Người kể chuyện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết tô hoài (Trang 70 - 77)

Bất cứ tác giả tiểu thuyết nào cũng đều phải chọn lựa ngôi kể cho tác phẩm của mình, một trong hai cách chủ yếu là : kể ở ngôi thứ nhất hay kể ở ngôi thứ ba. Trần thuật ở ngôi thứ nhất, tác giả viết về những điều mình đã trải qua, đã chứng kiến, nếm trải và chiêm nghiệm. Và tất nhiên, với tính chất hư cấu của tiểu thuyết, “tôi” không hẳn là tác giả mà chỉ là một nhân vật của truyện. Lời trần thuật ở đây vừa là ngôn ngữ trần thuật của tác giả vừa là ngôn ngữ trần thuật của nhân vật, tức vừa là lời trực tiếp, vừa là lời gián tiếp (của nhân vật). Việc trần thuật ở ngôi thứ nhất làm toát lên quyền lực của nhà văn mê hoặc độc giả chấp nhận lời mình nói. Mặt khác nó giúp nhân vật tự “mổ xẻ” bản thân mình thành thật và sâu sắc hơn. Câu chuyện được kể trở thành câu chuyện về một cái tôi cá nhân cụ thể nào đó, bởi lẽ cái tôi riêng ấy là nhân chứng duy nhất của sự kiện được kể. Trần thuật ở ngôi thứ ba dưới hình thức người kể chuyện (do tác giả sáng tạo ra), lời trần thuật ở đây

chuyện và có khả năng kể lại toàn bộ câu chuyện theo cách riêng của mình. Lời trần thuật ở đây còn có nhiệm vụ tái hiện và phân tích, lý giải thế giới khách quan vật chất, sự việc, con người…; tái hiện và phân tích, lý giải lời nói ý thức người khác. Theo Bakhtin, lời văn trần thuật gián tiếp này (khác với lời văn trực tiếp của nhân vật) có thể chia làm hai loại: loại thứ nhất là gián tiếp một giọng, là lời trần thuật tái hiện, phẩm bình các hiện tượng của thế giới trong ý nghĩa khách quan vốn có của chúng. Loại thứ hai là lời gián tiếp hai giọng, là lời trần thuật có hấp thu lời nhân vật, tức là trong phát ngôn của người trần thuật cùng lúc có thể có cả lời trực tiếp hay những suy tư gián tiếp của nhân vật, nó thể hiện sự đối thoại với ý thức khác của cùng một đối tượng miêu tả. Loại thứ hai này cho phép tác giả di chuyển “điểm nhìn” trần thuật và tạo nên tính chất đa thanh trong ngôn ngữ trần thuật, ngôn ngữ tiểu thuyết. Ngoài việc tác giả trần thuật theo hai dạng thức nói trên, nhân vật còn có vai trò là người trần thuật. Trong tiểu thuyết, nhân vật có vị trí rất quan trọng, là then chốt của cốt truyện, giữ vị trí trung tâm trong việc thể hiện đề tài, chủ đề và tư tưởng tác phẩm. Có nhân vật thì có ngôn ngữ nhân vật. Ngôn ngữ nhân vật là một trong những phương tiện quan trọng được nhà văn sử dụng nhằm thể hiện cuộc sống và cá tính nhân vật. Ngôn ngữ trần thuật của nhân vật là lời trực tiếp của nhân vật trong tác phẩm, là thứ ngôn ngữ được miêu tả. Đó thực chất cũng là ngôn ngữ của tác giả, nhưng tác giả để cho nhân vật tự giải bày về mình..

Tô Hoài là một nhà văn từng trải, tiểu thuyết của ông là thể loại tích hợp được vốn kinh nghiệm phong phú ấy trong nghệ thuật trần thuật. Và do vậy người kể chuyện trong tiểu thuyết của ông cũng biến đổi đa dạng, linh hoạt để phù hợp với ý đồ nghệ thuật của tác giả. Nngười kể chuyện trong tiểu thuyết của Tô Hoài lúc ở ngôi thứ nhất lúc ở ngôi thứ ba.

