Bảng 2.1 Thống kê tình hình chia quả thực trong giảm tô đợt 6
2.1.2. Tiến hành cải cách ruộng đất đợt 3 và đợt 4
Sau giảm tô, uy thế chính trị và kinh tế của giai cấp địa chủ bước đầu bị đánh đổ. Những quyền lợi thiết thân đối với người nông dân đã được thực hiện một phần; từ đó tạo ra những tiền đề hết sức thuận lợi để ta tiếp tục tiến hành nhiệm vụ phản phong là cải cách ruộng đất, đánh đổ hoàn toàn giai cấp địa chủ phong kiến, thực hiện triệt để khẩu hiệu “Người cày có ruộng”.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ bảy và lần thứ tám (khóa II), theo sự chỉ đạo của Ủy ban cải cách Trung ương, từ đầu tháng 2 đến đầu tháng 10 - 1955, Vĩnh Phúc tiến hành cải cách ruộng đất trong hai đợt, tương ứng với đợt 3 và đợt 4 chung của miền Bắc.
Cải cách ruộng đất đợt 3 từ ngày 8 tháng 2 năm 1955 đến ngày 10 tháng 5 năm 1955) và đợt 4 từ ngày 7 tháng 7 năm 1955 đến hết ngày 7 tháng 10 năm 1955.
Cải cách ruộng đất đợt 3 (từ ngày 08 - 02 - 1955 đến ngày 10 - 5 - 1955)
Cải cách ruộng đất ở Vĩnh Phúc được tiến hành trong hoàn cảnh vô cùng phức tạp: đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai cấu kết với giai cấp địa chủ, tiến hành phá hoại ta về mọi mặt; đồng thời, giai cấp địa chủ lại phản ứng điên cuồng. Không kể những hoạt động thông thường như phân tán, mua chuộc, lưu manh, trộm cắp, ném gạch, đá… tại hai huyện Vĩnh Tường và Lập Thạch chúng đã giết 18 người, đốt 11 nhà của nông dân, gây tâm lý hoang mang trong quần chúng.
Đợt 3 ở Vĩnh Phúc được tiến hành trên địa bàn của 65 xã (64 xã đã qua giảm tô và xã Sơn Đông chưa tiến hành giảm tô) thuộc các huyện Lập Thạch,
Vĩnh Tường và Tam Dương. Với 38 xã vùng tự do Lập Thạch (76.346 nhân khẩu), trong đó có 2 xã công giáo, 8 xã có đồng bào miền núi. Huyện Vĩnh Tường: 25 xã với 72.106 nhân khẩu, có 6 xã công giáo; huyện Tam Dương với 4.305 nhân khẩu. Trong cải cách ruộng đất đợt 3, tỉnh ủy đã điều động 198 cán bộ đi phát động quần chúng.
Kế hoạch cải cách ruộng đất được tiến hành theo các bước sau:
Bước 1: Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách của Đảng, động viên tinh thần nông dân; mở các lớp huấn luyện “rễ”.
Bước 2: Phân định thành phần giai cấp, phân rõ ranh giới bạn - thù. Bước 3: Tiến hành tịch thu, trưng thu, trưng mua ruộng đất, tài sản; đem tất cả ruộng đất, trâu bò, nông cụ, thóc lúa, nhà cửa và các thứ tài sản khác đã tịch thu, trưng thu, trưng mua chi cho nông dân không có ruộng đất và thiếu ruộng.
Bước 4: Tổng kết công tác và hoàn thành chỉnh đốn tổ chức.
Trong đấu tranh chính trị: các đội cải cách ruộng đất đã phát động quần chúng đấu tranh “vạch mặt” những địa chủ còn lọt lưới sau các đợt giảm tô. Kết quả, đã quy 1.960 địa chủ. Như ở huyện Vĩnh Tường, từ khi tiến hành giảm tô đến hết cải cách ruộng đất, đã xử tử hình 12 vụ, Lập Thạch 17 vụ địa chủ cường hào gian ác [28].
Trong lĩnh vực kinh tế: ta đã tiến hành tịch thu, trưng thu, trưng mua 35.590 mẫu 8 sào 7 thước ruộng đất, 5.702 trâu bò, 26.119 nông cụ, 339.953 kg lương thực, 1.451 nhà cửa và nhiều tài sản khác đem chia cho 29.798 gia đình với 116.661 nhân khẩu và một số dân nghèo [8, tr. 14].
