Nhóm giải pháp đổi mới phương pháp học tập bậc đại học

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan điểm hồ chí minh về phương pháp giáo dục với việc đổi mới phương pháp giáo dục đại học ở việt nam hiện nay (Trang 85 - 92)

7. Kết cấu của luận văn

3.2. Các nhóm giải pháp cụ thể

3.2.2. Nhóm giải pháp đổi mới phương pháp học tập bậc đại học

Để việc học tập của sinh viên đạt hiệu quả cao, theo tác giả, cần thực hiện những giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất: Phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của sinh viên

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Phương pháp giáo dục thì theo nguyên tắc tự nguyện tự giác… chứ không gò bó” [47, tr. 216]. Với người học, phải học tập tự giác, tự động, làm chủ thời gian, không đợi người khác phải nhắc nhở, “không phải có thầy thì học, thầy không đến thì đùa. Phải biết tự động học tập” [45, tr. 50].

Một trong những hạn chế của sinh viên Việt Nam hiện nay là tính tích cực, chủ động, tự giác trong học tập chưa cao. Việc phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của sinh viên trong quá trình học tập ở đại học là rất cần thiết. Hiện nay, các trường đại học ở nước ta đang áp dụng hình thức đào tạo theo tín chỉ. Hình thức này đặc biệt coi trọng vai trò trung tâm của sinh viên trong hoạt động đào tạo. Do đó, đổi mới phương pháp học tập theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên là biện pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Điều 2.4 của Luật Giáo dục ghi rõ: “Phương pháp giáo dục phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học…” [77, tr. 2].

Tính tích cực của con người biểu hiện trong các hoạt động. Học tập là hoạt động chủ đạo ở lứa tuổi đi học. Tính tích cực trong hoạt động học tập là tích cực nhận thức, cố gắng, nỗ lực chiếm lĩnh tri thức khoa học của nhân loại, đồng thời tìm kiếm, khám phá những hiểu biết mới cho bản thân. Tính tích cực trong học tập biểu hiện ở tinh thần hăng hái, ý thức chủ động, tự giác tham gia các hoạt động học tập, thích tìm tòi, khám phá những tri thức mới, vận dụng sáng tạo kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống.

Phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động sáng tạo của sinh viên có nghĩa là phải thay đổi cách dạy và cách học. Chuyển cách dạy thụ động, truyền thụ

một chiều “đọc - chép”, giáo viên làm trung tâm sang cách dạy lấy người học làm trung tâm. Trong cách dạy này, sinh viên là chủ thể hoạt động, giáo viên là người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn, tạo nên sự tương tác tích cực giữa người dạy và người học, khuyến khích sự tham gia chủ động, sáng tạo và ngày càng độc lập của sinh viên vào quá trình học tập. Như vậy, phát huy tính tích cực, tự giác và sáng tạo của sinh viên thực chất là quá trình tổ chức, hướng dẫn sinh viên tìm hiểu, phát hiện và giải quyết vấn đề trên cơ sở tự giác và được tự do, được tạo khả năng và điều kiện để chủ động trong hoạt động học tập. Do đó, cần tạo môi trường để sinh viên có điều kiện phát huy tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo của mình trong quá trình học tập.

Đối với mỗi sinh viên, trước hết cần xác định động cơ học tập đúng đắn. Mục đích, động cơ sẽ chi phối quá trình học tập của sinh viên. Chỉ khi có động cơ học tập đúng đắn, sinh viên mới có hứng thú trong học tập, tự giác, tích cực trong học tập, có tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo trong việc thu nhận tri thức. Sinh viên phải tự nhận thức được nhu cầu học tập của mình cũng như nhu cầu của xã hội để có định hướng đúng nhằm thúc đẩy hoạt động học tập đạt kết quả tốt nhất. Sinh viên phải chủ động trong quá trình học tập, tức là làm chủ các hành động như đặt ra nhiệm vụ, lập kế hoạch thực hiện nhiệm vụ đó, tự đọc thêm, làm thêm các bài tập, tự so sánh, đối chiếu để kiểm tra hoạt động học tập của mình…; tích cực tìm kiếm tri thức mới, khai thác các kiến thức đã học theo nhiều hướng khác nhau, kiểm tra lại những kiến thức đã học. Độc lập trong tư duy, tự phát hiện vấn đề, tự phân tích, xác định phương hướng và tìm cách giải quyết các nhiệm vụ vấn đề đặt ra; nâng cao năng lực sáng tạo: Sinh viên có tính tích cực sáng tạo sẽ có thể tìm ra được các kiến thức mới không nhờ vào sự gợi ý của người khác, thực hiện tốt các yêu cầu do giáo viên đưa ra và có tính sáng tạo trong phương pháp, có khả năng tư duy phân tích, tổng hợp, khái quát hóa… để tìm tòi phát hiện kiến thức mới.

