5. Cấu trúc luận văn
2.1 Tục ngữ đúc kết tri thức và kinh nghiệm sống, phản ánh những mối quan
2.1.1 Mối quan hệ với thiên nhiên
Trong cuộc sống hiện đại, dù có nhiều phương tiện kĩ thuật tiên tiến và trình độ khoa học phát triển nhưng người Việt vẫn kế thừa, phát huy những kinh nghiệm ứng xử với thiên nhiên đã được đúc kết ở tục ngữ cổ truyền của cha ông để đem lại hiệu quả cao cho sản xuất và cuộc sống. Họ nắm bắt những quy luật của tự nhiên đã được tổng kết từ ngàn đời và từ đó có trong tay chiếc chìa khoá để mở cửa mùa màng, sản xuất. Ngày nay những tri thức ấy vẫn luôn có giá trị. Mặc dù xã hội hiện đại đã có khoa học dự báo thời tiết, khí hậu nhưng người làm nông nghiệp vẫn vận dụng những cảm quan về thời tiết trong công việc đồng áng. Tri thức tục ngữ dân gian phản ánh tư duy của con người thời xưa một cách khá toàn diện. Trong quá trình lao động, trí tuệ của con người mở mang, phát triển, nhận thức của con người được nâng cao, đó là cơ sở có tính chất tiền đề cho sự ra đời của tri thức dân gian trong tục ngữ đặc biệt là ở lĩnh vực nông nghiệp. Bởi đây là lĩnh vực mà mối quan hệ với thiên nhiên của con người được thể hiện một cách trực tiếp và rõ nét nhất. Thế giới tự nhiên mà con người quan tâm trong tục ngữ chủ yếu là các hiện tượng thời tiết như mưa, nắng, gió, mây, sấm, chớp, thuỷ triều… Ở thời kì trước, khi điều kiện khoa học tự nhiên chưa phát triển, tri thức dân gian trong tục ngữ đã có mặt và góp phần tích cực vào công cuộc sản xuất nông nghiệp của người Việt. Tri thức tục ngữ đã giúp người bình dân nghiên cứu, xem xét các hiện tượng tự nhiên và đặt ra mối tương quan, ảnh hưởng của thời tiết đối với đất đai, cây trồng. Với sự kiên trì quan sát, bằng khối óc tinh nhạy , thông minh, người bình dân đã có được những nhận xét tinh tế, mang tính chất kinh nghiệm để ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp ở mọi thời đại. Nét khác biệt và đổi mới là ở chỗ những câu tục ngữ cổ thể hiện sự nhận thức, tổng kết của con người về quy luật của giới tự nhiên để tìm cách ứng phó với nó và mang tính chất thụ động. Còn người thời nay bên cạnh việc kế thừa những tri thức trong tục ngữ cổ để ứng phó với tự nhiên họ còn
thể hiện rõ sự chủ động trong việc cải tạo và chinh phục tự nhiên như “Tranh thủ trời nắng, chiến thắng trời mưa, gặt trưa đập tối”. Những người nông dân thời nay
không chỉ “Trông trời, trông đất, trông mây” một cách thụ động mà ý thức rõ sự
tích cực can thiệp tự nhiên để làm nên những vụ mùa bội thu “Nghiêng đồng đổ
nước ra sông”, "Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa", “Ba thanh, bốn sạch, thu hoạch vụ mùa”, “Nước đại thuỷ nông là rồng phun bạc”, “Nước đại thuỷ nông nhanh hơn dân công tên lửa” “Lúa sáu tấn hai, lợn lai kinh tế”. Những bài học về khai thác đặc điểm của tự nhiên vẫn được những người nông dân ngày nay đúc kết
từ thực tiễn lao động sản xuất nông nghiệp “Làm đất kĩ thâm canh, làm đất nhanh
thời vụ” hay “Cấy thưa thừa đất, cấy dày thóc chất đầy kho”. Tục ngữ cổ truyền có câu “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”
thì tục ngữ nay nhấn mạnh thêm “Lúa cần phân như dân cần thóc”.
Do kinh tế phát triển đa nghành, ngoài nông nghiệp còn có công nghiệp vì vậy nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng khai thác nhiều hơn. Tự nhiên bị xâm hại và chính con người đã nhận ra việc can thiệp tự nhiên một cách bừa bãi là hủy diệt môi trường sống của chính mình. Chính vì vậy cần phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh ý thức bảo vệ môi trường “Dùng mìn đánh cá là má huỷ diệt tài nguyên” “Trên đồng cạn dưới đồng sâu/ Thuỷ điện xả lũ đâu đâu cũng tràn”, “Chặt phá cây xanh là anh của bão bùng hạn hán”… Dù khoa học kĩ thuật phát triển với nhiều sáng chế nhưng con người vẫn phải gắn bó với tự nhiên và họ hiểu rằng tự nhiên cần phải khai thác hợp lí, đừng để thiên nhiên nổi giận. Những câu tục ngữ này đã phát huy vai trò trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân. Trong xã hội hiện đại những tri thức về mối quan hệ của con người với thiên nhiên dù ít hay nhiều vẫn có sự hỗ trợ cho sản xuất và cuộc sống của người Việt, Nhìn chung ở thời hiện đại số lượng câu tục ngữ phản ánh mối quan hệ của con người với tự nhiên không nhiều. Có lẽ vấn đề này không còn dành được sự quan tâm của người dân như trước vì lúc này khoa học kĩ thuật đã phát triển và bản thân những tri thức về tự nhiên đã được khái quát rất phong phú và đa dạng ở tục ngữ cổ truyền để những thế hệ sau thoả sức khai thác.