Dự báo các kịch bản giải quyết xung đột tại Syria

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) liên bang nga và nội chiến tại syria từ năm 2011 đến nay (Trang 89 - 112)

Chương 1 : KHÁI QUÁT VỀ CUỘC NỘI CHIẾN TẠI SYRIA

3.2. Triển vọng giải quyết xung đột và vai trò của Nga

3.2.2. Dự báo các kịch bản giải quyết xung đột tại Syria

3.2.2.1. Kịch bản 1: Giải quyết xung đột bằng biện pháp quân sự

Mặc dù Quân đội Syria, với sự hỗ trợ của Nga, đã giành được những chiến thắng liên tiếp, giải phóng nhiều khu vực chiến lược, nhưng xét trong bối cảnh tình hình Syria hiện nay, bạo lực và sử dụng vũ lực sẽ không giải quyết được tận gốc xung đột. Việc đánh bại IS và kết thúc toàn diện chiến tranh ở Syria là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Nhiều khả năng Syria sẽ chưa thể sớm thoát khỏi chiến tranh và kịch bản giải quyết xung đột bằng biện pháp quân sự tại Syria là khó khả thi. Nhận định này xuất phát từ những lý do sau:

Thứ nhất, Chính phủ và Quân đội Syria đang gặp nhiều khó khăn trong khi phải dàn trải lực lượng ra quá nhiều hướng. Hơn 6 năm kể từ khi rơi vào nội chiến, Chính quyền Syria đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như kinh tế suy thoái trầm trọng, hệ thống hạ tầng cơ sở bị phá hủy, quân đội thiếu nhân lực, lãnh thổ bị chia cắt… Các lực lượng Chính phủ bị căng kéo trên nhiều hướng để giành được một chiến thắng quyết định. Hiện quân Chính phủ Syria vẫn còn rất nhiều việc phải làm và hàng loạt yếu tố có thể thay đổi cán cân quyền lực trong cuộc xung đột tại Syria. Chính phủ Syria

tuy giành được ưu thế trên chiến trường nhưng không đủ khả năng tấn công tất cả các lực lượng đối lập trên các mặt trận để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Thứ hai, thỏa thuận ngừng bắn ở 4 khu vực giảm căng thẳng có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào do các bên tham chiến theo đuổi nhiều mục tiêu khác nhau. Quân đội Syria đã giải phóng 85% lãnh thổ do IS chiếm giữ; tái chiếm hầu hết vùng nông thôn phía Tây và thành phố Deir Ezzor. SDF do Mỹ hậu thuẫn tiếp tục tiến về phía Bắc Deir Ezzor và giành quyền kiểm soát nhiều cứ điểm quanh al-Salihiyah; kiểm soát phần lớn Raqqa. Việc các bên tham chiến mở rộng hoạt động tấn công IS nhằm tạo lợi thế trên bàn đàm phán phân chia lợi ích khi kết thúc cuộc chiến gây khó khăn cho Chính quyền Syria. Idlib là địa bàn chiến lược, tập trung nhiều dầu mỏ với trữ lượng lớn mà Quân đội Syria và SDF đều muốn kiểm soát. Khu vực này sẽ thành bàn đạp cho các bên kiểm soát toàn bộ phía Bắc, phía Đông và tiến vào trung tâm Syria. Mỹ và lực lượng người Kurd muốn kiểm soát Idlib để giành lợi thế đàm phán. Syria - Iran - Nga muốn kiểm soát Idlib để phát động chiến dịch giải phóng toàn bộ khu vực phía Bắc, mở rộng phạm vi kiểm soát khu vực trung tâm và phía Đông Syria. Các bên sẽ cố gắng kiểm soát Idlib bất chấp lệnh ngừng bắn.

Thứ ba, quá nhiều bên đang can dự vào cuộc xung đột Syria với các mục đích trái ngược nhau. Cuộc xung đột Syria có nhiều bên liên quan, cả ở trong nước lẫn ngoài nước, và điều này là yếu tố quan trọng khiến khủng hoảng trở nên phức tạp. Dù tình hình Syria gần đây có chuyển biến tích cực nhưng chiến trường Syria dần biến thành thế trận “ngũ hổ tranh hùng”82. Với sự góp mặt của Nga, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, SDF và YPG (do Mỹ hậu thuẫn), cuộc chiến phân chia quyền lực tại Syria khó có khả năng đi đến một giải pháp toàn diện để chấm dứt xung đột trong tương lai gần. Tình hình chiến sự Syria còn bị tác động bởi hướng Bắc (tranh chấp Thổ Nhĩ Kỳ - YPG và nhóm Nga - Iran - Syria) và Nam Syria (cuộc chiến Israel - FSA - nhóm Hezbollah - Syria - Iran).

