Quan điểm chỉ đạo của đảng và nhà nước về thông tin đối ngoại và ngoại giao văn hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thông tin đối ngoại trong ngoại giao văn hóa việt nam thực trạng và triển vọng (Trang 68 - 71)

giao văn hóa

Kế thừa chủ trương đường lối văn hóa đối ngoại từ quan điểm chỉ đạo, chỉ thị, công văn ở các thời kỳ các mạng trước: Đề cương văn hoá của đảng năm 1943, Ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài thành lập năm 1961 đầu mối hoạt động trao đổi, giao lưu, biểu diễn văn hóa nghệ thuật với nước ngoài. Ban Việt kiều thành lập năm 1959 thu hút, vận động Việt kiều hồi hương xây dựng đất nước đồng thời tổ chức vận động kiều bào vận động nhân dân nước sở tại đấu tranh ủng hộ, giúp đỡ cuộc chiến tranh chính nghĩa của Việt Nam. Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 10/5/1962 của Bộ chính trị về công tác tuyên truyền văn hóa đối ngoại - văn bản đầu tiên đề cập đến vai trò, nhiệm vụ của công tác TTĐN phục vụ phát triển đất nước. Nghị quyết số 05, ngày 25/11/1987 của Bộ Chính trị, văn hóa được xác định là “bộ phận trọng yếu của cách mạng tư tưởng văn hóa, là một lực lượng mạnh mẽ, đồng thời là mục tiêu lớn trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa” [22]. Trong nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về đường lối đổi mới của Việt Nam có nhắc đến “mở rộng và hợp tác quốc tế về văn hoá” là một trong 10 nhiệm vụ cụ thể hàng đầu. Trong các tài liệu liên quan đến đối ngoại ít nhiều có nhắc đến hoạt động giao lưu văn hoá, tuyên truyền văn hoá đối ngoại. Nghị quyết 01 NQ/TW ngày 28/3/1992 về "công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay" "khẳng định làm rõ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lê Nin, những vấn đề cần bổ sung và điều chỉnh..." của Bộ chính trị nhằm kịp thời định hướng văn hóa tư tưởng trong nhân dân đồng thời xác định lại những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin cần được nghiên cứu, kế thừa trong tình hình mới. Đây là chỉ thị quan trọng góp phân định hướng con đường phát triển của Việt Nam sau khi hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Khái niệm "Tư tưởng Hồ Chí Minh" được chính thức ghi vào văn kiện và xác định rõ: cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động cho toàn Đảng, toàn dân ta. Tạo cơ sở khoa học cho việc xây dựng Cương lĩnh chính trị, Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể hoá và phát triển đường lối đổi mới của Đảng trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá-thông tin, an ninh - quốc phòng, đối ngoại. Chỉ thị số 11 – CT/TW ngày 13/6/1992 của Ban bí thư về đổi mới và tăng cường công tác TTĐN... Những văn bản, chỉ thị của Đảng, Nhà

nước nêu trên không chỉ mang lại kết quả cao trong thực tiễn đấu tranh ngoại giao trên lĩnh vực văn hóa, thông tin mà còn góp phần quan trọng trong định hướng phát triển thông tin, văn hóa đối nội, đối ngoại của quốc gia ở những giai đoạn cụ thể. Đây là cơ sở quan trọng góp phần thúc đẩy các hoạt động TTĐN, NGVH phát triển trong thời kỳ mới.

Từ những thành tựu trong lĩnh vực ngoại giao đạt được năm 1995, theo sát, nhận định và đánh giá kịp thời những thay đổi nhanh chóng của môi trường văn hóa thông tin trên thế giới, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của NGVH, TTĐN trong thực hiện chính sách đối ngoại, và những yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra cho công tác đối ngoại Đảng và Nhà nước ta ra nhiều nghị quyết, chỉ thị và văn bản chỉ đạo thực hiện TTĐN, NGVH tiêu biểu như:

Thông báo số 118 năm 1998 của Bộ chính trị bổ sung, nhấn mạnh những đối tượng, địa bàn và ưu tiên trọng điểm tổ chức lực lượng của công tác TTĐN.

Chỉ thị số 10/2000/CT-TTg ngày 26/4/2000 về tăng cường quản lý và đẩy mạnh công tác TTĐN trong tình hình mới. Quyết định số 16 ngày 26/12/2001 của Ban bí thư về thành lập Ban chỉ đạo công tác TTĐN đánh dấu bước phát triển mới công tác TTĐN Việt Nam; Nghị quyết đại hội IX Đảng cộng sản Việt Nam tháng 4/2001 nhấn mạnh “tăng cường hơn nữa công tác TTĐN và văn hóa đối ngoại… Phối hợp chặt chẽ hoạt động ngoại giao của nhà nước, hoạt động đối ngoại của Đảng và hoạt động đối ngoại nhân dân. Hoàn thiện cơ chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại, tạo thành sức mạnh tổng hợp thực hiện có kết quả nhiện vụ công tác đối ngoại, làm cho thế giới hiểu rõ hơn đất nước con người, công cuộc đổi mới của Việt Nam, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và hợp tác ngày càng vững vàng của thế giới” [06, tr 112].

