trên thế giới
Năm 2008 tờ Tuần tin tức của Mỹ tiến hành trên mạng internet cuộc bầu chọn các nước lớn về văn hoá và biểu tượng văn hoá trong phạm vi ở Mỹ, Anh, Canada cho kết quả: 12 nước lớn văn hoá và 20 biểu tượng văn hoá cho mỗi nước. Theo thứ tự là Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Nhật, Ý, Đức, Nga, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Hy Lạp và Hàn Quốc, cũng theo thứ tự 8 nước xếp hạng từ thứ 13 đến 20 là Ai Cập, Thái Lan, Mexico, Brazil, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Áo, Iran. Năm 2009 Mỹ chiếm khoảng 43% thị phần văn hóa thế giới, EU chiếm khoảng 43 %, Nhật chiếm 10%, Hàn Quốc chiếm 5% và 8% còn lại là của các nước khác. Nhìn bảng kết quả này chúng ta đặt ra câu hỏi: Việt Nam với lịch sử nghìn năm văn hiến, nền văn hoá đa dạng phong phú,
nguyên nhân nào làm cho người nước ngoài biết quá ít về văn hoá Việt Nam? Các nước lớn Hoa Kỳ, Trung Quốc làm gì để quảng bá văn hóa, phát huy "quyền lực mềm" và Hàn Quốc - nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam làm thế nào để thế giới biết đến văn hoá của họ? Để đảm bảo tính nhất quán tên gọi trong quá trình nghiên cứu có thể coi những hoạt động thuộc lĩnh vực thông tin, văn hóa ra thế giới của các quốc gia này là các hoạt động TTĐN trong NGVH.
Hoa Kỳ
Người Mỹ không đưa ra một cách rõ ràng về khái niệm và nội hàm TTĐN trong NGVH, tuy nhiên các hoạt động này chiếm phần lớn trong nội dung các hoạt động ngoại giao công chúng (Public Diplomacy), ngoại giao văn hóa (Cultural diplomacy) của Mỹ. Hoạt động TTĐN trong NGVH Mỹ bắt đầu thực hiện từ những năm đầu thế kỷ 20, trong thế chiến lần thứ nhất khi Tổng thống Woodrow Wilson thành lập Uỷ ban Thông tin Công cộng: Uỷ ban Creel - (đặt theo tên của Chủ tịch Uỷ ban, ông George Creel), chịu trách nhiệm làm cho thế giới hiểu được mục đích của Mỹ trong cuộc chiến. Năm 1919 Uỷ ban Creel bị xoá bỏ. Năm 1938, để đối phó với mối nguy hiểm của phát xít Đức và âm mưu Nazi nhằm lật đổ hệ thống chính trị ở Mỹ Latinh, cựu Tổng thống Franklin D. Roosevelt khôi phục lại các hoạt động văn hoá, thông tin đối ngoại bằng cách thành lập Uỷ ban Liên Bộ về Hợp tác Khoa học và Cơ quan Hợp tác văn hoá thuộc Bộ Ngoại giao. Nhiệm vụ của các viên chức phụ trách vấn đề văn hoá ở khu vực Mỹ Latinh là tổ chức các chương trình trao đổi, giao lưu văn hóa thông tin đánh dấu sự mở đầu trong quan hệ văn hoá với nước ngoài của Mỹ. Chính quyền Mỹ xác định truyền bá văn hóa ra ngoài là nhiệm vụ của nhà nước Hoa Kỳ, ngoại giao tốt là phải biết tận dụng sức mạnh của các thông tin tự do. Chính quyền Mỹ nhận thấy cần truyền tải mạnh mẽ các ý kiến, quan điểm trên toàn thế giới, cần giữ vai trò chi phối và kiểm soát hệ thống thông tin toàn cầu thông qua các tập đoàn truyền thông lớn có uy tín. Các đời Tổng thống Mỹ đều coi trọng thực hiện công tác này thông qua các cơ quan chức năng: Bộ Ngoại giao, các cơ quan thông tin, truyền thông, các viện nghiên cứu về truyền thông, báo chí, văn hóa và đặc biệt là Phòng văn hóa Cơ quan thông tin Mỹ (USIA) được thành lập tháng Tháng 8/1953 có trụ sở tại Washington và cơ quan thông tin Mỹ ở nước ngoài (USIS). Chính phủ Mỹ chi những khoản tiền khổng lồ cho CIA thực hiện chương trình tuyệt mật về tuyên truyền văn hóa ở Tây Âu và toàn thế giới thông qua Tổ chức vì tự do văn hóa (CCF) do điệp viên Michael Josselson điều hành từ 1950-1967. Mục đích của CCF là lôi kéo các nhà trí thức châu Âu ra khỏi tầm ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác và nếu có thể mua chuộc họ phục vụ cho lợi ích chiến lược trong chính sách ngoại giao Mỹ. CCF còn
phát hành gần 20 tạp chí uy tín, tổ chức nhiều buổi triển lãm nghệ thuật, hội nghị quốc tế cấp cao và trao nhiều giải thưởng khác nhau cho giới nghệ sỹ. Uỷ ban giáo dục và văn hóa Mỹ ECA- (Education Cutural American) là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc thành lập các hiệp hội hợp tác văn hóa giữa tư nhân và nhà nước. ECA giữ vai trò quan trọng trong việc tăng cường quan hệ với các nghệ sỹ, nhà văn, họa sỹ nước ngoài. 1500 tổ chức tư nhân và các học viện hợp tác với ECA với Hội đồng du lịch quốc gia tổ chức các chương trình văn hóa và giao lưu, duy trì mạng lưới gồm 80.000 tình nguyện viên Mỹ- những người làm việc trong các lĩnh vực giải trí, giới thiệu nước Mỹ đến với du khách nước ngoài.
