Khắc họa nhân vật qua biểu hiện nội tâm và ngôn ngữ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết tô hoài (Trang 59 - 70)

Nhân vật không chỉ hiện lên với ngoại hình, hành động mà còn phải biểu hiện được đời sống nội tâm. Khái niệm nội tâm được hiểu là để chỉ toàn bộ đời sống bên trong của nhân vật, đó là những tâm trạng, suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác; những phản ứng tâm lí của bản thân nhân vật trước cảnh ngộ, tình huống mà nhân vật

chứng kiến hoặc thể nghiệm trên bước đường đời của mình. Đời sống ấy của nhân vật có thể được biểu hiện qua ngôn ngữ của người kể chuyện, cũng có thể được biểu hiện qua độc thoại nội tâm và đối thoại nội tâm của chính bản thân nhân vật. Thế giới bên trong của nhân vật là một thế giới bí ẩn, khó nắm bắt, nhưng miêu tả được nội tâm là một phương thức tối ưu trong nghệ thuật xây dựng nhân vật. Không phải nhà văn nào cũng có thế mạnh trong khắc họa nhân vật qua nội tâm. Tô Hoài được nhắc đến với thành công trong việc khắc họa nhân vật qua ngoại hình và hành động, do đó trong đời sống nội tâm ông không phải là nhà văn “chuyên sâu”.

Đọc Ba người khác, ta thấy tâm trạng, suy nghĩ của các nhân vật trong tiểu thuyết được biểu hiện qua lời của người kể chuyện (là một nhân vật trong truyện). Trước nhất, anh ta đã tự kể về mình, tự giới thiệu lai lịch, và những nét tính cách cơ bản của anh ta: “Bố mẹ tôi mất đã lâu, tôi chỉ nhớ vợ con.(…). Tôi hồi hộp về chỗ nhà cũ ở Tám Mái (…). Tôi như đuổi theo cái bóng. Cũng chẳng buồn, chẳng ngán ngẩm(…). Lúc đầu tôi lo cứ rối tinh. Nhưng rồi cả tháng vừa nghe vừa hỏi thì cảm như mọi việc khuôn phép dần đâu vào đấy, công tác này cũng thế thôi. Còn gì khó hơn cái sổ sách kế toán, mình chẳng học mà cũng thành nghề cộng trừ nhân chia, thế ra đi cải cách không đáng sợ như những đứa đã đi về đồn thổi, doạ dẫm”. Nội tâm của Bối chủ yếu là bộc lộ qua những suy nghĩ, cảm nhận của anh ta về những việc, những người xung quanh anh ta. Khi lấy cắp được bánh đúc anh ta nghĩ “cho thằng đạo đức giả hôm nay đói rã họng”. Hay khi nói chuyện với Đình, với Duyên bên ngoài anh ta nói cười, nhưng trong lòng thì “tôi tái người”, rồi “tôi yên yên cơn lo”, “tôi chợt hoảng”. Tâm trạng của Bối thường được miêu tả bằng các câu ngắn, vụt lên trong tâm trí, suy nghĩ của “tôi” khi anh ta đang đối thoại với người khác. Mà tâm trạng đó chủ yếu là những lo lắng, bứt rứt không yên của một người làm nhiều điều sai trái “ôi trời nó đi báo cáo thì toi mạng. Nhưng tôi lại dửng dưng ngay”, “tôi sợ rợn gai cả người”. Hành động dập khuôn, hình thức bởi dốt nát, ít học nên trong khi làm cải cách không tránh khỏi tâm trạng “cả mấy đợt chỉ thấy thành tích, trên bảo sao làm vậy tôi chẳng thấy sai chỗ nào, bây giờ lại sửa, biết sửa rồi đến đâu hay là sai cả”. Là con người dâm ô, đi đâu cũng nghĩ đến chuyện “hủ hóa”

