1.1.3.1 .Khuynh hướng tiểu thuyết lịch sử kiểu mới
2.1. Nỗi ám ảnh quá khứ trong tác phẩm của Bảo Ninh
2.1.1.1. Khúc ca bi tráng về một thế hệ người Việt Nam anh hùng thờ
kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Chiến tranh từ những trang viết của các nhà văn, nhà thơ đã ghi lại cho các thế hệ mai sau cảm nhận được sự hy sinh xương máu vô cùng lớn lao của một thế hệ cha anh trong những năm tháng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”(Tố Hữu). Sự hi sinh đã viết lên một bản anh hùng ca bất diệt về tinh thần yêu nước, quyết chiến với kẻ thù xâm lược để giành lại độc lập tự do cho tổ quốc, để chính nghĩa chiến thắng.
Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh không bao giờ quên cuộc chiến ghê rợn
vào cuối mùa khô năm 69, tiểu đoàn 27 độc lập của Kiên bị xóa hoàn toàn phiên hiệu. Hình ảnh tiểu đoàn trưởng trong cảnh hoảng loạn, tan tác trước sự tấn công của kẻ thù đã tỏ rõ khí tiết, vai trò cầm quân của mình, trấn an đồng đội “thà chết không hàng...Anh em, thà chết...!” và tự tay “đọp vào đầu” mình. Hành động tự sát trong cơn hoảng loạn song nó chứng tỏ tư thế, bản lĩnh của người lính trên chiến trường. Có phải chết cũng nhất định phải chết trên chiến hào, trên vị trí của mình chứ không thể chết trong tay của kẻ thù xâm lược.
Trong kí ức của Kiên, cuộc đời của lính bộ binh B3 thời hiệp định “đằng đẵng chuỗi ngày cùng cực. Sau những tháng ròng liên miên rút lui lẫn đợt phản công dữ dội, rồi lại phải khiêng nhau mở đường máu chạy. Rồi lại phản công...cấp tập quăng mình vào cõi một sống một chết”, anh vẫn nhớ, nhớ mãi đó là “chuyện xảy ra ở chân đèo Thăng Thiên, họ bảo thế...khi bóng tối vùi kín rừng cây trong hẻm núi thì từ đáy rừng phủ lá mục tiếng hát thì thào dâng lên, có cả tiếng ghi ta hòa theo nữa hoàn toàn hư, hoàn toàn thực: “...Năm tháng vinh quang khổ đau bất tận...”, lời và giai điệu bài ca vô danh ấy giản dị và huyền bí nên mỗi người nghe ra mỗi khác, song không ai là không nghe thấy. Cuối cùng, sau mấy đêm lắng nghe, người ta định vị được chỗ đất có hồn người. Trong tấm tăng bó xác, xương cốt đã
hóa mùn cả, riêng cây đàn ghi ta tự tạo của người chết thì vẫn còn nguyên vẹn”. Người lính ấy dù thân xác không còn, song tâm hồn và lí tưởng của anh đã hóa vào đất trời, sông núi, như một sự khẳng định cho sức sống bất diệt của con người Việt Nam, trong đau thương gian khổ nhưng vô cùng vinh quang. Qua hồi ức của Kiên, người đọc thấy được “kho tàng những truyện truyền kì về sự nghiệp thiêng liêng đau khổ của người lính chống Mỹ”, ngay cả sự hi sinh của họ cũng đậm màu sắc bi tráng. “Kiên nhớ, ở thung lũng MoRai bên bờ Sông Thầy, một hôm tổ các anh đào trúng một ngôi mộ kết. Mộ nổi lên như một đụn mối lớn trên mô đất cao gần dốc bờ sông. Chỗ này ngay giữa mùa mưa lũ cũng không bị ngập. Thế nhưng thật khó lòng mà hiểu nổi nguyên nhân vì sao mặc dù chẳng phải trong quan ngoài quách, chẳng ướp thuốc tẩm dầu, thi thể người chết lại sống như thế. Nằm trong một cái túi ni lông dày giống như bao đựng xác của quân Mỹ nhưng trong suốt, người chiến sỹ vẫn như còn đang thở, mắt nhắm lại ngủ say, khuôn mặt đẹp đẽ, trẻ trung vẻ trang nghiêm trầm mặc, da thịt tuồng như còn