Ở ngôi kể thứ ba (Miền Tây, Đảo hoang, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ), Tô Hoài đã tạo ra một khoảng cách thích hợp để quan sát và tỉnh táo bình luận, để kể lại một cách khách quan câu chuyện. Người kể chuyện ở ngôi thứ ba không xưng danh, không biết là ai chỉ thấy có một người kể chuyện trần thuật lại tất cả mọi sự việc trong truyện. Với ngôi kể thứ ba, Người kể chuyện thỏa sức tự do trong việc xâu

chuỗi các sự việc. Người kể chuyện có thể đang kể hiện tại nhưng lại dễ dàng quay ngược về quá khứ để kể cho rõ sự việc. Ví như ở Đảo hoang, người kể chuyện đang kể về những hoạt động chuẩn bị của đội Bãi Lở: “Tiếng chiêng... bi... ly... bi... ly... cùng tiếng người hí, người reo xôn xao suốt đêm trên bờ sông. Hàng tháng nay, vùng Bãi Lở rộn rịch lên. Càng gần ngày về hội đầu năm ở kinh đô, lại càng náo nức…” thì lại quay ngược thời gian thuật lại sự việc Mai An Tiêm xin đi trấn vùng đất mới mà nay gọi là Bãi Lở: “Hơn mười năm trước, An Tiêm được nhà vua cho ra mở đất ven sông Cái. Nhớ lại những khó khăn ngập đầu lúc ấy, chồng chất không biết bao nhiêu mà đếm xuể!”. Hay đang thuật về chuyến đi đầy ra đảo của gia đình An Tiêm, người kể chuyện lại ngược về quá khứ kể chuyện Mai An Tiêm sinh ra, lớn lên và được vua cho đi theo: “Nhớ lại chuyện An Tiêm ngày trước từng sống ở đất kẻ bể. Sông nước, bể khơi, coi như đồng bãi bằng phẳng”. Với ngôi kể thứ ba, người kể chuyện đã thuật lại được mọi điều xảy ra trên đảo của gia đình An Tiêm. Cách lựa chọn ngôi kể đó thích hợp cho một tiểu thuyết về đề tài lịch sử, khó có thể để ngôi kể thứ nhất trong tác phẩm này vì nó không thích hợp trong việc miêu tả một cách khách quan cuộc sống của gia đình An Tiêm, bởi chẳng ai có thể là “tôi” để chứng kiến một câu chuyện của thời huyền sử. Cũng không thích hợp để một nhân vật trong truyện kể vì điều đó sẽ khiến cho độ rộng về không gian, chiều dài về thời gian và số lượng các sự kiện giảm đi, không thể hiện hết được những nỗi gian truân, vất vả của mọi người trong gia đình An Tiêm trên đảo. Người kể chuyện trong Miền Tây cũng có được cái nhìn toàn cảnh, xuyên hiện tại, hồi tưởng quá khứ. Ta thấy mở đầu truyện đang kể về đoàn ngựa của ông khách Sìn tải hàng lên Phìn Sa và hình ảnh bà Giàng Súa “đang nhìn xuống” trên khe núi, rồi bà sợ hãi nghĩ đến các con thì lại quay ngược về: “Năm ấy, đương vụ làm nương xuân” để kể về việc vì sao bà Giàng Súa và các con phải sống chui lủi trong rừng như những bóng ma. Hay khi cuộc sống ở Phìn Sa đã thay đổi thì Thào Nhìa mất tích nhiều năm trời nay trở về với bộ dạng của một tên biệt kích. Hắn đứng ra kể lại quá trình tại sao mình trở thành biệt kích và sau lời kể của Thào Nhìa, người kể chuyện tiếp tục đứng ra kể chi tiết hơn về những năm tháng lưu lạc của Thào Nhìa “(Khách Sìn

bị một bọn nửa buôn nửa cướp khác giết chết. Vẫn những chuyện tranh cướp mồi và cướp của của các chủ ngựa, chủ hàng. Thào Nhìa phải sang tay đi đuổi ngựa cho chủ mới..)”. Nghĩa là một cán bộ lên hoạt động trên vùng Tây Bắc và anh là một người thẳng thắn, nhiệt tình trong công việc. Quá khứ của anh cũng được người kể chuyện lồng vào kể đan xen với hiện tại mỗi khi anh nghĩ đến quê hương và việc lấy vợ. Với việc lựa chọn ngôi kể thứ ba, Tô Hoài đã thể hiện được sự thay đổi nhiều mặt của cuộc sống và con người vùng núi cao. Sự lựa chọn này là thích hợp và có hiệu quả bởi tiểu thuyết có một dung lượng lớn các sự việc xoay quanh sự đổi mới của đồng bào vùng núi khi cách mạng về, số lượng các nhân vật với số phận khác nhau cũng không ít. Nếu lựa chọn ngôi kể thứ nhất hoặc để một nhân vật kể có lẽ sẽ không thể khái quát hết, không thể tập trung vào bức tranh rộng lớn về cuộc sống mới với những thành tựu lớn lao của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và số phận những con người nơi đây.

