Giọng điệu ngợi ca

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết mẫu thượng ngàn và đội gạo lên chùa của nguyễn xuân khánh (Trang 116 - 123)

5. Cấu trúc của luận văn

3.3. Giọng điệu

3.3.2. Giọng điệu ngợi ca

Giọng điệu ngợi ca hay ngưỡng mộ thường xuất hiện nhiều trong các tác phẩm viết về cái đẹp. Trong dòng văn học hiện thực phê phán, giọng điệu chính là tố cáo và lên án, bên cạnh đó có sự thấu hiểu và cảm thông. Văn học thời kỳ này chủ yếu là miêu tả cuộc sống bần cùng của nhân dân dưới ách áp bức, bóc lột của địa chủ phong kiến và thực dân Pháp. Đến những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nền văn học kháng chiến ra đời với mục đích chủ yếu là phản ánh hiện thực cuộc kháng chiến và với một giọng điệu chủ yếu là: ngợi ca và ngưỡng mộ các nhân vật anh hùng có thật, hoặc được hư cấu từ nguyên mẫu có thật, trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập cho dân tộc, như: chị Sứ trong Hòn Đất của Anh Đức, Mỵ và A Phủ trong tập Truyện Tây Bắc của Tô Hoài, người anh hùng trong Dáng

đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân....

Với nền văn học đương đại, cuộc sống luôn luôn vận động với nhiều màu sắc, khía cạnh khác nhau, nên đã tạo ra sự đa dạng trong giọng điệu của các tác phẩm. Vì vậy, chúng ta thấy trong hàng loạt tác phẩm, đặc biệt là tiểu thuyết, có sự pha trộn nhiều giọng điệu, thậm chí trái ngược nhau.

Mẫu thượng ngànĐội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh viết

về một thời kỳ lịch sử đã qua của dân tộc ta, nhưng hai cuốn tiểu thuyết lại được ra đời trong thời hiện tại, mang hơi thở đang còn nóng hổi của cuộc

sống luôn vận động, vì vậy chúng ta thấy trong tác phẩm, ngoài những giọng triết lý và suy tư, thấu hiểu và cảm thông, tác phẩm còn có giọng ngợi ca, ngưỡng mộ.

Trong hai tiểu thuyết Mẫu thượng ngànĐội gạo lên chùa, đối tượng để tác giả thể hiện giọng điệu ngợi ca khá đa dạng, con người được ngợi ca ở đây là những con người của đời thường, sống nơi thôn quê, bình dị. Điều này chúng ta thấy rõ khi nhà văn viết về các nhân vật nữ trong hai tiểu thuyết. Nguyễn Xuân Khánh luôn luôn nhìn các nhân vật nữ của mình đẹp từ ngoại hình đến tính cách. Đây là sự ngưỡng mộ cái đẹp giản dị, chất phác - không phải cái đẹp của vĩ nhân hay người anh hùng thời đại xuất chúng.

Những người con gái của làng Cổ Đình, làng Sọ mang vẻ đẹp đậm chất đàn bà - đó là cách mà nhà văn đã miêu tả về vẻ đẹp của họ, như Khoai trong

Đội gạo lên chùa đã cảm hóa được Khoan Độ, giúp anh bớt đi tính hung dữ,

trở lại với cuộc sống đời thường và cố gắng làm người lương thiện.

Ngoài ra, chúng ta còn thấy tác giả thể hiện giọng điệu ngợi ca khi nói về: Đạo mẫu, Đạo Phật… con người ngưỡng mộ các vị thần linh.

Là hai, trong ba tiểu thuyết về văn hóa, lịch sử, mỗi một tiểu thuyết lại được soi chiếu dưới góc nhìn riêng. Ở Mẫu thượng ngàn là Đạo Mẫu, Đạo Mẫu là tín ngưỡng dân gian Việt Nam thờ các nữ thần (gọi là các Thánh Mẫu). Đạo Mẫu là một phần quan trọng trong hệ thống tín ngưỡng dân gian và bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Nguồn gốc lịch sử của Đạo Mẫu không được ghi lại rõ ràng trong sách vở. Có người cho rằng nó có nguồn gốc từ người tiền sử, khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên, các thần linh này được kết hợp lại trong khái niệm Thánh Mẫu hay Nữ thần Mẹ. Theo thời gian, khái niệm Thánh Mẫu được mở rộng để bao hàm cả các nữ anh hùng trong dân gian - những người phụ nữ có

thật nổi lên trong lịch sử với vai trò người bảo hộ hoặc là người trị bệnh. Những nhân vật lịch sử này được kính trọng, tôn thờ và cuối cùng được thần thánh hóa để thành một trong các hiện thân của Thánh Mẫu.

