Xu hướng xem nhẹ bản sắc văn hóa dân tộc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN ở việt nam hiện nay (Trang 77 - 80)

B. NỘI DUNG

2.3. Vấn đề đặt ra trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa

2.3.1. Xu hướng xem nhẹ bản sắc văn hóa dân tộc

Trong những năm qua, nền kinh tế thị trường nước ta phát triển đa dạng phong phú và năng động hơn. Mức sống người dân được nâng cao rõ rệt. Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế mang đến cho người dân quá nhiều nhân tố văn hóa mới từ phương Tây, từ đó tạo ra những biến đổi lớn, thậm chí là thái quá trong nhận thức về bản sắc văn hóa dân tộc.

Từ đại hội lần thứ VI, Đảng ta đã nhận định rằng, trong xã hội ta đang diễn ra cuộc đấu tranh giữa hai xu hướng: một là, coi trọng bản sắc văn hóa dân tộc; hai là xu hướng coi thường bản sắc văn hóa dân tộc, thậm chí phủ nhận truyền thống của dân tộc, đồng thời đề cao quá mức “hiện đại”.

Thực tế là, một bộ phận người Việt Nam đang sao nhãng, xem nhẹ những nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc như coi trọng tình nghĩa, quan hệ cộng đồng, tinh thần hiếu học, cần cù, chịu thương chịu khó… Cùng với đó, nhiều người đã bị choáng ngợp trước cái gọi là văn minh phương Tây do quốc tế hóa mang lại. Với họ, mọi bản sắc văn hóa từ nước ngoài du nhập vào được coi là biểu hiện của tính ưu việt, của trình độ văn minh hiện đại. Tất cả những gì thuộc về truyền thống dân tộc đều là nguyên nhân của tình trạng lạc hậu, kém cỏi hiện thời. Họ coi thường nét bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống, đề cao lối sống vị kỷ, thực dụng, cá nhân chủ nghĩa, sùng ngoại, thậm chí bất chấp đạo lý, nghĩa tình. Một bộ phận thanh niên có những biểu hiện xa rời lý tưởng xã hội chủ nghĩa, quay lưng lại với những giá trị chân - thiện - mỹ của dân tộc. Họ sùng ngoại, phục ngoại một cách thái quá, trượt dần theo lối sống thực dụng, sống gấp, buông thả, coi tiền là trên hết, bất chấp sự giáo dục của gia đình và xã hội mà họ đang sống. Hậu quả dẫn đến hàng loạt các vụ phạm tội và các tội phạm từ người lớn đến trẻ vị thành niên, từ một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đến người dân.

Điều đáng trách ở đây là trong khi mải mê đi tìm cái mới lạ ở những miền văn hóa xa xôi thì người ta lại quên rằng còn rất nhiều những giá trị lớn lao, độc đáo thuộc về bản sắc văn hóa dân tộc mà ta còn chưa giữ gìn và chưa biết phát huy đúng, phát huy đầy đủ. Thực tế đau lòng là trong khi một số coi thường bản sắc văn hóa dân tộc - là cũ rích, lỗi thời, thì lại có nhiều người ở nước khác đến nghiên cứu tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc ta. Đó là biểu hiện căn bản của nghịch lý “dân ta lại không biết sử ta” - sự yếu kém trong hiểu biết hàng ngày cũng như trong các cuộc thi cử của đa phần lớp trẻ hiện nay. Chúng xuất hiện tư tưởng phủ nhận vai trò của các giá trị thuộc về bản sắc văn hóa dân tộc, muốn thay vào đó một hệ giá trị hoàn toàn mới. Hiện tại,

không thích nghe các bản nhạc dân tộc, không thích xem các vở kịch truyền thống, không thích xem phim trong nước hay mặc những trang phục truyền thống. Họ chuộng nghe nhạc ngoại, phim ngoại và sính những trang phục ngoại. Không ít thanh niên sống theo kiểu hưởng thụ, sống gấp, không muốn cống hiến, lao động nhưng lại luôn đòi hỏi phải có nhiều tiền để tiêu xài. Giữa bản sắc văn hóa dân tộc và hiện đại đã bộc lộ một số xu hướng tự phát mang tính cực đoan. Gần đây, những giá trị nhân văn tốt đẹp của dân tộc được nhìn với một lăng kính lệch lạc. Còn đâu bản sắc một thời của những áng thơ văn hay đầy tính nhân văn, nghệ thuật như Truyện Kiều,… khi mà xuất hiện những “Sát thủ đầu mưng mủ”, những “Bóng đè”… biểu hiện của sự “bứt phá” thô thiển. Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng khóa VIII đã đánh giá: “Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường giá trị văn hóa dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân, vị kỷ… đang có ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Không ít trường hợp vì tiền hay vì danh dự cá nhân mà chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp. Buôn lậu và ma túy phát triển, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác ngày càng gia tăng”. Đây chính là điểm yếu trong bộ phận không nhỏ người dân nước ta và cũng là chỗ mà các thế lực thù địch âm mưu thực hiện cuộc “xâm thực văn hóa” nhằm ý đồ làm cho người dân ở các nước đang phát triển quên đi văn hóa dân tộc, quên đi cội nguồn dân tộc. Họ không biết rằng, chính các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc này đã làm nên sức mạnh dân tộc ta. Đồng thời, đây cũng là cốt lõi của bản sắc dân tộc, là cơ sở để tạo nên sự đa dạng văn hóa trong giao lưu và hợp tác quốc tế hiện nay.

Từ sự phân tích ở trên, cho thấy việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong xây dựng lối sống hiện nay ở nước ta đang nảy sinh xu hướng xem nhẹ bản sắc văn hóa dân tộc đó. Đây chính là vấn đề đang đặt ra mà

chúng ta phải giải quyết trong quá trình phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để xây dựng đời sống văn hóa mới hiện nay.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN ở việt nam hiện nay (Trang 77 - 80)