1.1.3.1 .Khuynh hướng tiểu thuyết lịch sử kiểu mới
1.1.3.4. Khuynh hướng thực huyền ảo
Huyền thoại hay thần thoại với tư cách là ý thức nguyên hợp của các cộng đồng người nguyên thủy. Từ những mảnh vỡ còn sót lại của ý thức nguyên thủy, huyền thoại đã đi vào ý thức sáng tạo văn học. Tiêu biểu cho những sáng tạo này là sự bùng nổ văn xuôi Mỹ La tinh vào những năm 60 của thế kỷ XX. Những sáng tác này tạo thành trào lưu văn học theo “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo”. Và như vậy, trong tác phẩm văn học, huyền ảo được xem là một yếu tố nghệ thuật. Huyền ảo bao giờ cũng có sự pha trộn giữa cái thực và cái ảo. Việc sử dụng yếu tố huyền ảo trong tác phẩm văn học sẽ giúp cho tác phẩm trở nên lạ hóa, đa nghĩa, tạo ấn tượng mạnh trong lòng người đọc.
Với tư cách là một khuynh hướng, huyền ảo thực sự có rõ rệt và có thành tựu
lớn trong sáng tác của các nhà văn thời kỳ Đổi mới. Trong Thiên sứ, nhà văn Phạm
Thị Hoài đã có dụng ý rõ rệt qua việc sử dụng triệt để các yếu tố huyền thoại. Hình tượng thiên sứ với sự ra đời kỳ lạ của bé Hon, nụ cười và đôi môi của bé, cả cái chết trong sạch vô ngần của bé đã tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm. Huyền thoại hóa còn thể hiện ở nhân vật Hoài (một nhân vật được xây dựng dưới dạng “hóa thân”, biến dạng). Qua con mắt của cô bé “mãi giữ cho mình ở tuổi mười bốn”, một thế giới của sự sống đầy sự tha hóa hiện lên một cách lạ lùng thậm chí cay nghiệt. Cũng
trong mạch sáng tác này, Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh là tác phẩm tiêu biểu khi
tác giả sử dụng khá thành công thủ pháp nghệ thuật huyền ảo. Một thế giới vừa hư
tạp. Đúng như tiêu đề của tiểu thuyết, một quá trình đi tìm bản ngã của chính mình đã theo đuổi nhân vật “tôi” như một nỗi ám ảnh về sự sống và cái chết từ những bí ẩn của quá khứ, những tổn thương tâm hồn hiện tại, những va chạm đầy lạ lùng từ
những cuộc gặp gỡ trong cuộc đời,...Ra đời năn 1996, tiểu thuyết Cõi người rung
chuông tận thế của Hồ Anh Thái có sự kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố ảo – thực. Với việc xuất hiện liên tiếp ba cái chết đầy bí ẩn của ba thanh niên có tính cách ngang ngược là Phũ, Cốc, Bóp đều liên quan tới một cô gái. Nhân vật chính là chàng trai, người kể chuyện, đã chứng kiến sự việc. Anh đã lần tìm theo dấu vết cảu cô gái tên Mai Trừng để tìm ra cội nguồn của ba cái chết cũng như sức mạnh kì lại của cô. Trong tác phẩm, yếu tố huyền ảo được xem là chìa khóa để tác giả tạo nên sự bí ẩn cũng như giải mã mọi bí ẩn đã khiến các sự kiện trở nên sinh động, cuốn hút sự dõi theo nơi người đọc.
Trong số các tác giả đương đại, Nguyễn Bình Phương là nhà văn rất có ý thức trong việc sử dụng huyền thoại với mật độ dầy trong các tác phẩm. Từ những
sáng tác đầu tiên như Vào cõi (1991), Bả Giời (1992) và đặc biệt sau này là Những
đứa trẻ chết già (1994), Người đi vắng (1999), Trí nhớ suy tàn (2000), Thoạt kỳ thủy (2004), Ngồi (2006)e đã bộc lộ rõ sự đổi mới trong tư duy nghệ thuật của Nguyễn Bình Phương. TS. Phạm Xuân Thạch cho rằng nếu chọn một hiện tượng văn học tiêu biểu của tiểu thuyết Việt Nam đương đại thì “ưu tiên số một” là các sáng tác của Nguyễn Bình Phương, “sáng tác của anh kết tụ nhiều vấn đề có ý nghĩa tiêu biểu cho tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ hậu chiến cả trên bình diện mỹ học lẫn kỹ thuật sáng tác và mô hình tiểu thuyết” [81]. Sự thay đổi trên đã dẫn tới hiện thực phản ánh trong tác phẩm của anh thường có “độ lệch” rất lớn so với hiện thực trong thực tế. Đó là một thế giới được “trộn lẫn” giữa cái hiện tại và hiện thực trong vô thức mang đậm màu sắc ma quái, tâm linh, dường như chúng không thực hiện hữu.
