Khắc họa nhân vật qua các chi tiết

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết tô hoài (Trang 42 - 47)

Để xây dựng nhân vật trong tác phẩm, nhà văn phải miêu tả nhân vật trên rất nhiều phương diện và phương tiện cơ bản nhất để miêu tả là chi tiết – những nét cụ thể tạo nên sự sống động của hình tượng. Theo Từ điển thuật ngữ Văn học thì chi tiết “có khả năng thể hiện, giải thích, làm minh xác cấu tứ nghệ thuật của nhà văn, trở thành tiêu điểm, điểm hội tụ của tác giả trong tác phẩm (…) đóng vai trò vật liệu xây dựng làm tiền đề cho cốt truyện phát triển thuận lợi và hợp lí” [12; 51]. Sêkhốp từng phát biểu: “Tài hoa của nhà văn là ở cách dùng chi tiết”. Chi tiết đó là những cái rất nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn: “những điều nho nhỏ, một nét mặt, một cử chỉ, một giọng nói, cho chúng ta biết rõ tâm lí của một người hơn những công việc và quyết định hệ trọng (…). Những cái mà ta thường coi là nhỏ nhặt, vụn vặt hay tỉ mỉ lại chính là những cốt yếu của tiểu thuyết hay” (trích theo [29; 90].

Nhân vật trong tiểu thuyết của Tô Hoài rất đa dạng, đó không chỉ là hình tượng người nông dân ở vùng đồng bằng, vùng cao, đó còn là hình ảnh về những con người lịch sử, những chiến sĩ cộng sản, những anh đội…Họ có một vai trò riêng trong tác phẩm và cách Tô Hoài sử dụng chi tiết để miêu tả họ là vô cùng linh hoạt. Đó cũng là sở trường của ông khi viết tiểu thuyết. Mỗi đối tượng nhân vật cứ dần dần hiện rõ qua sự kết hợp sử dụng các chi tiết hàng ngày, với các chi tiết được chọn lọc.

Tô Hoài đề cao bản chất con người thực và muốn làm cho con người hiện lên một cách chân thực, sống động như nó vốn có. Vì thế trong tiểu thuyết của Tô Hoài ta bắt gặp rất nhiều chi tiết nhỏ nhặt, bình thường của cuộc sống hàng ngày, các chi tiết hết sức tự nhiên, như bản thân cuộc sống, có khi “tầm thường” nhưng chính những chi tiết hiện thực ấy lại làm nên cái “không khí sống” hết sức tự nhiên, chân thực cho các nhân vật. Ở tiểu thuyết Miền Tây, để thể hiện cuộc sống tối tăm, cô

quạnh trong rừng sâu của mẹ con bà Giàng Súa khi bị dân làng xua đuổi tác giả đã dùng các chi tiết rất đời thường. Miêu tả cuộc sống khốn khó và sự ngạc nhiên đến thẫn thờ của các con bà khi thấy từng đoàn ngựa lên núi: “Cái địu nhẹ thếch trên vai, buông thõng một dây nghiêng xuống lưng. Trong địu lăn ra mấy bắp ngô khấp khểnh, hạt long, hạt chuột gặm, mỗi bắp rơi một nơi. Chưa ai buồn nhặt, có gì mà nhặt, Khay đứng trố mắt như hỏi Nhìa”. Trong Đảo hoang để làm nổi bật sự dũng cảm, khả năng chịu đựng và số phận lúc còn bé của Mai An Tiêm, tác giả đã sử dụng các chi tiết về cuộc sống trôi nổi ở bờ biển, qua tay người này, người khác: “Những đợt sóng cao lù lù từ ngoài khơi chạy vào, vừa chạy vừa gào, ập xuống, muốn lôi ngay thằng bé ra khơi. Nhưng thằng bé vẫn bám được vào đất. Thằng bé vẫn lang thang sống trên dọc biển Đông, khắp mình đã trổ chàm vằn vèo, xám xịt”. Khi kể về sự trở về của gia đình An Tiêm, để làm rõ sự khổ nhọc, lam lũ và cuộc sống cô quạnh tách biệt xã hội loài người khi gia đình An Tiêm ở ngoài đảo, tác giả đã miêu tả họ như những người rừng mà khi gặp lại quan quân tưởng người rừng thực định giơ cung bắn : “Chỉ có một đám lửa trơ trọi lởm nhởm trên đống đá mốc xám. Nhưng, rồi đống đá mốc ấy rùng rùng đứng dậy (…) Bây giờ, đã trông rõ có ba người đàn ông mình xăm chàm vằn vèo và hai người đàn bà váy áo lá lướp tướp. Những mớ tóc dài xuống đến bắp chân và mặt những người đàn ông thì râu rậm rịt quấn lẫn cả tóc, chẳng khác mặt con gấu đương bò thủng thỉnh đằng sau. Những chi tiết đọc thoạt tưởng là “thừa”, chẳng liên quan đến cốt truyện nhưng nó lại làm nên cái sinh động của cuộc sống bao bọc lấy nhân vật. Đọc đến Ba người khác, tác giả không kể một cách vắn tắt mà mỗi sự kiện đều tả rất tỉ mỉ, cụ thể. Ví như sự kiện đấu tố địa chủ Thìn, tác giả dựng cảnh bắn y như thật từ cảnh buổi sớm Bối cho người vào bắt địa chủ Thìn khiêng ra ngoài bãi: “Lão tù bị buộc chân, hai người khoác súng xỏ đòn ống, khiêng bổng đi ” đến cảnh bãi mít tinh đông nghịt, khi tên địa chủ được đặt xuống ngồi tựa vào cái cọc thì “cuộc đấu lên nổ liên tiếp” “người chạy lên chạy xuống tới tấp”, thảm sao cái cảnh “lão Thìn lả người lăn quay ra giữa bãi”. Những chi tiết ấy gây ám ảnh cho bạn đọc về hiện thực u ám, gây ghê sợ căm phẫn với những người làm đấu tố. Hay cái chi tiết lão Diệc con rể địa chủ Thìn “run

