Chương 1 : KHÁI QUÁT VỀ CUỘC NỘI CHIẾN TẠI SYRIA
3.2. Triển vọng giải quyết xung đột và vai trò của Nga
3.2.1. Các nhân tố chính tác động đến giải quyết xung đột
3.2.1.1. Triển vọng chiến trường
Tổng thống Assad tiếp tục theo đuổi chiến lược trụ vững để tồn tại, lấy quân sự để quyết định chính trị, khôi phục quyền kiểm soát đối với các vùng lãnh thổ bị
chiếm đóng. Dưới sự hỗ trợ của Nga, Iran và Hezbollah, Quân đội Syria từng bước giành lại lãnh thổ từ tay phiến quân và IS. Hiện Quân đội Syria đang chiếm ưu thế trên chiến trường, tiếp tục giành thắng lợi và tái chiếm nhiều phần lãnh thổ từ tay quân nổi dậy và IS.
Chủ trương, mục tiêu của SDF là dựa vào sự hỗ trợ của Mỹ, hình thành quốc gia người Kurd độc lập trên vùng đất phía Đông Bắc Syria và Tây Bắc Iraq; hạn chế tối đa va chạm với Quân đội Syria để dồn ưu tiên đánh đuổi IS, mở rộng địa bàn chiếm đóng phía Bắc Syria. FSA nổi lên ngay từ đầu cuộc xung đột, có quan hệ phức tạp với lực lượng bên ngoài, được Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ viện trợ vũ khí, trang bị. Nhưng xét tổng thể, FSA là đội quân ô hợp với cơ cấu tổ chức thiếu tính thống nhất, năng lực chiến đấu khá hạn chế, bị chia tách thành các nhóm nhỏ thiếu kiểm soát với hai lực lượng chính ở Bắc Syria (được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn; vừa chống Chính quyền Syria vừa đánh YPG) và Nam Syria (được Mỹ hỗ trợ; vừa đánh Quân đội Syria, vừa giao tranh với IS và YPG).
Thực lực của IS và các tổ chức cực đoan tại Syria đang suy giảm mạnh, sau khi phải gánh chịu liên tiếp các đợt tấn công của Quân đội Syria, Nga, Iran, Hezbollah, cũng như của Mỹ và đồng minh.
Hiện nay, diễn biến chiến trường Syria thể hiện một số đặc điểm chính: (1) Quân đội Syria với sự hậu thuẫn của Nga và Iran đang giành lợi thế trên chiến trường, nhưng chưa đủ khả năng tấn công nhiều lực lượng cùng một lúc; (2) SDF lợi dụng sự suy yếu của IS giành lại Raqqa; (3) IS và các nhóm cực đoan ngày càng bị cô lập, thu hẹp địa bàn hoạt động và cắt đứt nguồn thu tài chính, nhiên liệu; (4) Nga, Mỹ, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng hiện diện quân sự tại Syria (Nga triển khai thêm quân tới Tây Nam Syria để giám sát lệnh ngừng bắn; Mỹ thiết lập các căn cứ quân sự tại Syria trên vùng lãnh thổ được giải phóng từ IS; Iran gia tăng hoạt động quân sự vào quân nổi dậy ở phía Đông và Nam Syria; Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân, vũ khí và xây dựng một số căn cứ, đồng thời cùng FSA tấn công YPG tại khu vực biên giới với Syria).
Hiện lãnh thổ Syria được phân chia thành 4 khu vực chính dưới sự kiểm soát và giao tranh giữa các bên. Khu vực phía Bắc giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu do YPG được Mỹ hậu thuẫn kiểm soát, diễn ra giao tranh giữa YPG với Thổ Nhĩ Kỳ
và giữa Quân đội Syria với FSA do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Khu vực phía Nam giáp biên giới Jordan do Mỹ cùng FSA và SDF kiểm soát, giao tranh với quân Chính phủ Syria. Khu vực phía Đông giáp Iraq do IS chiếm giữ, giao tranh với quân Chính phủ Syria, Mỹ và đồng minh. Khu vực phía Tây do Chính phủ Syria kiểm soát, dưới sự bảo vệ của Nga và Iran, giao tranh với một số nhóm nổi dậy và cực đoan. Âm mưu chia cắt Syria ngày càng rõ nét khi Mỹ tăng cường ủng hộ lực lượng người Kurd vốn đang kiểm soát một vùng rộng lớn tại Bắc và Đông Bắc Syria.