Trong mỗi huyện đều thành lập được tổ đổi công như ở Lập Thạch có 685 tổ đổi công với 2.672 gia đình thành viên; Vĩnh Tường có 518 tổ đổi công với 1.447 gia đình thành viên. Tổ đổi công được thành lập để giúp nhau cùng sản xuất, đảm bảo đời sống và cung cấp một phần lương thực cho kháng chiến [10, tr. 4].
Hội nghị Bộ chính trị từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 9 năm 1954 đã khẳng định: “kết hợp với cải cách ruộng đất để chỉnh Đảng là kinh nghiệm tốt mà cũng cần thiết, ta phải tiếp tục một cách chắc chắn và đầy đủ”. Chỉnh đốn chi bộ nông thôn là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng trong cải cách ruộng đất. Vì đó là một cách tích cực nhất để bảo đảm quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với nông dân, là điều kiện quan trọng nhất để tiếp tục hướng dẫn nhân dân tiến lên, là một trong những kết quả quý báu mà Đảng phải giành được trong cải cách ruộng đất [49, tr. 443].
Việc chỉnh đốn tổ chức được tiến hành theo 4 bước:
Bước 1: Tiến hành xử trí giai cấp bóc lột và những phần tử kiên quyết bao che cho giai cấp địa chủ làm cản trở phát động quần chúng, tiến tới đánh đổ hoàn toàn giai cấp địa chủ.
Bước 2: Mở các lớp bồi dưỡng, tuyên truyền nhằm kết nạp đảng viên mới, đồng thời giáo dục và xử trí đảng viên cũ có vấn đề, cải tạo chi ủy.
Bước 3: Hoàn thành việc kết nạp đảng viên mới và bồi dưỡng chi ủy mới thành lập.
Bước 4: Tổng kết công tác chấn chỉnh tổ chức, bầu ban chi ủy mới. Trong cải cách ruộng đất đợt 3, đã khai trừ 547 đảng viên, trong đó có 61 địa chủ, 136 phú nông, 18 bóc lột, phát hiện 36 người trong tổ chức phản động, chấn chỉnh 65 ban chi ủy. Đồng thời, đã kết nạp được 767 đảng viên mới, là những cốt cán xuất sắc trong phong trào đấu tranh, chủ yếu thuộc thành phần bần cố nông [8, tr. 42]. Khám phá ra nhiều tổ chức Quốc dân đảng như ở Vĩnh Tường: toàn huyện có 25 xã thì có tới 38 chi bộ bị Quốc dân đảng lũng đoạn; phát hiện tổ chức Đại việt trong 11 xã; tổ chức Phục quốc đảng ở 2 xã…[14, tr. 6]. Tổng số đảng viên sau cải cách ruộng đất đợt 3 có 2.371 đảng viên, trong đó chi bộ nhiều nhất có 101 đảng viên như ở Văn Quán (Lập Thạch), chi bộ ít nhất là có 8 đồng chí như ở Phú Đa (Vĩnh Tường).
Sau đợt 3 cải cách ruộng đất, ở một số nơi, địa chủ tiếp tục hoạt động chống phá chủ trương cải cách ruộng đất. Như tên Bạch ở Vĩnh Tường, sau khi
đội cải cách rút đi đã chui vào ban thuế, mua chuộc một số cán bộ, khi đi làm thuế đã xuyên tạc chính sách làm cho nhân dân hoang mang, chia rẽ. Trình độ cán bộ còn non, ở nhiều nơi cán bộ bị mua chuộc, xin rút lui công tác như ở Tiên Lữ, Phương Khoan (Lập Thạch), Yên Bình, Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường).
Về tổ chức Nông hội được: sau cải cách ruộng đất, số ủy viên Ban chấp hành Nông hội chủ yếu là bần cố nông. Bên cạnh đó, trong các tổ chức dân quân du kích, công an và các đoàn thể thanh niên, phụ nữ cũng tập trung đưa những đảng viên, quần chúng tích cực nhất, đặc biệt là bần, cố nông vào các vị trí lãnh đạo cao nhất.
