi hỏi hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố. Hiệp định này chính là sự thừa nhận chính thức vị thế cường quốc hạt nhân của Ấn Độ cũng là sự chấm dứt cô lập hạt nhân mà Mỹ thực thi suốt 30 năm để khống chế năng lực quân sự hạt nhân của Ấn Độ.
Hiệp định đã làm thay đổi tính chất mối song phương Mỹ-Ấn Độ. Ấn Độ từ chỗ là quốc gia mục tiêu của các nỗ lực chống phổ biến của Mỹ đã trở thành “ đồng minh tự nhiên” hỗ trợ cho Mỹ trong các nỗ lực này. Hiệp định cũng tăng cường mối quan hệ đối tác toàn diện cho hai nước, tạo nền tảng cho sự phát triển quan hệ chính trị quân sự và kinh tế. Theo giới quan sát, thỏa thuận trên đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ đối với Ấn Độ, quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, và nêu bật mối quan hệ đối tác chiến lược không chỉ trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân, mà cả về thương mại, hợp tác quốc phòng cũng như các lĩnh vực khác.
Trong thời kỳ Tổng thống Obama, Hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự Mỹ- Ấn đã có bước tiến khi Tổng thống Obama khẳng định Ấn Độ đã chính thức cho phép các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của Liên hợp quốc tiếp cận các lò phản ứng hạt nhân dân sự nước mình. Để hiệp định hạt nhân dân sự có hiệu lực, Mỹ và Ấn Độ cần hoàn tất thỏa thuận về tái chế nhiên liệu hạt nhân. Vào ngày 30/7/2010, thỏa thuận về tái chế nhiên liệu hạt nhân đã được ký kết [75,tr.81].
Bên cạnh đó, vào ngày 27/10/2010, Ấn Độ còn ký vào Thỏa ước đền bù thiệt hại hạt nhân (CSC). Thỏa ước này đến nay vẫn chưa có hiệu lực. Năm 2008, Bộ ngoại giao Mỹ đã xem quyết định trở thành “một thành viên” của thỏa nước này của Ấn Độ là “một bước quan trọng trong việc bảo đảm các cơ sở hạt nhân của Mỹ có thể cạnh tranh công bằng với các đối thủ quốc tế khác” bởi vì rất nhiều cơ sở hạt nhân của các quốc gia khác có “sự bảo vệ trách nhiệm từ chính phủ của họ”[82,tr.3].
Shrikumar Banerjee, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng nguyên tử, phát biểu vào ngày 16/9/2010 rằng, Trách nhiệm dân sự cho Dự thảo thiệt hại hạt nhân của Ấn Độ, đã được hai viện thông qua vào tháng 8/2010 phù hợp với CSC. Tuy nhiên nhiều nhà quan sát lại không đồng ý với tuyên bó đó, đã chỉ ra rằng những điều khoản trong Dự thảo khiến cho các nhà sản xuất lò phản ứng cũng như những người điều chế hạt nhân lãnh lấy trách nhiệm cho những thiệt hại gây ra bởi các tai nạn hạt nhân. Giới quan chức Mỹ cho rằng luật của Ấn Độ cần phải phù hợp với CSC.
Mặc dù Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ mô tả việc Ấn Độ ký kết vào CSC như là “một bước tiến tích cực” nhưng ông cũng chỉ ra rằng Ấn Độ cần phải tích cực hơn để giải quyết mối bận tâm của Mỹ về các chính sách trách nhiệm của Ấn Độ. Trong ngày 19/7/2011, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố trước hội nghị báo chí rằng Mỹ muốn Ấn Độ phê chuẩn CSC vào cuối năm
2011 cũng như thông qua chế độ điều tiết trách nhiệm mà nó “hoàn toàn phù hợp với các yêu cầu quốc tế” thông qua CSC. Ngay sau đó, ngày 29/7/2011, Ngoại trưởng Ấn Độ đã nói rằng Ấn Độ sẽ phê chuẩn CSC trước cuối năm 2011.