Ngoài ra, khả năng hình thành “Nhà nước người Kurd” ở Syria đang hiện hữu. Lợi dụng thất bại của IS, lực lượng SDF được Mỹ hậu thuẫn tiến sát Deir Ezzor, quyết tâm chặn Quân đội Syria trên bờ sông Euphrates nhằm biến sông Euphrates thành biên giới để SDF tiến đến sát biên giới Iraq, kết nối các vùng lãnh thổ đang nằm trong quyền kiểm soát của YPG. Đây là bước đi đầu tiên trong kế hoạch thành lập một quốc gia người Kurd ly khai, kết nối 3 vùng lãnh thổ người Kurd ở Syria, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ74. Trước đó, khi xung đột Syria nổ ra, lãnh đạo người Kurd đã tuyên bố, sẽ không đứng về phe nào trong cuộc chiến, chỉ mong có được lãnh thổ của riêng mình, làm dấy lên quan ngại việc người Kurd đang âm mưu thành lập khu tự trị tại Trung Đông. Kế hoạch này nhận được sự ủng hộ không chính thức của Mỹ, mặc dù Mỹ từng tuyên bố không ủng hộ việc thành lập khu tự trị của người Kurd. Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurd để tấn công IS ở Syria. Điều này không chỉ ngầm ủng hộ người Kurd mà còn giúp Mỹ lấy lại uy tín sau những thất bại trước Nga trên chiến trường Syria.
3.2.1.2. Vai trò của Nga
Cho đến nay, mục tiêu trong chính sách can dự của Nga tại Syria vẫn không thay đổi, đó là bảo vệ Chính quyền Assad, lợi ích của Nga tại Syria và Trung Đông. Trong bối cảnh bị Mỹ và phương Tây gia tăng sức ép, bao vây cấm vận, Nga chủ trương: Hỗ trợ lực lượng Chính phủ Syria trong các chiến dịch quân sự và ngoại giao; mặc cả phân chia khu vực ảnh hưởng tại Syria với Mỹ, các đồng minh khu vực của Mỹ và Iran, tiến tới giải quyết dứt điểm cuộc chiến; cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, củng cố quan hệ với Iran, duy trì quan hệ với các nước Vùng Vịnh và
74 Nguyễn Thuận, Mỹ yểm trợ người Kurd tiến đánh về Deir Ezzor chiếm đất lập quốc,https://viettimes.vn/my-yem-tro-nguoi-kurd-tien-danh-ve-deir-ezzor-chiem-dat-lap-quoc-138165.html, 13/9/2017.
Israel…; tăng cường hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trong vấn đề Syria, đồng thời hợp tác với Mỹ và đồng minh, sử dụng ảnh hưởng của Nga để ngăn chặn nguy cơ Israel tham chiến cũng như khả năng xảy ra xung đột trực diện Iran - Israel, Iran - Mỹ trên chiến trường Syria khiến cuộc chiến trở nên phức tạp, khó kiểm soát. Trước mắt, Nga tiếp tục hậu thuẫn Chính quyền Tổng thống Assad cả về tài chính, nhân lực và vũ khí trang bị, cũng như tham gia vào cuộc chiến chống IS để củng cố, đảm bảo sự tồn tại của chế độ Assad và làm suy yếu IS. Về lâu dài, Nga sẽ tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Syria thông qua việc làm trung gian hòa giải và đảm bảo rằng Chính quyền Assad là một bên tham gia đàm phán. Như vậy, với vai trò nhà bảo trợ cho tiến trình hòa bình ở Syria, thì dù kết quả cuối cùng như thế nào, Nga vẫn luôn giữ được vị trí và lợi ích ở Syria.
