Ảnh hưởng của Shari'ah trong các đảng phái chính tri ̣

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) shariah trong đời sống chính trị, xã hội và văn hóa của cư dân ả rập khu vực trung đông (Trang 51 - 57)

7. Bố cục luận văn

2.1. Shari'ah trong đời sống chính trị

2.1.3. Ảnh hưởng của Shari'ah trong các đảng phái chính tri ̣

Khi nghiên cứu về những phong trào Islam giáo, các học giả thường lưu ý đến thuật ngữ "Ummah" (quốc gia) vì đó là một phần của lịch sử Islam giáo, kết nối các tín đồ trên toàn thế giới. Vào những thế kỷ đầu của kỷ nguyên Islam giáo, cộng đồng Islam là một đất nước dưới quyền cai trị của một người. Ngay cả khi cộng đồng này tách ra làm nhiều nước, thì lý tưởng về một thể chế nhà nước duy nhất vẫn tồn tại. Các nhà nước hầu như

chỉ có tính triều đại, với biên giới có dịch chuyển, và trong việc ghi chép lịch sử cực kỳ phong phú của thế giới Islam giáo bằng tiếng Ả rập, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, lịch sử của các triều đại, các thành phố chủ yếu chỉ là lịch sử của nhà nước và cộng đồng Islam chứ không hề là lịch sử của nước Ba Tư hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Bernard Lewis, cuộc đời của Nhà tiên tri Mohammed tạo ra sự phân chia trong thái độ của các Muslim. Trong phần đầu cuộc đời, trong những năm tại quê hương Mecca (570-622), Người đối đầu với chế độ tà giáo. Trong phần thứ hai, sau khi chuyển từ Mecca đến Medina (622- 632), Người đứng đầu nhà nước. Chính vì vậy, Islam giáo hiện nay được phân chia thành hai loại, một loại độc đoán còn loại kia cấp tiến và hành động.

Ngày nay, các quốc gia Islam giáo không còn là một "ummah" thống nhất nhưng đây luôn là mục tiêu mà rất nhiều Muslim mong mỏi. Đứng trước những ảnh hưởng của văn hóa phương Tây khiến lối sống của nhiều người Ả rập không còn giống với lối sống của cha ông mình trong những thế kỷ trước, các nhóm Islam giáo luôn cố gắng để áp dụng các khía cạnh tôn giáo của Islam giáo lên mọi mặt đời sống các tín đồ [42]. Trong nhiều thập kỷ trước, các học giả đã cố gắng phân loại các phong trào Islam giáo để hiểu rõ bản chất của Islam giáo chính trị cũng như bức tranh Islam giáo đa dạng trong khu vực này. Một cách phân loại thông thường là chia những người Muslim thành ôn hòa, cấp tiến/cực đoan hay những người có xu hướng quân sự. Trong tác phẩm "Civil Democratic Islam; Partners, Resources and Strategies", tác giả Cheryl Benard chia những tín đồ Muslim thành bốn loại:

- Islam giáo chính thống (fundamentalists): những người phủ nhận các giá trị dân chủ và văn hóa phương Tây hiện đại. Họ muốn một nhà nước độc đoán, thanh tịnh, áp dụng các quan điểm cực đoan của luật Shari'ah và các giá trị đạo đức Islam giáo. Những người thuộc loại này thường vin vào những giáo điều có sẵn trong tôn giáo để giữ nguyên hiện trạng xã hội, bảo

toàn chế độ chính trị - kinh tế - xã hội từ thời Trung cổ. Họ cho rằng những lời được mặc khải cho Mohammed là hoàn thiện, không cần bổ sung thêm điều gì và càng không cần sửa đổi.

- Islam giáo truyền thống (traditionalists): những người muốn một xã hội bảo thủ. Họ nghi ngờ về sự hiện đại, đổi mới và thay đổi.

- Islam giáo hiện đại (modernists): những người mong muốn thế giới Islam giáo trở thành một phần của thế giới nhân loại hiện đại. Họ mong muốn hiện đại và cải cách Islam giáo để sánh kịp với thời hiện đại.

- Islam giáo thế tục (secularists): những người muốn thế giới Islam giáo chấp nhận sự chia tách giữa tôn giáo và nhà nước giống như mô hình dân chủ công nghiệp phương Tây, trong đó tôn giáo thuộc về lĩnh cực cá nhân [30].