Thứ tư, cuộc xung đột Syria khó có thể bị kiệt quệ. Hầu hết các cuộc nội chiến sẽ chấm dứt khi một bên thua. Một bên bị đánh bại về mặt quân sự hay cạn kiệt vũ khí hoặc mất đi sự hỗ trợ của nhân dân nên từ bỏ cuộc chiến. Xét toàn diện, cả quân

82

Phương Quỳnh, Cục diện tích cực cho Syria, http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Binh-luan/874966/cuc-dien- tich-cuc-cho-syria, 08/8/2017.

chính phủ và lực lượng nổi dậy tại Syria đều yếu kém và không thể chiến đấu lâu dài bằng thực lực của mình. Song các bên tham chiến không dựa vào chính mình mà đều có sự hậu thuẫn của bên ngoài. Kết quả là cuộc nội chiến được đẩy theo chiều hướng kéo dài hơn, không thể phân thắng bại, bởi khi một bên mất cứ điểm, các nước ủng hộ của bên này tăng cường tham gia tấn công, tiếp tế hay hỗ trợ để ngăn chặn thua trận. Khi một bên bắt đầu giành thế thắng, các nước ủng hộ bên còn lại buộc phải nhập cuộc. Mỗi lần leo thang lại mạnh hơn so với lần trước, sự tàn sát lớn hơn, còn cán cân cuộc chiến không có nhiều thay đổi.

Thứ năm, giải pháp quân sự có thể dẫn tới sự đối đầu quân sự Nga - Mỹ. Mặc dù nguy cơ xung đột quân sự Nga - Mỹ tại Syria không cao nhưng vẫn có thể xảy ra nếu lực lượng của Nga ở Syria bị tấn công và có người thiệt mạng, hoặc các căn cứ quân sự Nga bị bom đạn của Mỹ đánh trúng gây thiệt hại nặng người và vật chất. Nga có thể coi đó là hành động gây hấn trực tiếp của Mỹ và trả đũa. Bất kỳ hoạt động quân sự nào của Nga hoặc Mỹ cũng đều bị bên kia coi là hành động gây hấn. Nếu không kịp thời đàm phán, hai bên có thể sẽ chuyển sang kịch bản của một cuộc tấn công quy mô lớn của lực lượng quân sự đang hiện diện trong và ngoài lãnh thổ Syria.

Thứ sáu, sự thiếu vắng đội ngũ gìn giữ hòa bình tại Syria. Các thỏa thuận hòa bình thường thành công hay thất bại nằm ở yếu tố ai sẽ kiểm soát các lực lượng quân sự và an ninh. Ở Syria, đây có thể là câu hỏi không có lời đáp. Với một cuộc chiến tranh tàn bạo như Syria, các bên đều lo sợ sẽ bị thảm sát nếu bên kia giành được nhiều quyền lực hơn. Một thỏa thuận cho các bên có quyền hạn quân sự như nhau cũng tạo ra rủi ro cao là chiến tranh có thể tái diễn. Thông thường, giải pháp là một nước hay tổ chức bên ngoài như LHQ cắt cử đội quân gìn giữ hòa bình. Các lực lượng này duy trì kiểm soát các bên trong giai đoạn quá độ tiến đến hòa bình và đảm bảo an ninh cơ bản theo cách không khuyến khích bên nào tái vũ trang. Nhưng liệu có nước nào dám xung phong đưa công dân của mình đóng quân ở Syria không hạn định? Bất kỳ lực lượng can thiệp nước ngoài nào cũng có thể trở thành mục tiêu cho khủng bố và có thể phải đối mặt với làn sóng nổi dậy nhiều năm tại Syria mà có thể thiệt mạng hàng trăm, hàng nghìn người.

Một giải pháp chính trị với sự tham gia của các bên liên quan là chìa khóa để tháo ngòi cuộc xung đột ở Syria. Để thực hiện điều này, đầu tiên phải tiến hành một hiệp định chung với các nguyên tắc hợp lý. Yếu tố quan trọng là đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ Syria. Mỹ và đồng minh cần chấm dứt cung cấp vũ khí và tài chính cho phe đối lập và tăng cường hỗ trợ nhân đạo. Tiếp theo là hình thành một diễn đàn trên diện rộng, bao gồm các nhóm đối lập và chính phủ. Điều quan trọng là phải đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan. Các bên cũng cần tuyên bố một lệnh ngừng bắn sẽ được quan sát viên quốc tế giám sát. Mở rộng hỗ trợ nhân đạo cho người dân là yêu cầu cấp thiết. Bên cạnh đó, thành lập một cơ quan quản lý chuyển tiếp để thực hiện các thỏa thuận và các bước tiếp theo. Ngoài ra, LHQ tổ chức và giám sát cuộc bầu cử tự do.

