Bảng 2.1 Thống kê tình hình chia quả thực trong giảm tô đợt 6
3.2. Quá trình sửa chữa sai lầm
3.2.1. Chủ trương sửa sai của Trung ương Đảng
Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 08 tháng 04 năm 1956 về việc sửa chữa những sai lầm khuyết điểm trong công tác chỉnh đốn các cơ quan cấp tỉnh, huyện của Bộ Chính trị đã nêu rõ: “…nặng về truy phần tử xấu, tìm tổ chức phản động. Trong việc thẩm tra phần tử xấu thì không nắm vững phương châm “thực sự cầu thị” nên đã xảy ra hiện tượng truy ép, cưỡng bức, dùng nhục hình, thiếu ý thức nghiên cứu xác minh tài liệu, dễ tin vào lời địch khai nên có những trường hợp kết luận vội vàng, không đúng. Về việc xử trí thì đã xảy ra một số trường hợp không đúng chính sách, nói chung là thay đổi công tác, khai trừ và đuổi về xã quá nhiều. Việc đề bạt còn hẹp hòi, cầu toàn nên đề bạt quá ít. Sau chỉnh đốn các cơ quan tỉnh, huyện vẫn xộc xệch một cách nghiêm trọng” [52, tr. 112].
Ngày 12 tháng 4 năm 1956, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về việc củng cố chi bộ nông thôn trong kiểm tra cải cách ruộng đất. Lúc này, Trung ương nhận định vẫn còn các phần tử phản động trong chi bộ và cho rằng đảng viên mất cảnh giác trước âm mưu của địch, sợ địch, câu kết với địch, một số phần tử xấu chưa bị xử trí; đặc biệt còn rất nhiều xã yếu kém (loại 3)…[43, tr.133-134] nên phải tiến hành kiểm tra lại. Chủ trương trên của Đảng được thực hiện thí điểm tại một số xã của tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Thanh Hóa. Đầu năm 1956, 9 xã của huyện Vĩnh Tường và 1 xã huyện Yên Lạc đã tiến hành kiểm tra lại cải cách ruộng đất. Việc tiến hành kiểm tra lại cải cách ruộng đất một lần nữa đã sang lọc tổ chức, tiếp tục chấn chỉnh tổ chức theo quan niệm đánh phản động và đẩy tình trạng nông thôn vốn đã rối ren lại thêm phần căng thẳng.
Đến Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 21 tháng 6 năm 1956 của Ban Bí thư về việc sửa chữa một số sai lầm và hoàn thành tốt công tác chỉnh đốn chi bộ trong cải cách ruộng đất đợt 5 thì những sai lầm trong cải cách ruộng đất mới được nhận thức một cách rõ rệt hơn:
1. Nói chung không đánh giá đúng mức tình hình phức tạp của chi bộ, của đảng viên và còn thành kiến nặng, coi nhẹ chi bộ, đảng viên đều là xấu cả, nên muốn giải tán, muốn xử trí quá sự cần thiết.
2. Có nhiều nơi đã nghe địch khai, dùng truy bức, nhục hình để phát hiện những đảng viên tham gia tổ chức phản động; sau đó lại không điều tra, nghiên cứu, xác minh tài liệu cẩn thận mà đã xử trí, nên đã gây tình trạng hoang mang, sợ sệt trong đảng viên và quần chúng.
3. Việc giáo dục đảng viên còn coi nhẹ. Vì vậy mới trong hai bước công tác mà tỷ lệ số đảng viên bị xử trí nhiều đoàn đã chiếm hơn 40% tổng số đảng viên. Số đảng viên thuộc thành phần nông dân lao động bị xử trí nhiều, có nơi chiếm hơn 60% tổng số xử trí. Nhiều đảng viên có sai lầm thông thường, thậm chí có đảng viên tốt cũng bị khai trừ ra khỏi Đảng. Như vậy đã làm thiệt hại cho Đảng [52; tr. 198-199].
