Shari‟ah trong đời sống xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) shariah trong đời sống chính trị, xã hội và văn hóa của cư dân ả rập khu vực trung đông (Trang 57)

7. Bố cục luận văn

2.2. Shari‟ah trong đời sống xã hội

2.2.1. Shari'ah và sự định chế hóa hệ thống kinh tế

Theo Islam giáo, sự tồn tại của một hệ thống kinh tế mang tính sống còn cho sự tồn tại và phát triển lành mạnh của xã hội. Ngoài chức năng bảo đảm cho sự tiêu dùng của cải vật chất và dịch vụ trở nên dễ dàng, hệ thống kinh tế còn có chức năng xác định những quy tắc và chuẩn mực ứng xử phù hợp với tinh thần Islam giáo với tư cách là một lối sống. Những quy tắc này dựa trên quan niệm về công lý của Islam giáo nhằm ngăn chặn sự thù hận có thể xảy ra giữa các nhóm kinh tế - xã hội khác nhau. Trong thực tế, công lý được xác định như là sự hành động phù hợp với luật Shari'ah, bao gồm cả luật thực định và luật tố tụng trong cuộc sống của các tín đồ trên bình diện kinh tế.

15 -

http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/6809/Vai_net_ve_To_chuc_Nha_nuoc_Hoi_giao_tu_xung _IS_Phan_I_

Kinh tế học Islam là một lý thuyết kinh tế toàn diện và độc lập xác định các nguyên tắc kinh tế phù hợp với luật Shari'ah và có tính đến các khía cạnh vật chất, tinh thần, xã hội và chính trị của đời sống con người.

Trong khía cạnh kinh tế, Shari'ah mong muốn đạt được những lý tưởng kinh tế như sử dụng hiệu quả và công bằng các nguồn lực, làm việc đầy đủ và thỏa mãn các nhu cầu cơ bản của con người. Tuy nhiên, nó khác về cơ bản so với các bộ luật do con người tạo ra trong việc xác định vấn đề kinh tế bằng cách thêm một vào đó khía cạnh đạo đức và tôn giáo.

Trong thực tế, trong khi các hệ thống kinh tế thông thường dựa trên các nguyên tắc như sự khan hiếm hàng hóa dịch vụ, tư lợi, cơ hội, lợi ích chi phí và hoạt động tự do, Islam cho phép con người khai thác tài nguyên của thế giới với khả năng tốt nhất trong tinh thần công lý và tình bằng hữu đối với con người. Islam cũng chấp nhận các cam kết cơ bản của nền kinh tế thị trường, chẳng hạn như quyền sở hữu doanh nghiệp và môi trường cạnh tranh.

Tuy nhiên, Islam áp dụng một cách tiếp cận cân bằng hơn và xem xét rằng các mưu cầu về vật chất cũng nên có một chiều hướng tâm linh và hoạt động kinh tế không đơn thuần chỉ là sự cạnh tranh giữa con người mà còn là chìa khóa cho sự tăng trưởng công bằng thông qua sự tham gia của mọi người vào các hoạt động đó. Vì thế, cần phải tránh sự tư lợi và chủ nghĩa cá nhân của kinh tế học thông thường.

Khuôn khổ của Islam giáo về kinh tế cũng dựa trên một số yếu tố chính như cấm thu lãi suất, sự pha trộn của yếu tố tinh thần vật chất, sự kết hợp giữa sở hữu tư nhân và công cộng, Zakat (bố thí), Waqf (hiến tặng tài sản), v.v. Và quy tắc chung của tất cả các hoạt động kinh doanh, các hợp đồng và đầu tư là phải hỗ trợ các thực hành hoặc sản phẩm phù hợp với các quy tắc của Shari'ah.

Mục tiêu chính của luật Shari'ah là thúc đẩy phúc lợi của con người, bao gồm bảo tồn, quảng bá và làm giàu đức tin Islam giáo, bảo tồn đời sống và tâm trí con người, bảo vệ hậu thế và sự giàu có. Vì mục đích đó, Shari'ah hướng tới thiết lập một xã hội lý tưởng dựa trên công lý, bình đẳng và đức hạnh, nơi an ninh xã hội và hòa bình được thúc đẩy, các cá nhân và tổ chức được khuyến khích hợp tác trong mọi hoạt động phù hợp với giá trị đạo đức, đoàn kết với những người nghèo khổ thiếu thốn và nghiêm cấm các hành động tà ác.

Những mục tiêu này tạo thành phúc lợi vật chất và tinh thần của người dân ở thế giới này cũng như đời sau. Phúc lợi này nằm trong công lý, lòng thương xót và trí tuệ hoàn chỉnh. Nó không chỉ bao gồm khía cạnh phát triển kinh tế và tăng trưởng, mà còn là tình bằng hữu của con người, công bằng kinh tế xã hội, hòa bình, hạnh phúc, gia đình, cũng như hòa hợp xã hội.

