Chương 1 : KHÁI QUÁT VỀ PHẬT GIÁO TRIỀU TRẦN
1.2. Phật giáo triều Trần
1.2.1. Đặc điểm của Phật giáo thời Trần
Phật giáo Việt Nam thời Trần phát triển cực thịnh trên cơ sở nền tảng văn hóa xã hội vững mạnh, kinh tế, chính trị ổn định, ý thức quốc gia dân tộc độc lập được xây dựng và củng cố. Các vua Trần ý thức rõ ràng được vai trò của Phật giáo đối với xã hội. Ngay trong bài tựa “Thiền Tông chỉ nam”, Trần Thái Tông cũng đã viết: “Cái phương tiện để mở lòng mê muội, con đường tắt để rõ lẽ tử sinh, ấy là đại giáo của đức Phật. Làm cán cân cho hậu thế, làm khuôn phép cho tương lai, ấy là trọng trách của tiên thánh...Nay Trẫm sao không thể lấy trách nhiệm của tiên thánh làm trách nhiệm của mình, lấy lời dạy của đức Phật làm lời dạy của mình”[66;205]. Qua đó, phần nào cho thấy rõ những ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống xã hội thời Trần là rất lớn. Chính điều này, tạo nên những đặc sắc cho Phật giáo thời Trần, là cơ sở cho sự phát triển cực thịnh của Phật giáo Việt Nam thời kỳ này. Phật giáo thời Trần là một nền Phật giáo phát triển toàn diện, một nền Phật giáo dân tộc, có một số đặc điểm chủ yếu sau:
Thứ nhất, Phật giáo thời Trần đã phát triển trong sự dung hòa với
Nho, Lão và tín ngưỡng dân gian.
Phật giáo thời Trần là sự kế thừa Phật giáo triều Lý và là kết quả của quá trình dung hợp, pha trộn giữa các tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam từ thế kỷ I đến thế kỷ XIII. Quá trình dung hợp này rất phức tạp, một mặt Phật giáo hòa đồng với các tín ngưỡng bản địa để phù hợp với truyền thống tinh thần dân tộc và để xác lập vị trí của mình. Mặt khác, do những hoàn cảnh lịch sử dân tộc mà Phật giáo dung hợp với các tôn giáo khác cùng thời như Nho giáo, Đạo giáo. Cuối cùng là sự tiến triển nội tại, có tính chất kế thừa của Thiền Tông Việt Nam như Thiền phái Vô Ngôn Thông, Mật Tông, Tịnh Độ Tông và đặc biệt là Thiền tông Thảo Đường đời Lý để rồi hợp nhất làm một dẫn tới sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm - một đặc sắc đầy
sức sáng tạo của Phật giáo Việt Nam thời Trần. Điều này được thể hiện cụ thể như sau:
Tiến trình dung hợp, hòa quện với các tín ngưỡng bản địa được thực hiện liên tục từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam cho đến đời Trần và còn tiếp tục cho đến ngày nay. Nhưng thời điểm hoạt động mạnh mẽ nhất là thời kỳ Phật giáo đang du nhập vào Việt Nam, đang cố gắng cắm rễ vào mảnh đất tinh thần Việt Nam. Chúng ta biết, trước khi tiếp nhận các tôn giáo ngoại lai, người Việt cổ đã có tín ngưỡng riêng của mình bắt nguồn từ nền văn minh nông nghiệp. Đó là tục thờ cúng tổ tiên và đa thần giáo. Họ tin và thờ cúng các vị thần linh như ông Trời, thần Sấm sét, Sơn tinh, Thủy tinh, ông Địa, ông Táo... Theo họ, các vị thần này có nhiều phép lạ, xuất hiện ở mọi nơi, biết trừng phạt kẻ ác, giúp đỡ người hiền lành, nghèo khó. Họ cũng tin vào sự luân hồi, tuần hoàn của vạn vật và sự hiện diện của linh hồn sau khi chết. Phật