Cải cách ruộng đất đợt 4 (từ ngày 07 - 07 - 1955 đến ngày 07 - 10 - 1955)
Cải cách ruộng đất đợt 4 được tiến hành trên địa bàn rộng lớn hơn với 111 xã của 7 huyện Tam Dương, Yên Lạc, Bình Xuyên, Yên Lãng, Kim Anh, Đông Anh và Đa Phúc và hai thị xã Vĩnh Yên, Phúc Yên mới giải phóng trong sự chống phá quyết liệt của giai cấp địa chủ. Đặc biệt, trong cải cách ruộng đất đợt này chỉ có 13 xã vùng tự do, còn 98 xã thuộc vùng tạm chiếm, 8 xã thuộc vành đai không tiến hành giảm tô, 10 xã có đồng bào công giáo (Bình Xuyên, Tam Dương), nhiều thôn công giáo toàn tòng, nhiều làng phản động tập trung.
Tổng dân số của 111 xã là 78.459 gia đình với 346.550 nhân khẩu, tương ướng với 3.593 hộ địa chủ, trong đó có 888 địa chủ cường hào gian ác, 2.841 hộ phú nông, 22.330 hộ trung nông, 30.428 hộ bần nông, 15.624 hộ cố nông, 1.665 hộ dân nghèo, 1.516 hộ lao động khác, 30 hộ quản lý, 77 hộ quá điền, 14 hộ nợ lãi và 439 hộ đi vắng [15, tr. 3].
Trong 111 xã tiến hành cải cách ruộng đất đợt 4, ta đã phát hiện 97 xã với 135 chi bộ có phần tử là Quốc dân Đảng. Trong số 5.853 đảng viên thì có 1.483 là địa chủ, 632 phú nông, 1971 trung nông, 1.320 bần nông, 197 cố nông và 250 các thành phần khác. Đồng thời, trong đợt 4 cũng đã tiến hành
xử tử hình 99 địa chủ là cường hào gian ác, nhiều nhất là ở huyện Yên Lãng với 25 án tử hình [28].
Trong hai đợt cải cách ruộng đất đã phát hiện 1.196 địa chủ, trong đó 744 địa chủ cường hào gian ác, chiếm 62% tổng số, 199 địa chủ thường, 100 phú nông chiếm tỷ lệ 8,4%, 89 trung nông, 23 bần nông và 41 thành phần khác. Qua xử án đã thi hành 129 án tử hình, 944 án xử trí, 57 án xử quản chế và 66 án xử vắng mặt. Trong số 1.196 án đã xử trí có 681 án có thành phần là đảng viên Quốc dân Đảng [14, tr. 7].
Đặc biệt, trong 111 xã tiến hành cải cách ruộng đất đợt 4 thuộc đoàn Vĩnh Phúc, số giáo dân khá đông, rải rác ở 56 xã với tổng số 2.124 hộ gồm 8.790 nhân khẩu giáo dân. Các xã có đồng bào Công giáo tập trung là Hy Sinh, Tam Hồng (Yên Lạc), Thạch Đà (Yên Lãng), Nội Bài (Kim Anh)… Vì vậy, nhiệm vụ công tác ở vùng đồng bào Công giáo rất được coi trọng. Bởi vì diễn biến tư tưởng của đồng bào Công giáo rất phức tạp. Nhiều người chưa hiểu biết về chính sách ruộng đất của Đảng, lo cải cách ruộng đất sẽ làm mất đạo. Hơn nữa, do ảnh hưởng của thần quyền, ý thức giác ngộ của một bộ phận giáo dân không cao. Sau khi bị thất bại, bọn đế quốc thực dân tung tin đồn nhảm rằng “chúa đã vào Nam”, xúi giục đồng bào công giáo di cư vào Nam đã khiến cho tình hình nông thôn thêm căng thẳng. Bên cạnh đó, do còn có tư tưởng thành kiến với giáo dân nên đã xảy ra mâu thuẫn lương giáo ở nhiều địa phương. Do vậy, khi các Đội giảm tô, cải cách về, đồng bào im lặng, không ủng hộ cải cách ruộng đất.
Về kinh tế: ta đã tịch thu, trưng thu, trưng mua 82.763 mẫu 7 sào 08 thước ruộng đất, 7.909 con trâu bò, 79.619 nông cụ, 4.536.233 kg lương thực, 7.255 nhà cửa. Ruộng đất, trâu bò, nông cụ và tất cả tài sản đã được đem chia cho 29.798 gia đình với 116.664 nhân khẩu, đồng thời cơ bản giải quyết được nạn đói tháng 3 và tháng 8. Khai hoang được 17.439 mẫu ruộng, chiếm tỷ lệ 75% tổng số ruộng đất. Ngoài ra, ta đã khám phá ra 134 vụ đốt nhà, 500
vụ trộm cắp, 50 vụ bắn súng, ném lựu đạn, 7 vụ dụ dỗ đồng bào công giáo đi vào Nam. 146 vụ giết người, 2 vụ cướp súng bộ đội, 4 vụ âm mưu phá đê… [14, tr. 20].