Để hiện thực hóa các mục tiêu, chủ trương trên, thời gian gần đây, Nga đã có sự điều chỉnh trong các hoạt động tại Syria. Cụ thể:
(1) Tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự tại Syria: Tổng thống Putin (27/7/2017) ký đạo luật phê chuẩn thỏa thuận với Chính phủ Syria75
, cho phép Quân đội Nga hoạt động lâu dài tại Syria. Nga đang triển khai nhiều vũ khí, trang bị quân sự hiện đại tại các căn cứ quân sự ở Syria. Nga tăng cường hỗ trợ Quân đội Syria đẩy nhanh tiến độ tái chiếm các khu vực chiến lược từ tay IS, giành lợi thế trước lực lượng Mỹ và phiến quân được Mỹ và đồng minh hậu thuẫn. Về cơ bản, tương lai của Nga tại Syria đã được bảo đảm. Đó là sự hiện diện của căn cứ hải quân và không quân sau khi đạt được thỏa thuận chính trị với Chính phủ Syria. Nga sẽ trụ lại Syria một cách chính danh sau khi cuộc chiến chấm dứt và khi các lực lượng khác buộc phải rút khỏi Syria. Điều này giúp Nga thực hiện tham vọng trỗi dậy của một cường quốc thế giới.
(2) Nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho Syria thông qua việc trung gian cân bằng lợi ích các bên, lôi kéo sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ: Về cơ bản, Nga đã giành thắng lợi trong cuộc chiến tại Syria. Nhưng khác với Iran và Chính quyền Syria, Nga đang tìm kiếm một chiến thắng bằng đường ngoại giao. Nga đã lôi kéo
75 Илья Муромский, Сирия под крылом ВКС РФ: протокол о размещении авиагруппы в САР ратифицирован, https://riafan.ru/885735-siriya-pod-krylom-vks-rf-protokol-o-razmeshenii-aviagruppy-v- sar-ratificirovan, 27/7/2017.
Thổ Nhĩ Kỳ trở thành đối tác then chốt nhằm thuyết phục phe đối lập Syria chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn, tham gia vào các cuộc thương lượng về tương lai chính trị của Syria. Nga hình thành tam giác Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran để cùng hậu thuẫn cho các cuộc đàm phán. Nga thỏa hiệp để Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Bắc Syria, ngăn chặn tham vọng của người Kurd, đồng thời Nga ném bom vào mục tiêu của IS ở al-Bab để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào thành phố này. Nga thừa nhận vai trò không thể thiếu của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng như tiếng nói quan trọng của Ả-rập Xê-út trong giải quyết khủng hoảng Syria. Nga hiểu sự hiện diện của Iran, Hezbollah ở Syria, nhất là gần Cao nguyên Golan có thể trở thành căn nguyên của một cuộc xung đột mới với Israel và điều này sẽ phá hỏng nỗ lực dàn xếp hòa bình của Nga. Nga không lên tiếng phản đối Israel không kích vào các mục tiêu của Hezbollah tại Syria và cả các mục tiêu của Quân đội Syria. Nga sẽ tiếp tục theo đuổi lợi ích riêng của mình ở Trung Đông như một nhân tố trung gian tích cực và điều đó cần có quan hệ tốt với tất cả các cường quốc khu vực.