Tuy nhiên, cho đến nay, tại các cuộc đàm phán đa phương, vấn đề Syria vẫn bế tắc, chưa thể giải quyết do quan điểm và chính sách của các nước khác nhau, cũng như vị thế và lợi ích chưa thỏa đáng với từng nước. Trong thời gian tới, các cuộc đàm phán hòa bình về Syria sẽ khó đạt được kết quả mang tính đột phá. Các bên vẫn bất đồng về tương lai Tổng thống Assad; chưa xây dựng được lòng tin; chưa chịu nhượng bộ, thỏa hiệp để tiến tới một giải pháp chính trị. Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có sự thỏa hiệp giữa Chính phủ Syria và lực lượng đối lập. Sau các vòng đàm phán, các bên thường đưa ra những tuyên bố chỉ trích, không bên nào chịu chấp nhận xem xét lập trường của đối phương. Trên chiến trường, chưa có bên nào giành thắng lợi mang tính quyết định, buộc đối phương phải chấp nhận yêu sách trên bàn đàm phán. Thế giằng co trên chiến trường sẽ tạo thế bế tắc trong bàn đàm phán.

Đặc biệt, cuộc khủng hoảng Syria và các vòng đàm phán hòa bình bị chi phối quá lớn từ các thế lực bên ngoài với sự khác biệt lập trường, thậm chí mâu thuẫn về lợi ích. Các lực lượng này sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp khống chế, tác động kết quả đàm phán theo hướng có lợi cho mình. Để có kết quả thỏa mãn yêu cầu của tất cả các bên, dù là cơ bản cũng rất khó khăn. Nga muốn đạt một thỏa thuận chính trị nhận được sự đồng thuận rộng rãi, mở cửa để Syria tiếp cận sự hỗ trợ quốc tế cho quá trình tái thiết, hợp pháp hóa vị thế của Tổng thống Assad lẫn vai trò của Nga ở Syria. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh yêu cầu một tiến trình chính trị thực chất

được hậu thuẫn bởi LHQ và cộng đồng quốc tế, ít nhất có thể giảm bớt quyền lực của Tổng thống Assad. Quá trình này là điều kiện tiên quyết để Mỹ tham gia vào nỗ lực tái thiết khổng lồ mà Syria đang rất cần. Tuy nhiên, Tổng thống Assad nhấn mạnh không muốn nhận trợ giúp từ những quốc gia hỗ trợ phe nổi dậy; tuyên bố, Syria sẽ dựa vào những bạn bè hiện tại và hướng đến châu Á để tìm kiếm nguồn tài trợ cần thiết.

Tiến trình hòa bình tại Syria sẽ diễn ra trong bối cảnh các bên liên quan luôn trong tình trạng xung đột lợi ích, bất đồng quan điểm. Quan điểm của Nga và Mỹ đối với giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria là hoàn toàn khác nhau. Mỹ đã không tham gia vào các tiến trình đàm phán hòa bình tại Syria theo sáng kiến của Nga. Do đó, các thỏa thuận ngừng bắn hay thiết lập vùng an toàn mà các bên đạt được sẽ không mang lại hiệu quả cao một khi Mỹ tiếp tục có ý định trì hoãn. Vấn đề liên quan tới người Kurd ở phía Bắc Syria cũng chưa có một giải pháp giải quyết triệt để. Ngoài ra, các nước lớn trong khu vực như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel cũng đang theo đuổi những toan tính riêng trong cuộc khủng hoảng tại Syria.

Hiện nay, kịch bản Nga - Mỹ thỏa hiệp phân chia phạm vi ảnh hưởng tại Syria đang được đề cập nhiều. Trong kịch bản này, Mỹ sẽ không đưa thêm quân vào Syria, không tiếp tục các đòn đánh vào Syria, còn Nga cũng kiềm chế để tránh xảy ra va chạm trong quá trình hoạt động ở Syria. Hai bên có thể vừa tiếp tục đàm phán, vừa tiếp tục tiến công các lực lượng phiến quân đối lập và khủng bố IS trên nhiều mặt trận. Sau khi hậu thuẫn người Kurd chiếm lại Raqqa, liên minh của Mỹ sẽ cố gắng kiểm soát được càng nhiều khu vực ở Syria càng tốt. Còn Nga, sau khi hỗ trợ Quân đội Syria tái chiếm được Aleppo cũng sẽ di chuyển lực lượng đến trung tâm của đất nước. Syria sẽ được chia thành các phạm vi ảnh hưởng. Các bên sau đó sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán chính trị dài hạn về việc thành lập một chính phủ quốc gia thống nhất và giải quyết tình trạng tự trị của người Kurd. Bất kể tình hình phát triển như thế nào, Nga sẽ tiếp tục quan điểm giữ vững và gia tăng quyền lực của một chính phủ hợp pháp đại diện cho người Syria, đồng thời là một đồng minh vững chắc của Nga, để giữ được căn cứ hải quân và không quân ở Syria. Mặc dù tình hình Syria đang nóng lên, nhưng Tổng thống Mỹ Trump sẽ tránh một cuộc đối đầu “không bên nào có lợi” với Nga, từ đó, tìm kiếm thêm nhiều cơ hội hơn để phân