Trong Đảo hoang, người kể chuyện có thể cùng lúc kể các sự việc, chi tiết về cuộc sống của Mon và cuộc sống của gia đình An Tiêm khi họ lưu lạc nhau, và khi họ gặp nhau người kể chuyện lại có thể vừa miêu tả về sự thay đổi của Mon, vừa miêu tả về sự thay đổi của An Tiêm, nàng Hoa và bé Gái. Với Miền Tây, người kể chuyện vừa thâm nhập vào đời sống tâm lý của bà Giàng Súa để miêu tả khi bà ở cuộc đời cũ và khi bà được hưởng sự đổi thay ở cuộc đời mới, cũng như tâm trạng của một người mẹ khi có đứa con là biệt kích, vừa miêu tả được tâm trạng bứt rứt, giằng xé của Thào Nhìa khi một nửa muốn về với mẹ, một nửa muốn rủ mẹ và em đi theo sang bên Lào. Cũng như vậy, người kể chuyện vừa có thể miêu tả tâm lý của ông cụ người Xá khi nghĩ về cán bộ, về cách mạng, lại vừa có thể bày tỏ thái độ và suy nghĩ của cán bộ Nghĩa và Thào Khay về ông cụ đó, về những người chưa tin hẳn vào cách mạng. Ở Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, các hành động của Thụ rất nhiều, và sự kiện, chi tiết trong truyện không đơn thuần là chỉ kể về Hoàng Văn Thụ mà còn kể về những nhân vật khác như Mã Hợp, Khén Chang, Khi Chang, Chu Sảo Kính… Và để có thể kể được nhiều nhất, đầy đủ nhất mọi hoạt động nhất là các việc thường ngày của Thụ và các nhân vật này thì chỉ có ngôi kể thứ ba mới làm

được. Những việc kiếm ăn, những cuộc đi mót dây khoai, cắt tóc, ăn mày, đập chén rượu ăn thề, đeo băng đỏ lên cánh tay áo…bản thân nhân vật Thụ là một nhân vật lịch sử nên ít có khả năng kể lại những sự việc “đời thường” ấy, và nhân vật khác cũng khó có thể kể vì không thể biết hết các hành động của Thụ. Và ngôi kể thứ ba là thích hợp nhất cho việc mô tả những hoạt động thể hiện nhiệt tình cách mạng và gian khổ mà một anh hùng có thể trải qua. Với ngôi kể thứ ba này, sự đa dạng về tâm trạng, về hành động của nhân vật cùng một lúc được miêu tả rõ nét, đó là điều mà người kể chuyện “toàn tri” có thể làm được.

Ngôi kể thứ ba, còn cho phép người kể chuyện đan xen những bức tranh thiên nhiên vào giữa các sự kiện mà thiên nhiên ở đây có ảnh hưởng đến cuộc sống con người. Thiên nhiên là người bạn gần gũi, có lúc hắt hiu như một nỗi buồn, rạng rỡ như một niềm vui, thiết tha như một niềm tâm sự, ôm ấp gắn bó với con người. Đang kể về những chuyến ngựa thồ của khách Sìn vượt qua những vùng đồi núi hiểm trở với sự vất vả của người phu ngựa thì người kể chuyện xen vào miêu tả: “Đàn ngựa kéo dài qua những vùng vàng rươi cỏ tranh cứ xoay tròn lên lưng trời, đi cả ngày trông xuống vẫn thấy độc có một vết dốc vượt hôm trước. Không một tiếng người, chỉ nghe tiếng vó ngựa và tiếng roi quất dứ qua quãng kẹt núi dựng, tiếng gió gào quấn trên đầu sóng cỏ tranh, chốc lại xô lên, lấp cả người, cả ngựa. Đôi khi mặt trời rầu rĩ nhô ra làm cho các mỏm núi và đến cả các khe suối xa bỗng nhiên nhuộm nắng úa xuộm”. Thiên nhiên được người kể chuyện miêu tả phù hợp với cảnh ngộ con người. Nó hòa quyện với nếp suy nghĩ, và tâm trạng con người. Trên “đảo hoang”, cuộc sống với nhiều thiếu thốn, nhiều gian nan nhưng con người vẫn tràn đầy sức sống như những bụi tầm xuân: “bụi tầm xuân từ bao giờ mọc lên, những khúc dây quấn quít cuồn cuộn cao như tường. Đương vào mùa hoa tầm xuân, khắp nơi, ửng màu hồng nhạt. Hoa tầm xuân, hoa hồng dại, các cõi đất quê ta, đâu cũng có, từ triền Tam Đảo xuống qua vùng đồng bãi hai bên sông Cái sang đến vườn Tản Viên, ngoài rừng tre rừng mía, những bờ bụi tầm xuân nở đầy”. Người kể chuyện thỏa sức đan xen, lồng ghép các đoạn tả cảnh thiên nhiên trữ tình, làm cho nhịp truyện dãn cách, chầm chậm, khiến người đọc được nhẩn nha suy xét. Cũng có lúc