Nga tìm kiếm vị trí của người trung gian, kết nối với tất cả các bên liên quan, không đứng hẳn về một bên nào. Trong bối cảnh tình hình Nga, Trung Đông và thế giới hiện nay, Tổng thống Putin hiểu rằng Nga vẫn chưa, thậm chí không đủ nguồn lực để có thể thay thế vai trò của Mỹ ở Trung Đông. Về lâu dài, Syria sẽ là một gánh nặng và Nga sẽ sa lầy nếu tiếp tục lún sâu vào cuộc xung đột Syria. Để bảo đảm vai trò trung gian, Nga tìm cách giữ liên lạc với tất cả các lực lượng địa phương có tiếng nói trên thực địa (Nga đã có các cuộc tiếp xúc với YPG). Cuộc khủng hoảng Syria có thể giải quyết được khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có tiếng nói chung. Nhưng quan hệ Nga - Thổ vốn có lịch sử thăng trầm, và thực tế quan hệ hợp tác Nga - Thổ hiện nay chỉ là tạm thời, mang tính tình thế khi lợi ích hai bên gặp nhau.
(3) Thúc đẩy các thỏa thuận giảm căng thẳng, thiết lập lệnh ngừng bắn để tìm cách ổn định từng khu vực tại Syria: Tại Hội nghị Astana tháng 5/2017, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận thiết lập 4 khu vực giảm căng thẳng tại Syria; đạt được nhất trí về 3/4 khu vực giảm căng thẳng. Đến Hội nghị Astana tháng 9/2017, ba nước này nhất trí thiết lập khu vực giảm căng thẳng tại Idlib, nơi Thổ Nhĩ Kỳ có ảnh hưởng lớn, là thành trì của FSA. Do tính chất phức tạp của khu vực này, Nga đã
đề xuất để lực lượng Quân cảnh Nga giám sát lệnh ngừng bắn tại đây.
Việc duy trì và mở rộng vùng hạn chế xung đột ở Syria mang lại lợi ích nhất định cho các bên. Đối với Nga và đồng minh, thỏa thuận này này cho phép Nga xây dựng hàng rào phòng thủ bảo vệ các căn cứ quân sự ở Latakia; Quân đội Syria có thể dồn lực tấn công, tái kiểm soát các mỏ dầu và chiếm ưu thế trước phe đối lập; Thổ Nhĩ Kỳ có thể trấn áp hoạt động của người Kurd ở Bắc Syria; Quân đội Syria tập trung chống IS trước, sau đó đẩy lùi các lực lượng đối lập. Đối với Mỹ và đồng minh, lệnh ngừng bắn ở 4 khu vực sẽ giúp thiết lập các căn cứ quân sự và củng cố vị thế tại phía Bắc Syria; giữ vai trò kiểm soát ở một trong số các khu vực hạn chế xung đột; giảm thiểu các vụ va chạm quân sự với Nga và Iran.
(4) Triển khai các biện pháp mới để đảm bảo tính hiệu quả của 4 khu vực giảm căng thẳng. Nga đang sử dụng lực lượng quân cảnh đến từ Bắc Kavkaz và các nhà thầu quân sự tư nhân tại Syria. Lực lượng Quân cảnh Nga (14/9/2017) được triển khai tại thị trấn Khattab và Taybat al-Imam gần tỉnh Idlib76. Trước đó, Nga đã triển khai hàng trăm quân cảnh ở Tây Nam và Đông Ghouta, tỉnh Daraa và Quneitra để giám sát lệnh ngừng bắn ở Nam Syria77. Các nhà thầu quân sự tư nhân cũng là lực lượng mà Nga đang sử dụng tại Syria. Sau khi Nga can thiệp quân sự vào Syria, các nhà thầu tại Syria tăng lên nhanh chóng. Hiện ở Syria các lực lượng quân sự thông thường của Nga có khoảng 5.000 người78.