Các vị thần trong Đạo Mẫu phản ánh phong cách của các người Mẹ vừa thần thánh, vừa con người. Đạo Mẫu không chú trọng vào cuộc sống sau khi chết, mà quan tâm đến cuộc sống hiện tại và câu hỏi làm thế nào để người ta có thể đạt được một cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ trên trần gian. Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, việc tôn thờ các nữ thần, thờ Mẫu là một hiện tượng khá phổ biến và có nguồn gốc lịch sử xã hội sâu xa. Tuy đều là sự tôn sùng các thần linh nữ tính, nhưng giữa việc thờ Nữ thần với thờ Mẫu và Tam tòa thánh Mẫu là không thống nhất.

Tục thờ Mẫu: người Việt Nam ta có câu “phúc đức tại Mẫu”, để khuyên răn mọi người nhớ công ơn của cha mẹ, ăn ở phúc đức với cộng đồng, để con cháu được hưởng những điều tốt lành, khuyến thiện, trừ ác. Nó được truyền lại cho đời sau bằng những lời truyền miệng, ca dao, dân ca, truyện cổ tích, hát ru… với cách nghĩ về người mẹ, đấng sinh thành. Trong tâm thức sâu thẳm của mọi người, mẹ là tất cả, là người đã sinh thành ra ta và đến khi ta chết đi rồi lại trở về với đất mẹ.

Khi nói đến tín ngưỡng thờ Mẫu, trong các điệu chầu văn có giá trị cao, âm nhạc bay bổng gồm nhiều vẻ, kết hợp với vũ đạo đơn giản mà lại mang những nét tượng trưng chứa đựng tín hiệu của những người thời xưa bị lãng quên mà lại hiện lên vẻ trang nghiêm, huyền bí.

Tín ngưỡng thờ Mẫu là tín ngưỡng cội nguồn, đích thực của người Việt Nam. Tín ngưỡng thờ Mẫu mãi trường tồn với dân tộc, vì ở đây con người tìm thấy lòng tin cao cả, có quy mô về tâm linh và lượng tín đồ trong cả nước. Điện Mẫu phản ánh những mảng sống tâm linh từ thời Mẫu hệ. Điện Mẫu là

một phần lịch sử nói lên một quá khứ lâu đời đã được bắt rễ trên mảnh đất đầy ánh sáng của nước Việt. Đạo Mẫu gắn liền với tinh thần dân tộc dân sinh, đem nhân ái đến với quần thể xã hội.

Tín ngưỡng thờ Mẫu thuần khiết thể hiện lòng nhớ ơn đến đấng sinh thành là Mẫu chứ không phải là mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh. Bởi vậy tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện triết lý nhân sinh cao đẹp của ông cha ta.

Mẫu thượng ngàn là cuốn tiểu thuyết viết về thời kỳ khi thực dân Pháp

đã xâm lược xong Bắc Kỳ lần thứ hai và bắt đầu đặt ách đô hộ lên Bắc Kỳ. Nhân dân làng Cổ Đình - một làng quê bán sơn địa Bắc Bộ, lúc này cũng nằm dưới sự đô hộ của thực dân Pháp.

Đây là thời kỳ suy tàn của Đạo Phật, Đạo Khổng lúc này đã bị gạt bỏ, Đạo Thiên chúa Giáo vào nước ta cùng với sự xâm nhập của Pháp đang lan rộng. Chính lúc này, người dân làng Cổ Đình lại quay trở về với Đạo Mẫu - Một tôn giáo có từ ngàn đời nay của dân tộc ta.

Làng Cổ Đình nhỏ bé, chùa của làng đã bị sụp đổ, sư trong chùa của làng qua đời. Ông Quản Boong đổi đạo, ông đổi sang đi đạo Thiên Chúa. Có ông hộ Hiếu thì điên điên, khùng khùng. Chùa của làng này trở thành nơi để cho các bà, các chị lên hương khói, mong tìm được niềm an ủi trong kiếp nhân sinh đầy bất trắc. Không còn chùa nữa, người dân làng Cổ Đình tìm về với đền Mẫu. Người nọ bảo người kia càng ngày dân làng kéo đến đền Mẫu càng đông. “Ngày rằm, người ta bơi thuyền trên sông Son đến đền Mẫu, nô nức như những người con tìm về với mẹ” [21, tr. 415].

Ở nước ta, chỗ nào cũng có Mẫu - ở nước ta Đạo Mẫu là thờ tứ phủ, tức là bốn Mẹ: Mẹ Trời, Mẹ Đất, Mẹ Nước và Mẹ Người. Mẹ Trời là Mẫu Thượng Thiên, Mẹ Đất là Mẫu Địa Phủ, Mẹ Nước là Mẫu Thoải, Mẹ Rừng là Mẫu Thượng Ngàn.