nên cho dù nghi ngại chuyện Duyên nói và tỏ ra lặng lẽ nhưng trong lòng lại nghĩ “Nhưng tôi lại nghĩ đến cô dân quân thôn Chuôm ấy nhiều hơn, người đi rồi mà vẫn như còn đâu đây. Cái vai lẳn, cái cười mắt tít lá dăm khác hẳn Đơm, ôm trói lại rồi mà mặt vẫn đực ra”. Có lúc nhân vật “tôi” lại tự độc thoại nhưng số lần không nhiều “tôi chẳng biết”, “tôi chẳng để ý đến”, “họ giỏi thế thật sao?”. Tâm lý của các nhân vật anh đội khác được đánh giá qua lời của Bối. Khi bị bắt Đình được miêu tả “Đình hốt hoảng, run rẩy nhưng rồi Đình lại tỉnh hẳn (…). Đình đau đớn ruột xót như bào (…) những hy vọng vừa mơ màng tới, lại tối sầm. Từng đợt hô khẩu hiệu ồn ào bốn phía làm cho Đình xanh xám”. Tâm trạng ấy chứng tỏ Đình cũng chỉ là một con người tầm thường, chỉ giỏi nói “phét”, hô to, đến lúc bị bắt thì như “con chó cụp đuôi”, hốt hoảng, lo sợ. Bản thân Bối dâm ô và Bối cũng biết rõ điều đó ở Cự nên bề ngoài tỏ vẻ thân mật, gần gũi lấy lòng nhưng sự thực thì Bối nghĩ “Thằng dê cụ này đến chỉ vì cái mùi đũng quần đàn bà thôi (…) chỉ thế, chẳng ba cùng ba càng, họ hàng nhà ma, đi guốc vào bụng nhau cả”. Tiểu thuyết của Tô Hoài thường có cốt truyện sự kiện, do đó hành động của nhân vật làm nên sự phát triển của câu chuyện, còn tâm lý đóng vai trò xen kẽ bên cạnh, đi cùng hành động để biểu hiện sâu thêm cá tính nhân vật. Qua Ba người khác, ta nhận thấy Tô Hoài không dành trọn trang giấy nào để miêu tả nội tâm nhân vật mà có chăng chỉ là những suy tính ngắn gọn đi kèm theo sau một hành động đã được thực hiện hoặc trước một hành động sắp diễn ra.

Đảo hoang, ta cũng nhận thấy cách khắc họa nhân vật kiểu đó. Suốt chiều dài câu chuyện chủ yếu là chuỗi hành động tìm kiếm thức ăn, nước uống, chỗ ở, các tình huống tránh bão, gió…Đời sống nội tâm của các nhân vật rất ít khi được tập trung mô tả trong một đoạn dài, cũng không có những dằn vặt bên trong, những đau đớn hay giằng xé nào cả. Tâm trạng, suy nghĩ của nhân vật thường kèm theo với hành động, được mô tả ngắn gọn, thoáng qua. Trên hành trình đi tìm gia đình, cùng với các hoạt động tìm kiếm thức ăn, dựng nhà, cứu hai chú gấu, trong lòng Mon lúc nào cũng nghĩ đến gia đình. Trước biển cả bao la, “Mon ngồi duỗi thẳng chân, trông ra biển”. Nghĩ về cảnh gia đình trước khi gặp “rồng cuốn nước”, ngồi trong cái nhà