Ban đầu TTĐN trong NGVH Mỹ gặp phải sự chỉ trích của nhiều quan chức phản đối việc sử dụng văn hóa như là một công cụ ngoại giao, họ coi văn hóa là lĩnh vực sáng tạo, thị hiếu công chúng, tự do cá nhân không thuộc chính phủ. Nhiều chuyên gia NGVH, chính trị gia cho rằng lồng ghép hoạt động văn hóa giáo dục với thông tin tuyên truyền của chính phủ là vô đạo đức, các chương trình văn hóa giáo dục quốc tế mang lại lợi ích lâu dài cho quốc gia không nên sử dụng nhằm đạt mục tiêu ngắn hạn của một chính quyền. Chính phủ Mỹ coi TTĐN trong NGVH là đại diện lợi ích quốc gia ở nước ngoài khác với việc giành được sự ủng hộ của người dân cho các chính sách vì vậy về mặt luật pháp không được phổ biến đến người dân Mỹ, rất hiếm có ngoại lệ và nếu có phải được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên đa số học giả, chính trị gia Mỹ cho rằng tận dụng sức mạnh thông tin tự do, văn hóa phục vụ đối ngoại là liệu pháp khôn ngoan, hiệu quả và ít tốn kém nhất phục vụ mục tiêu đối ngoại - điều mà ngoại giao truyền thống không thực hiện được. Họ coi đây là “sự hậu thuẫn của văn hóa, thông tin đối với chính trị”, là “loại hình nghệ thuật đưa các thông điệp từ loa phóng thanh, hình ảnh và các cuốn sách vào đầu khán thính giả hải ngoại”. Edward. R. Murrow nhà ngoại giao công chúng của Mỹ cho rằng ngoại giao nhân dân giống như “vai trò của báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng khác trong các vấn đề quốc tế, hình thành công luận, sự tác động qua lại giữa các tổ chức phi chính phủ, và lợi ích của nước này với nước khác và ảnh hưởng của các quá trình xuyên quốc gia trong việc hình thành chính sách và hoạt động ngoại giao”. Tự do báo chí ở Mỹ cho phép cùng một vấn đề nhưng có nhiều luồng tin, quan điểm và tư tưởng nhưng hầu hết thế giới lại chưa sẵn sàng tiếp nhận các nguồn tin đa dạng và độc lập nên việc “sửa nhận thức lấn át sự thật là chức năng của ngoại giao nhân dân Mỹ”.
Các phương thức, nội dung TTĐN trong NGVH Mỹ rất đa dạng, tùy thuộc vào nội dung, địa bàn NGVH, các cơ quan chức năng thực hiện TTĐN trong NGVH Mỹ
đưa ra những hình thức phù hợp nhằm đạt hiệu quả cao nhất, chủ yếu là các phương thức sau:
Các phương tiện tuyên truyền “nhanh”: Với ưu thế là cường quốc đứng đầu thế giới, sở hữu những tập đoàn truyền thông hùng mạnh, đội ngũ nhà báo lớn nhất thế giới có tay nghề cao, phương tiện kỹ thuật hiện đại. TTĐN trong NGVH Mỹ có phạm vi hoạt động rộng lớn, phức tạp có sức ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu thông qua xây dựng, duy trì hoạt động hệ thống các đài phát thanh, truyền hình phát ở các khu vực trên toàn thế giới. Đây là công cụ hiệu quả để chính phủ Hoa kỳ thực hiện các hoạt động chống chủ nghĩa cộng sản (CNCS) thời kỳ chiến tranh lạnh. Có thể nói đây là thời kỳ chính phủ Mỹ sử dụng TTĐN trong NGVH ở thế tấn công và thu được nhiều thành công. Tháng 4 năm 1950 bài phát biểu nổi tiếng với tiêu đề “Chiến dịch sự thật” Truman chính thức mở đầu cho cuộc chiến trên mặt trận tư tưởng chống chủ nghĩa cộng sản. Nội dung và thông điệp trong các chương trình mang nặng tính tuyên truyền một chiều chống CNCS. Đồng thời đây cũng là hình thức quảng bá cho thế giới thấy “những hình ảnh đầy đủ và trung thực về cuộc sống người dân Mỹ, về mục đích và các chính sách của Chính phủ Mỹ”.
Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) - bộ phận chủ đạo của cơ quan thông tin đối ngoại USIA không phát sóng trong nội địa Mỹ thực hiện chiến dịch thông tin toàn cầu nhằm chống lại “sự xâm lăng văn hóa của chủ nghĩa cộng sản”. Trụ sở chính của các đài này đặt ở Mỹ và với mỗi khu vực có những phiên bản khác nhau. VOA được tổ chức thành nhiều ban theo vùng với các thứ tiếng khác nhau và phủ sóng đến các vùng trên thế giới, nhưng đặc biệt tập trung vào các nước cộng sản ở Châu Âu và Châu Á. Đài phát thanh tự do (Radio Liberty-RL), phát thanh sang Liên Xô bằng tiếng Nga và một số thổ ngữ Xô Viết khác. Đài phát thanh tự do (RF) và Đài phát thanh châu Âu tự do RFE (Radio Free Europe) phát thanh đến các nước “bị nô dịch” ở Châu Âu bằng ngôn ngữ của mỗi nước. Các chương trình này tuy bị phá sóng ở các nước chủ nghĩa xã hội, song các bản tin bằng tiếng Anh vẫn đến được tầng lớp trí thức biết tiếng Anh, hỗ trợ cho các hoạt động “diễn biến hòa bình” của Mỹ ở nước ngoài. VOA cũng được sử dụng chủ yếu ở châu Phi nơi trình độ dân trí, điều kiện kinh tế xã hội hạn chế cho phát triển internet và truyền hình.
Trong chiến tranh ở Việt Nam cơ quan USIA của Mỹ được mở rộng lên bốn lần. USIA thực hiện chương trình thông tin và văn hoá đồ sộ nhằm giữ vai trò là phát ngôn viên của Mỹ đối với báo chí quốc tế, can thiệp sâu vào cuộc chiến tâm lý chống lại quân dân Việt Nam, hỗ trợ, thậm chí đôi khi thay thế, Bộ thông tin về Việt Nam trong việc tuyên truyền, “giáo dục người dân bản xứ” về mục đích cuộc chiến của Việt
Nam. USIA đã làm những nhiệm vụ không nằm trong đề mục của NGVH và TTĐN mà nhiều khi chỉ đơn thuần là những hoạt động thông tin tuyên truyền phản động, công cụ nô dịch văn hóa.
Ngay từ năm 1988, USIA của Mỹ lắp đặt các ăng ten thu cho mạng worldnet với tổng cộng 156 ăng ten được lắp đặt ở nhiều thủ đô, các thành phố lớn bao phủ khắp các châu lục và các khách sạn lớn ở châu Âu qua hệ thống truyền hình cáp (16 ăng ten ở Châu Âu, 27 ở Mỹ - La tinh, 9 ở Châu Phi, 13 ở Châu Á và Đông Nam Á). Worldnet phát sóng 5 giờ/ngày ở Châu Âu, 1 giờ/ngày ở khu vực Mỹ- Latinh bằng tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, 4 giờ /ngày cho bốn địa điểm ở Châu Phi và các chương trình không có thời lượng định trước đến các khu vực khác trên thế giới. Cùng với thời gian, các tập đoàn truyền thông Mỹ không ngừng phát triển và lớn mạnh: Time Warner Inc, Bloomberg, The New York Time Company, The Washington Post Company, Tribune Company, Discovery Holding Company, Gannett Conpany Inc... “ước tính có khoảng 30 triệu người ở các nước Tây Âu nói tiếng Anh và lấy tin từ các tạp chí, truyền thông của Mỹ. Đó là một tân thế giới, kết nối công nghệ, báo chí và ngoại giao thành một vòng tròn phụ thuộc lẫn nhau và nêu ra các câu hỏi về trách nhiệm của nước Mỹ”. Báo chí, điện ảnh, hệ thống các tập đoàn truyền thông của Mỹ chiếm đến 60% mạng lưới phát hành ở châu Âu, có khả năng thao túng thông tin trên phạm vi toàn cầu.
Chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ thay đổi chiến lược trong đó ưu tiên quảng bá trên phương diện vị thế quốc gia, hình ảnh các vị tổng thống Mỹ, truyền bá tư tưởng lối sống, các giá trị Mỹ thông qua phim ảnh của Hollywood, các giá trị dân chủ, nhân quyền Mỹ qua các kỳ tranh cử, bầu cử, sản phẩm hàng hóa chất lượng cao...VOA chuyển sang cung cấp thông tin về thuận lợi và khó khăn trong việc thành lập và vận hành xã hội dân chủ với chính phủ đại nghị: quản lý và kinh doanh trong nền kinh tế định hướng thị trường; về các luồng thông tin tự do không bị kiểm soát và hệ thống toà án đại diện cho pháp quyền thay vì "đại diện cho các nhà độc tài"...
Ở lĩnh vực điện ảnh, Hollywood được coi là kinh đô điện ảnh của thế giới, thành công của nó bên cạnh các yếu tố: kịch bản hay, cảnh quay công phu tỷ mỉ và táo bạo, kinh phí lớn còn có lợi thế về hệ thống mạng lưới phát hành rộng lớn phim Mỹ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường do sự phổ biến tiếng Anh và hệ thống rạp chiếu phim và truyền hình ở thị trường nội địa rộng lớn tạo điều kiện để nhà sản xuất nhanh chóng thu hồi vốn, làm tăng sức cạnh tranh về giá thành sản phẩm xuất khẩu. Ngày nay phim Mỹ được chiếu trên 100 quốc gia, chiếm khoảng 80% phim chiến ở Châu Âu. Hạ nghị sĩ Mỹ Jame C. Corman tuyên bố “Chúng ta phải biến việc nghiên cứu
ngành công nghiệp trọng yếu này của Mỹ trở thành chính sách quốc gia không được chậm trễ. Điện ảnh là ngành công nghiệp “bán nước Mỹ” cho thế giới bằng sự trưng bày sinh động hệ thống của Mỹ, năng xuất của một doanh nghiệp tự do, cạnh tranh”[21]. Công nghiệp điện ảnh không những đem lại nguồn lợi khổng lồ và quan trọng nó còn là phương tiện mạnh mẽ, con đường ngắn nhất quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước con người nhằm phát triển ảnh hưởng của văn hóa Mỹ trên toàn thế giới. Vì vậy công nghiệp văn hóa Mỹ nhận được sự ủng hộ đặc biệt của chính quyền trong nỗ lực xuất khẩu ra bên ngoài.
Các phương thức tuyên trền "chậm" được được thực hiện thông qua các chương trình thư viện, các trung tâm văn hóa, các chương trình học bổng, giao lưu văn hóa, chương trình dạy tiếng Anh-Mỹ, các cuộc triển lãm trưng bày... Các hoạt động này nhằm “định hướng và giáo dục lại” người dân của các nước thua trận hướng đến nền dân chủ do Mỹ định hướng như Đức, Nhật, Áo. Thời kỳ chiếm đóng Tây Đức những năm đầu thập kỷ 1950, Mỹ xây dựng 27 trung tâm văn hóa-thông tin dưới tên gọi “những ngôi nhà Mỹ” nhằm định hướng, giáo dục lại, tái thiết một xã hội dân chủ ở Đức sau chiến tranh. Vai trò của “những ngôi nhà Mỹ” như những trung tâm văn hóa, thư viện sách, tạp chí, nơi chiếu phim, tổ chức các sự kiện văn hóa, hội thảo, diễn thuyết dạy tiếng Anh, tham khảo về giáo dục cho đến khi các cơ sở văn hóa của Đức được xây dựng lại. Ở Nhật, Nam Mỹ, châu Phi và một số quốc gia khác chính phủ Mỹ cũng có các chương trình tương ứng. Ngày nay các Trung tâm này là văn phòng đại diện văn hóa Mỹ ở nước ngoài. Các chương trình trao đổi giáo dục, học bổng nhằm “thúc đẩy sự hiểu biết về Mỹ của các dân tộc khác trên thế giới và tăng cường các mối quan hệ hợp tác quốc tế”. Ở Việt Nam hiện có 02 trung tâm văn hóa thông tin của Mỹ ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động của trung tâm thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu, thanh niên, sinh viên Việt Nam.
Các hoạt hoạt động giao lưu văn hóa, trao đổi tạp chí, họa báo, phim ảnh, giao lưu âm nhạc, nghệ thuật, tổ chức các cuộc triển lãm, trưng bày nhằm hỗ trợ tốt nhất cho việc tuyên truyền chính sách đối, quảng bá giới thiệu nước Mỹ. Ví dụ: Cuộc trưng bày nguyên tử vì hòa bình (Atom for Peace) giữa những năm 1950 của USIA nhằm tuyên truyền chính sách sử dụng năng lượng hạt nhân vì hòa bình của chính phủ Mỹ,