Toàn bộ trụ cột của hoạt động kinh doanh ở các nước Islam giáo cơ bản phụ thuộc vào các nguyên tắc và đạo đức của tư tưởng Islam giáo. Những niềm tin và triết lý cơ bản mà Islam giáo cho phép trong kinh doanh và trong phạm vi đạo đức kinh doanh có thể nhắc đến là:

- Đức tin: Niềm tin phải là điều đầu tiên đối với mọi Muslim, bởi vì đức tin về Allah duy nhất là bước cơ bản cho mọi giao dịch và hành động.

- Tài sản có nguồn gốc hợp pháp: nếu một số người kiếm được của cải thì họ phải phân biệt giữa nguồn thu nhập hợp pháp và trái pháp luật, phân biệt này dựa trên tiêu chí như nếu một người kiếm được lợi nhuận và người khác bị tổn thất thì giao dịch đó không được cho phép. Islam giáo chỉ cho phép những giao dịch mà cả hai bên đều có lợi ích và có sự đồng ý của họ, bởi vì Islam giáo mong muốn sự công bằng giữa các giao dịch.

- Khuyến khích chi tiêu: Islam giáo khuyến khích mọi người chi tiêu khi họ đã tiết kiệm được khoản tiền vượt quá nhu cầu của mình. Điều này

hoàn toàn khác so với các khái niệm thế tục khác, ở đây Islam giáo cho rằng nếu một người chi tiêu vì lợi ích của Allah, sự giàu có của người đó sẽ tăng lên, và người đó sẽ có phước lành về tài sản.

- Zakat (tiền bố thí hay tiền đóng góp từ sự giàu có theo cách của Allah): Islam giáo cấm việc kiếm được thu nhập cho riêng bản thân và không chăm sóc những người nghèo trong xã hội. Trong hệ thống kinh tế của xã hội Islam giáo, kinh Qur'an định chế hóa mối quan hệ giữa người giàu và người nghèo bằng cách hợp thức hóa trách nhiệm phải đóng zakat của người giàu cho người nghèo. Nó quy định zakat chính là phần những người nghèo được hưởng trong số của cải của người giàu. Zakat thường chiếm 2,5% tổng thu nhập, số tiền tiết kiệm và tài sản của một tín đồ trên một số tiền tối thiểu được gọi là nisab, nhưng các học giả đưa ra ý kiến khác nhau về giá trị của nisab và các khía cạnh khác của zakat. Mỗi năm mọi người sẽ phải nộp số tiền này cho nhà nước hay các tổ chức được ủy nhiệm thu. Số tiền zakat thu được sẽ được đầu tư hay giúp những người nghèo thực hiện các dự án của họ mà không phải trả lại khoản tiền này.

- Tiết kiệm: Islam giáo cấm tín đồ chi tiêu hoang phí vì điều đó có thể khiến họ trở nên nghèo túng. Mọi người được khuyên nên chi tiêu theo đúng nhu cầu của mình, tránh chi tiêu xa xỉ, chi tiêu vượt quá nhu cầu cần thiết.

-Thu nhập hợp pháp: Islam giáo quy định thu nhập của một người phải hợp pháp và Halal, nghiêm cấm những người thực hiện các giao dịch kinh doanh và kiếm lợi nhuậnthông qua các phương tiện bất hợp pháp.

- Chân thành trong giao dịch kinh doanh: Sự trung thực trong kinh doanh cũng là điều được quy định trong Islam giáo. Giữa người bán và người mua phải có giao dịch rõ ràng. Ngoài ra, Islam giáo lên án tất cả các giao dịch kinh doanh gian lận.

- Sự tử tế trong liên hệ kinh doanh: Islam giáo nhấn mạnh rằng mọi người nên mềm mỏng và linh hoạt trong giao dịch kinh doanh. Việc giao dịch

giữa người mua và người bán phải dựa trên cơ sở nhân văn. Cả hai bên, dù là bên cho vay tiền hay bên vay tiền, đều có thể tự do yêu cầu hoàn trả tiền. Islam giáo nghiêm cấm sử dụng ngôn ngữ nặng nề, khắc nghiệt trong kinh doanh.

- Hoàn thành tất cả các nghĩa vụ kinh doanh: Islam giáo nhấn mạnh đến việc hoàn thành mọi lời hứa trong kinh doanh bởi vì không ai có thể đáng tin cậy nếu anh ta không hoàn thành nghĩa vụ của mình.