mới dựng “Mon nhìn ra cửa cái lỗ”. Mỗi lần nghĩ tới cảnh gia đình li tán “Mon lại thấy cực thân, nước mắt ứa lên mí”. Thế là “Tỉnh giấc, Mon lại nghẹn ngào” (…) “Mon tụt xuống gốc cây và đi ngay”. Có lúc đi mãi không thấy có dấu vết gì Mon buồn nhưng rồi lại nghĩ “Không, bố ta đã phải bơ vơ lưu lạc từ khi còn ít tuổi hơn ta nữa kia”. Và không tránh khỏi sự cô đơn, Mon suy nghĩ: “Bãi Lở ở đằng ấy a, đằng ấy có bao nhiêu người nhìn, còn ở đây không có người nào, chẳng có người nào, chỉ một mình mình. Ở Bãi Lở, có làng có bãi trên bờ sông, khi mặt trời lên, có chim gáy cúc cu rộn ràng, có đàn khướu mun líu lo, có đàn ri đàn sẻ ào ào vừa bay vừa kêu trong gió. Ở đây, mặt trời lên, trong rừng chỉ rền rĩ tiếng ve mãi không thôi. Bây giờ, mặt trời lên, bố mẹ mình, em mình ở đâu, có đương thấy mặt trời lên ở đây”. Tác giả muốn khắc họa nhân vật qua hành động để ca ngợi bản lĩnh, ý chí, sức mạnh của con người trước thử thách của thiên nhiên, cuộc sống. Nếu tập trung miêu tả tâm trạng Mon có khi làm cho nhân vật trở nên yếu mềm, thiếu ý chí và mục đích nhà văn không thực hiện được. Nhân vật Hoàng Văn Thụ cũng được khắc họa như vậy. Ở anh, ta thấy chủ yếu là hành động, hành động cương quyết chứ tâm trạng ít khi được miêu tả. Mặc dù cảm thương cho người bạn gái phải lỡ dở vì mình nhưng Hoàng Văn Thụ không hiện lên với những trang mô tả nỗi lòng đau đớn, buồn bã, mà thay vào đó là hành động đốt pháo. Hay cảm thấy tiếc, thấy buồn trước gia cảnh nhà Viết khiến Viết không thể đi cùng mình được nhưng Thụ cũng chỉ “im lặng nhìn, không chú ý vào bếp và không đáp(…) Thụ nhìn Viết vẻ ngạc nhiên (…) nhưng nghĩ thế Thụ chi thấy thương Viết”.

Tuy thường khắc họa nhân vật ở hành động, nhưng cũng có một số nhân vật được Tô Hoài chú ý miêu tả đời sống nội tâm. Đọc Miền Tây, ta không thể quên nhân vật Giàng Súa, Thào Nhìa, Nghĩa, Thào Khay. Ở mỗi nhân vật, Tô Hoài có cách khắc họa riêng để họ hiện lên chân thật và sinh động như thực. Ta nhận thấy Nghĩa là một cán bộ nhiệt tình, tâm huyết với cách mạng, yêu quần chúng, dân tộc Tây Bắc, thích Thào Mỵ, nhưng trong anh luôn ẩn hiện sự phân vân, có lúc anh muốn về xuôi, muốn lấy vợ xuôi, anh nghĩ về quê hương mình, cái tình cảm tuyệt đối với Miền Tây không có ở Nghĩa “Nếu bây giờ Nghĩa nói một câu yêu Mỵ, chỉ