Trong khi đó, theo Bernard Lewis, phái chính thống (fundamentalist) không thực sự là thuật ngữ thích hợp. Tên gọi này bắt nguồn là một từ của Tin lành Mỹ, dùng để chỉ một số nhà thờ khác với các nhà thờ thuộc dòng chính thống ở một số điểm, trong đó hai sự khác biệt chính là thần học tự do và sự phê phán kinh thánh. Ngược lại, đối với các Muslim, giáo điều cơ bản là kinh Qur'an với từng câu từng chữ đều có tính thần thánh và không thể sai lầm được. Đặc điểm của những người theo trường phái này rộng lớn hơn, nằm ở khía cạnh xã hội. Theo quan điểm của họ, thế giới Islam giáo đang đi chệch khỏi con đường đúng đắn của mình. Những nhà lãnh đạo tại các quốc gia Islam giáo thực chất là những người bỏ đạo, đã hủy bỏ luật Shari'ah thần thánh và áp dụng các luật lệ của ngoại bang. Và giải pháp duy nhất cho tình trạng này là quay trở lại với lối sống Islam giáo đúng đắn và loại bỏ những chính phủ đã từ bỏ đạo là bước đi cơ bản đầu tiên. Những người theo chủ nghĩa chính thống về cơ bản là chống lại sự ảnh hưởng của phương Tây vì

nhưng mục tiêu tấn công ban đầu của họ là nhằm trực tiếp vào những nhà cầm quyền và lãnh đạo của chính họ [33, tr.21].

Đầu thế kỷ XX, trước những ảnh hưởng ngày càng lan rộng của châu Âu đối với các xã hội Ả rập, rất nhiều tín đồ Islam giáo hướng về tôn giáo của mình để khẳng định bản sắc và tìm lấy ý nghĩa, sự ổn định, phát triển, sức mạnh và hi vọng được kết tinh trong khẩu hiệu "Islam giáo là giải pháp". Sự chán ghét những ảnh hưởng của phương Tây lên đến cực điểm khi giáo sĩ Hasan al-Banna, một thầy giáo Ai Cập trẻ tuổi lớn lên trong sự giáo dục tôn giáo nghiêm khắc, quan tâm đến vấn đề tôn giáo ngay từ nhỏ, đã thành lập tổ chức Anh em Hồi giáo vào năm 1928. Đây được xem là phản ứng chống lại sự thống trị chính trị của phương Tây và cả ảnh hưởng của phương Tây đã làm xói mòn lối sống Islam giáo. Các nhóm, phong trào, tổ chức Islam giáo theo chủ trương Islam giáo hóa xã hội rất chú ý đến việc xây dựng trường học Islam giáo đồng thời mở rộng ảnh hưởng của Islam giáo trong các trường công. Họ làm nảy sinh "xã hội dân sự" Islam giáo, tồn tại song song và cạnh tranh với các định chế yếu ớt của xã hội phi tôn giáo [10, tr.139]. Ở Ai Cập đầu những năm 1990, các tổ chức Islam giáo đã xây dựng một mạng lưới rộng rãi khắp cả nước, cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục, phúc lợi và các dịch vụ khác cho đa số người dân nghèo tại quốc gia này. Ở Gioóc-đa-ni, tổ chức Anh em Hồi giáo chủ trương phát triển xã hội và văn hóa mang đậm nét Islam giáo, coi đó là hạ tầng cơ sở của một nước cộng hòa Islam giáo.

Trong những năm gần đây, có thể thấy rằng các phong trào, đảng phái Islam giáo đã có những dấu hiệu tự cải cách, dường như thể hiện trào lưu ôn hoà hơn, chấp nhận tham gia chính quyền, đấu tranh chính trị và có thể tách khỏi bạo lực. Trước hết, hãy xem xét trường hợp của tổ chức Anh em Hồi giáo tại Ai Cập. Ra đời tại Ai Cập vào năm 1928, tổ chức này được coi là sự phản ứng chống lại sự thống trị của phương Tây và ảnh hưởng của phương Tây làm xói mòn lối sống truyền thống theo Islam giáo [17, tr. 285]. Cho đến

đầu thế kỷ XXI, tổ chức này vẫn giữ lập trường bản chất của một tổ chức theo chủ thuyết Islam giáo nguyên gốc với một số đặc trưng như: coi các chính quyền Ả rập hiện tại là phi Islam giáo; không chấp nhận đàm phán với nhà nước Do Thái, kiên quyết tiến hành thánh chiến để giải phóng Pa-le-xtin; không chấp nhận tham gia bầu cử cùng các lực lượng mà họ coi là ngoại đạo như các đảng phái thế tục hoặc phi Islam giáo; kiên định mục tiêu giành chính quyền để độc tôn xây dựng một nhà nước Islam giáo có từ thời Nhà tiên tri Mohammed; áp đặt luật Shari'ah lên toàn bộ xã hội.

Có thể thấy rằng một số trường phái tư tưởng Islam giáo dưới ảnh hưởng của khuynh hướng cải cách thời hiện đại đã khiến thế giới bên ngoài có những nhãn quan tích cực và thiện cảm hơn về đức tin Islam giáo, tạo tiền đề cho những khuynh hướng tiến bộ ra đời tại Trung Đông. Trong số đó, nổi lên các trào lưu sau:

- Islam giáo tự do: tìm tòi cách thức thay thế khác nhau nhằm giúp đức tin Islam giáo thích ứng với thời hiện đại. Những người theo trào lưu này có cái nhìn mới về việc diễn giải tôn giáo với sự quan tâm đặc biệt tới những vấn đề mang tính thời đại như dân chủ, tách biệt tôn giáo khỏi hoạt động chính trị, quyền phụ nữ, tự do tư tưởng và thúc đẩy sự tiến bộ của con người. Họ cho rằng luật Shari'ah có tính chất linh hoạt hơn nhiều so với những yếu tố đang được hệ thống pháp lý quy định, theo đó nhiều học giả tin rằng cần đổi mới luật Shari'ah [9, tr. 283]. Quan điểm này đòi hỏi cách thức thực thi pháp luật theo kiểu mới phù hợp với thực tiễn ngày nay. Trào lưu này không tìm cách thách thức các giá trị nền tảng của Islam giáo mà tìm cách làm rõ các diễn giải sai lầm để tạo điều kiện đổi mới địa vị của thế giới Islam giáo.