Thứ hai: Đề cao phương pháp tự học của sinh viên

Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự học và tấm gương tự học suốt đời ở Người là cơ sở quan trọng trong việc giáo dục, rèn luyện và bồi dưỡng phương pháp tự học cho sinh viên Việt Nam.

Thế giới đang bước vào nền kinh tế tri thức, trong đó khối lượng thông tin ngày càng lớn, nội dung thông tin ngày càng chuyên môn hóa và phức tạp, vì vậy, sinh viên biết cách tự học, tự nghiên cứu là chủ yếu. Việc khuyến khích, nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu trong các trường đại học đang là vấn đề được quan tâm nhiều, nhất là theo hình thức dạy học tín chỉ. Tự học là nhân tố trực tiếp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ở các trường đại học. Nhân lực được đào tạo trong các trường đại học phải có năng lực tư duy sáng tạo, biết giải quyết vấn đề, làm việc có chất lượng và hiệu quả. Vì vậy, đào tạo đại học ở nước ta hiện nay phải hướng mạnh vào việc bồi dưỡng, rèn luyện phương pháp tự học, tự nghiên cứu, phương pháp tư duy cho sinh viên để họ biết cách chiếm lĩnh kiến thức, hình thành năng lực làm việc thích ứng với sự phát triển của xã hội và cá nhân như chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010 của nước ta xác định: “Chuyển từ việc truyền đạt tri thức thụ động, thầy giảng, trò ghi sang hướng dẫn người học chủ động tư duy trong quá trình tiếp cận tri thức; dạy cho người học phương pháp tự học, tự thu nhận thông tin một cách hệ thống và có tư duy phân tích tổng hợp; phát triển được năng lực của mỗi cá nhân...” [9, tr.30].

Cốt lõi của việc học đại học là tự học. Đồng tác giả Nguyễn Cảnh Toàn - Nguyễn Kỳ nhấn mạnh: “Không có gì hợp thời và quý hơn là xây dựng cho các thế hệ người học Việt Nam một quan điểm đúng đắn về tự học, một hệ phương pháp dạy - tự học, một tủ sách tự học... một khoa học tự học Việt Nam” [69, tr.9], để “Lấy tự học sáng tạo chống tụt hậu về giáo dục” [30, tr.11]. Đó là những quan điểm, tư tưởng lý luận dạy học mới, tác động đến

hiện thực dạy học đại học ở nước ta. Luật Giáo dục Việt Nam cũng đã nêu rõ: Phương pháp giáo dục phải “bồi dưỡng cho người học năng lực tự học, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên” [77, tr. 2]. Các trường đại học Việt Nam đang hướng tới mục tiêu biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo mà thực chất là làm cho sinh viên tự hoàn thiện và làm phong phú thêm vốn tri thức bằng sự nỗ lực tự học, tự nghiên cứu. Muốn vậy, việc giảng dạy trong các trường đại học phải theo hướng dạy cho sinh viên cách học là chủ yếu, chú trọng trang bị cho sinh viên cách thức tiếp cận và giải quyết vấn đề thực tế.

Tự học là phương pháp cơ bản mà sinh viên cần phải có trong môi trường giáo dục đại học. Tự học có ý nghĩa to lớn đối với bản thân sinh viên để hoàn thành nhiệm vụ học tập, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của quá trình dạy học, đào tạo trong nhà trường. Tự học là sự thể hiện đầy đủ nhất vai trò chủ thể trong quá trình nhận thức của sinh viên. Để phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo của mình, sinh viên cần tự rèn luyện phương pháp tự học, đây không chỉ là một phương pháp nâng cao hiệu quả học tập mà là một mục tiêu quan trọng của việc học tập. Có như vậy, phương pháp tự học mới thực sự là cầu nối giữa học tập và nghiên cứu khoa học. Phương pháp tự học sẽ trở thành cốt lõi của phương pháp học tập ở bậc đại học.