lát sau cả Phìn Sa đều biết Nghĩa đã nói yêu Mỵ, cả vùng sẽ biết Nghĩa cho Mỵ chiếc khăn…” Đó cũng là một lẽ đương nhiên trong tâm trạng của bất kì một thanh niên nào dưới xuôi lên miền núi làm cách mạng. Khác với Thào Khay và Nghĩa, bà Giàng Súa được Tô Hoài chú ý miêu tả tâm trạng – đó là tâm trạng của một người sống trong cuộc đời cũ và mới, tâm trạng của một người mẹ có con đi biệt kích. Trong cuộc đời cũ bà khổ vì chồng chết, vì dân làng xa lánh, xua đuổi, phải mang con vào rừng trốn. Ở trong rừng lâu bà có tâm lý sợ sệt “bà Giàng Súa sợ hãi khép hai mảnh vạt áo đã cũ rách”, nhưng luôn khao khát, luôn lắng nghe âm thanh của cuộc sống vọng lại “Những tiếng xa xôi ngoài núi tranh chen chúc những làng xóm xa kia đã làm cho người tù rừng càng khát nghe. Bà Giàng Súa thèm nghe tiếng gà lợn kêu điếc tai, con bò rung chuông, con ngựa lọc cọc trên đá. Tiếng ai đó đương vọng ra nương…Nhớ làm sao những ngọn nguồn cơn vui trong núi, những buổi đi làm từ mờ sớm đến mờ tối ngoài nương suốt ngày như mọi người cuốn trong công việc”. Ở trong rừng lâu, bà chẳng biết đến ngày tháng, đến tuổi tác, nghĩ tương lai chẳng còn gì: “Dù sao ngày hôm qua còn tốt hơn ngày hôm nay và đời người thì ngày càng tàn lụi như cái củi nào rồi cũng cháy thành than”. Cách mạng về, đem lại cuộc sống mới, đem lại niềm tin, niềm vui cho, bà không phải “cúi mặt ” khi đi ra đường nữa. “Bà níu lấy cái vui. Mỗi lúc càng nhiều người đi qua, bà Giàng Súa một vui hơn. Một đời tan nát, bà không dám khi nào mơ tưởng thoát được ra ngoài nỗi khổ. Đời người nghĩ mỗi lúc một buồn hơn, hôm trước cái củi, hôm sau là cục than, hôm sau thành đống tro tàn, Nhưng không, bây giờ bà đã thấy trời sáng trên Phìn Sa. Đống than đã rực hồng, ta chất củi vào mãi không bao giờ nhạt lửa được nữa.” Đúng là Tô Hoài đã xây dựng nhân vật bà Giàng Súa là người của hai thời kì trước và sau Cách mạng, ông tập trung vào mô tả tâm trạng của bà để qua đó thấy rõ sự thay đổi của số phận con người miền núi khi cách mạng về. Bên cạnh đó ông cũng đi sâu phân tích diễn biến tâm trạng của một người mẹ khi có đứa con đi biệt kích. Đó là tâm trạng phức tạp phản ánh nhiều chiều, những suy nghĩ, lo lắng, vui sướng, buồn khổ khi theo tâm trạng và hành động của đứa con. Khi nghe tin thằng biệt kích bị bắt nói nó họ Thào, bà bủn rủn, không thốt ra tiếng, ấp úng hỏi lại. Rồi khi bà tận

mắt nhìn thấy con, bà cảm thấy ngạc nhiên lẫn đau buồn: “Nhưng sao lạ quá. Không phải nó chỉ lạ vì bộ quần áo của ma quỷ đế quốc kia. Lạ vì con mắt người mẹ và đứa con nhìn nhau bây giờ thật khác, nhìn nhau mà không thấy nhau (…) thằng ngồi dưới đất kia có phỉa thằng Nhìa không, không, nó khác làm sao, khác đến nỗi trông thấy nó mà bà Giàng Súa dửng dưng bà không bước lại, miệng bà không cất nổi một tiếng gọi. Đúng cái thằng Nhìa hóa hổ chết ở Nậm ngù thì hồn người khác đã nhận tranh vào xác nó rồi, hồn thằng Nhìa lạc mất rồi”. Bà không nhận ra con không phải chỉ bởi hình dáng, trang phục nó thay đổi mà còn bởi ánh mắt của nó đã khác xưa. Bà vẫn nghĩ nó đã chết vì hổ vồ rồi nhưng khi nghe nó kể lại chuyện ngày xưa bà không khỏi động lòng “nhưng chuyện buồn ngày trước nó nói đúng thế, nó nói như con làm bà Giàng Súa lại càng khóc to hơn”. Mỗi khi nhận thấy con có hành động khác thường bà lại nghĩ nó đã chết, “khổ thân nó, thằng Nhìa đã bị cướp bắn chết cùng với ông Sìn ”. Buồn đau, phân vân, dằn vặt nhưng cũng có lúc bà vui vì thấy con được thả về, thấy con có những thay đổi “Bà Giàng Súa sung sướng giàn dụa nước mắt. Trông cái dáng thằng con lưu lạc bấy lâu giờ vẫn biết vào bếp, cúi xuống tìm cái thìa gỗ, lấy bát ngô, thuộc chỗ như nó vẫn ở nhà thường ngày. Còn sung sướng nào hơn ! Thế là từ đây con cái đầy đủ xung quanh bà (…) Nó thật là người của ta rồi”. Tâm trạng của một người mẹ với con của mình rất phức tạp, nhất là gia đình bà đã theo cách mạng, bà đã là con người mới, bà không thể chấp nhận đứa con biệt kích, nhưng bà cũng không thể ruồng bỏ nó như không có quan hệ máu mủ gì. Chứng kiến quá trình thay đổi, tâm trạng và hành động khác thường của con, bà không thể không nghĩ, không thể không buồn, và trước cái chết của con, bà không thể không đau lòng cho được: “Một lúc, lặng im lắng lại. Cả quãng đời nặng như núi đương trở về. Bao nhiêu oan khuất, đắng cay mới thoáng nghĩ đến đã bủn rủn cả chân tay.” Tuy hướng tâm trạng của bà Giàng Súa về niềm vui, về sự tin tưởng với cách mạng nhưng mỗi dòng chữ Tô Hoài viết ta đều nhận ra tấm lòng của một người mẹ dành cho đứa con lầm lỗi, lạc đường: “cái nghĩ ấy đau đớn quá, không thành được tiếng nói, Bà khóc lặng trong lòng bàn tay”. Cùng với tâm trạng của bà Giàng Súa, Tô Hoài cũng chú ý khắc họa nhân vật Thào Nhìa qua diễn biến

