Ngôn ngữ giàu tính khẩu ngữ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết tô hoài (Trang 95 - 99)

Tô Hoài từng nói: “Tôi tôn trọng cái tinh hoa ngôn ngữ, trọng đến mức bái phục. Nhân dân chính là ông thầy lớn của mình về tiếng nói” [5; 50]. Chính vì thế, ngôn ngữ trong tác phẩm của Tô Hoài không phải là thứ “ngôn ngữ óng ả, sặc mùi sách vở”, chữ nghĩa của ông toát lên từ đời sống. Đó là thứ ngôn ngữ ông tích lũy, học hỏi từ nhân dân. Ông chịu khó ghi chép, ghi nhớ những câu nói chỉ có trong dân gian, và lựa lấy để đưa vào tác phẩm một cách thích hợp.

Ngôn ngữ của Tô Hoài là thứ ngôn ngữ của đời sống nhân dân, đặc biệt là ngôn ngữ của người nông dân, người lao động chân chất. Ông đi nhiều, am hiểu đời sống của nhân dân, phong tục của địa phương, vùng miền, nên ngôn ngữ trần thuật của người kể chuyện thể hiện nét phong tục độc đáo ấy. Khi viết về miền núi, không chỉ phong tục, tập quán của người dân tộc được tái hiện một cách rõ nét mà ngôn ngữ địa phương cũng được Tô Hoài làm nổi bật. Tác giả không lạm dụng tiếng địa phương mà chú ý nhiều hơn đến cách cảm nghĩ của nhân vật và gìn giữ được tính chất trong sáng, thuần nhất của ngôn ngữ tác phẩm. Tô Hoài đã chú ý miêu tả suy nghĩ, thái độ, hành động và ngôn ngữ của nhân vật mang bản sắc của người dân vùng cao. Trong Miền Tây, khi chồng bà Giàng Súa chết, cả làng đồn thổi chuyện nhà bà có ma. Cách nghĩ và cách nói của họ thể hiện bản sắc dân tộc, họ gọi Giàng Súa là “con ma Giàng Súa” và cách họ đối xử với mẹ con bà: “Người làng xôn xao, giận giữ bàn tán : làng cho mẹ con nhà Giàng Súa ăn Tết này xong rồi làng phải đem giết. Nếu không, có lúc ma nhà nó làm chết hết làng”. Thào Nhìa theo biệt kích và trong nhân vật này diễn ra sự giằng xé nội tâm. Nhưng ngay cả khi mâu thuẫn ngôn ngữ miêu tả nhân vật này cũng vẫn mang đậm chất của người Mèo. Khi đi lấy củi, Thào Nhìa đã nghĩ: “Thào Nhìa muốn ngã ngay xuống giữa gian nhà – gian nhà giữa thiêng liêng của người Mèo, chỉ khi có người chết rồi mới được khiêng đến cho nằm đấy. Thào Nhìa muốn ngã xuống gian giữa nhà, kêu lên : Mẹ ơi! Nhìa đi đây. Năm trước, thằng Nhìa đi với khách Sìn. Bây giờ thằng Nhìa đã bán mình theo ông dạy đạo, nó phải đi theo ông dạy đạo, ông dạy đạo bảo gì nó phải nghe, bây giờ nó phải nghe lời ông dạy đạo. Chẳng biết có còn lần nào về được không? Cả đời