Nga lôi kéo Mỹ can dự tích cực vào Syria. Để tìm được lối thoát chính trị cho cuộc chiến Syria, Nga hiểu cần có sự tham dự của Mỹ, nếu không kết quả sẽ không được đảm bảo. Việc Nga phản ứng kiềm chế trước các động thái quân sự khiêu khích của Mỹ (bắn 59 quả tên lửa hành trình vào căn cứ không quân Shayrat; bắn rơi tiêm kích Su-22 của Syria ở gần khu vực hoạt động của SDF) là minh chứng. Nga vẫn thúc đẩy các cuộc tiếp xúc song phương cấp cao với Mỹ nhằm tìm kiếm cơ hội đối thoại. Nga đã mời Mỹ tham dự các Hội nghị ở Astana.
76 NM (Theo FNA), Nga triển khai lực lượng ở Bắc Hama, Syria nhằm mục đích gì?,http://doanhnghiepvn.vn/nga-trien-khai-luc-luong-o-bac-hama-syria-nham-muc-dich-gi-d108637.html, 15/9/2017.
77 Hoàng Nguyễn, Hàng trăm quân cảnh Nga được triển khai đến nam Syria làm gì?,http://anninhthudo.vn/quan-su/hang-tram-quan-canh-nga-duoc-trien-khai-den-nam-syria-de-lam-
gi/735341.antd, 21/7/2017.
78
Thiên Nam, Vén màn bí ẩn lực lượng lính đánh thuê Nga ở Syria,http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh- luan-quan-su/ven-man-bi-an-luc-luong-linh-danh-thue-nga-o-syria-3333529?, 19/4/2017.
3.2.1.3. Vai trò của Mỹ
Mỹ chưa bao giờ thay đổi mục tiêu loại bỏ Tổng thống Assad để dựng lên một chính quyền thân phương Tây tại Syria nhằm bảo vệ lợi ích ở Trung Đông. Dưới thời Tổng thống Obama, kế hoạch lật đổ Chính quyền Assad của Mỹ dù được thực hiện dưới hình thức “cách mạng màu” (“Phong trào Ả-rập”) hay chiến tranh ủy nhiệm (hỗ trợ lực lượng đối lập) đã thất bại. Lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Trump tiếp tục thúc đẩy can dự vào Syria. Mục tiêu cuối cùng của Chính quyền Trump đối với Syria vẫn là loại bỏ Tổng thống Assad, thành lập chính quyền mới thân Mỹ; duy trì sự hiện diện, ảnh hưởng tại Syria và khu vực. Nhưng trong bối cảnh Mỹ đánh mất thế chủ động vào tay Nga trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria; quân Chính phủ Syria chiếm ưu thế so với phe đối lập, Chính quyền Trump đã điều chỉnh chính sách đối với Syria. Theo đó, Mỹ không coi lật đổ Tổng thống Assad là ưu tiên hàng đầu, mà điều chỉnh sang chia cắt Syria nhằm làm suy yếu Syria từ bên trong. Mỹ chủ trương hỗ trợ lực lượng nổi dậy (SDF và YPG) và lôi kéo đồng minh tăng cường tiêu diệt IS; thỏa hiệp với Nga; gây sức ép lên Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ Syria nhằm phân chia vùng ảnh hưởng, hướng tới chia cắt Syria.
Để hiện thực hóa các mục tiêu, chủ trương trên, Chính quyền Trump đang thực hiện các biện pháp sau:
(1) Gia tăng hiện diện quân sự tại khu vực và đẩy mạnh các hoạt động quân sự nhằm vào Syria: Với quyết định gửi thêm 400 quân tới Syria của Tổng thống Trump (09/3/2017), số lượng binh lính Mỹ tại Syria khoảng 700 quân. Bộ Quốc phòng Mỹ (15/3/2017) điều thêm 2.500 quân tới tại Cô-oét, đồng thời đề xuất gửi thêm hàng nghìn binh lĩnh tới Cô-oét để sẵng sàng tăng cường cho chiến trường Syria khi cần. Mỹ triển khai, bố trí nhiều tàu chiến, máy bay ném bom, ra-đa hiện đại đến các nước trong khu vực, biên giới Syria và cả trong lãnh thổ Syria, bao gồm biên đội tàu sân bay CVN-77;