giáo Đại thừa lại năng động, phóng khoáng, tùy duyên, không cố chấp, không giáo điều với đội ngũ tăng sư nhiệt tình, không quản ngại gian khổ, hy sinh, đi khắp nơi để hoằng dương chính Pháp. Vì thế, ngay từ đầu, Phật giáo đã khiêm tốn ẩn mình vào các tín ngưỡng vốn có từ trước, tìm tiếng nói chung bằng phương pháp hòa bình, tự nguyện, chứ không áp đặt. Văn hóa, lối sống đạo đức và tư tưởng truyền thống của người Việt đã tìm thấy sự tương đồng trong giáo lý của Phật giáo, sự gặp gỡ, phù hợp tự nhiên này được nhấn mạnh trong tư tưởng bình đẳng, bác ái, "thương người như thể thương thân"...đồng nhất với thái độ sống từ, bi, hỷ, xả của nhà Phật. Triết lý nhân quả được lồng vào quan niệm về thiện, ác, họa, phúc của người Việt. Trong giáo lý sự dung hợp biểu hiện rõ nhất trong thời kỳ này là quan niệm về Phật và thuyết luân hồi nghiệp báo. Trong dân gian người Việt coi Phật là Bụt, là tiên có phép thần thông nhưng lại rất gần gũi với con người. Phật giáo Đại thừa cũng nhanh chóng hòa quện với các tín ngưỡng dân gian bản địa. Tục thờ Tứ Pháp (Vân, Vũ,
Lôi, Điện) của nhân dân ở các tỉnh phía Bắc chính là việc dung hợp giữa Phật giáo với việc thờ cúng, thần thánh hóa các hiện tượng tự nhiên. Tục thờ này còn trở thành ngày hội truyền thống hàng năm của nhân dân trong vùng (Thuận Thành, Bắc Ninh). Nó trở thành biểu tượng của Phật giáo Việt Nam, là vị thần bảo hộ của dân tộc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ mùa màng. Chính sự thích ứng hòa đồng trên, Phật giáo đã vượt qua những thử thách và chọn lựa gay gắt của dân tộc Việt Nam, xác lập chỗ đứng của mình trong đời sống tinh thần dân tộc, đồng thời vô hiệu hóa được sự bài bác, phản kích của các "dị nhân phương Bắc" và các thế lực tôn giáo khác.
Mặt khác của tiến trình hòa quyện này là sự phát triển nội tại, kế thừa và ảnh hưởng lẫn nhau của các dòng thiền Việt Nam và các tôn giáo khác như: Nho giáo, Đạo giáo.
Theo Phật sử, thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi (580-1213) do nhà sư Ấn Độ tên là Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) truyền vào nước ta vào thời hậu Lý Nam Đế (580-594). Ông tu ở Pháp Vân (Bắc Ninh) truyền thừa 18 đời với 24 vị Thiền sư, trong đó có những vị Thiền sư danh tiếng, có công lao đối với đất nước như Sùng Phạm (1004-1087), Vạn Hạnh (?-1018), Minh Không (1066-1141). Thiền học Việt Nam thực sự trở thành tông phái bắt đầu từ cuộc gặp gỡ giữa Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Pháp Hiền ở chùa Dâu (Bắc Ninh). Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi đề cao việc đi tìm sự giác ngộ và tâm ấn Phật dưới ảnh hưởng của triết lý Phật giáo Đại thừa là Trung Quán của Long Thọ (Nagarjuna) và Duy Thức của Thế Thân Bồ Tát (Vasubandhu) mang màu sắc của Phật giáo Ấn Độ. Đó là sự im lặng hùng biện "Từ Phật Tổ đến Bồ Đề Đạt Ma (Bohdhirama) là sự phủ định toàn diện của Long Thọ Bồ Tát và sự đồng nhất Tâm với Phật của Thế Thân Bồ Tát và Tỳ Ni Đa Lưu Chi được đắc pháp trong tinh thần đặc biệt đó: "Thầy thì ngồi yên không nói, mà trò thì hốt nhiên đạt ngộ". Tỳ Ni Đa Lưu Chi có ảnh hưởng của Mật tông. Mật tông là một tông phái do một nhà sư người Ấn Độ sáng
