Xu hướng phục cổ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN ở việt nam hiện nay (Trang 81 - 83)

B. NỘI DUNG

2.3. Vấn đề đặt ra trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa

2.3.3. Xu hướng phục cổ

Xu hướng phục hồi những nét bản sắc văn hóa dân tộc đã và đang diễn ra khá mạnh mẽ ở nước ta, ở cả vùng đồng bằng đô thị nơi người Kinh sinh sống cũng như vùng núi các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên giữa 2 vùng và 2 bộ phận cư dân này cũng có những nét khác biệt.

Do nhiều nhân tố, từ nhận thức của Nhà nước và nhân dân về văn hóa truyền thống, từ các chủ trương bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc của Đảng và Nhà nước, do tác động của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, đặc biệt là thời kỳ hội nhập…đã làm thay đổi đáng kể cả về hình thức và hành động của chúng ta về việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Điều này không chỉ thấy ở các chủ trương, chính sách của Nhà nước mà dần dần người dân tự ý thức được, từ đó biến thành hành động trong cuộc sống. Tình hình phục hồi và phát triển các lễ hội cổ truyền, trùng tu xây dựng mới các di tích văn hóa – lịch sử, phục hồi các thuần phong mỹ tục truyền thống ở cả nông thôn và đô thị mấy thập kỷ qua đã chứng minh xu hướng phục hồi bản sắc văn hóa dân tộc ấy. Tuy nhiên, hiện nay còn có nhiều

biểu hiện phức tạp, trong lúc khôi phục những nét tích cực trong bản sắc văn hóa dân tộc thì đồng thời khôi phục luôn cả những hủ tục, lạc hậu. Biểu hiện ngay trong tâm thức “tồn cổ”- nguyên nhân do sự lạc hậu tương đối của ý thức xã hội, do sức ỳ của tâm lý, tập quán, thói quen. Nhà nghiên cứu Đào Duy Anh từng nhận xét: Tâm lý đó làm xã hội ta không tiến bộ được mau chóng như xã hội phương Tây - Tinh thần này vẫn thể hiện rõ nét trong lối sống đương đại: tâm lý hướng về ngày xưa, đời xưa phải hơn đời nay, cái đã qua tốt hơn cái đương đại…

Các biểu hiện cụ thể: Một là, khôi phục những quan niệm, những hủ tục lạc hậu, những nét bản sắc văn hóa lỗi thời đã bị lịch sử bỏ qua như: bói toán, mê tín dị đoan, hầu đồng… Hai là, khôi phục các lễ hội một cách không chọn lọc, tràn lan, nhất là các lễ hội mới của các địa phương quảng bá cho làm ăn, du lịch, tốn kém tiền nhà nước. Các lễ hội diễn ra quanh năm, nhiều địa phương tổ chức quá nhiều lễ hội dẫn đến tình trạng “lạm phát lễ hội”, “thương mại hóa lễ hội” làm mất tính tôn nghiêm, vẻ đẹp văn hóa truyền thống của lễ hội và gây tốn kém tiền của của nhân dân. Ví dụ, đến chợ tình khâu vai (Hà Giang) hay chợ tình Sapa ngày nay chúng ta không còn nghe tiếng hát trong trẻo của các chàng trai, cô gái người dân tộc thiểu số mà chỉ thấy tiếng hát phát ra từ băng các sét và thái độ tò mò thái quá của du khách đã làm mất đi tính nhân văn của phiên chợ. Ba là, phục hồi lại các thủ tục rườm rà trong ma chay, cưới hỏi, trong các lễ hội cộng đồng, tục lễ làng xã ngày càng thêm phức tạp và tốn kém. Ví dụ như trước khi đi cưới vợ, cưới chồng thì phải đi xem có hợp tuổi hay không, xem tuổi cưới, xem ngày để cưới, cưới hai lần, cưới chạy tang…. Ngày nay, nhiều ngôi chùa, đền thờ, miếu mạo được dựng lên nhưng không hợp lý về mặt mỹ thuật, kiến trúc, lịch sử, bố cục, nên bị biến tướng về mục đích ý nghĩa, nó trở nên thương mại hóa, phai nhạt bản sắc văn hóa dân tộc tích cực vốn có.

Từ những vấn đề trên, chúng ta thấy việc cần thiết của công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Theo đó, chúng tôi đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay, được Đảng và Nhà nước ta cụ thể hóa bằng những thiết chế, hệ thống quy định, quy chế, pháp luật… nhất định.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN ở việt nam hiện nay (Trang 81 - 83)