Nội dung của công tác chỉnh đốn chi bộ trong đợt cải cách ruộng đất được điều chỉnh cho phù hợp: tiến hành chỉnh đốn cải tạo là chính, không thực hiện giải tán, trừ chi bộ quá xấu mới giải tán hoặc đăng kí đảng viên. Đối với đảng viên xấu thì kiên quyết xử trí; đối với đảng viên kém và có sai lầm thì kiên trì giáo dục; đối với đảng viên tốt thì tích cực bồi dưỡng. Tuyệt đối không được dùng cách truy bức, mớm cung hoặc nhục hình để bắt đảng viên nhận sai lầm. Đối với sai lầm của đảng viên chưa đủ tài liệu, chưa có chứng cớ chính xác thì không được kết luận bừa bãi…
Tiếp đó, ngày 5 tháng 7 năm 1956, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 33- CT/TW về công tác chỉnh đốn tổ chức, tiếp tục chỉ ra những sai lầm trong công tác chỉnh đốn tổ chức và khẳng định đây là những sai lầm nghiêm trọng. Do không nhận rõ đặc điểm của tình hình xã hội và phong trào cách mạng nước ta, không đánh giá đúng ưu điểm, nhược điểm của tổ chức đảng và tổ chức chính quyền, không nắm vững phương châm xây dựng Đảng. Khi thực hiện lại quá nhấn mạnh một cách máy móc mặt khuyết điểm của
tổ chức Đảng và chính quyền mà không thấy được mặt ưu điểm của đảng viên, cán bộ. Vì thế đã có thành kiến và đã phạm phải khuynh hướng thành phần chủ nghĩa.
Song song với việc nhận thức về sai lầm trong chỉnh đốn tổ chức, Trung ương Đảng cũng thẳng thắn yêu cầu các tổ chức đảng các cấp tiến hành điều tra, nghiên cứu, kiểm thảo, nhận rõ ưu, khuyết điểm để có phương pháp và kế hoạch sửa chữa cho kịp thời.
Từ khi nhận thức được sai lầm trong cải cách ruộng đất, lần đầu tiên, Chỉ thị số 43-CT/TW của Bộ Chính trị (tháng 7 năm 1956) đã “dũng cảm”, “thẳng thắn” thừa nhận rằng: sai lầm trong cải cách ruộng đất là nghiêm trọng, phổ biến và kéo dài. Từ đó, Bộ Chính trị cũng ban hành kèm theo bản kế hoạch sửa chữa sai lầm cải cách ruộng đất. Công tác sửa sai gồm ba bước:
Bước 1: Trước tiên, củng cố tổ chức nhằm bước đầu kiện toàn các cơ quan lãnh đạo ở xã như: Chi ủy, ủy ban hành chính, ban chấp hành nông hội, xã đội, dân quân du kích, công an xã, chủ yếu là ở các chi bộ.
Bước 2: Trên cơ sở tuyên truyền và giáo dục chính sách cho quần chúng mà tiến hành sửa sai về thành phần, và đền bù tài sản cho những người bị quy sai, đồng thời sửa chữa những sai lầm về các chính sách khác mà trong cải cách ruộng đất đã làm sai.
Bước 3: Kiểm điểm công tác sửa sai và tiếp tục giải quyết những vấn đề còn lại; nơi nào cần thiết thì bầu lại Chi ủy, bầu lại các cơ quan lãnh đạo, như Ủy ban hành chính và ban chấp hành nông hội… [52, tr. 360-366].
Toàn bộ công tác sửa sai đươc đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của các cấp ủy Đảng và ủy ban hành chính các cấp phụ trách, và sự tham gia của các đoàn thể quần chúng. Đường lối chung của Đảng ở nông thôn là “dựa hẳn vào bần cố nông, đoàn kết chặt chẽ với trung nông, liên hiệp phú nông, ngăn ngừa địa chủ ngóc đầu dậy, mở đường cho địa chủ lao động cải tạo thành con người mới”.
Ngày 18 tháng 8 năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào nông thôn trong đó khẳng định Trung ương Đảng và Chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm sai lầm và đã có kế hoạch kiên quyết sửa chữa, nhằm đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, đẩy mạnh sản xuất.
