7. Bố cục luận văn
2.1. Shari'ah trong đời sống chính trị
2.1.1. Ảnh hưởng của Shari'ah trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước
Xét về khía cạnh chính trị, Islam giáo có mối quan hệ chặt chẽ với các thể chế nhà nước ở các nước Ả rập. Có thể nói tại các quốc gia Islam giáo, không thấy có sự phân tách giữa tôn giáo với chính quyền. Ở nhiều quốc gia trong khu vực, các học sĩ Islam giáo đều là những nhà lãnh đạo chính trị, và rất khó để phân biệt giữa luật Shari'ah và luật pháp quốc gia vì ở nhiều khía cạnh, luật pháp quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của luật Shari'ah. Mối quan hệ khăng khít giữa Islam giáo và nhà nước có nguồn gốc lịch sử từ khi tôn giáo này được khai sinh. Người sáng lập Islam giáo có thể coi như một vị vua, đã sáng lập ra nhà nước và đế quốc cho chính mình. Như thế Người không tạo ra - hoặc không cần phải tạo ra - một giáo hội. Sự phân tách giữa nhà nước và giáo hội là điều rất quan trọng đối với đạo Ki tô nhưng không hề có sự tương đương trong Islam giáo. Khi Nhà tiên tri Mohammed còn sống, Islam giáo trở thành một cộng đồng chính trị và tôn giáo với Nhà tiên tri đứng đầu nhà nước. Với vai trò này, Người cai quản một vùng lãnh thổ và một dân tộc, đứng ra xử kiện, thu thuế, chỉ huy quân đội, phát động chiến tranh và đem lại hòa bình. Những mặc khải đến với Nhà tiên tri, nhất là trong giai đoạn Người xây dựng và củng cố chính quyền tại Medina, đã đáp ứng được những yêu cầu về tổ chức xã hội và chính quyền thời bấy giờ. Từ đó, kinh Qur'an đã trở thành bộ khung luật pháp cho việc tổ chức chính quyền, xác định các nghĩa vụ và quyền lợi của công dân Muslim trong xã hội. Tất nhiên, không thể phủ nhận rằng những vấn đề chính trị vào thời đại Mohammed đã khác rất nhiều so với ngày nay, nhưng dựa vào mô hình tổng quát đó, các học giả tôn
giáo sẽ diễn giải theo những hướng phù hợp để đưa ra những phán quyết phù hợp cho các tình huống cụ thể [2, tr.38].
Tuy nhiên, sự xâm lược của quân Mông Cổ dẫn đến việc Bát-đa sụp đổ vào năm 1258 đã đặt nền móng cho việc kết thúc hệ thống các vua Caliph Islam giáo tại Trung Đông. Trong thời kỳ đó, hệ thống tôn giáo được tách riêng ra khỏi hệ thống chính trị ở I-ran và I-rắc. Trong thời kỳ này đã xảy ra sự căng thẳng giữa việc tách riêng tôn giáo ra khỏi hệ thống chính trị và đây được coi là vấn đề trọng tâm của lịch sử Islam giáo hiện đại. Khi đế chế Ottoman đến xâm lược Trung Đông, nhà nước Ottoman đã đề cao tính hợp pháp của phong trào jihad13
và tiếp tục duy trì sự lãnh đạo của các Caliph [5, tr. 112]. Sau khi đế chế Ottoman hình thành ở Trung Đông, vương triều Shafavids (1502-1736) đã thành lập nhà nước I-ran của những người Shiite. Các vua Shafavids tuyên bố họ là những người được kế tục quyền lãnh đạo Islam giáo, chi phối lĩnh vực tôn giáo và chính trị tại nhà nước I-ran. Trong thế kỷ XVIII, một nhà nước thứ ba được phát triển tại khu vực bán đảo Ả rập do sự liên minh giữa học sĩ Islam giáo dòng Sunni là Mohammed Abd Al- Wahhab và hoàng thân Mohammed Bin Saud, dẫn đến việc hình thành một đội quân Islam giáo đầy nhiệt huyết, và các hoàng thân Ả rập tự cho mình là những lãnh tụ Islam giáo, có quyền thống nhất quyền lực tôn giáo và chính trị trên bán đảo Ả rập. Nhà nước đó sau này trở thành quốc gia Ả- rập Xê-út như ngày nay. Thể chế trung ương của chính phủ Ả- rập Xê-út là chế độ quân chủ chuyên chế, không có hiến pháp và quốc hội, nhà vua nắm toàn bộ quyền lực cùng với Hội đồng Bộ trưởng. Hệ thống Quy tắc Cơ bản được thông qua năm 1992 tuyên bố rằng Ả- rập Xê-út là một nhà nước quân chủ được lãnh đạo bởi các con cháu của vị vua đầu tiên, Abd Al Aziz Al Saud, và kinh Qur‟an là hiến pháp của đất nước, dựa trên luật Shari'ah.