lập vào khoảng thế kỷ VII trong hoàn cảnh Phật giáo đang suy tàn và sự phục hồi mạnh mẽ của đạo Bà la môn pha trộn với các tín ngưỡng khác trở thành Ấn Độ giáo. Mật tông được hình thành từ Phật giáo Đại thừa và kết hợp với các yếu tố như bùa chú, phù phép của Ấn Độ giáo. Khoảng thế kỷ VIII, Mật tông được truyền bá sang Tây Tạng và hỗn dung với tín ngưỡng bản địa thành đạo Lạt Ma (Lạt Ma giáo). Mật tông sau đó được truyền sang Mông Cổ, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam...Tuy nhiên, ở Việt Nam Mật tông không tồn tại với tư cách là một tông phái mà nó được trộn lẫn, đan xen với các tông phái khác, đặc biệt là Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Tuy nhiên, từ thế hệ thứ tám các Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã nhập thế một cách tích cực để phục hưng đất nước. Họ hầu như xa lạ với sự thiền định "im lặng hùng biện" với những câu thần chú bí ẩn của Mật Tông, vì trước hết họ là những người học rộng, hiểu biết nhiều, thật sự là tầng lớp trí thức đương thời, như nhà sư Định Không "am hiểu sâu sắc vận số, thế cuộc", thiền sư Pháp Thuận "học rộng, có tài phò vua, hiểu rõ thế cuộc đương thời", thiền sư Vạn Hạnh "học thông tam giáo, đọc kỹ trăm nhà". Để phụng sự đất nước, các thiền sư đã sử dụng các triết lý cổ Trung Hoa như Thuyết Âm Dương Ngũ Hành, Chu Dịch làm cơ sở cho việc suy đoán tương lai, hậu vận, điềm lành, điềm gở hoặc xem xét địa thế, long mạch cho sự hưng thịnh quốc gia, định phương hướng chọn nơi xây mồ mả, lăng tẩm, dựng nhà cửa, đền chùa...sử dụng tinh thông Sấm vĩ học, phong thủy học. Như vậy, chắc chắn các Thiền sư đã am hiểu sâu sắc triết lý cổ Trung Hoa và thực chất là đã thực hiện sự dung hợp các triết lý vốn có tại Việt Nam đương thời.
Có thể nói Tỳ Ni Đa Lưu Chi chủ yếu mang màu sắc Phật giáo Ấn Độ và quá trình truyền thừa của nó đã kết hợp một cách có chọn lọc Dịch pháp với Phật pháp tạo nên sắc thái mới cho thiền tông Việt Nam.
Vô Ngôn Thông do nhà sư Vô Ngôn Thông sáng lập truyền vào Việt Nam khoảng những năm 820, truyền thừa 15 đời. Vô Ngôn Thông chịu ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng, lễ nghi và tổ chức tăng viện của Thiền Nam tông Trung Hoa. Trên cơ sở kế thừa các quan niệm về "vô tâm" của Bồ Đề Đạt Ma và "vô niệm" của Lục Tổ Huệ Năng Vô Ngôn Thông đề cao quan niệm về "tâm địa" và "đốn ngộ". Nội dung tư tưởng Vô Ngôn Thông chịu ảnh hưởng của Tịnh Độ Tông. Tịnh Độ Tông là là một tông phái được hình thành ở Trung Quốc vào khoảng thế kỷ thứ IV do Tuệ Viễn sáng lập. Cách thức tu tập chủ yếu là niệm Phật A Di Đà, dựa vào Phật lực để đạt đến sự giải thoát. Tín đồ có thể niệm Phật ở mọi nơi, mọi lúc, song phải nhớ công ơn của Phật, thực hiện các lời răn dạy và phải có niềm tin vào sự giác ngộ.