Thực hiện công tác sửa sai, ngày 2 tháng 9 năm 1956, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 46-CT/TW về việc trả lại tự do cho những cán bộ đảng viên và tất cả những người ngoài Đảng bị xử trí oan trong phát động quần chúng giảm tô, cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Chỉ thị đã khẳng định: “Sai lầm trong việc thực hiện cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức là một tổn thất nặng nề của Đảng và nhân dân, gây nên tình trạng căng thẳng ở nông thôn” [52; tr. 405]. Đồng thời cũng nêu rõ: “Trong khi chờ đợi kế hoạch sửa chữa toàn diện những sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, cần giải quyết gấp việc trả lại tự do cho những cán bộ, đảng viên và người ngoài Đảng bị xử trí oan trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức hiện đang bị giam trong các nhà lao hoặc bị quản chế, bao vây ở nông thôn”.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật về sai lầm trong cải cách ruộng đất, Hội nghị lần thứ 10 (mở rộng, khóa II) họp từ ngày 25-8 đến 5-10-1956 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thẳng thắn nêu lên những sai lầm, khuyết điểm trong cải cách ruộng đất:
“Đó là những sai lầm nghiêm trọng, phổ biến, kéo dài về nhiều mặt, những sai lầm về những vấn đề nguyên tắc, trái với chính sách của Đảng, trái với nguyên tắc và điều lệ của một Đảng theo Chủ nghĩa Mác - Lênin, trái với chế độ pháp luật của nhà nước dân chủ nhân dân. Những sai lầm đó không những đã hạn chế những thắng lợi đã thu được, mà lại gây ra những tổn thất rất lớn cho cơ sở Đảng, của chính quyền, của các tổ chức quần chúng, ảnh hưởng tai hại đến chính sách mặt trận của Đảng ở nông thôn cũng như thành thị, ảnh hưởng nhiều
đến tình cảm và đời sống bình thường của nhân dân ta, làm cho tình hình nông thôn căng thẳng, ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết và phấn khởi trong Đảng và trong nhân dân, đến công cuộc củng cố miền Bắc, đến sự nghiệp đấu tranh để thực hiện thống nhất nước nhà” [52; tr. 339- 400].
Như vậy, Hội nghị đã thẳng thắn vạch ra những sai lầm, phân tích những nguyên nhân và gọi đúng tên những sai lầm là tả khuynh. Trên cơ sở đó, Hội nghị đưa ra những biện pháp để sửa sai và nêu quyết tâm sửa chữa. “Chúng ta không sợ vạch rõ sai lầm, khi đã thấy sai lầm thì chúng ta kiên quyết sửa chữa được”. Những chủ trương, giải pháp thực hiện công tác sửa sai thực hiện theo phương châm:
1. Kiên quyết, khẩn trương và thận trọng, có từng bước, có trọng điểm, có kế hoạch chu đáo, có lãnh đạo chặt chẽ và cảnh giác đề phòng những hành động phá hoại của địch.
2. Sửa chữa sai lầm phải tiến hành trên cơ sở đảm bảo lợi ích của nhân dân lao động, đồng thời chiếu cố thích đáng đến lợi ích của các tầng lớp khác.
3. Phải nắm vững đường lối nông thôn của Đảng, nắm vững chính sách cụ thể của Đảng và Chính phủ về sửa chữa sai lầm. Đường lối nông thôn của Đảng là: dựa hẳn vào bần cố nông, đoàn kết chặt chẽ với trung nông, liên hiệp phú nông, ngăn ngừa địa chủ ngóc đầu dậy, mở đường cho địa chủ lao động cải tạo thành con người mới.
4. Phải đi theo đường lối quần chúng, chống quan liêu, mệnh lệnh. Phải phát huy dân chủ, tôn trọng sự thật, tránh ép buộc quần chúng.
5. Phải gắn liền với việc thực hiện tốt các công tác trước mắt ở địa phương. 6. Phải gấp rút sửa chữa những sai lầm về chỉnh đốn tỏ chức trước. 7. Việc sửa chữa sai lầm về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức phải do cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trực tiếp chỉ đạo và phụ trách [52, tr. 559-561].
Bên cạnh đó, Trung ương Đảng cũng nêu ra 12 nội dung sửa sai:
1. Đối với những chi bộ giải tán hoặc bị đăng ký sai, nay đều phải tuyên bố xóa bỏ các quyết đinh ấy. Lịch sử các Đảng bộ tỉnh, huyện, chi bộ đã bị kết luận sai hoặc bị xuyên tạc, nay đều xóa bỏ những kết luận ấy. Tất cả các đảng viên bị xử trí sai đều được trả lại đảng tịch. Những đảng viên thuộc thành phần địa chủ, phú nông đủ tiêu chuẩn đảng viên, nhưng trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức đã bị xử trí sai, nay cũng đều được trả lại đảng tịch. Đối với những đảng viên và cán bộ đã hy sinh vì bị xử trí oan thì nay phải tuyên bố hủy án cũ, trả lại danh dự, đảng tịch; chính quyền và đoàn thể phải đặc biệt chú trọng an ủi, giúp đỡ các gia đình đó.
