6. Cấu trúc của luận văn
3.3 Ngôn ngữ trần thuật
3.3.1 Ngôn ngữ mang đặc thù nghề nghiệp
Trả lời phỏng vấn nhà báo Phong Hằng báo Tuổi trẻ ngày 20/4/2012, Bùi Ngọc Tấn bộc bạch: “Tôi làm nhân viên ở xí nghiệp đánh cá quốc doanh 20 năm…” Có lẽ chính khoảng thời gian này đã giúp nhà văn có sự gắn bó sâu sắc với những người làm nghề đi biển, nên ông rất hiểu họ, hiểu từ suy nghĩ cho đến những lời ăn, tiếng nói.
Ngôn ngữ chủ yếu xuyên suốt trong tiểu thuyết Biển và chim bói cá là
ngôn ngữ đặc thù của người đi biển. Đó là thứ ngôn ngữ tếu táo, suồng sã, tự nhiên, có phần bỗ bã phản ánh đúng bản chất của những người thủy thủ ăn sóng nói gió, thô tháp, chân thực. Cách nói này thể hiện trong câu chuyện bố Tích kể cho cánh thủy thủ trẻ nghe về những câu chuyện tình thời trai trẻ của mình: “Này, con mực tươi của cô ấy khoảng mấy lạng”, “cô này bố đã làm ăn gì đâu mà biết mấy” [3, tr.131]
Đối với những thuyền viên quanh năm suốt tháng lênh đênh trên biển, sự giao tiếp đối với xã hội bên ngoài là tối thiểu, thì trong lời ăn tiếng nói của họ xuất hiện những từ ngữ thô tục, thậm chí cả những câu chửi thề chính là một cách để giải tỏa những căng thẳng, những nỗi lòng bị kìm nén. Thuyền trưởng Bôn khát khao được gần vợ sau chuyến biển dài ngày, nhưng vừa vội vàng về đến nhà lại bắt gặp ngay ông bạn nhà thơ, nhà báo với những câu chuyện dài bất tận về thơ phú, văn chương. Sự thất vọng, buồn bực, chán nản dồn nén bật lên thành một câu chửi: “thơ với phú, cút mẹ mày đi ông bạn giời đánh ạ” [3, tr.107]. Những ngôn từ suồng sã tự nhiên như lời ăn tiếng nói hàng ngày được nhà văn đưa vào tác phẩm một cách tự nhiên không gò ép, có những từ rất tục tĩu, tưởng chừng như những từ ấy chẳng bao giờ có mặt trong văn chương thì nay được Bùi Ngọc Tấn đưa vào: “Chỉ có bố là dám chơi cái văn buồi dái ấy thôi… Đồng hương buồi dái quá đấy đồng hương ạ [3, tr.177]. “Nhà khách có phải của liên hiệp đếch đâu. Của xí nghiệp thành viên. Địt mẹ. Chúng nó nuôi bọn nhà khách tốt thế thì làm sao đuổi được chúng nó”, “Nói
như ho vào lồn ấy mà cũng nói. Làm lãnh đạo không có đặc quyền đặc lợi thì làm cái đếch gì” [3, tr.381].
Bên cạnh sự thấu hiểu lời ăn tiếng nói của những thuyền viên, Bùi Ngọc Tấn còn tỏ ra là người am hiểu những ngôn ngữ mang tính chuyên môn trong ngành nghề của họ, đó là những từ ngữ chuyên ngành. Khoảng thời gian công tác tại quốc doanh đánh cá Hạ Long, ông không khác gì một thuyền
viên. Ông hiểu họ rất chi tiết, tỉ mỉ. Qua những trang tiểu thuyết Biển và chim
bói cá, người đọc sẽ thấy hiện lên hàng loạt những thuật ngữ riêng của người
đi biển về những kỹ thuật đánh bắt thủy hải sản như: hừng đông, tắt quán,
đánh thuê, đánh mẻ lưới hừng đông…, những từ ngữ liên quan đến phương
tiện nghề nghiệp như: tàu đánh cá đông lạnh, đụt cá, nút hoạt, dây móc cẩu,
trục tơi, cáp lái, lưới rê, lưới đèn, hầm la canh, boong thượng, buồng lái, cầu tàu, dây giềng lực, dây giềng hông…, hoặc những từ ngữ mang đậm màu sắc
nghề nghiệp như: cách tính độ giạt, xác định vị trí tàu, mục tiêu nằm ngoài
hải đồ, phương vị vô tuyến, độ chênh giữa đường cong tà hành và đường cong vòng lớn, phán đoán luồng cá, chất đáy…
Có thể nói, tiểu thuyết Biển và chim bói cá đã mang đến cho người đọc
một thế giới ngôn ngữ rất phong phú, đặc trưng của những người đi biển. Qua lớp ngôn từ sống động ấy, ta hiểu hơn về cuộc sống và tâm hồn của những thủy thủ, những người gắn bó cuộc đời mình với biển cả, hiểu hơn về một nghề nghiệp vất vả và chịu nhiều hy sinh. Qua đó, ta thêm khâm phục tài năng của Bùi Ngọc Tấn ở việc sử dụng ngôn ngữ rất tự nhiên, nhuần nhuyễn và cái tâm của ông trong việc sống rất gần, rất thật với đối tượng mà mình miêu tả.