- Islam giáo cấp tiến: nhấn mạnh tới các giá trị chính thống trong các hành vi tôn giáo của tín đồ. Trong khi đa số Muslim tin theo những dạng thức tôn giáo hòa bình thì một bộ phận nhỏ các tín đồ cấp tiến muốn xây dựng một xã hội hoàn toàn dựa vào kinh Qur'an và các sách Hadith, phủ nhận các cách

thức diễn giải kinh sách hiện đại. Phong trào Islam giáo cấp tiến đặt ra những yêu cầu và cách thức hành động cụ thể để tác động đến các tín đồ cũng như toàn thế giới. Những người theo phong trào này nhấn mạnh tới sự cần thiết phải áp dụng luật Shari'ah cho toàn bộ xã hội hiện đại, xây dựng thế giới Islam mở rộng, xóa bỏ ảnh hưởng của phương Tây trong thế giới Islam. Mục tiêu cuối cùng của họ là khôi phục nhà nước Islam giáo (Caliphate) do một lãnh tụ tối cao là Caliph cai quản.

Có thể nhắc đến hai tổ chức tiêu biểu của trào lưu này là Al-Qaeda và IS. Hai tổ chức này có nhiều điểm tương đồng trong tầm nhìn và tổ chức. Cả hai đều hướng tới việc thành lập một Nhà nước Islam giáo xuyên quốc gia dưới hình thức Caliphate do Caliph là nhà lãnh đạo chính trị và Islam giáo là quốc giáo, tuân theo luật Shari'ah. Tất cả các tranh chấp và tòa án sẽ phải tuân thủ luật Shari'ah. Ví dụ, những tên trộm sẽ phải chịu hình phạt bị chặt tay tại nơi công cộng. Cả hai tổ chức trên đều có cơ chế công nghệ thông tin hiện đại, có các quan hệ công chúng được thiết lập rất tốt và các kế hoạch vận động chính sách. Cả hai đều sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để truyền bá tin tức, tiến độ hoạt động và các kế hoạch của mình. Tuy nhiên, hai tổ chức trên khác nhau ở hai phương diện chính. Thứ nhất, Al-Qaeda và IS khác nhau ở chiến lược hoạt động. Al-Qaeda áp dụng các chiến lược bên ngoài tập trung vào các mối quan hệ đối ngoại, thông qua các vụ tấn công ngày 11/9 và vụ đánh bom tại London. Al-Qaeda kêu gọi chiến đấu chống lại người dân tại các nước khác để đảm bảo ảnh hưởng đến ý thức hệ của họ. Trong khi đó, IS có chiến lược ngược lại, tập trung vào chính những người dân của họ và tất cả các hành vi tàn bạo được thực hiện trên chính người dân của họ. Một sự khác biệt nữa là dựa trên nhóm mục tiêu của cả IS và Al- Qaeda. Tổ chức IS chống lại bất kỳ người nào không phải là người Sunni, họ giết người Shia và Kitô giáo, thậm chí chống lại cả những người Sunni không ủng hộ chiến lược của họ [43].

Mục tiêu tối hậu của IS là thiết lập một nhà nước Islam giáo thống nhất toàn Trung Đông, áp dụng luật Shari'ah. Nhưng qua các hành động tàn ác của tổ chức này, toàn thế giới đều phải nhìn nhận đây là tổ chức khủng bố và là hiểm họa của nhân loại dù cho chỉ thành công tới một giới hạn là chiếm lĩnh một quốc gia, một vùng lãnh thổ chứ chưa tới mức phát triển toàn cầu như lý tưởng tối cao của nó. Những nhà nước thế tục khác tại Trung Đông bị IS coi là sự đi ngược lại các nguyên tắc của Islam giáo15

.

Các nhóm Islam giáo cực đoan như al-Qaeda hay IS trở nên khét tiếng khi thi hành những hình phạt hà khắc từ thời cổ xưa như hành quyết bằng cách ném đá và đóng đinh. Họ cũng áp dụng các hình phạt cho những tội hudud hiếm khi được sử dụng trong lịch sử Islam giáo. Những vụ giết người vì danh dự, do trả thù vì xúc phạm gia đình người khác là một vấn đề toàn cầu. Trong khi số liệu thống kê chính xác rất ít ỏi, Liên Hiệp Quốc ước tính hàng ngàn phụ nữ bị giết hàng năm để bảo vệ danh dự của gia đình16.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) shariah trong đời sống chính trị, xã hội và văn hóa của cư dân ả rập khu vực trung đông (Trang 51 - 57)