nhớ Phìn Sa, bây giờ về Phìn Sa lại phải đi…”. Suy nghĩ của Thào Nhìa được miêu tả bằng thứ ngôn ngữ rất giản dị, tự nhiên, mỗi tiếng phát ra ngắn ngủi, chân thật, thẳng thắn y như tâm hồn của người dân vùng cao. Hay lúc miêu tả tâm trạng của Pàng khi thấy người đến nhà mình, tác giả cũng đã sử dụng sáng tạo thứ ngôn ngữ đậm chất địa phương ấy “Những người còn sức đương chống lại, chống lại đến cùng! Pàng đứng dậy, cả vợ con Pàng đây. Hổ báo nào, ma quỷ nào định bắt Pàng đi theo vua theo quan. Cứ vào đây. Pàng không đi đâu, Pàng đã về đến Ná Đắng. Pàng chỉ có một sống một chết.” (Miền Tây). Đó là cách cảm, cách nghĩ của người dân tộc, Pàng trung thành với cách mạng, ghét vua quan nên khi Nghĩa đến tưởng có người đến bắt mình theo vua quan thì Pàng đã nghĩ đến cái chết. Người xấu, kẻ ác thường được người dân tộc gọi là hổ, báo, rắn. Gọi họ với những tên của những con vật dữ trong rừng là cách thể hiện thái độ của người dân vùng cao. Suy nghĩ của ông cụ người Xá được miêu tả: “Có phải người nào để lộ điều bí mật vua ra với người khác họ, với cán bộ thì con hổ, con rắn sẽ tìm đến cắn chết? Rồi mỗi lúc ông cụ một lo người của vua đến báo thù, tối nào cũng sợ con hổ, con rắn về tìm ông. Người của vua đã biết ta ở đây, người của vua sẽ về giết ta…con hổ chỉ rùng mình một cái cũng đổ nhà này…”. Tình cảm của người dân tộc dành cho cách mạng thật là thủy chung, son sắt, và những người nghèo họ luôn mong muốn cách mạng thắng lợi. Người kể chuyện đã nhập vai vào suy nghĩ của người mẹ vùng cao – mẹ Mã Hợp. Bà đã từng đưa người ra biên giới đi làm cách mạng và khi mẹ nhìn thấy Thụ và Chi đến nhà mình đang nói chuyện về cách mạng, mẹ đã nghĩ cách mạng sắp đến, và sự thành công của cách mạng được mẹ nghĩ thật giản đơn như là khoảng cách sang bên ngoại nhà mẹ “Như thế cách mệnh đã về gần đến bên quê ngoại rồi, cách mệnh đã về gần lắm rồi” (Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ). Chất dân tộc, địa phương trong ngôn ngữ còn được thể hiện qua những đoạn miêu tả thiên nhiên, đời sống sinh hoạt của các dân tộc vùng cao. Mỗi trang sách, mỗi cảnh thiên nhiên, con vật đều mang hơi hướng của người dân tộc. Đó là cảnh các làng đương vào những ngày giáp tết “Gặt xong, mọi công nợ bắt đầu trang trải. Trước nhất, thóc nhà khó bắt đầu vào yên bồ nhà giàu. Trong làng vẻ tết đã dần dần hiện ra. Chưa phải chuyện yên

vui mà những lo lắng đến trước. Con ngựa là cái chân giúp người kiếm ra tiền. Tết đến, nhà ai có ngựa thì phải buộc cái cây tiền ấy vào trong tàu rồi đành ngày ngày đi cắt cỏ về cho nó ăn” (Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ). Phiềng Sa với những dốc dài hun hút, mù mịt của Châu Yên, ù ù thổi xám ngày đêm. Và người dân suốt đời bị ám ảnh bởi tiếng chân ngựa của lính dõng, quan bang, thống lý, của những đoàn ngựa tải súng và dầu lửa lên các đồn ải đế quốc trên biên giới. Tất cả được tái hiện bằng thứ ngôn ngữ giản dị, tự nhiên nhưng đậm chất địa phương, nhờ thế mà bức tranh thiên nhiên, đời sống của vùng núi hiện lên sắc nét. Cảnh tải ngựa được miêu tả dưới cái nhìn của người kể chuyện: “Cả đoàn dừng lại. Những người phu nhảy xuống chạy quanh ngựa, ai nấy hấp tấp rút trên túi ngực ra một ống nứa đựng rượu ngâm củ gấu đặc xẫm. Họ lần lượt xách chiếc thừng cương kéo mõm từng con ngựa lên rồi dốc ngược cả gống rượu vào họng ngựa” (Miền Tây).

Bên cạnh việc miêu tả thiên nhiên, đời sống, con người vùng cao bằng chính ngôn ngữ của họ, tác giả còn đưa vào trang viết của mình những tên làng, tên bản, những địa danh mang dấu ấn của vùng núi Tây Bắc. Đó là Châu Yên, Phìn Sa, Nà Đắng, Bản Đay, Nà Sầm, Đồng Đăng, Kỳ Lừa, Bò Tát, Cò Noong, Phố Lẩu, Kéo Sa, Tà Lài…Tên các nhân vật trong tiểu thuyết cũng thể hiện tính địa phương trong tác phẩm: “ông khách Sìn, Mỵ, Khúa Ly, Giàng Súa, Thào Khay, Thào Nhìa, Pàng, Mẩy, Chu Sảo Kính, Khén Chang, Khi Chang. Từ các tên gọi, địa danh đến cách nói, cách giao tiếp, của các nhân vật đều được người kể chuyện phả chất dân tộc vào đó. Khi bọn phản động trở về Phìn Sa, được tin các cụ già trong bản đã dạy con cháu “giặc cướp lại về hại nhân dân rồi, nó tràn về Ná Đắng rồi. Không thể được. Con cháu phải đi giết nó! Không được cho nó đến Phìn Sa. Đế quốc vua quan lại ngóc cổ! phải đi đánh bẹp đầu con dê thối mới được!” (Miền Tây). Người ta ví vua quan lại với con dê thối và cách họ nói thật hồn nhiên. Rồi khi những người cách mạng bắt được con hổ, họ cũng ví “Đánh hổ cũng giống đánh thằng Tây” (Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ). Hình ảnh so sánh ấy thật mộc mạc mà sâu sắc. Ngay cả cách gọi tên địch cũng thể hiện sự thẳng thắn, chân chất, thật thà của người vùng cao. Họ gọi