Ở đại học không có sự kiểm tra hàng ngày của giáo viên nên việc học tập của sinh viên phần lớn là tự học. Sinh viên muốn tự học tốt phải có mục đích, động cơ học tập đúng. Từ đó, họ nảy sinh lòng ham học, tính tự giác tích cực, tự lực say mê tìm tòi nghiên cứu, đó là động lực bên trong của sự tự học. Không có hoặc thiếu mục đích, động cơ tự học mạnh mẽ thì sinh viên không thể có hoạt động tự học đích thực. Một sinh viên có ý thức tự học tốt thể hiện ở chỗ họ có thái độ đối với việc học tập ở lớp cũng như ở nhà, biết cách sắp xếp thời gian học tập, biết phân phối sức lực để học tập, khát khao hiểu biết,

làm chủ những thành tựu khoa học của nhân loại. Phương pháp tự học giúp sinh viên phát triển tính tích cực, tự giác, khả năng tư duy độc lập, sáng tạo trong lĩnh hội tri thức và trong hoạt động, làm cho họ trở nên năng động hơn, tự chủ hơn trong việc thu nhận và vận dụng tri thức vào cuộc sống.

Thứ ba: Chú trọng việc hình thành và phát triển các kỹ năng trong học tập

Giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Trong đó, khả năng vận dụng thành thục các kỹ năng cơ bản của sinh viên còn thiếu, việc xây dựng các kỹ năng mềm cho sinh viên Việt Nam vẫn là một bài toán lớn với nhiều thách thức. Do vậy, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động thế giới, đặc biệt là trong các lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ cao. Các nhóm kỹ năng cần thiết cũng chưa được trang bị đầy đủ cho sinh viên Việt. Người sử dụng lao động Việt Nam nhận thấy sự yếu kém trong kỹ năng giao tiếp, tiếng Anh cũng như kiến thức thực tế trong công việc của sinh viên mới ra trường.

Yêu cầu và mục tiêu đặt ra đối với giáo dục đại học Việt Nam là: Sinh viên sau khi tốt nghiệp có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp vững chắc, có khả năng lao động sáng tạo, có tư duy độc lập, phê phán và năng lực giải quyết vấn đề, có khả năng thích ứng cao với những biến động của thị trường lao động, có khả năng sử dụng tiếng Anh trong học tập, nghiên cứu và

làm việc sau khi tốt nghiệp, 80% số sinh viên tốt nghiệp đạt mức 3 theo chuẩn

năng lực ngoại ngữ quốc tế. Đến năm 2020, có ít nhất 5% tổng số sinh viên tốt

nghiệp đại học có trình độ ngang bằng với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở các trường đại học hàng đầu trong khối ASEAN, 80% số sinh viên tốt nghiệp

được các doanh nghiệp và cơ quan sử dụng lao động đánh giá đáp ứng được các yêu cầu của công việc. Đồng thời, với việc nâng cao chất lượng toàn diện sinh viên diện đại trà, mở rộng diện đào tạo, bồi dưỡng sinh viên tài năng để chuẩn bị đội ngũ nhân lực có trình độ cao, thạo ngoại ngữ, đủ sức cạnh tranh

trong khu vực và thế giới để đến năm 2020, Việt Nam đứng trong nhóm 50 nước đứng đầu về năng lực cạnh tranh về nhân lực [12, tr. 14 - 15].