Thiền phái thứ ba trong lịch sử Thiền Tông Việt Nam có ảnh hưởng sâu sắc tới Phật giáo đời Trần là Thiền Phái Thảo Đường. Thảo Đường là tên một nhà sư Trung Hoa qua Chiêm Thành truyền giáo sau được Lý Thánh Tông tin, theo và phong làm quốc sư. Theo "Thiền Uyển tập anh", Thiền sư Thảo Đường thuộc truyền thống của phái thiền Vân Môn Trung Hoa, truyền thừa qua năm thế hệ với 19 thành viên với những ông vua tiêu biểu như: Lý Thánh Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông, các quan như Đỗ Vũ, Ngô Ích...Thiền phái Thảo Đường tồn tại trong một thời gian ngắn (1069-1205). Song nó ảnh hưởng nhất định đến Phật giáo thời Trần, đặc biệt là thiền phái Trúc Lâm.
Thảo Đường có khuynh hướng hòa đồng "tam giáo". Tuy không có tài liệu về tư tưởng của Thảo Đường, song chúng ta có thể thấy điều này qua các hoạt động của các Thiền sư và các vua nhà Lý. Từ thời Lý Thánh Tông đến Lý Cao Tông, kiến thức Nho giáo được vận dụng theo tinh thần Phật giáo, được phổ biến một cách cởi mở, không phân biệt. Rất nhiều thiền sư am hiểu sâu sắc tam giáo và có ý thức dung hợp làm một các ý thức hệ và khuyến khích học tập cả tam giáo. Các Thiền sư đã giảng dạy
Nho giáo với những quan điểm tinh túy trong khoa học xã hội và chính trị của Nho giáo.
Biểu hiện rõ nhất của Tam giáo là các vua Lý đề cao cả tam giáo, như năm 1070 vua Lý Thái Tông lập Văn Miếu ở Kinh Thành và đúc tượng Chu Công, Khổng Tử và Tứ Phối, vẽ hình Thất Thập Nhị hiền để tế lễ và sai Hoàng Thái Tử đến học tập. Năm 1076, vua Lý Nhân Tông lập nhà Quốc Tử Giám, triều Lý mở các khoa thi minh kinh bác học và Nho học vào các năm 1070, 1075, 1076...
Ngoài ra, Thiền Thảo Đường còn có khuynh hướng trọng tri thức và triết lý thơ ca.
Tóm lại, cả ba Thiền phái trên mặc dù khác biệt nhau về giáo lý, tổ chức, tăng viện, nhưng nhìn chung đều dựa trên những giáo lý cơ bản của thiền Tông như Tâm, Phật, Đốn Ngộ, sinh tử...giữa chúng có sự ảnh hưởng đến nhau và đều mang tinh thần nhập thế, hòa mình vào đời sống thường nhật. Cuối thời Lý, cả ba thiền phái này đều mất dần, trên góc độ nào đó, ta có thể nói đó là sự dung hợp, hòa quện tất cả những sự tương đồng và dị biệt của cả ba, để thống nhất trong một thiền phái duy nhất đời Trần là - Thiền phái Trúc Lâm - một đặc sắc tiêu biểu và đặc điểm nổi bật nhất của Phật giáo đời Trần.
Thứ hai, Khi nói tới Phật giáo thời Trần thì không thể không kể tới
sự ra đời của Thiền phái mới, Trúc Lâm Yên Tử.
Nối tiếp việc làm của các vua nhà Lý, các vua nhà Trần cũng vì yêu cầu của thời đại nên đã xây dựng một ý thức hệ độc lập. Điều này được minh chứng qua sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử với hệ thống tổ chức và kinh sách như một tôn giáo riêng.