nội tâm. Từ khi bị bắt đi tải ngựa cho nhà thống lý rồi lưu lạc sang đất khách quê người, Thào Nhìa đã không còn nguyên vẹn bản tính tốt đẹp chăm chỉ của một đứa trẻ ở Phìn Sa. Thào Nhìa học “thần học”, đầu óc u mê, nửa con người đã theo cha đạo, nhưng khi trở về anh ta đã có những cảm nhận rất giản dị như của một người con xa quê hương, xa mẹ già “Đã từ lâu lắm, từ năm nào, Thào Nhìa mới lại được ăn hạt đậu răng ngựa (…) Mẹ ơi! Chỉ nhai vài hạt đậu trong miêng mà đã quen tưởng như vừa mới ra khỏi nhà ban chiều. Thào Nhìa thấy mình bé lại, bằng hôm mới đi. Những ngày tháng gian khổ và xa lạ đã qua rồi, chỉ còn lại trước mặt có một mẹ và một thằng Nhìa bé bỏng ngày xưa. (…) Mẹ ơi, không còn gì nữa. Không có gì đâu. Chỉ có người mẹ và đứa con.” Tâm trạng ấy cho thấy trong Nhìa vẫn còn tình thương mẹ , kỉ niệm của thời thơ ấu. Thào Nhìa muốn quay đầu, muốn trở về với gia đình với bà Giàng Súa, nhưng rồi trong anh lại chất chứa bao điều – những ám ảnh của những ngày bên cha đạo, những điều được học để trở thành biệt kích “Thào Nhìa chợt bàng hoàng nhớ. Cha dạy đạo đã dặn : nó không phải là mẹ, nó không phải là anh em, ai đi theo cộng sản cũng thành ma quỉ cả rồi…con ơi!”. Và sự đấu tranh trong Thào Nhìa được Tô Hoài khắc họa qua một loạt trạng thái mâu thuẫn. Lúc nhớ mẹ, thương mẹ, muốn sống cùng gia đình, lúc lại muốn rủ mẹ và em sang Lào theo cha đạo. Và trước mặt Thào Khay, Thào Nhìa định nói, nhưng nhìn ánh mắt đứa em, nghe giọng quả quyết của nó thì “Thào Nhìa vờ ngủ để tránh cái nhìn xói móc của Thào Khay. Trong lòng nghĩ ngợi ngổn ngang”. Sự đấu tranh tâm lý trong nhân vật thằng biệt kích được Tô Hoài khắc họa rõ nét hơn các nhân vật khác, thể hiện được logic tâm lý của một người từ bé đã lưu lạc, theo đạo rồi trở về

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết tô hoài (Trang 59 - 70)