Phối hợp với Đoàn ủy cải cách ruộng đất, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thực hiện nhiều biện pháp nhằm giúp đỡ nông dân thoát khỏi đói, rách. Tỉnh ủy đã tương trợ: 382.592 kg thóc, 23.782 kg gạo, 14.415 kg ngô, 31.051 kg khoai, 4.338 kg sắn và 11.042.900 đồng; chia: 1.055 tấn thóc tô, 1.438 kg gạo, 3.180 kg ngô, 32.769 kg khoai, 8.166 kg sắn và 3.577.700 đồng; cấp phát 62.934 mét vải cho nhân dân lao động [14, tr. 12].
Số ruộng đất và thóc thu được đều đem chia cho nông dân, chủ yếu là bần cố nông. Sau khi tiến hành chia quả thực, sở hữu ruộng đất của các giai cấp có sự thay đổi rõ rệt.
Bảng 2.2. Thống kê tình hình dân số, bình quân ruộng đất chiếm hữu và sử dụng của các giai cấp trước và sau cải cách ruộng đất ở xã
Nguyệt Đức - Yên Lạc
Giai cấp Số
hộ
Số khẩu
Trước cải cách Sau cải cách
Chiếm hữu và sử dụng Bình quân nhân khẩu Diện tích Bình quân nhân khẩu Địa chủ 12 49 68m 2s 06th 1m 5s 01th 8m 4s 04th 2s 06th Phú nông 10 56 55m 4s 01th 1m 1s 02th 22m 1s 08th 3s 13th Trung nông 276 1.374 490m 9s 02th 3s 08th 420m 3s 04th 3s 01th Cố nông 182 678 240m 9s 04th 2s 07th 260m 8s 03th 3s 06th Bần nông 252 1.080 190m 4s 12th 3s 06th 360m 3s 08th 4s 05th
(Nguồn: Báo cáo nhiệm vụ, tình hình chuẩn bị tổng kết cải cách ruộng đất của xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Lưu tại Văn phòng Tỉnh ủy Vĩnh Phúc)
Về chỉnh đốn tổ chức: từ năm 1927, cơ sở Quốc dân đảng đầu tiên đã xuất hiện tại xã Thái Học, huyện Vĩnh Tường, là quê hương của Nguyễn Thái Học và Vũ Hồng Khanh - lãnh tụ Quốc dân đảng. Ở thời điểm mới thành lập,
Quốc dân đảng là một tổ chức cách mạng, hoạt động theo tôn chỉ, mục đích cứu nước, cứu dân. Nhưng sau khi bị thất bại ở cuộc khởi nghĩa Yên Bái, tổ chức này tan rã, một số phần tử Việt gian phản động dưới sự giúp sức của đế quốc đã tiến hành khôi phục lại tổ chức nhằm phá hoại cuộc kháng chiến, công cuộc giảm tô, cải cách ruộng đất của nhân dân ta.
Qua chỉnh đốn ta đã khai trừ 569 đảng viên, trong đó có nhiều người là tay chân của Quốc dân Đảng, gián điệp, địa chủ cường hào gian ác; kết nạp 706 đảng viên mới.
Trong quân đội, đã phát hiện 39 người là cường hào gian ác Quốc dân Đảng, phản động, gián điệp, ngụy quân; trong đó 13 người do Pháp thi hành xử trí, 27 người bị kỷ luật. Những quân nhân không còn đủ điều kiện phục vụ quân ngũ được phục viên, giải ngũ, đồng thời 235 cán bộ tốt được đề bạt vào các đơn vị công tác; nhiều quần chúng ưu tú được kết nạp vào Đảng, 9 chi bộ được công khai hoạt động [14, tr. 21].
Song song với chỉnh đốn cán bộ ở cấp xã, Vĩnh Phúc còn tiến hành chỉnh đốn cán bộ ở các huyện và tỉnh. Qua chỉnh đốn, 344 cán bộ bị xử trí, chiếm 35% tổng số cán bộ với hình thức khai trừ khỏi Đảng là chủ yếu. Thành phần bị xử trí: trung nông chiếm số lượng lớn.