3.3 .Tác động của quan hệ Trung-Mỹ
3.3.1. Tác động đối với thế giới và khu vực
Tổng thống G.Bush đã nêu trong tuyên bố chính sách đối ngoại tại Bangkok, nhân chuyến thăm châu Á lần thứ chín và cuối cùng nhiệm kỳ tổng thống của ông ngày 7/8/2008 rằng, quan hệ song phương Mỹ-Trung là “một kiểu quan hệ phức tạp, có lúc lợi ích quốc gia nhất trí, nhưng cũng có lúc lợi ích quốc gia không nhất trí”, và cho rằng “hòa bình và tương lai thành công của châu Á-Thái Bình Dương phụ thuộc vào quan hệ và sự can dự của cả Mỹ và Trung Quốc” [54].
Khi Tổng thống Obama lên lãnh đạo nước Mỹ với khẩu hiệu “thay đổi”, trọng tâm đối ngoại của Chính quyền Tổng thống Obama nhằm duy trì vị thế lãnh đạo của Mỹ trên thế giới. Trung Quốc tuy không thừa nhận nước nào lãnh đạo nhưng cũng không khiêu khích địa vị của Mỹ. Trung Quốc cũng biểu thị rõ ràng rằng, không những không phản đối sự tồn tại của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà còn
hoan nghênh Mỹ phát huy vai trò tích cực ở khu vực này. Quan hệ Trung - Mỹ có tác động tới thế giới và khu vực vốn đã được duy trì từ thời gian trước đó với cả hai mặt tích cực và tiêu cực.
Tác động tích cực: với chính sách tăng cường hợp tác, Trung Quốc và Mỹ đã góp phần vào ổn định và hòa bình của thế giới. Hai nước cùng tham gia cuộc chiến chống khủng bố, loại trừ đi nguy cơ đe dọa của chủ nghĩa khủng bố đối với an ninh thế giới và khu vực. Nếu như trong lĩnh vực an ninh truyền thống, Mỹ và Trung Quốc luôn tồn tại những bất đồng thì trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, hai nước lại có sự hợp tác khá tích cực. Trong lĩnh vực này, hai nước đã có sự hợp tác nhất trí để giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực, đặc biệt là vấn đề chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Cả Mỹ và Trung Quốc đều là cường quốc hạt nhân nên đều không muốn các nước khác sở hữu vũ khí hạt nhân, đe dọa đến lợi ích của hai nước và hòa bình thế giới. Hai nước đã cùng cộng đồng quốc tế đưa ra các biện pháp để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran và Bắc Triều Tiên. Ngoài ra hai nước còn hợp tác trong các lĩnh vực ngăn chặn dịch bệnh, phòng chống các thảm họa thiên nhiên…
Sự hợp tác của Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực kinh tế đã tác động tích cực tới sự phát triển chung của nền kinh tế toàn cầu và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ và Trung Quốc đều là những nền kinh tế lớn, có tiếng nói trong diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Nhờ vào quan hệ kinh tế Trung - Mỹ, một số nền kinh tế đã có được điều kiện thuận lợi để phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore…Các nước trong khu vực có thể hợp tác cùng với Mỹ và Trung Quốc, tạo ra một thị trường rộng lớn, sức tiêu thụ cao cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh về hàng hóa và chất lượng sản phẩm.
Tác động tiêu cực: Tuy nhiên các nước trên thế giới và trong khu vực cũng vấp phải những trở ngại không nhỏ do bị ảnh hưởng từ mối quan hệ của hai nước hàng đầu thế giới này. Sự cạnh tranh trong thương mại của Trung Quốc và Mỹ đã kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực tới các nước khác. Các mặt hàng xuất khẩu của các nước Châu Á cùng loại với mặt hàng có nguồn gốc Trung Quốc bị cạnh tranh gay gắt tại thị trường Mỹ. Nhiều nhà đầu tư đã rời bỏ thị trường của các nước châu Á, chuyển sang đầu tư vốn tới Trung Quốc do môi trường của nước này ngày càng cải thiện khi đặt quan hệ kinh tế, thương mại với Mỹ.
