Sai lầm trong việc phân định thành phần giai cấp, tư tưởng thành

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện chủ trương cải cách ruộng đất của đảng ở tỉnh vĩnh phúc từ năm 1955 đến năm 1957 (Trang 54 - 57)

Bảng 2.1 Thống kê tình hình chia quả thực trong giảm tô đợt 6

3.1. Một số sai lầm

3.1.1. Sai lầm trong việc phân định thành phần giai cấp, tư tưởng thành

phần chủ nghĩa

Phân định thành phần giai cấp là bước quan trọng trong quá trình cải cách ruộng đất, nhưng khi tiến hành phân định thành phần giai cấp, các đội cải cách không dựa trên cơ sở nắm bắt tình hình thực tế của từng địa phương mà máy móc theo tỷ lệ. Trong khi tiến hành phân định thành phần, nếu đội nào quy địa chủ ít hơn thì bị đánh giá là không gian khổ phát động quần chúng, để địa chủ lọt lưới nhiều. Từ đó dẫn đến tình trạng các đội chỉ chú trọng quy cho đủ theo tỷ lệ mà không chú ý tới thành phần giai cấp của họ có phải là địa chủ cường hào gian ác hay không.

Trong các đoàn công tác quần chúng, nhiều cán bộ không nắm vững tiêu chuẩn, không kiên nhẫn đi sâu, trên tư tưởng lại muốn làm “nhanh và gọn” nên những người nhập nhằng đều quy vào “bóc lột khác” và còn định một thái độ đối xử với họ như địa chủ hoặc phú nông [75, tr. 14].

Thống kê trong 100 xã sửa sai cho thấy: trong 3.276 địa chủ bị quy thì sai 1.596 người, tỷ lệ sai 55%; phú nông có 2.398 hộ, quy sai 1.807 hộ, tỷ lệ 75%; tính riêng cường hào gian ác thì tỷ lệ sai là 66%, địa chủ thường tỷ lệ sai 58%. Nếu tính riêng từng huyện, xã thì nhiều nơi tỷ lệ quy sai hoàn toàn và gần hoàn toàn thành phần, ví dụ như xã Tây Sơn (Lập Thạch) đã quy 23 địa

chủ trong cải cách ruộng đất, đến sửa sai phát hiện 23 địa chủ quy trong cải cách ruộng đất đều bị quy sai, tỷ lệ sai 100% hay xã Đồng Tiến (Yên Lãng) đã quy 27 địa chủ, đến sửa sai phát hiện 20 địa chủ bị quy sai, tỷ lệ sai 74%. Đối với thành phần phú nông: xã Tây Sơn (Lập Thạch) đã quy 18 phú nông trong cải cách ruộng đất, đến sửa sai phát hiện 18 phú nông quy trong cải cách ruộng đất đều bị quy sai, tỷ lệ sai 100%, xã Vạn Xuân (Lập Thạch) quy sai 11 phú nông trong cải cách ruộng đất, tỷ lệ sai 100%... [24, tr. 1-2].

Khi thực hiện phân định thành phần, các Đoàn đội chỉ dựa vào chỉ tiêu mà quy thành phần, không dựa trên thực tiễn của địa phương, thậm chí còn “bắt bớ ẩu” các tầng lớp khác, cả những người tham gia kháng chiến, có công với cách mạng để cho phù hợp với số lượng được giao.

Trong giảm tô và cải cách ruộng đất, các Đội đã bắt và xử trí 2.030 người, trong đó nông dân lao động là 1.121 người, chiếm 55, 2% tổng số. Trong giảm tô và cải cách ruộng đất đã quy: 1.369 địa chủ cường hào gian ác. Khi sửa sai đã hạ thành phần cho 1.047 hộ, tỷ lệ quy sai chiếm 76,4%.

Địa chủ thường quy trong cải cách ruộng đất là 4.112 hộ, đã sửa sai cho 2.706 hộ, tỷ lệ quy sai chiếm 65,8%.

Như vậy, tính tỷ lệ quy sai về địa chủ nói chung là 62,5%. Sau khi sửa sai toàn diện về thành phần, số địa chủ cường hào gian ác chiếm 15,7% tổng số địa chủ. Thành phần địa chủ thường và địa chủ kháng chiến được thay đổi còn “thấp”, chiếm 14% tổng số.

Việc quy thành phần phú nông cũng không chính xác. Trong cải cách ruộng đất đã quy 3.941 hộ phú nông, khi tiến hành sửa sai hạ thành phần cho 3.167 hộ, tỷ lệ quy sai 79,9% [19, tr. 7, 24].