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được hình thành và phát triển qua 23 đời truyền thừa, trong đó ba vị tổ sư có vai trò quan trọng đối với sự ra đời của Thiền phái này là: Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang, ngoài
ra còn phải kể tới vai trò của Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung. Trúc Lâm với lý thuyết duy tâm khách quan, với quan điểm từ bi bác ái, với tinh thần rộng mở phóng khoáng và khả năng dung hợp nhiều tư tưởng khác nên tỏ ra có khả năng ưu việt hơn so với các hệ tư tưởng khác trong việc truyền bá rộng rãi. Họ Trần đã lựa chọn Thiền tông làm ý thức hệ tiêu biểu và đã thay đổi một số nội dung cho phù hợp và đạt những mục đích xã hội yêu cầu. Lập ra chi phái mới nhằm bốn mục đích:
“1. Biểu lộ tính độc lập dân tộc.
2. Thay đổi phần nội dung tiêu cực và thân ngoại. 3. Ý đồ thống nhất ý thức hệ.
4. Tự khoác cho mình chiếc áo của một tôn giáo mới”[23;649-650]. Trúc Lâm để lại rất nhiều tác phẩm “Khóa hư lục”, “Thiền tông nam chỉ” của Trần Thái Tông; “Thượng sĩ ngữ lục” của Tuệ Trung Thượng sĩ; “Thạch thất my ngữ”, “Thiền lâm thiết chủy ngữ lục”, “Tăng già toái sự” và “Đại hương hải ấn thi tập” của Trần Nhân Tông; “Đoạn sách lục”, “Tham Thiền chỉ yếu” của Pháp Loa; “Ngọc tiên tập”, “Phổ tuệ ngữ lục” của Huyền Quang...
Tư tưởng của Thiền phái Trúc lâm không chỉ đề cập đến các nội dung cơ bản của đạo Phật: Phật, Tâm, Thiền, Nhân sinh, Nguyên nhân của mọi khổ đau và giải thoát, mà còn đề cập đến cả việc thực hành thiền định và chú trọng niệm Phật. Điều này khác với Thiền tông truyền thống, Thiền tông truyền thống chỉ thực hành thiền định. Đây là sự kết hợp giữa Tịnh độ tông và Thiền tông. Đạo Thiền Trúc Lâm ít nhiều còn có pha tạp màu sắc của Đạo giáo, chịu ảnh hưởng của tư tưởng Lão Trang. Thiền sư Trúc Lâm đề cao sự hòa hợp với thiên nhiên, chẳng khác nào phong thái tiêu dao của đạo sĩ tu tiên. Quay về với thiên nhiên chỉ là một cách để xa lánh cõi đời, để diệt dục chứ không ngoài mục đích nào khác.
Bàn về Phật, Trúc Lâm chủ trương “Phật không có trong núi mà có trong lòng”. Nếu “Lòng lặng lẽ mà biết, chính là Phật vậy”. Trúc Lâm đã phá bỏ ý kiến của Huệ Năng xem “Phật và thánh vốn không khác gì nhau”, họ cho rằng tuy đi hai con đường khác nhau nhưng cả hai cùng đưa con người đến một mục đích và chủ trương Phật, thánh phân công hợp tác.
Như vậy, theo Trúc Lâm , Phật chính là ta, ta là tâm. Một quan điểm đồng nhất trong sai biệt. Phật là tâm, tâm là một cái gì trừu tượng như Phật tính. Trúc Lâm chủ trương muốn hiểu rõ tâm phải ngồi thiền. Ngồi thiền để tĩnh tâm, ngăn ác, hướng thiện. Niệm Phật là cách tự giáo dục, tự ức chế để giữ miệng và tâm thanh tịnh. Thụ giới là cách răn giữ bản thân theo giới luật nhằm để cho thân tâm trong sạch và không làm điều ác. Niệm Phật, thụ