ấm. Bộ đồ Tô Châu thậm chí còn nguyên độ nóng và nếp là. Nhưng chỉ phút chốc cái túi đã đục trắng, mù mịt như mây khói, rồi sau đó như chói lên một đạo hào quang và một cái gì đấy vô hình đã siêu thoát. Màu trắng đục tan nhanh, cái túi xẹp xuống và trong đó bày ra nguyên vẹn một bộ hài cốt màu vàng sạm. Kiên và mọi người sững lặng, xúc động đến bàng hoàng. Không ai bảo ai, tất cả đều quỳ xuống, đưa cao tay lên với theo bóng hồn thiêng liêng của người đồng đội đã về thần. Đúng lúc bấy giờ trên vòm trời bao la cuồn cuộn gió mây miền cánh Bắc, một đàn thiên đường cánh đen vừa từ hướng biển lên, đội hình chữ V đều tăm tắp, nhịp nhàng vỗ cánh thong thả và trang trọng bay vượt qua miền núi non trùng điệp”[100,87]. Sự hi sinh của người chiến sĩ ở đây mang màu huyền thoại, thể hiện cảm hứng bi tráng về cuộc đời người lính làm ta nhớ lại hình ảnh người lính Tây Tiến năm xưa trong thơ của Quang Dũng: “Áo bào thay
chiến anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành” [Nhiều tác giả, Văn học 12 –
tập I, Phần Văn học Việt Nam (sách chỉnh lý hợp nhất năm 2000). NXB Giáo dục, Hà Nội 2000, 77].
Những người lính không chỉ đẹp ở tư thế sẵn sàng xả thân, sẵn sàng hi sinh thân mình cho Tổ Quốc, cho quê hương, mà họ còn đẹp ở sự hi sinh mọi ham muốn
cá nhân một cách thầm lặng. Đó là những nhân cách cao đẹp như Mộc trong truyện
ngắn Trại bảy chú lùn, anh không vì hạnh phúc cá nhân mà quên đi nghĩa vụ của
người lính, anh không bỏ khu rừng già khi tất cả anh em đồng đội đã hi sinh. Anh tự nguyện ở lại nơi những anh em chiến sĩ đã quên mình cho Tổ quốc. Anh gắn bó với khu rừng già – nơi lưu lại bao máu và nước mắt của đồng đội anh. Bên cạnh Mộc, là
hình ảnh của của khẩu đội cao xạ trong truyện ngắn Bên lề cuộc tấn công, ở đó có
những người lính sáng ngời phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ. Họ vẫn sẵn sàng cứu bất cứ ai, họ đã hy sinh khi chưa bước vào cuộc tấn công. Ở họ luôn toát lên vẻ thân thiện, lịch sự, thái độ tôn trọng con người. Đó là ấn tượng của cô gái con ông chủ hiệu ảnh khi gặp những người lính Cộng sản, những người lính mà cha cô đã sợ hãi
đến nỗi bỏ lại cả cô con gái cưng của mình trong truyện ngắn Ba lẻ một,v.v.
Đi vào chiến tranh là đi đến nơi không hẹn ngày về, nhưng những người lính vẫn sống và chiến đấu vì lí tưởng cộng đồng, họ là những con người tượng trưng cho lý tưởng dân tộc: Chiến đấu vì Tổ quốc, quê hương. Tất cả họ đã nối tiếp truyền thống cha anh đi trước, hóa thân mình vào hồn thiêng sông núi, khẳng định tính chất bi hùng trong sự hi sinh của người chiến sĩ. Kiên, Mộc, Quảng, Từ, Tạo “voi”, Tâm, Cừ, Hòa, Hiền, Thịnh “nhớn”, Thịnh “con”, Vượng, Phượng, Trung, Vinh, Ynua, Tý, Hinh, Huy, Khương, Tùng,v.v, và những người đồng đội của họ là đại diện cho cả thế hệ những người cầm súng bảo vệ đất nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Họ là những “người con ưu tú nhất, tốt đẹp nhất, những người xứng đáng hơn ai hết được quyền sống trên cõi dương này”[100,193]. Vậy mà họ đã chấp nhận hi sinh “lẳng lặng chấp nhận quy luật giản đơn của chiến tranh: mình chết thì bạn mình sống!”[100,193]. Họ chính là những “liệt sĩ của lòng nhân”, “những con người tuyệt vời”.