Để thực hiện mục tiêu trên, trước hết, chương trình và nội dung giáo dục đại học phải chú trọng một cách hợp lý vào các vấn đề liên quan đến việc xây dựng và củng cố các kỹ năng học tập cơ bản (như đọc hiểu, phân tích, tổng hợp, so sánh...) và hình thành các phương pháp học tập tích cực (như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, sử dụng ngoại ngữ...). Trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải đặc biệt quan tâm đến việc củng cố, rèn luyện các kỹ năng cơ bản cho sinh viên, trang bị cho sinh viên các kỹ năng học tập tích cực. Để nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn lao động, các doanh nghiệp phải tham gia vào quá trình đào tạo bổ sung cho sinh viên những kỹ năng cụ thể, liên quan đến công việc được giao khi vào làm việc trong doanh nghiệp. Hiện nay, các trường đại học ở nước ta đang giải quyết yêu cầu này thông qua các đợt thực tập, thực tế, tiếp xúc cơ sở nhằm trang bị cho sinh viên khả năng độc lập nghiên cứu, phát hiện và giải quyết các vấn đề thực tiễn… Mở rộng mạng lưới giáo viên thỉnh giảng và cộng tác viên khoa học từ cộng đồng các doanh nghiệp ngoài trường cũng là một biện pháp nhằm tăng cường khả năng trang bị năng lực làm việc thực tiễn cho sinh viên. Các trường đại học nên thường xuyên liên hệ và mời các nhà quản lý, các nhà khoa học, các học giả, nhà báo, các nhà doanh nghiệp, các giám đốc thành đạt,... từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngoài trường tham gia vào đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm. Việc mời các đối tượng này tham gia giảng dạy sẽ tạo điều kiện để tăng tính thực tiễn cho sinh viên thông qua việc cung cấp những kinh nghiệm nghiên cứu, kinh nghiệm quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh nhằm gắn lý thuyết với thực tế. Mặt khác, việc sử dụng đội ngũ giảng viên này sẽ giúp gia tăng mối quan hệ gắn kết giữa nhà trường và cộng đồng xã hội, qua đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc giải quyết vấn đề đầu ra của các trường đại học.

Sinh viên phải nhận thức rõ học tập là quá trình tự trau dồi, tích lũy kiến thức. Để có kết quả tốt, mỗi sinh viên cần không ngừng rèn luyện và nâng cao các kỹ năng học tập cơ bản để có thể sử dụng các kỹ năng này một cách thuần thục. Đặc biệt, trong lộ trình đào tạo đại học theo tín chỉ thì việc xây dựng và phát triển các kỹ năng tự nghiên cứu, giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp là hết sức cần thiết nhằm nâng cao năng lực thực tiễn của sinh viên. Bên cạnh việc học tập ở trường, sinh viên cần tham gia các lớp đào tạo kỹ năng mềm, các khóa học ngoại ngữ giao tiếp để nâng cao hơn nữa các kỹ năng thực tiễn trong quá trình làm việc sau này.

Thứ tư: Tăng cường phương pháp nêu gương, khuyến khích thi đua trong học tập

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu gương và thi đua là biện pháp cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục. Người yêu cầu trong giáo dục phải tạo ra phong trào “thầy thi đua dạy, trò thi đua học”, phải làm gương, phải học hỏi lẫn nhau… Giáo dục đại học là đào tạo tri thức ở trình độ cao, người học có tính tự giác, chủ động hơn so với các bậc giáo dục trước. Song, việc nêu gương và khuyến khích thi đua thiết nghĩ vẫn là một phương pháp nhằm thúc đẩy hoạt động học tập của sinh viên.

Để khuyến khích thi đua, tăng cường phương pháp nêu gương trong quá trình học tập của sinh viên, nhà trường cần: Xây dựng kế hoạch, phát động phong trào sinh viên thi đua lập thành tích trong học tập, nghiên cứu, sáng tạo trong việc tìm tòi phương pháp học tập tích cực; tìm kiếm, phát hiện, lựa chọn những cá nhân có thành tích tốt trong học tập và rèn luyện, xây dựng thành nhân tố điển hình, tiêu biểu để các sinh viên khác học tập và noi theo nhằm nhân rộng các nhân tố điển hình; có chính sách biểu dương, khen thưởng kịp thời, hợp lý để động viên, khuyến khích họ tiếp tục phát huy thành tích học tập…

Đối với mỗi sinh viên, trước hết phải có tinh thần tự giác, tích cực trong

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan điểm hồ chí minh về phương pháp giáo dục với việc đổi mới phương pháp giáo dục đại học ở việt nam hiện nay (Trang 85 - 92)