chia phạm vi ảnh hưởng giữa hai cường quốc này. Đây là hướng mà cả Nga lẫn Mỹ đều chấp nhận được, sau khi Mỹ không thể đạt được mục tiêu tiên quyết là lật đổ Chính quyền Assad, còn Nga cũng không có cách nào giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

3.2.2.3. Kịch bản 3: Giải quyết xung đột bằng biện pháp quân sự kết hợp với chính trị

Cơ bản, diễn biến tình hình tại Syria cho đến thời điểm hiện tại đã và đang đi theo kịch bản này (các cuộc giao tranh vẫn diễn ra song song với các cuộc đàm phán chính trị). Có thể đây sẽ là kịch bản chính để giải quyết cuộc xung đột tại Syria. Trong kịch bản này, yếu tố quân sự sẽ giữ vai trò quan trọng, nhưng chính trị sẽ là yếu tố quyết định để chấm dứt hoàn toàn cuộc xung đột tại Syria.

Với sự hỗ trợ của Nga, Chính quyền Assad cơ bản đã giành được chiến thắng trong cuộc chiến tại Syria. Đã thành lập được 3/4 khu vực giảm căng thẳng tại Homs, Đông Ghouta và tỉnh Daraa. Không còn nước nào thực sự muốn lật đổ chế độ Assad và điều này cũng không còn khả thi. Các lực lượng đối lập không còn là một thách thức quá lớn về quân sự khi các quốc gia chống lưng chủ chốt đã thay đổi cách tiếp cận cuộc xung đột. Các cuộc hòa đàm tại Geneva đang và sẽ do kết quả Hội nghị Astana định hướng, quyết định. Trọng tâm chiến sự ở Deir Ezzor đã được giải quyết với thắng lợi thuộc về quân chính phủ. Khi IS dần bị đánh đuổi khỏi các vùng lãnh thổ của Syria và khi các lực lượng ủy nhiệm của Nga và Mỹ tiến lại gần nhau hơn trên chiến trường, nguy cơ đụng độ quân sự sẽ tăng lên.

Thực tế, để duy trì lợi thế cho Chính quyền Assad, Nga đã gia tăng tần suất các cuộc không kích nhằm vào IS tại Deir Ezzor; dàn dựng các kịch bản chính trị cho xung đột; đã tính đến các kịch bản thời hậu chiến. Nhưng các giải pháp này vẫn chỉ mang tính chất tình thế, chưa thể giải quyết dứt điểm tình hình do xung đột lợi ích và bất đồng quan điểm giữa các bên là quá lớn. Phe Chính quyền Syria mong muốn kiểm soát toàn bộ lãnh thổ, không muốn chia sẻ quyền lực và lợi ích. Các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Israel, Ả-rập Xê-út có toan tính riêng và sẵn sàng can thiệp vào Syria… Thời gian tới, khả năng Nga sẽ triển khai thêm lực lượng tại Syria để đảm bảo an ninh khu vực ranh giới giữa các vùng giảm căng thẳng; đẩy nhanh hoàn thiện căn cứ quân sự ở phía Đông Damascus, làm đối trọng với Mỹ và đồng minh

phía Nam Syria; sẽ phối hợp với Iran và đồng minh hỗ trợ Quân đội Syria tiến hành các chiến dịch quy mô lớn nhằm vào IS và lực lượng đối lập, mở rộng vùng lãnh thổ kiểm soát, nhất là Idlib và phía Tây sông Euphrates.

Mỹ sẽ tăng cường ủng hộ FSA ở Đông Nam, YPG ở Bắc Syria để tấn công vào các khu vực do IS kiểm soát, giúp YPG mở rộng khu vực chiếm đóng. Điều này tạo điều kiện cho Mỹ hiện diện lâu dài và thực hiện chiến lược chia cắt Syria, kéo dài khủng hoảng khiến Nga, Iran sa lầy. Iran sẽ phối hợp với Quân đội Syria và Hezbollah tiêu diệt IS, làm chủ tuyến biên giới Syria - Iraq, ngăn cản Mỹ và liên minh thực hiện ý đồ chia cắt Syria và chiếm giữ miền Đông Syria. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) liên bang nga và nội chiến tại syria từ năm 2011 đến nay (Trang 89 - 112)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)