Đối tượng đấu tranh của cải cách ruộng đất mà Trung ương Đảng xác định là: thủ tiêu quyền chiếm hữu ruộng đất của thực dân Pháp và đế quốc xâm lược khác và chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ. Nhưng, trong cải cách ruộng đất, cả phú nông, trung nông, người đi ở

cũng bị coi là phần tử địch, quy thành phần bóc lột khác. Họ bị đối xử như “địch”, bị xâm phạm về quyền lợi kinh tế và chính trị. Phần lớn số đảng viên bị xử trí và số chi bộ bị giải tán đều bị quy oan là Quốc dân Đảng, có nghi vấn chính trị, liên quan với địa chủ, phú nông.

Sau giảm tô, đảng viên đại bộ phận là thành phấn bần cố nông. Yêu cầu trong giảm tô và cải cách ruộng đất, mỗi xã phải kết nạp được từ 10 đến 20 đảng viên, thành phần bần cố nông có lịch sử trong sạch [29, tr. 4].

Theo thống kê của 121 xã sửa sai đợt I gồm có 186 chi ủy thì bần cố nông có 145 người, chiếm 78%, trung nông 41 người, tỷ lệ 22%. Trong toàn tỉnh có 182 Chi bộ với 651 chi ủy viên thì tầng lớp cố nông, bần nông có 622 người, chiếm 95,5% tổng số, còn lại trung nông và lao động khác [27, tr.7]. Có nơi trung nông nhiều hơn bần cố nông, tỷ lệ trung nông tới 38%.

Trong việc kết nạp quần chúng vào Đảng, quan niệm bần cố nông tốt mới đáng tin cậy và được tham gia vào tổ chức Đảng chi phối tư tưởng của cán bộ. Ví dụ như anh Thọ Bí thư thanh niên xã Nam Hồng (Đông Anh) có thành phần trung nông, trong kháng chiến luôn tuân theo sự phân công của Đảng, lăn lộn đấu tranh với địch nhưng lại không được kết nạp vào Đảng. Như vậy, trong các cơ quan và tổ chức chính quyền, tầng lớp trung nông không được giữ các chức vụ quan trọng, ý kiến của tầng lớp này cũng không được quan tâm, coi trọng. Trong công tác phát triển Đảng, chủ trương không kết nạp tầng lớp trung nông vào đội ngũ của Đảng. Ngoài ra, các tầng lớp khác như người làm nghề thủ công, dân nghèo…còn nhiều thắc mắc khi chỉ chủ trương dựa vào tầng lớp bần, cố nông trong khi họ cũng là một bộ phận trong xã hội.

Đồng thời, tư tưởng “hẹp hòi” đối với trung nông cũng xuất hiện, mặc dù trong kháng chiến, họ tham gia nhiệt tình, là lực lượng cách mạng quan trọng, đóng góp rất lớn sức người sức của. Nhưng khi tiến hành chia quả thực trong cải cách ruộng đất, tầng lớp này lại bị gạt bỏ, không được chia quả thực,

thậm chí có nơi lấy ruộng đất của trung nông để chia cho bần, cố nông nên đã gây ra tình trạng thắc mắc trong tầng lớp trung nông như các xã Tam Phúc, Hoàng Lâu, Nguyễn Huệ…

Đối với phú nông thì đả kích, coi phú nông như địa chủ, phân biệt đối xử. Nhiều nơi không cho phú nông tham gia vào cuộc họp xóm, đi dự đấu tranh phải ngồi riêng, như xã Tứ Trưng (Vĩnh Tường), còn cấm phú nông bán thóc, bán lợn phải xin phép bần cố nông.

Hơn nữa, có người không phải là thành phần bần cố nông, đội công tác cũng báo cáo là bần cố nông để xin kết nạp như chị Mùi ở Nguyệt Đức (Yên Lạc) là tiểu thương nhưng cán bộ cải cách lại quy là bần nông để kết nạp, hay anh Lực ở Quang Yên (Lập Thạch) thành phần trung nông nhưng cán bộ lại báo cáo là bần nông. Thậm chí kết nạp cả những thành phần có lý lịch không trong sạch như: đi lính com măng tô, lính nhảy dù, trộm cướp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện chủ trương cải cách ruộng đất của đảng ở tỉnh vĩnh phúc từ năm 1955 đến năm 1957 (Trang 54 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)