run bước lên, chỉ tay vào địa chủ Thìn: - Tao thù mày, tao thù …Rồi khóc rống lên chạy xuống” làm người ta thấy thực, vừa đáng tội vừa buồn cười, đúng là bản tính hiền lành chân chất của những nông dân lao động sớm chịu khổ cực nên khi được nổi dậy họ cũng chỉ biết làm theo bản năng mà bỏ qua cả tình nghĩa cha - con. Cũng vẫn những trang làm người đọc chăm chú bởi sự thường nhật mà đến sinh động của các chi tiết, ta cảm nhận ra cuộc sống tàn tạ, bản chất xấu xa, ngu ngơ, như thời cải cách của Bối mặc dù đã hai mươi năm trôi qua khi anh ta định tự tử : “Tôi đứng lên mặt bàn, buộc một đầu ruột tượng lên sàn nhà, bên kia thòng xuống, thắt nút thòng lọng lại. Tôi ngắm nghía. Chui vào, đạp đổ cái bàn dưới chân thì tôi bằng thằng Vách. Tôi ngồi thừ một lúc lâu. Không phải tôi ngần ngừ mà tôi mỏi như sắp chết, tôi ngồi thế này chắc một lúc nữa tôi cũng chết. Không phải. Tôi nhớ ra tôi sắp lả vì đói. Thế thì đi ăn cái gì chẳng nên làm con ma đói”. Ngay cả khi xây dựng một nhân vật lịch sử như Hoàng Văn Thụ, Tô Hoài cũng không gò ngòi bút của mình trên những trang tư liệu có sẵn, ông miêu tả nhân vật với những chi tiết tưởng chừng chỉ có thể để nói với nhau mà không thể đưa lên trang sách. Đó là chi tiết Thụ gọt trọc đầu vào Quốc dân đảng để tránh nguy cơ cạn tiền cạn gạo; hay khi từ Vũ Hán về có lúc đi mót dây khoai, lúc thì rình bắt thỏ rừng, thậm chí cả việc đi ăn mày để qua cơn đói. Hàng loạt các chi tiết hết sức bình dị, vừa phảng phất chất giang hồ, vừa thể hiện cái cơ cực, gian khổ mà người chiến sĩ phải trải qua trên con đường đến với cách mạng.

Bên cạnh những chi tiết như nhập thẳng từ cuộc sống tự nhiên, Tô Hoài cũng chú ý đến việc lựa chọn những chi tiết tiêu biểu, bởi chính những chi tiết đó nếu được sử dụng một cách hợp lí, sinh động nó sẽ có ý nghĩa trong việc khắc họa nhân vật, tính cách và từ đó thể hiện được ý đồ tư tưởng của nhà văn. Trong tiểu thuyết của Tô Hoài ta bắt gặp nhiều chi tiết được tác giả lựa chọn, những chi tiết đó thực sự rất “đắt” mà có khi chỉ Tô Hoài mới dám sử dụng. Trong tiểu thuyết Ba người khác, mở đầu là chi tiết một cố nông kể khổ anh ta phải mút bòi địa chủ mắc bệnh tim la và đã lây cái máu dê từ tên địa chủ ấy. Chi tiết ấy gây ám ảnh, ghê rợn cho người đọc về hình ảnh khốn cùng của người nông dân và sự ác bá của địa chủ. Hay