Về mặt chính trị và an ninh, quan hệ cạnh tranh Trung - Mỹ cũng là một trong những nhân tố gây mất ổn định hoặc có khả năng dẫn tới nguy cơ mất ổn định ở một số khu vực. Tình hình an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương đã trở nên căng thẳng rõ rệt trong năm 2010. Trong năm 2011 đã xảy ra một số vụ va chạm về an ninh giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippin, Mỹ và Việt Nam. Chính vai trò ngày càng không rõ ràng cùng với những nước cờ chiến thuật của Mỹ nhằm tìm cách xác lập lại vai trò chiến lược của mình trong khu vực và sự vươn lên về quân sự của Trung Quốc đã tạo ra sự không chắc chắn về an ninh khu vực, thậm chí đã làm bất ổn thêm trật tự an ninh của khu vực.
Tình hình Đài Loan và Triều Tiên hiện tại và trong tương lai cũng chưa có dấu hiệu dịu bớt những căng thẳng do quan hệ hai nước còn có những bất đồng. Trung Quốc và Mỹ đều có lợi ích chung trong việc giữ gìn, duy trì hòa bình ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là hòa bình ổn định của bán đảo Triều Tiên. Trong việc duy trì an ninh tuyến đường biển phía Tây Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, lợi ích của hai nước là như nhau. Trung Quốc, Mỹ và các nước Đông Nam Á có không gian hợp tác rất lớn trong việc cùng nhau duy trì an ninh trên biển. Cả hai nước đã có được những chủ trương thống nhất nhưng thực tế mỗi bên đều xuất phát từ lợi ích khác nhau cho nên cách giải quyết bất đồng vẫn chưa thực sự hiệu quả để tạo ra sự yên ổn tại khu vực.
Đông Nam Á là một địa bàn hợp tác và cạnh tranh của Trung Quốc và Mỹ. Biển Đông với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là địa bàn tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc với một số nước trong khu vực Đông Nam Á (Philippin, Việt Nam, Malaysia, Brunei..). Trung Quốc không muốn quốc tế hóa vấn đề Trường Sa nhưng cũng không thể không tính tới nhân tố Mỹ trong các toan tính của mình do Mỹ là nước liên minh quân sự với Philippin. Từ những năm đầu của thế kỷ XXI, Trung Quốc đã đi trước Mỹ và Nhật Bản trong việc hợp tác kinh tế - thương mại với ASEAN bằng việc thiết lập ra khu tự do thương mại (ASEAN-China Free Trade Area - ACFTA) với một thị trường gần 1,9 tỷ dân, trải rộng trên diện tích 13 triệu km² và GDP tổng cộng 6.000 tỷ USD. Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Trung Quốc và ASEAN cũng đã bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010, trong khi đó Mỹ chỉ có thể đặt quan hệ kinh tế - thương mại song phương với từng nước trong khu vực Đông Nam Á. Sự cạnh tranh giữa hai ông lớn Trung Quốc và Mỹ đã khiến cho các nước trong khu vực phải thực thi
chính sách ngoại giao đảm bảo cân bằng quan hệ với cả hai, tuy thế mức độ cân bằng đối với mỗi nước lại có sự khác biệt.
Có thể nói, vị thế quan trọng của Trung Quốc và Mỹ trên phạm vi thế giới và khu vực là không hề nhỏ, nên quan hệ giữa hai nước đã tác động rất nhiều đến tình hình thế giới, khu vực cũng như quan hệ quốc tế của các quốc gia. Các quốc gia sẽ tiếp tục trở thành đối tượng để Mỹ và Trung Quốc lôi kéo nhằm tập hợp lực lượng, thay đổi cán cân sức mạnh theo chiều hướng có lợi cho họ. Rất có thể sẽ có các cơ chế hợp tác song phương, đa phương mới trên các lĩnh vực an ninh, quân sự, kinh tế, chính trị có sự tham gia của một trong hai nước Mỹ, Trung Quốc (để nhằm chi phối, thao túng các cơ chế đó, làm đối trọng với các cơ chế do nước khác còn lại chi phối) hoặc các cơ chế sẽ có sự hiện diện của cả Trung Quốc và Mỹ (để tranh giành ảnh hưởng, chi phối cơ chế đó). Những tác động từ chiều hướng quan hệ Trung - Mỹ có thể là tích cực, có thể là tiêu cực tùy thuộc vào sự nhận biết của các quốc gia, các tổ chức khu vực. Điều cần làm là các tổ chức khu vực, các quốc gia liên quan phải tìm cách khai thác triệt để những nhân tố tích cực và hạn chế tối đa những tiêu cực do cặp quan hệ Trung - Mỹ ảnh hưởng tới.