Kết hợp giáo dục gia đình, nhà trường, xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan điểm hồ chí minh về phương pháp giáo dục với việc đổi mới phương pháp giáo dục đại học ở việt nam hiện nay (Trang 75 - 77)

7. Kết cấu của luận văn

3.1. Phƣơng hƣớng cơ bản

3.1.2. Kết hợp giáo dục gia đình, nhà trường, xã hội

Với quan niệm: Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng, Hồ Chí Minh yêu cầu sự nghiệp giáo dục con người cần có sự tham gia của nhiều lực lượng, trong đó quan trọng nhất là gia đình, nhà trường và xã hội. Giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, dù tốt mấy cũng cần có giáo dục gia đình và xã hội để đạt được kết quả tốt hơn. Giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội cũng là một nguyên lý cơ bản được ghi trong Luật Giáo dục Việt Nam [xem 77, tr. 1]. Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội được xem là một phương hướng cơ bản của việc đổi mới phương pháp giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay. Phương hướng này được xác định trên cơ sở:

+ Chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước ta: Phát triển giáo dục, xây dựng xã hội học tập là sự nghiệp của Nhà nước và của toàn dân. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục; thực hiện đa dạng hoá các loại hình trường và các hình thức giáo dục; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục. Mọi tổ chức, gia đình và công dân có trách nhiệm chăm lo sự nghiệp giáo dục, phối hợp với nhà trường thực hiện mục tiêu giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh và an toàn [77, tr. 4].

+ Việc kết hợp giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội, nhất là kết hợp hài hòa giữa giáo dục trong các trường đại học và giáo dục xã hội là đáp ứng với yêu cầu vận động thực tiễn hiện nay. Sự phát triển xã hội đòi hỏi mỗi sinh

viên sau khi tốt nghiệp không chỉ cần có kiến thức về chuyên ngành được đào tạo mà cần phải có kiến thức xã hội cơ bản, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, khả năng thích ứng với mọi điều kiện, hoàn cảnh, xử lý nhanh trong mọi tình huống. Để rèn luyện các kỹ năng đó, ngoài việc được đào tạo kiến thức căn bản trong nhà trường, sinh viên còn cần được tích lũy các kiến thức xã hội thực tiễn. Do đó, công tác giáo dục cần có sự phối hợp giữa nhà trường và các đoàn thể xã hội để hướng tới những sản phẩm giáo dục toàn diện.

+ Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Nằm trong quy luật chung của nền giáo dục Việt Nam, sự nghiệp đổi mới giáo dục đại học đòi hỏi phải phát huy vai trò chủ thể của công cuộc đổi mới là các trường đại học mà nòng cốt là đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và sự hưởng ứng, tham gia tích cực của toàn xã hội, trước hết là các nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, các nhà sử dụng lao động, sinh viên và gia đình.

Kết hợp giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục đại học là biện pháp quan trọng nhằm đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn của xã hội và thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước. Để đảm bảo sự kết hợp giữa giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục đại học ở nước ta hiện nay, cần tập lưu ý một số vấn đề sau:

Một là, so với các bậc giáo dục khác, trong giáo dục đại học, vai trò giáo dục của gia đình đối với sinh viên tương đối mờ nhạt do hầu hết sinh viên là những người sống tự lập xa gia đình. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận giáo dục gia đình trang bị nền tảng cho sự hình thành nhân cách sinh viên. Sự quan tâm, động viên của gia đình là một động lực quan trọng để sinh viên có động cơ học tập đúng đắn và tu dưỡng, rèn luyện tốt. Nền kinh tế thị trường cùng những mặt trái của nó đang làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp trong

đời sống xã hội ảnh hưởng đến việc học tập của sinh viên. Vì vậy, gia đình cần phát huy hơn nữa vai trò nền tảng của mình trong việc giáo dục con cái, hỗ trợ và phối hợp với nhà trường trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục.

Hai là, trường đại học là nơi trực tiếp đào tạo đội ngũ lao động có trình độ phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội. Bởi vậy, nhà trường đóng vai trò chủ đạo trong việc giáo dục sinh viên. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng đào tạo, hướng đến những sản phẩm giáo dục toàn diện, nhà trường cần tạo mối liên hệ chặt chẽ với các đoàn thể xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thị trường, nhà trường cần có sự liên kết với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc đào tạo những kỹ năng lao động cơ bản, lao động thực nghiệm cho sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cả về tri thức và kỹ năng nghề nghiệp, trực tiếp đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động xã hội.

Ba là, cùng với gia đình, nhà trường, các đoàn thể xã hội (Đoàn thanh niên, Hội sinh viên...) cũng góp phần quan trọng vào việc giáo dục sinh viên thông qua việc tạo dựng môi trường cho các hoạt động xã hội của sinh viên. Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình và hỗ trợ nhà trường trong công tác giáo dục, đào tạo, các tổ chức xã hội cần có biện pháp để lồng ghép nội dung giáo dục vào các hoạt động thường niên; tổ chức nhiều hơn nữa những hoạt động xã hội mang tính giáo dục; mở rộng phạm vi hoạt động để khuyến khích nhiều hơn lượng sinh viên tham gia nhằm khơi gợi ý thức cộng đồng, tinh thần, trách nhiệm xã hội của mỗi sinh viên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan điểm hồ chí minh về phương pháp giáo dục với việc đổi mới phương pháp giáo dục đại học ở việt nam hiện nay (Trang 75 - 77)