Đền thờ Mẫu có ở rất nhiều nơi, Đạo Mẫu là Đạo dân gian, trừ một vài đền lớn, hầu hết các đền thờ khác đều nhỏ. Thông thường nhân dân tìm các nơi phong cảnh hữu tình để lập đền, có sông, có núi, có cỏ cây, hoa lá. Nơi nào không lập được đền riêng thì nhân dân kết hợp với chùa, đình làng đằng trước thờ Phật, trong đại điện, đằng sau thờ Mẫu trong một tòa điện nhỏ. Ở giữa điện trên cao, thường treo một bức hoành phi có bốn chữ “Mẫu nghi thiên hạ”. Mẫu là hồn của đất, Mẫu là cơm gạo ta vẫn ăn hàng ngày, cho hoa trái bốn mùa tốt tươi.

Đền Mẫu của làng Cổ Đình nằm trên núi Mẫu và đền nằm ở vị trí trên đỉnh của núi. Con đường lên núi Mẫu là những bậc đá được con người sắp xếp một cách cẩn thận. Người dân Cổ Đình rất khéo léo, họ đã trồng những cây ô rô, rồi vít chúng lại thành một thứ vòm xanh tự nhiên. Hết các bậc đá là đến cánh rừng thông. Hết rừng thông là đến rừng tràm. Đến đây thì ngôi Đền Mẫu hiện ra “uy nghi, ngói phủ rêu phong, nằm chính giữa đỉnh núi, giữa những cây giẻ” [21, tr. 418].

Thánh điện được bày biện đúng quy cách. Trên bàn thờ hậu cung cao vót là tượng của Thánh Mẫu được sơn son, thiếp vàng và phủ khăn đỏ. Phía dưới là hương án, trên bày đỉnh, bát hương và hai giá nến. Nhưng “rực rỡ và uy nghi nhất là hai chiếc dầm vượt lên trên cao” [21, tr. 420]. Vì nằm trên đó có hai con rắn trắng bằng vải, to như cổ tay, màu đỏ nằm uống khúc như hai con rồng uốn khúc bám vào gỗ - đó là hai chú “ngựa ngài”, đứng ở hai bên nhìn vào hậu điện chầu thánh Mẫu - theo quan niệm dân gian thì các chú ngựa ngài vừa là vệ sỹ, vừa là ngựa cưỡi của các vị thánh Mẫu. Còn ở hai bên treo những chiếc nón hình chóp, nón thúng và những lẵng hoa. Ngoài ra còn có hai bức tranh: bên phải là Thánh Mẫu, bên trái là ngũ hổ.

Với nhân dân làng Cổ Đình - một vùng quê bán sơn địa Bắc Bộ thì Đạo Mẫu đã ăn sâu vào trong tiềm thức của họ. Họ đặt niềm tin lớn vào Đạo Mẫu, tất cả những tư tưởng, tình cảm họ đều dành cho Đạo Mẫu.

Trong Đội gạo lên chùa, Phật giáo là Phật giáo của làng quê, được miêu tả là ở một vùng ven đô, có núi, sông, ruộng đồng. Trước khi đi vào lòng nhân dân, đến với những miền quê, Phật giáo chủ yếu đắc dụng nơi đế kinh, một không gian của nhiều “kẻ có học”, vượt qua được cản trở về ngôn ngữ và sớm tường giải các triết thuyết ẩn tàng trong các bộ kinh Phật chuyển từ ngoại quốc về, góp phần tạo dựng nền tảng tư tưởng và văn hóa quốc nội. Tuy đã có thời gian dài lên ngôi quốc giáo, can thiệp sâu sắc đời sống chính trị và trực tiếp phát sinh vai trò quan trọng của tầng lớp thiền sư, nhất là vào thời Lý, nhưng chỉ đến khi những thường dân quê mùa ít chữ song dám đương đầu với đời sống thuần nông nhiều bất trắc và nạn cát cứ triền miên, tìm đến tiếng mõ, tiếng chuông nhằm giữ an tâm tĩnh trí, hướng đến cuộc sống thanh sạch, tích thiện thì Phật giáo mới thực sự trổ hết khả năng điều chỉnh và tâm thế nhân dân Việt.