13 - Jihad là một thuật ngữ Islam giáo. Trong tiếng Ả rập, jihad có nghĩa là "thánh chiến". Jihad xuất hiện 41 lần trong kinh Qur'an và thường xuyên trong các biểu hiện thành ngữ "phấn đấu theo cách của Allah (al- jihad fi sabil Allah)".
Các Muslim cho rằng Islam giáo không chỉ đơn thuần là một hệ thống thần học, mà còn là một lối sống chứa đựng nhiều tiêu chuẩn đạo đức cũng như pháp lý được thực hiện trong đời sống xã hội và quốc gia. Trong lịch sử Islam giáo, những giáo lý này chủ yếu được thực hiện trong đời sống cá nhân, xã hội và chính trị từ giai đoạn Nhà tiên tri Mohammed cho đến khi chủ nghĩa thực dân phương Tây xâm chiếm các quốc gia Islam giáo. Trên thực tế, Mohammed không chỉ là nhà tiên tri, mà còn là người đứng đầu nhà nước, thẩm phán, và chỉ huy quân sự, do đó các Muslim tin rằng Islam giáo không tách biệt tôn giáo và nhà nước.
Luật Shari'ah là khía cạnh quan trọng và khác biệt nhất của giáo lý Islam trong đời sống của nhà nước, do đó sự tồn tại của nó trở thành một chỉ báo về tính tôn giáo của một quốc gia Islam giáo [27]. Tuy nhiên, sự xuất hiện của chế độ thực dân phương Tây tại nhiều quốc gia Islam giáo đã làm giảm bớt sự ảnh hưởng của Shari'ah trong xã hội. Hệ thống luật pháp thế tục được giới thiệu tại các quốc gia này. Kể từ thế kỷ XVIII, một số giới tinh hoa chính trị ở một vài quốc gia Islam giáo đã bị cuốn hút bởi nền văn minh phương Tây, và từng bước áp dụng một số luật của châu Âu trong hệ thống luật quốc gia của họ.
Một trong những thay đổi quan trọng chịu ảnh hưởng của hệ thống pháp luật và chính trị phương Tây là ý tưởng về hiến pháp, được định nghĩa là một bộ quy tắc cơ bản nhằm:
- thiết lập quyền hạn và trách nhiệm của các ngành lập pháp, cai trị và tư pháp của chính phủ,
- phân bổ quyền hạn cho các cấp chính quyền khác nhau, chẳng hạn như liên bang, tỉnh và địa phương,
- liệt kê các quyền của công dân trong mối quan hệ với nhau và với chính phủ, và
Mặc dù Islam giáo hợp pháp hóa sự cần thiết của hiến pháp như những quy tắc cơ bản trong đời sống của nhà nước, như được thực hiện bởi Nhà tiên tri dưới hình thức "Hiến pháp Medina", trên thực tế hầu hết các nước Islam giáo chỉ ban hành hiến pháp của họ sau khi giành được độc lập khỏi chế độ thực dân, thậm chí có nước còn không ban hành hiến pháp. Ví dụ, Ả rập Xê- út không có hiến pháp theo nghĩa hiện đại cho đến đầu những năm 1990. Vào năm 1992, nước này đã thực hiện cải cách pháp lý thông qua việc ban hành Hệ thống Quy tắc Cơ bản (nizam asasi) và thành lập Hội đồng Tư vấn (majlis shura) và Hệ thống Hành chính khu vực (nizam al-muqata`at) al-idariyyah). Hệ thống Quy tắc Cơ bản có thể hoạt động như một hiến pháp bằng văn bản, nhưng chính người dân nước này tránh sử dụng từ này bởi vì hiến pháp của họ là kinh Qur'an và Sunnah. Ý tưởng về hiến pháp thường được xác định với tư tưởng thế tục, nhưng ở hầu hết các nước Islam giáo, nó đã được điều chỉnh hoặc thậm chí dựa trên các nguyên tắc Islam giáo. Do đó, hầu hết các hiến pháp ở các nước này đều quy định vị trí của Islam giáo trong nhà nước.