chi tiết đội cải cách đi qua chợ, đội trưởng Cự lén lút mua bánh đúc giấu vào ba lô bị Bối biết và ăn trộm, sau đó Đình biết Bối ăn trộm nên đòi chia phần: “Tôi luồn tay dưới ba lô, thó luôn cả gói, bỏ nhẹm vào túi xách của tôi trong bụng đầy hả hê (…). Ông anh nhanh quá đấy. Tớ nhìn thấy trước đằng ấy cơ”. Trong rất nhiều chi tiết của cuộc sống, Tô Hoài đã lọc lấy chi tiết ăn trộm bánh đúc vừa buồn cười vừa ái ngại, qua đó phơi bày hiện thực u ám thời cải cách và bản chất tham lam, giả dối của các anh đội. Cũng bằng các chi tiết, khi kể về anh đội Cự tác giả viết: “Đội trưởng Cự nổi cáu đập sổ tay, sừng sộ: - Nhà mụ lọt lưới đáy, xấp xỉ phú đấy. Đừng có quá lời, chẻ hoe xóm này cho mà xem. (…). Cho trung nông là phúc bảy mươi đời, muốn lên địa phú hả ? Ai muốn lên thì đội cho lên. Thoải mái”. Rồi đội trưởng Cự cho bà lão lên phú nông thật và kết cục bà lão về đến cổng ngã lăn ra chết. Qua chi tiết ấy, ta thấy được Cự là kẻ lúc nào cũng tỏ ra quyền thế, thích dọa nạt người khác, ham thành tích, sống giả dối và biết cách che đậy bản chất xấu xa của mình. Đọc chi tiết ấy, ta thấy căm giận những anh đội, và thương tâm người nông dân sức cùng lực kiệt. Sức nặng của chi tiết nằm ở chỗ đó. Ở Miền Tây, ta cũng đọc được những chi tiết rất tiêu biểu, có giá trị cao. Để diễn tả cuộc sống đói nghèo, tủi cực, xô bồ, hỗn loạn của người dân vùng cao trước cách mạng Tô Hoài đã chọn ra các chi tiết rất hay về cảnh phiên chợ Phiềng Sa – môi trường, hoàn cảnh phản ánh rõ nét nhất cách sinh hoạt của người dân. Đó là cảnh các cô gái nghèo đi chợ ngượng ngùng vì váy áo rách rưới, những người phụ nữ suốt đời vất vả, nhẫn nại cầm ô che cho chồng, những khuôn mặt gầy guộc, bạc phếch của những cụ già không bao giờ ăn một hạt muối, cảnh nhân dân chen chúc, xô đẩy nhau mua muối, cảnh đổi chác cả một bộ xương hổ, gấu vất vả lắm mới săn được để lấy một bát muối, cảnh tên lính đồn hung hăng, táo tợn, vừa phi ngựa vừa la hét đòi thu thuế, cướp hàng. Cũng miêu tả phiên chợ Phiềng Sa, nhưng là sau Cách mạng, tác giả cũng dùng những chi tiết chọn lọc thể hiện được cuộc sống sinh hoạt vui tươi, hồ hởi của người dân. Đó là ngựa thồ “lọc cọc, leng keng” kéo nhau đi từng đàn. Là các chị ríu rít chơi đùa với trẻ con, tranh nhau nắm đuôi ngựa để leo dốc, các cụ già nghề mộc vung tay vung búa, vung rìu lao động, khắp nơi chi chít tiếng đẽo đá, đẽo gỗ, bễ rèn thở