Đại hội X năm 2006 của Đảng một lần nữa nhấn mạnh việc “đẩy mạnh công tác văn hoá-TTĐN, góp phần tăng cường sự hợp tác, tình hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước [07, tr.115]. Cũng trong năm này Hội nghị công tác ngoại giao lần thứ 25 đã thông qua chính sách ngoại giao Việt Nam dựa trên 3 trụ cột chính là ngoại giao kinh tế, ngoại giao chính trị và NGVH. NGVH đóng vai trò là nền tảng tinh thần, biện pháp, nội dung và mục tiêu của chính sách đối ngoại Việt Nam, hỗ trợ cho ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế để tạo thành một tổng thể chính sách, phát huy tốt nhất kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”.

Năm 2007 trong nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 1/8/2007 của Hội nghị trung ương 5 khoá X nêu rõ: “Tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động TTĐN. Tiếp

tục tăng thời lượng phát thanh truyền hình, báo điện tử ra các nước, các khu vực, đưa được nhiều thông tin và sản phẩm văn hoá có nội dung tốt đến với đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế; tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam đến nhiều nước trên thế giới”.

Năm 2008 chỉ thị số 26 – CT/TW ngày 10/9/2008 của Ban bí thư nhấn mạnh các phương tiện truyền thông đại chúng cần phải tăng cường “giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hoá Việt Nam đến nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước có đông người Việt Nam định cư”. Năm 2009 Bộ Ngoại giao triển khai là năm “NGVH Việt Nam” đánh dấu bước phát triển mới trong nhận thức và hoạt đông NGVH Việt Nam.

Quy chế quản lý nhà nước về TTĐN được Thủ tướng chính phủ ban hành ngày 30/11/2010, kèm theo Quyết định số 79/2010/QĐ – TTg, quy chế ghi rõ nội dung, nguyên tắc hoạt động, nguyên tắc quản lý hoạt động TTĐN, trách nhiệm quản lý nhà nước về TTĐN. Theo văn bản này ủy ban nhân dân (UBND) thực hiện quản lý nhà nước (QLNN) về TTĐN trong phạm vi ngành, địa phương, cơ quan giúp UBND tỉnh, thành phố thực hiện chức năng QLNN về thông tin đối ngoại ở địa phương là Sở thông tin và truyền thông (TT&TT), các sở liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở TT&TT thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ QLNN. Bộ Ngoại giao chủ trì triển khai các hoạt động TTĐN ở nước ngoài. Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ, chủ trì thực hiện QLNN về TTĐN. Có thể nói đây là văn bản có tính pháp lý đầu tiên trong lĩnh vực TTĐN, sự phối hợp thực hiện TTĐN trong NGVH.

Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ: “Kết hợp chặt chẽ đối ngoại của Đảng với ngoại giao của Nhà nước và ngoại giao nhân dân, giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa”[35, tr.139]. NGVH trở thành một trong ba trụ cột của ngoại giao Việt Nam, thực hiện ngoại giao văn hóa là một trong những việc làm thiết thực để góp phần thực hiện thắng lợi “Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới [36, tr.83, 84]. Vai trò, vị trí NGVH được khẳng định, khắc phục những quan điểm cho rằng văn hóa, ngoại giao văn hóa, chỉ là

“cờ, đèn, kèn, trống” nặng về nghi lễ hình thức, hay thiên về “ca, múa, nhạc, phim, ảnh” mang ra biểu diễn, triển lãm ở nước ngoài...

Ngày 14/2/2011, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định ban hành Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020, góp phần hoàn thiện chính sách về ngoại giao văn hóa, tạo cơ sở và các điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai các hoạt động văn hóa. Chiến lược xác định rõ những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để phát triển ngoại giao văn hoá thành một trụ cột của nền Ngoại giao toàn diện, hiện đại Việt Nam, đưa nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào hệ thống quốc tế. Tháng 10/2011 lần đầu tiên Việt Nam mở lớp tập huấn về ngoại giao văn hóa, bồi dưỡng kiến thức về đối ngoại cho lãnh đạo, cán bộ của ban Đảng, các sở, ban, ngành, các huyện, thị và doanh nghiệp ở địa phương: Vĩnh Phúc, Quảng Bình, An Giang, Hà Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bạc Liêu, Yên Bái, Nam Định.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thông tin đối ngoại trong ngoại giao văn hóa việt nam thực trạng và triển vọng (Trang 68 - 71)