Là một khu vực nhạy cảm về chính trị, Trung Đông có một hệ thống chính trị đa dạng, mang đặc trưng của nền văn hóa tôn giáo lâu đời. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, các quốc gia tại Trung Đông chủ yếu được phân chia thành ba loại thể chế chính trị [13].
- Các nước theo chế độ quân chủ: Gioóc-đa-ni, Ma-rốc, Ả rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Ca-ta, Ô-man, Ba-ranh và Cô-oét.
- Các nước theo chế độ cộng hòa: Ai Cập, An-giê-ri, I-ran, I-rắc, Pa-le- xtin, Li-băng, Li-bi, Xi-ri, Tuy-ni-di, Y-ê-men...
- Nước theo chế độ dân chủ: I-xra-en.
Theo tiêu chí pháp lý tôn giáo, các nước trên lại được phân chia thành sáu loại như sau:
(1) Các quốc gia quy định rằng Islam giáo là quốc giáo, người đứng đầu nhà nước phải là Muslim, và Shari'ah là luật pháp quốc gia, chẳng hạn như Ả rập Xê-út, I-ran, Xu-đăng.
(2) Các quốc gia quy định rằng Islam giáo là quốc giáo, người đứng đầu nhà nước phải là Muslim, và Shari'ah là nguồn chính của pháp luật, chẳng hạn như Xi-ri.
(3) Các quốc gia quy định rằng Islam giáo là quốc giáo, Shari'ah là nguồn chính của pháp luật chẳng hạn như Ai Cập, Cô-oét, Ca-ta và UAE.
(4) Các quốc gia quy định rằng Islam giáo là quốc giáo, người đứng đầu nhà nước phải là Muslim, như Tuy-ni-di, An-giê-ri...
(5) Các quốc gia quy định rằng Islam giáo là quốc giáo, chẳng hạn như Gioóc-đa-ni.
(6) Các quốc gia không đề cập đến Islam trong hiến pháp, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ.
Tất cả các hiến pháp của các nước cũng quy định cơ quan nhà nước giống như trong hệ thống dân chủ, mặc dù có nhiều điều khoản và thẩm quyền khác nhau. Các cơ quan nhà nước bao gồm cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp có thẩm quyền và trách nhiệm có thể được phân thành ba nhóm, cụ thể là:
(1) ủy quyền, được thực hiện đặc biệt ở các nước Vùng Vịnh, nơi vua nắm quyền lực duy nhất, nhưng giao một phần quyền lực của họ cho các cơ quan tư pháp và lập pháp.
(2) phân phối quyền hạn, được thực hiện ở Ai Cập, Xi-ri....
(3) phân tách quyền hạn, được thực hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ (và In-đô-nê-si- a, Ma-lay-si-a ở châu Á) [27].