phì phò, các cụ bà ngồi se lanh thêu áo…Tất cả đều là những phác thảo tươi tắn giàu thực tế, những bức tranh giàu màu sắc, uyển chuyển và sinh động. Nó được Tô Hoài quan sát, ghi chép và chắt lọc đưa vào tác phẩm khiến ta cảm nhận được sự luồng gió mới cách mạng đã thổi đến vùng cao. Để phản ánh nạn mê tín dị đoan ám ảnh lên cuộc sống cũ, lên cuộc đời của mẹ con bà Giàng Súa, Tô Hoài đã sử dụng chi tiết bà Giàng Súa làm theo lời của mọi người “xuống suối lấy sỏi ngậm hàng tháng, con ma sẽ hóa cục máu ra theo hòn sỏi” nhưng “ hòn sỏi nằm trong miệng bà đủ ba mươi đêm, bà Giàng Súa nhổ ra, cũng chẳng thấy có cục máu ra”, không có máu trong mồm nên bà và các con phải trốn chui lủi vào rừng sâu. Khi kể về cuộc đời mới, với con người mới, Tô Hoài đã xây dựng nhân vật Vừ Sá Tỏa rất sinh động. Tính tình Sá Tỏa thẳng thắn bộc trực, đôi khi hơi nóng nảy nhưng Sóa Tỏa rất vui với mọi người, hăng hái trong công việc; để làm nổi bật tính cách ấy của Sóa Tỏa, Tô Hoài đã đưa chi tiết khi nghe Tào Nhìa nhắc lại họ cũ của mình, Sóa Tỏa như bị nhói vào chỗ đau đớn tủi nhục cũ mà quát lên: - “Thằng hổ vồ, mày muốn chết rồi, họ Vừ nhà tao không thèm đội nhờ đầu họ Mùa nhà Sống Cổ, tao ném họ Mùa xuống suối từ lâu rồi.”

Khi viết về người thực, việc thực trong tiểu thuyết Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, nhà văn đã biết nhặt lấy những chi tiết “đắt giá” “như nhặt khối than đốt cho động cơ tác phẩm của mình”[13; 351]. Mỗi việc có thể xảy ra trong bất cứ cuộc vận động cách mạng nào, nhưng trên trang giấy của tác giả nó ánh lên màu vẻ riêng biệt khiến chỉ đọc một lần là nhớ lâu. Kể về các bước phát triển phong trào, về hành động bạo dạn, nhiệt tình “cách mạng” của Thụ, tác giả sử dụng chi tiết Thụ tự làm lấy băng đỏ đeo lên cánh tay áo, xách mã tấu vào huyện để nói: “các đồng chí Hồng quân cho tôi làm cách mệnh”; khi Nông Kỳ Lâm quẩy sọt củ nâu và con trăn đến bắt liên lạc với Thụ, Thụ một mình đến thăm tên trùm phỉ Chính Hiền, hành động đó giống như Quan Vân Trường đơn đao phó hội. Hay khi miêu tả nỗi ấm ức của Mã Hợp khi đi rải truyền đơn bị bắt rồi bị tra khảo: “Thằng Tây chửi mình áo rách thì đúng rồi, nhưng chửi đúng vào chỗ mình không biết chữ thì tức quá”. Tinh thần cách mạng

len lỏi, phát triển và thấm ngầm vào cả những người như mẹ Mã Hợp. Mẹ Mã Hợp hỏi Thụ: “Mẹ già thế này mẹ có cách mệnh cộng sản được không”.

Quan sát và ghi chép ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào là thói quen của Tô Hoài mà không phải ai cũng học được. Chính vì sự cần mẫn, cẩn thận đều đặn như thế mà ông đã tạo cho mình một kho tư liệu dồi dào, phong phú, đa dạng về đời sống, làm chất liệu cho sáng tác, giúp ông đi sâu vào kể, tả chi tiết. Trên trang giấy của ông người ta có thể liệt kê ra hàng loạt các chi tiết đời thường đến không tưởng bởi nó tràn ngập, nó thành một chuỗi dài tạo nên sự kiện, cốt truyện, tạo nên cái tạng riêng của nhà văn, nhưng cũng trên trang giấy ấy, người ta nhìn thoáng, đọc thoáng cũng có thể nhớ được những chi tiết được ông bỏ công nghiền ngẫm, chọn đưa vào tác phẩm. Sự kết hợp một cách linh hoạt các chi tiết hàng ngày với các chi tiết tiêu biểu đã giúp Tô Hoài dựng nên những nhân vật, những tính cách mà mỗi lần nhắc đến ta đều biết nó là sản phẩm của Tô Hoài. Chính bởi thế nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh đã có lí khi nhận xét: “Nhà văn có khiếu quan sát hết sức phong phú và sắc sảo, tài hoa, hiểu theo nghĩa vận dụng toàn bộ các giác quan để ghi nhận cảnh vật bên ngoài với tất cả hình dáng, sự sinh động, âm thanh, màu sắc, mùi vị của nó…Ông có trí tưởng tượng mạnh mẽ giúp ông rất nhiều khi miêu tả…, đồng thời có vốn ngôn ngữ giàu có mà ông cần cù tích lũy để tạo nên những bức tranh chân thực, góc cạnh và đầy hương sắc” [16; 46].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết tô hoài (Trang 42 - 47)