trước khi vào câu chuyện, người kể chuyện miêu tả cảnh thiên nhiên – mùi hương hồi của đất Lạng Sơn, mùi hương có hình có sắc, ẩn hiện đậm đà và say mê như chính người thanh niên giàu nhiệt huyết xuyên qua hương hồi lên đường đi tìm cách mệnh: “Những cơn gió sớm đẫm mùi hương hồi, từ đồi trọc Lộc Bình xôn xao xuống, tràn vào cánh đồng Thất Khê, ùa lên những hang đá (…). Qua những vùng hồi mà một mảnh lá gãy cũng dậy mùi thơm, gió càng thơm ngát, tỏa cái nắng tháng bảy rưng rưng ở các đầu rừng lao xao tiếng người đánh xe ngựa chở hồi cho lái buôn”. Những đoạn miêu tả thiên nhiên xen lẫn vào các sự kiện, chi tiết của câu chuyện được người kể chuyện đưa vào như một cách vô tình nhưng nó lại hấp dẫn người vì vẻ đẹp nên thơ, giọng trữ tình. Đó cũng là một cách thể hiện sự tinh tế, nhạy cảm của nhà văn.

Ở ngôi kể thứ nhất (Ba người khác), Tô Hoài là một người kể chuyện nhìn lại quá khứ của mình, quá khứ của một thời – cuộc cải cách ruộng đất. Ngôi kể thứ nhất nhưng là ở vị trí chủ quan – nhân vật “tôi” là một nhân vật anh đội tham gia vào cốt truyện, dẫn dắt câu chuyện, kể chuyện mình và kể chuyện người khác. Tiểu thuyết Ba người khác với người kể chuyện xưng “tôi” đã thể hiện một điểm nhìn tối hảo để kể một câu chuyện về thời đã qua. Cải cách ruộng đất – một thời đã qua, đã quá quen thuộc với mỗi người nhưng với ngôi kể thứ nhất một lần nữa những bi kịch về số phận con người, sai lầm của một thời kì được dựng lại một cách chân thực, sinh động như vừa mới xảy ra. Điểm nhìn hoàn toàn mới đó là sự hồi tưởng của anh đội Bối - một phó đội cải cách năm xưa. Anh ta đã kể lại một cách thành thật, tự nhiên, không giấu diếm tất cả những gì mình đã làm, đã chứng kiến, đã trải qua trong và sau đợt cải cách ấy. Mở đầu tác phẩm “tôi” dẫn người đọc bước vào thời cải cách bằng không khí sôi sục của hội nghị tổng kết các đội công tác tại vùng đồng bằng sông Hồng. Rồi theo hồi tưởng của người kể chuyện đưa người đọc cùng đội cải cách đến vùng “200 ngày”; ở đây chúng ta như được tận mắt chứng kiến các anh đội thực hiện “ba cùng” như thế nào, như được xem các cuộc đấu tố, xử địa chủ ra sao, và hình ảnh những người nông dân vùng quê ấy như thế nào. Bối vừa là một người quan sát viên, vừa là một người trực tiếp tham gia cải cách nên anh ta có đủ

điều kiện tốt nhất để nhìn nhận “chân tơ kẽ tóc” của cuộc cải cách. Anh ta không chỉ tường thuật lại một cách tỉ mỉ, cụ thể từng sự kiện xảy ra mà còn trực tiếp bày tỏ cảm giác, suy nghĩ về chính bản thân mình và về các nhân vật khác. Đó là một cái “tôi” tự thú trung thực, một người kể chuyện đáng tin cậy. Cách người kể chuyện kể cũng rất thú vị. Anh ta cứ bình thản, tự nhiên, thẳng thắn đến bất ngờ kể lại tất cả những toan tính, dục vọng, nhược điểm, sai trái của chính bản thân và của những người anh ta biết không một chút ăn năn, hối lỗi, không một chút thanh minh, biện bạch, anh ta để khoảng trống đó cho người đọc nhận xét, đánh giá. Bối kể về người khác cũng như kể về chính mình, tường tận tỉ mỉ, thành thực. Anh ta nhập vai Đình kể về cách bắt rễ của Đình: “Thoạt đầu Đình sục sạo khắp xóm một lúc, vào nhà nào cũng kê tiêu chuẩn ra hỏi ngay: - Mấy nhân khẩu? Có bao nhiêu? (…). Trung nông rồi – tôi bị thằng Thìn đánh nhét cứt trâu vào miệng… Không, cứ trung nông cái đã, còn cái ấy để rồi tố khổ”. Ở một đề tài nhạy cảm, khó khai thác như vậy nhưng Tô Hoài đã để lại dấu ấn riêng cho mình qua nghệ thuật trần thuật trong đó

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết tô hoài (Trang 70 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)