Có nhiều ý kiến khác nhau về sự cân bằng tốt nhất giữa luật Shari'ah và luật thế tục, nhưng nhìn chung Shari'ah được đưa vào các hệ thống chính trị theo ba cách chung như sau:
Thứ nhất, các nhà nước có hệ thống pháp lý kép: đa số các nước Islam giáo có một hệ thống kép trong đó chính phủ theo hướng thế tục nhưng các Muslim có thể tùy chọn đưa các tranh chấp về gia đình và tài chính ra các tòa
án Shari'ah. Thẩm quyền chính xác của các tòa án này khác nhau giữa các quốc gia, nhưng thường bao gồm các vấn đề về hôn nhân, ly dị, thừa kế và giám hộ. Tại một số quốc gia như Li-băng, các tòa án có thẩm quyền hỗn hợp dựa trên các hệ thống pháp lý thuộc địa và được bổ sung bằng Shari'ah.
Thứ hai, các nhà nước quan niệm chính quyền thuộc về Thượng đế: ở các nước mà Islam là quốc giáo, luật Shari'ah được công bố là nguồn gốc của hệ thống luật pháp. Tại Ả rập Xê út, Cô-oét, Ba-ranh, Y-ê-men, UAE và các nước Islam giáo khác, chính quyền đều xây dựng hệ thống luật pháp dựa trên Shari'ah ở những mức độ khác nhau. Tại Ai Cập, I-ran, I-rắc, các quy định của luật pháp phải không được trái ngược với Shari'ah.
Thứ ba, các nhà nước thế tục hoàn toàn: chính quyền mang tính thế tục tách khỏi ảnh hưởng của tôn giáo, luật Shari'ah chỉ có ảnh hưởng ở cấp địa phương. Ví dụ cho trường hợp này là Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ nước này đã cân bằng được các yếu tố Islam giáo, dân chủ, chủ nghĩa thế tục nên việc áp dụng luật Shari'ah tại nước này dừng lại ở mức khiêm tốn.
Ngoài ra, các học giả Islam giáo vốn có sức ảnh hưởng rất lớn đối với cộng đồng. Theo một báo cáo được công bố trong năm 2013 của tổ chức Pew, tại Trung Đông-Bắc Phi, đa số Muslim ở hầu hết các quốc gia khảo sát nói rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo nên đóng một vai trò nhất định trong chính trị, trong đó cao nhất là ở Gioóc-đa-ni (80%), Ai Cập (75%) và Pa-le-xtin (72%), tiếp theo là Tuy-ni-di (58%) và I-rắc (57%). Kết quả thấp nhất là tại Li-băng khi chỉ có 37% số người được hỏi ý kiến nghĩ rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo phải có ít nhất một số vai trò trong các vấn đề chính trị. Ngoại trừ tại Li-băng, tại các quốc gia được khảo sát, ít nhất một phần tư những người được hỏi đều cho rằng các thủ lĩnh tôn giáo nên có ảnh hưởng lớn về chính trị, đặc biệt là tại Gioóc-đa-ni (37%) [37].
Như vậy có thể thấy rằng Islam giáo có ảnh hưởng rất lớn đến thể chế chính trị ở các nước Trung Đông. Mặc dù thời gian gần đây các quốc gia
trong khu vực đã có một số nỗ lực cải cách thể chế chính trị theo hướng dân chủ hóa nhưng nhìn chung nền dân chủ tại khu vực vẫn còn tương đối yếu kém và bị ảnh hưởng của các tư tưởng Islam giáo và luật Shari'ah. Điều này một phần là do Islam giáo đã ăn sâu vào tư tưởng và đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa của người dân các nước Trung Đông. Thực tế ở nhiều nước trong khu vực cho thấy trong vài thập kỉ gần đây, mặc dù có những phát triển tương đối về mặt kinh tế và xã hội, nhưng những giáo luật, giáo lý của Islam giáo và những quy định trong luật Shari'ah thì vẫn giữ nguyên. Một nguyên nhân khác cũng phải kể đến là nhờ những lợi thế do nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ mang lại, các nước trong khu vực Trung Đông có khả năng bảo vệ lập trường tôn giáo và thể chế chính trị của mình mà ít bị các nước phương Tây chi phối.