- Đối xử hợp lý với nhân viên: Đây là trách nhiệm của người sử dụng lao động khi phải trả tiền lương công bằng cho nhân viên, cung cấp cho nhân viên điều kiện làm việc tốt, và đối xử với anh ta một cách có đạo đức.

- Sự tôn trọng chung: Tôn trọng những người khác trong kinh doanh là nguyên tắc cơ bản của Islam giáo. Các doanh nghiệp chỉ dựa trên việc kiếm lợi nhuận và không quan tâm đến xã hội được coi là bất hợp pháp. Islam giáo cũng nhấn mạnh sự tôn trọng lẫn nhau trong các giao dịch.

- Giao dịch kinh doanh đơn giản (mua và bán công bằng): Doanh nhân phải thực hiện giao dịch kinh doanh rõ ràng. Các hoạt động mua bán phải được sự đồng ý lẫn nhau và không bị ép buộc. Islam giáo nghiêm cấm các giao dịch mà cả hai bên đều không rõ ràng.

- Nghiêm cấm giao dịch bất hợp pháp: Shari'ah cấm các giao dịch kinh doanh phi đạo đức và bất hợp pháp, ví dụ như kiếm lợi nhuận từ những hoạt động bị cấm (Haram) như bán và mua rượu, ma túy, thực hiện gian lận trong giao dịch kinh doanh, tích trữ để tạo ra lợi nhuận cao, hoạt động đầu cơ, và lấy lãi, mua bán vũ khí gây hại cho con người, mua bán chất độc, thịt lợn, tích trữ và bán thực phẩm để kiếm lợi nhuận...

2.2.2. Shari'ah và mối quan hệ giữa nam và nữ

Trên nguyên tắc, Islam giáo mang tính bình đẳng, không công nhận bất kỳ sự vượt trội của tín đồ này so với tín đồ khác dựa trên giống nòi, chủng tộc, quốc tịch, cũng như địa vị xã hội. Tuy nhiên, cũng giống như các tôn giáo khác, Islam giáo chấp nhận sự bất bình đẳng cơ bản giữa nam và nữ, bởi vì

"Người đàn ông là trụ cột (của gia đình) trên đàn bà bởi vì Allah ban cho người này sức lực hơn người kia và bởi vì họ chi dùng tài sản của họ vào việc cấp dưỡng gia đình..." (Chương 4, câu 34) [26, tr.162]. Như vậy, vị trí của người đàn ông được đặt cao hơn phụ nữ một bậc là dựa trên đặc điểm sinh lý tự nhiên và vai trò to lớn của đàn ông trong gia đình.

Các học giả khi giải thích luật Shari'ah chỉ bàn đến thứ hạng trong xã hội đối với vấn đề duy nhất, đó là trường hợp liên quan đến nguyên tắc kafaa,

có thể hiểu đó là nguyên tắc bình đẳng về dòng dõi và địa vị xã hội trong hôn nhân. Tuy nhiên, nguyên tắc này không phải là sự công nhận các đặc quyền của giới quý tộc, cũng như không hề cấm đoán những cuộc hôn nhân không tương xứng. Mục đích duy nhất của nguyên tắc này là để bảo vệ danh dự của các gia đình khả kính bằng cách cho phép họ hủy bỏ những cuộc hôn nhân không tương xứng. Nguyên tắc này được người cha hoặc người đỡ đầu của người phụ nữ nêu ra để ngăn người phụ nữ đó lấy chồng mà không được cho phép, theo đó cha hoặc người đỡ đầu có thể hủy bỏ cuộc hôn nhân nếu nó không được phép với điều kiện là người phụ nữ chưa có con hoặc có thai trong cuộc hôn nhân đó. Nguyên tắc này cũng được nêu ra để ngăn người phụ nữ kết hôn với người đàn ông có địa vị thấp hơn để tránh làm ô danh gia đình người phụ nữ đó. Còn trong trường hợp người đàn ông kết hôn với người phụ nữ có địa vị thấp kém hơn thì sẽ không bị phản đối vì theo các học giả, dù sao phụ nữ vốn dĩ đã có địa vị thấp hơn đàn ông.

Trong Islam giáo, người phụ nữ có một địa vị biệt lập rõ rệt. Họ được ban cho quyền tư hữu (làm chủ tài sản, làm chủ lợi tức thu hoạch). Không ai – kể cả người cha, người chồng hay anh em trai – có quyền sử dụng tài sản của họ mà không được họ cho phép. Người phụ nữ có thể sử dụng tài sản và lợi tức của mình tùy theo ý muốn trong phạm vi Halal (hợp pháp) và Haram (bất hợp pháp) của Shari'ah. Islam giáo cũng ban cho người phụ nữ quyền thừa

hưởng gia tài. Họ có quyền đòi hỏi từ tài sản của người cha, người chồng và người anh (em) độc thân đã quá cố (Chương 4, câu 7, 32, 176) [26]