Mô hình hai thế giới thực - ảo là môtip quen thuộc trong nhiều tác phẩm của
Nguyễn Bình Phương. Với tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy, người đọc bắt gặp trong tác
phẩm một thế giới hiện thực và một thế giới của cõi hư ảo mà ở đó người đọc có thể nhận diện ra sự tha hóa của cuộc sống này một cách cụ thể hơn. Một lần nữa ta lại
sự kiện trong câu chuyện dường như được tác giả “thả tự do” và “đang rơi tự do” giữa hai thế giới thực - ảo. Họ từ đâu tới? Cuộc đời của họ rồi sẽ ra sao? Tất cả là những điều bí ẩn với bạn đọc.
Ở các sáng tác thuộc khuynh hướng hiện thực huyền ảo, sự giao thoa của thế giới ảo – thực đã tạo nên các khoảng trống buộc người đọc không ngừng đặt ra những câu hỏi về giá trị cuộc sống, về thân phận con người. Các nhà văn thường chú ý khám phá hiện thực trong cõi vô thức đồng thời sử dụng triệt để các biểu tượng có sức khái quát và gợi nghĩa cao. Và một đặc điểm rất dễ nhìn thấy ở nhiều tiểu thuyết là dạng thức “mờ hóa” nhân vật hoặc xuất hiện nhân vật “mất tích” một
cách vô cớ. Xuất hiện rồi đột ngột ra đi khỏi cõi đời này của bé Hon trong Thiên sứ,
việc đến và đi đều lặng lẽ của “cô gái câm” giữa cuộc đời nhân vật “tôi” ở Đi tìm
nhân vật mãi mãi là niềm bí ẩn khôn nguôi, những con người đột nhiên đi khỏi cuộc
đời không một dấu vết như người cha của Nhung hay Quân trong Ngồi của Nguyễn
Bình Phương được xem như những “dấu lặng” gieo vào lòng độc giả.
Tương tự, trong tiểu thuyết Sự trở lại của vết xước (2007) của Trần Nhã
Thụy, sự mất tích của nhân vật người vợ dường như bị xóa sạch khỏi đời sống hiện thực đã tạo nên những khoảng trống và sự hụt hẫng lớn nơi tâm hồn nhân vật “tôi” – người chồng. Đây là cuốn sách đầu tay gây được tiếng vang trong giới sáng tác và phê bình văn học của tác giả. Cuộc sống thật mong manh và có một lúc nào đó con người muốn biến mất khỏi thế giới này như một lối thoát nhằm giải thoát mình khỏi những mệt mỏi, ngột ngạt...đang diễn ra hàng ngày. Đó chính là ý nghĩa ngầm ẩn mà Trần Nhã Thụy muốn bộc lộ trong tác phẩm. Đối diện thường trực với hiện thực và viết về những điều mình cảm nhận là lựa chọn của Trần Nhã Thụy trước nỗi đau, những điều chưa tốt, những điều bất công trong cuộc sống. Những suy tư, chiêm
nghiệm trong Sự trở lại của vết xước được gợi lên qua sự kiện người vợ mất tích và
đặc biệt là những “vết xước” vô hình và hữu hình hiện diện ở nhân vật “tôi”. Đấy là nỗi hoang mang, lo lắng của con người trước hiện tượng “nhiễm độc từ từ” cả về thể chất lẫn tâm hồn.
Khuynh hướng sử dụng yếu tố huyền ảo trong sáng tác tiểu thuyết đã tạo thành một bộ phận sáng tác quan trọng thể hiện khát vọng sáng tạo và luôn tìm tòi
của các nhà văn. Ở các tác phẩm viết theo khuynh hướng này, trong cấu trúc tiểu thuyết, yếu tố lạ hóa được thể hiện rõ rệt từ việc mờ hóa nhân vật, sử dụng các thủ pháp lắp ghép, phân mảnh, sự linh hoạt trong cách dùng ngôi kể và sự di chuyển điểm nhìn cũng như tạo sự lạ hóa trong sử dụng ngôn ngữ. Trên phương diện nội dung, tác phẩm được kể không tuân theo logic nhân quả, cái ảo và thực đan xen nhau, các đoạn hội thoại không đặt nặng tính hô ứng rõ rệt, câu chuyện thường hình thành theo kiểu đan xen lẫn lộn giữa rất nhiều câu chuyện. Và vì thế, hình thức truyện lồng truyện được nhiều nhà văn đương đại sử dụng.