Mùa Sống Cổ là “vua Mèo”, thực dân Pháp là “thằng”, “thằng Tây”, còn cách mạng là “chính phủ ta”.

Không chỉ được coi là nhà văn phong tục mà ở một khía cạnh nào đó, có lẽ Tô Hoài cũng được coi là nhà văn “thích” sử dụng những từ ngữ thông tục. Đó là lớp từ cửa miệng trong giao tiếp hàng ngày của người dân được Tô Hoài đưa vào tác phẩm trở thành ngôn ngữ viết vô cùng chân thật về con người và cuộc sống của nhân dân. Để khắc họa đặc điểm của người nông dân trong vùng cải cách, tác giả để họ tuôn ra những câu nói có phần thô tục nhưng chính xác nó là thứ ngôn ngữ cửa miệng mà hàng ngày người ta thường nói với nhau. Nào là “mất hút con mẹ hàng lươn”, “ăn mẹ gì”, “chết mất ngáp à?”, “xẵng”, “cười chó gì”, “làm mẹ gì cho tốn nước bọt”, “tiên nhân đứa nào”. Rồi câu kêu than quen thuộc “ối giời ôi”, những từ ngữ xưng hô suồng sã, cách gọi nhân vật bằng các đại từ không có chút trang trọng, lịch sự “mày”, “tao”, “thằng tôi”, “thằng lười”, “thằng này”, “Con này”, “lão”, “bọn”. Và suy nghĩ của Bối về đội trưởng Cự nghe đúng là giọng của một kẻ “lõi đời”, một kẻ tục tĩu, đầu óc chuyên nghĩ đến những chuyện “hủ hóa” “Thằng dê cụ này đến chỉ vì cái mùi đũng quần đàn bà mà thôi. Con vợ dưới xóm Đìa nó tống đi cán bộ rồi, lên xóm Am nằm với cái Đơm, bây giờ lại sang tòm tem cái Duyên. Chỉ thế, chẳng

ba cùng ba càng, chẳng tổng kết, bồ kếp giời hỡi gì ở đây. Chắc thế, họ hàng nhà ma, đi guốc vào bụng nhau cả”. Duyên là một nữ thanh niên, tổ trưởng dân quân nhưng cách nói của Duyên giống như là cách nói của một người phụ nữ đã đáo để, quá hiểu chuyện đời “Nhà em nhớn bé già trẻ mười bốn khẩu, để xem chia bơi thế nào (…) Con này mà tố ra thì anh chết ngỏm đầu nước chứ không phải ai đâu” (Ba người khác). Những từ ngữ, những câu nói có phần thô tục ấy khiến ta cảm thấy khó nghe nhưng nó lại cần thiết làm nổi bật chân dung vốn có của người nông dân, đông thời bản chất xấu xa của các nhân vật càng được biểu hiện rõ nét. Qua cách sử dụng ngôn ngữ này, bức tranh đời sống thời cải cách và cá tính các nhân vật được phản ánh sinh động và chân thực vô cùng.

Nói đến Tô Hoài không thể không nói đến tài năng sử dụng ngôn ngữ của ông. Ngôn ngữ trong tác phẩm của Tô Hoài là ngôn ngữ xuất phát từ đời sống quần

chúng. Tô Hoài quan niệm đó là kho của cải vô giá và ông đã biết cách chọn lựa, nâng cao và nghệ thuật hóa trong các sáng tác của mình để tăng thêm giá trị của nó. Ông khẳng định: “Mỗi chữ phải là một hạt ngọc buông xuống những trang bản thảo, hạt ngọc mới nhất của mình tìm được, do phong cách văn chương của mình mà có”…“Câu nói là bộ mặt của ý. Ý không bao giờ lặp lại, cũng như cuộc sống không bao giờ trở lại giống nhau như đúc thì lời văn cũng phải thế”. Chính thứ ngôn ngữ “đời thường” ấy tạo cho tác phẩm của ông sự thú vị và hấp dẫn, đồng thời cũng chính nó góp phần thể hiện phong cách nhà văn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết tô hoài (Trang 95 - 99)