Trong vấn đề hôn nhân, người phụ nữ trong Islam có quyền lựa chọn người chồng cho mình. Không ai có quyền bắt ép họ kết hôn ngược với ý muốn của mình. Người phụ nữ cũng có quyền đòi li dị (khula) từ người chồng nếu hôn nhân của đôi bên không thể kéo dài được nữa. Nếu ai vu khống sự trinh trắng của một người phụ nữ trinh trắng thì người đó sẽ bị liệt vào thành phần không đáng chấp nhận bằng chứng (Chương 24, câu 4) [26, tr.700]. Điều này chứng tỏ danh dự của người phụ nữ được bảo vệ tối đa. Kinh Qur'an đòi hỏi người Muslim nam phải đối xử tử tế với người phụ nữ (Chương 4, câu19) [26, tr.157]. Người chồng phải lãnh trách nhiệm chu cấp cho người vợ, và người vợ được yêu cầu nghe lời chồng và giữ trinh tiết với chồng (Chương 4, câu 34) [26, tr.162]

Như vậy có thể thấy rằng Shari'ah có những quy định để bảo vệ vị trí và quyền lợi của phụ nữ. Tuy nhiên trên thực tế, người phụ nữ đã gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các quyền lợi cơ bản của mình. Họ bị lệ thuộc vào đàn ông, gặp khó khăn trong việc tiếp cận với giáo dục, việc làm và các hoạt động chính trị xã hội. Vào đầu thế kỷ XX, phong trào nữ quyền xuất hiện tại nhiều nước tại Trung Đông, khẳng định nguồn gốc chính trị xã hội của những bất bình đẳng giới và phê phán một bộ phận lớn của luật Shari'ah khi nó dựa trên cách lý giải phụ quyền gia trưởng về kinh Qur'an, từ đó đặt ra vấn đề cần phải lý giải lại giáo lý và quyền của phụ nữ trong Shari'ah.

Sự xuất hiện của phong trào nữ quyền và những đòi hỏi về quyền của phụ nữ đã ra đời dựa vào những khẳng định về tính tương thích giữa phong trào nữ quyền với tinh thần Islam giáo có trong kinh Qur'an và thực chất đã hiện diện trong Shari'ah. Từ đó, quan niệm về sự bình đẳng giữa nam và nữ trong cộng đồng Islam giáo được giả định là bắt nguồn từ bản thân Islam giáo chứ không phải từ các nước phương Tây. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng

trong chính bản thân Islam giáo đã chứa đựng những tư tưởng bình đẳng giữa nam và nữ nên đã có những tác động tích cực đến các phong trào nữ quyền ở Trung Đông trong thời kỳ cổ đại và hiện đại [9, tr. 182-183].

Tuy nhiên, vai trò của phụ nữ trong các xã hội Trung Đông chỉ được cải thiện một cách chậm chạp. Riêng trong lĩnh vực chính trị, mặc dù hiến pháp đều quy định mọi người đều bình đẳng về quyền lợi trước pháp luật nhưng phụ nữ vẫn bị hạn chế về quyền bỏ phiếu, thậm chí trước năm 2005, Cô-oét còn cấm phụ nữ tham gia bầu cử. Tỷ lệ phụ nữ tại các quốc gia Trung Đông tham gia vào các cơ quan bầu cử là rất thấp, chỉ khoảng 6%. Trong chính quyền địa phương, chỉ có 14% thành viên trong chính quyền là phụ nữ, thấp thứ hai trên thế giới. Tỷ lệ phụ nữ tham gia nghị viện ở khu vực này được đánh giá là rất thấp: ở Cô-oét là 0%, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) 0%, Y-ê-men 1%, Li-băng 2%, Ai Cập 2%, Gioóc-đa-ni 3%, I- ran 4%, An-giê-ri 6%, Ma-rốc 6%, Ba-ranh 6%, Sirya 12%, so với tỷ lệ của thế giới là 15% [3, tr. 24-25].

Sau phong trào Mùa xuân Ả rập năm 2011, các quốc gia tại Trung Đông đã thực hiện nhiều cải cách chính trị khác nhau, bao gồm cả những cải cách liên quan đến đại diện chính trị của phụ nữ. An-giê-ri đã đưa ra Luật 12- 03 năm 2012, yêu cầu các đảng chính trị đưa các ứng cử viên nữ vào danh sách đảng của họ với hạn mức lớn hơn. Kết quả là sự hiện diện của phụ nữ trong quốc hội An-giê-ri đã tăng từ 7,7% năm 2007 lên 31,6% năm 2012.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) shariah trong đời sống chính trị, xã hội và văn hóa của cư dân ả rập khu vực trung đông (Trang 57)