1.1.3.1 .Khuynh hướng tiểu thuyết lịch sử kiểu mới
1.1.3.2. Khuynh hướng nhận thức lại hiện thực
Khuynh hướng này phát triển sôi nổi vào những năm đầu của thời kỳ đổi mới. Nó ra đời đáp ứng yêu cầu nhìn thẳng vào sự thật, lấy quá khứ làm đối tượng phân tích, không phải toàn bộ quá khứ mà là những phần khuất lấp, những vấn đề chưa được văn học thời trước quan tâm đúng mức. Trong ý thức về hiện tại, việc rút ra bài học từ quá khứ là hết sức cần thiết. Những sai lầm ấu trĩ, những định kiến hẹp hòi, căn bệnh chủ quan duy ý chí của một “thời xa vắng” gây nên bi kịch cho không
ít cá nhân, làm hao mòn nhân tính, được mổ xẻ khá thuyết phục ở Thời xa vắng,
Bến không chồng, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Chuyện làng ngày ấy, Bước qua lời nguyền, Những thiên đường mù, Bi kịch nhỏ, Những mảnh đời đen trắng, Phiên chợ Giát, Tóc huyền màu bạc trắng.v..v. Các sự kiện lịch sử vẫn làm nền cho câu chuyện nhưng trung tâm soi ngắm của tác giả là số phận con người.
Trước năm 1985, hoàn cảnh chiến tranh và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã chi phối cách tiếp cận và phản ánh hiện thực trong văn học, nhà văn chủ yếu
viết theo những môtip quen thuộc: sự đổi mới, hồi sinh (Mùa lạc – Nguyễn Khải),
tinh thần dũng cảm kiên cường, sẵn sàng hi sinh cho cách mạng, cho nhân dân (Người mẹ cầm súng – Nguyễn Thi; Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành; Hòn đất - Anh Đức; v..v). Văn học đi theo một con đường quen thuộc: từ nô lệ đến giải phóng, từ bóng tối đến ánh sáng, từ đau khổ đến hạnh phúc. Sau 1985, văn học không tiếp tục đi trên con đường mòn đó nữa mà nó được mở thêm rất nhiều lối mới, phạm vi cũng rộng hơn rất nhiều. Các nhà văn đã mở rộng hiện thực bằng cách
tạo nên tính đa nghĩa cho chủ đề của mình, tất cả các mặt của đời sống cứ thế lần lượt được mổ xẻ, soi rọi qua từng trang viết của mỗi nhà văn.
Những tác phẩm sáng tác theo khuynh hướng này đặc biệt chú ý đến nông
thôn Việt Nam. Một loạt tác phẩm đã lấy bối cảnh nông thôn như: Bến không chồng
(Dương Hướng); Thời xa vắng (Lê Lựu); Phiên chợ Giát, Khách ở quê ra (Nguyễn
Minh Châu); Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường); v..v. Nông
thôn vốn là một không gian yên bình, là nơi bảo tồn những giá trị truyền thống của dân tộc, là nơi tình người thắm đượm sắt son. Tuy nhiên đây cũng là nơi trói buộc con người trong những tư tưởng lạc hậu, những tập tục cổ hủ, những tập quán tréo ngoe. Ta có thể thấy sức mạnh của lời nguyền từ rất lâu đời của dòng họ Nguyễn
qua biết bao bi kịch của các thế hệ cháu con trong tác phẩm “Bến không chồng” của
Dương Hướng: “Nước sông Đình ngàn năm không cạn/Cầu Đá Bạc vạn kiếp trơ trơ/Bến Tình còn đẹp còn mơ/Mối thù họ Vũ bao giờ mới nguôi”. Lời nguyền truyền kiếp đã cản trở tình yêu giữa Vạn và Nhân, đã gây bao trắc trở, đắng cay, tủi
nhục cho Hạnh và Nghĩa. Trong Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc
Trường cũng đã phơi bày một hiện thực nông thôn rùng rợn, xung quanh mối xung đột kéo dài nhiều thế hệ giữa hai dòng họ Trịnh Bá và Vũ Đình. Tác phẩm phơi bày những mâu thuẫn gay gắt, với những màn đấu trí, đấu lực hừng hực lòng thù hận, lúc này chẳng còn đâu tình làng nghĩa xóm, tình đồng bào ruột thịt giữa hai dòng họ. Bao cái dở của dòng họ gặp cái yếu kém và sự lợi dụng của tổ chức Đảng và chính quyền địa phương đã xáo trộn cuộc sống của rất nhiều người, gây ra bi kịch cho những người lương thiện như bà Son, Đào.v..v. Cái nhìn chân thực, sắc sảo trong tác phẩm như một hồi chuông để mọi người giật mình nhìn lại những gì đã và đang xảy ra.
Ở những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh, bên cạnh những chiến công hiển hách, bên cạnh những tượng đài chiến thắng đầy vinh quang là biết bao những đớn đau, biết bao nước mắt, đắng cay, tủi cực của những con người trở về từ cuộc chiến và giờ đây bắt đầu lại với cuộc sống đời thường. Các nhà văn không đi vào miêu tả, tái hiện lại không khí chiến trận đầy mưa bom bão đạn nữa mà tập trung vào những số phận con người, những bi kịch của con người trong những mảng đời riêng đã bị
chiến tranh hủy hoại. Nhân vật Nghĩa trong tác phẩm “Bến không chồng” của Dương Hướng đã bị chiến tranh cướp đi quyền làm cha để rồi từ đó gia đình tan nát,
người vợ anh yêu thương phải rời xa anh. Nhân vật Lực trong “Cỏ lau” của
Nguyễn Minh Châu nói mà như khứa vào lòng người đọc “chiến tranh, kháng chiến không phải như một số người khác, đến bây giờ tôi không hề mảy may hối tiếc dốc tất cả tuổi trẻ vào đấy cống hiến cho nó, nhưng nó như một nhát dao phạt ngang mà hai nửa cuộc đời tôi bị chặt lìa thật khó gắn liền lại như cũ.” Những vết thương mà chiến tranh để lại trong tâm hồn những người lính sẽ không thể phai nhòa. Và cuộc sống xã hội thực tại với đầy mưu mô toan tính càng làm người lính thấy mình chới với, chơi vơi. Họ đã bị thương về thể xác nhưng họ còn đau đớn hơn nhiều với những vết thương trong tâm hồn. Những lí tưởng cao đẹp, những chiến công oanh liệt, những địa vị cao sang cũng không thể bù đắp những quyền lợi thiêng liêng của mỗi con người. Đó là quyền làm chồng, làm cha. Đó là quyền làm vợ, làm mẹ. Các nhà văn đã có một sự đồng cảm, thông cảm và xót thương thực sự với những số phận bất hạnh đó. Chính nhờ những trang viết đầy tình người như thế mà người đọc thấu hiểu hơn cho những lớp người trở về từ cuộc chiến và thấy mình cần chia sẻ với họ nhiều hơn.
Như vậy, đi theo khuynh hướng nhận thức lại hiện thực, điều chỉnh lại những chuẩn mực đạo đức, những nguyên tắc sống, những thói quen cũ, v..v. Văn học từ sau Đổi mới đến nay đã tạo được sự khác biệt so với giai đoạn trước. Lúc này, văn học không còn tuyệt đối phục vụ cho chính trị nữa mà nó trở về với con người, với những gì bình dị nhưng cũng không ít vấn đề nảy sinh trong cuộc sống đời thường.