Không ngẫu nhiên mà Nguyễn Xuân Khánh chủ ý sắp xếp các sự kiện lịch sử nổi bật của thế kỉ XX, với tính sự kiện liên tiếp, trong tương quan đối sánh với sự tồn tại của Phật giáo làng quê. Ngôi chùa làng Sọ nhỏ bé ấy đã là nhân chứng và luôn là đương sự can dự mạnh mẽ, gián tiếp hoặc trực tiếp vào diễn biến chính sử của thời đại. Do đó, vị thế “trận địa” và vị trí phe phái mà tác giả bày bố ở tiểu thuyết trở nên đặc biệt: Một bên là thế lực nảy sinh cái ác (địa chủ tay sai, Tây lai Bernard, đại úy Thalan), một bên là thế phục dựng cái thiện (người dân làng Sọ, thiền sư). Sự phức tạp nảy sinh khi “kẻ bên kia chiến tuyến” như Bernard cũng từng là con đẻ bên này; còn người cõi Phật một thời là thảo khấu giang hồ. Phía đối thủ đã học hành kinh kệ mà phe ta cũng từ cửa chùa ra đi… Cuộc đối đầu, đối thoại giữa các thế lực này cho thấy ác và thiện chỉ là ranh giới, là “lối sống”, là điểm quy chiếu của các hành vi mà mỗi con người từng đặt đến. Kẻ xâm lược thì không là “kẻ nhân đạo”, còn các lý thuyết khai hóa văn minh nếu rơi vào tay “tiểu tri thức” thì “rất dễ

cực đoan và cuồng tín”; Các lối sống mang những chức phận và nhân danh những lý lẽ khác nhau. Nhưng tác giả chủ trương Phật giáo là “lối sống tốt đẹp lành mạnh nhất” bởi các phe phái, một cách tự nhiên đều cư trú trên thế gian “rất cần đến cái tâm cao thượng. Có được cái vô ngã, cái từ bi hỉ sả của đức Phật thì mới mong thế gian được an lành”. Lối sống Phật giáo có thể thiệt thân nếu giữ khư khư hai chữ từ bi, nhưng tác giả, một lần nữa kiên quyết lưu ý thêm “nếu hai chữ ấy mà bị mất đi hoàn toàn chắc chắn con người sẽ bị rơi lại vào thời mông muội”. Từ đó, Vô Úy, Vô Chấp, Vô Trần, Khoan Hòa, Khoan Độ… không chỉ là Phật danh mà cần xây dựng như là Phật tính trong thời hiện đại. Nguyễn Xuân Khánh muốn đánh đổi hành trạng mỗi nhân vật thành biểu tượng của quá trình nhận thức Phật pháp trong mỗi con người.

Trong Đội gạo lên chùa, nhân vật người kể chuyện xưng tôi - An đã được nhà văn để xuất hiện ngay từ đầu tác phẩm, chính điều đó đã khiến cho các trải nghiệm Phật giáo trở nên hiện thực và sống động nhất. Từ một chú tiểu An với những bài kinh kệ vỡ lòng, học gõ mõ, đánh chuông, đến một chú tiểu An đã thấu hiểu nếp sống nhà Phật. Từ một cậu bé mồ côi, lưu lạc đến chùa Sọ nương nhờ của Phật đã trở thành một nhà sư bộ đội trong kháng chiến. Sau khi hòa bình lập lại An là người chủ gia đình, chủ một trang trại, lập am thờ Phật tại nơi mình sống. Cuộc đời của An là cuộc đi tìm đạo giữa cõi trần gian, là sự giằng xé giữa đời và đạo. Am hay chùa chỉ là hình thức bên ngoài mà thôi, như vậy là, Phật giáo hoàn toàn có thể sinh ra từ ngoài đời sống hiện thực. Việc khoác trên mình chiếc áo nâu sòng không quan trọng bằng Phật tính chứa đựng và thực thi. Tín đồ Phật giáo làng quê Việt, như cái cách mà thầy trò chùa Sọ nhìn nhận, thì chủ yếu là người nữ, bởi thế “tinh thần Phật giáo thấm vào xã hội thông qua người mẹ, người vợ. Người đàn bà ứng xử trong gia đình xã hội và dạy con cái ít nhiều theo tinh thần Phật giáo. Vì thế mà bất cứ người Việt nào cũng đều có chút Phật giáo trong người.

Truyền thống đó được nhắc nhở và hiện hữu không ngừng trong đời sống người dân làng Sọ, từ bà vãi Thầm dớ dẩn, cô Nguyệt xinh đẹp, đến vài cái tên đặc quê mùa như: Nấm, Rêu, Thêu, Trắm… Họ cùng với sư Vô Úy, sư Vô Trần, tiểu An vừa là hiện thân của Phật giáo làng quê vừa củng cố hệ giá trị này trong bối cảnh mới.

Qua giọng ngợi ca ngưỡng mộ trên, chúng ta thấy giọng điệu này rất đa dạng, đối tượng để ngưỡng mộ ngợi ca bao gồm cả những người tài năng xuất chúng, đi trước thiên hạ nhưng đồng thời cũng bao gồm cả những người trong cuộc sống đời thường mà ở họ toát lên vẻ đẹp của sức sống mãnh liệt.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết mẫu thượng ngàn và đội gạo lên chùa của nguyễn xuân khánh (Trang 116 - 123)