2. Cán bộ và những người dân bị xử trí sai đều được sửa lại: về chính trị, được khôi phục công quyền, danh dự, công tác. Những người bị bắt oan đều phải được trả lại tự do. Về kinh tế, họ sẽ được đền bù thích đáng, được giúp đỡ sinh sống. Tất cả những huân chương, bằng khen, huy hiệu đã bị tước hoặc bị mất đều phải được trả lại. Phải đặc biệt chú trọng những cán bộ ngoài Đảng và những người dân vì bị xử trí oan mà phải hy sinh; ngoài việc tuyên bố hủy án cũ, trả lại danh dự, công quyền, thì chính quyền và đoàn thể phải hết sức an ủi và giúp đỡ gia đình của họ.
3. Phải chấp hành đúng chính sách ưu đãi đối với quân nhân cách mạng, quân nhân phục viên, thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình của những người có công với cách mạng, gia đình cán bộ, gia đình bộ đội và gia đình nhân sĩ dân chủ.
4. Sửa lại thành phần cho những người bị quy lầm lên địa chủ, phú nông hoặc quy lầm là có ít ruộng đất phát canh. Xóa bỏ việc vạch thành phần bóc lột khác, ai đã bị vạch thành phần đó, đều phải sửa lại. Người nào đã được sửa thành phần thì họ được hưởng mọi quyền lợi chính trị theo thành phần của họ; về kinh tế, họ được đền bù thích đáng để làm ăn sinh sống. Việc đền bù tài sản cho những người bị quy nhầm thành phần lên địa chủ hoặc bị
xử trí sai sẽ do nông dân bàn bạc để giải quyết trên tinh thần đoàn kết, nhân nhượng, thương lượng ổn thỏa, giúp đỡ lẫn nhau để đủ điều kiện làm ăn sinh sống, nhưng nói chung, tránh đụng đến quyền lợi mà nông dân đã được chia trong giảm tô và cải cách ruộng đất.
5. Đối với phú nông, không được coi như địa chủ. Phải thực hiện đúng chính sách liên hiệp phú nông. Đối với địa chủ thì thực hiện đúng những điều đã quy định với địa chủ sau cải cách ruộng đất.
6. Phải chấp hành đúng chính sách tôn giáo. Nơi nào để lại ruộng đất cho nhà Chung, nhà Chùa, Từ đường họ không đúng chính sách thì phải điều chỉnh lại ruộng đất cho đúng.
7. Phải chấp hành đúng chính sách dân tộc, sửa chữa những sai lầm đụng chạm đến phong tục tập quán của đồng bào thiểu số.
8. Phải điều chỉnh lại diện tích và sản lượng cho đúng để nhân dân yên tâm sản xuất và đóng góp được công bằng. Chỗ nào sai thì sửa, không sửa lại tràn lan.
9. Phải gấp rút cứu giúp những người vì sai lầm trong cải cách ruộng đất mà hiện bị đau ốm nặng hoặc không có cách gì sinh sống, chú trọng cứu giúp người già, trẻ con, bất cứ họ thuộc thành phần nào.
10. Bỏ tất cả những lệnh quản chế đối với những người bị quy oan là phản động, hoặc cường hào gian ác, bất cứ thuộc thành phần nào.Trừ trường hợp đối với địa chủ cường hào gian ác chưa đáng tù và bọn lưu manh có lệnh quản chế của tòa án tỉnh. Bỏ cách bao vây đối với bất cứ người nào, kể cả người bị quản chế. Cấm bắt bớ lung tung. Trường hợp bắt người phạm pháp quả tang thì phải đưa lên huyện ngay.
11. Đối với cán bộ cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức phạm sai lầm thì cần phải kiểm thảo, lấy giáo dục làm chính để giúp đỡ sửa chữa. Sửa lại những trường hợp thi hành kỷ luật và khen thưởng sai.
12. Cần tiến hành ngay việc sửa chữa những sai lầm trong phát động quần chúng chỉnh đốn tổ chức ở các xí nghiệp, công trường, cơ quan [52, tr. 561-564].
Để hoàn thành những yêu cầu cơ bản đặt ra, công tác sửa sai được tiến hành theo ba bước:
Bước 1: Công tác chủ yếu là tuyên truyền rộng rãi Nghị quyết 10 của Trung ương, ổn định tư tưởng nhân dân và cán bộ, bước đầu củng cố các cơ quan lãnh đạo, chủ yếu là cấp xã, tiếp tục trả lại tự do cho những người bị xử trí oan, trước hết là cán bộ, đảng viên và những người thuộc thanh phần nhân dân lao động.
Bước 2: Nhiệm vụ chủ yếu là tiến hành sửa sai về thành phần, và đền bù tài sản cho những người bị quy sai, đồng thời sửa chữa những sai lầm về chính sách khác mà trong cải cách ruộng đất đã làm sai.