Niềm tin là một biểu tượng của định hướng giá trị được xác định vững chắc trong nhận thức và chi phối hành động của con người. Niềm tin không chỉ tác động đến trí tuệ mà còn tác động đến tình cảm. Nó có thể làm thay đổi động cơ và lối sống của cá nhân.
Niềm tin tôn giáo là toàn bộ nhận thức thái độ của cá nhân đối với một thực thể tối cao, đó là một niềm tin đặc biệt bởi lẽ đối tượng của niềm tin là các
lực lượng siêu nhiên, là thế giới không hiện thực mà con người chỉ có thể cảm nhận được qua niềm tin và sự sùng kính.
Niềm tin của tín đồ càng mạnh mẽ thì tác động của ý chí trong việc kiểm soát suy nghĩ, điều chỉnh hành vi và thực hiện các chuẩn mực tôn giáo, chuẩn mực xã hội của tín đồ càng lớn, hay mức độ kiểm soát hành vi càng mạnh. Chính vì vậy, niềm tin tôn giáo có ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn bộ đời sống của các tín đồ và cả cộng đồng của họ mà biểu hiện rõ nét nhất là trong việc giữ gìn TT, ATXH.
Đạo công giáo - một trong những tôn giáo lớn của thế giới có khả năng thực hiện rất thành công chức năng trên thông qua một hệ thống khá phức tạp, đa dạng những điều răn dạy và cấm đoán trong giáo lý, giáo luật và các nghi lễ tôn giáo.
So với các tôn giáo khác thì tâm thức tôn giáo của các giáo dân công giáo là cao hơn, dường như đời sống tôn giáo hàng ngày gắn liền với họ, họ sống trong tôn giáo. Mỗi chủ nhật, các tín đồ đến nhà thờ tham dự thánh lễ, cầu nguyện và nghe linh mục giảng đạo. Đó cũng là nơi hàng ngày các tín đồ có thể đến để học giáo lý, để cầu nguyện, để gặp gỡ "đấng linh thiêng" và để thực hiện các nghi lễ tôn giáo khác như cưới xin, rửa tội ...
Đối với các tín đồ công giáo ở Nghệ An sống trong một điều kiện thiên nhiên khá khắc nghiệt: hết giông bão lại hạn hán, chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn, đời sống vật chất còn nhiều khó khăn... điều đó đã góp phần rèn đúc nhiều đức tính quý báu cho người giáo dân Nghệ An: kiên vững trong đức tin, khiêm nhường, vị tha trong đời sống. Dường như trong khó khăn, niềm tin về một thế giới ở bên kia vẫn là mơ ước của họ, vì thế qua khảo sát một số vùng giáo ở Nghệ An cho thấy giáo dân không chỉ đi lễ nhà thờ vào Chủ nhật (đi lễ vào thứ 7 hoặc chủ nhật là bắt buộc) mà hàng ngày, sau những khoảng thời gian làm việc, buổi tối họ lại đến nhà thờ để cầu nguyện và thực hiện một số nghi lễ tôn giáo khác.
Về mặt niềm tin, giáo lý, lễ nghi đạo công giáo luôn hướng con người tới Chân - Thiện - Mỹ, như: không được bất hiếu với Cha mẹ, không được giết
người, không được dâm dục, không được gian tham lấy của người khác, không được ham muốn vợ hoặc chồng người khác, không được làm chứng dối, không được ham muốn của cải trái lẽ... Những tín đồ công giáo với đức tin "Chúa quan phòng", họ cho rằng Chúa sẽ trừng phạt những người có tội lỗi vì không có hành vi đạo đức hoặc vô đạo đức nào của con người mà Chúa không biết, "Thiên Chúa là đấng hoàn hảo, toàn năng, hằng có đời đời, ở khắp mọi nơi, trọn tốt trọn lành, thông biết mọi sự, nhân từ và công bằng vô cùng" [48, tr.61-62]. Vì vậy, ở một góc độ nào đó, niềm tin tôn giáo này đã góp phần ngăn chặn các hành vi vô đạo đức, trái luân thường đạo lý của các tín đồ công giáo.
Có thể nói rằng, trong đời sống đạo đức xã hội, trước một hành vi (kể cả suy nghĩ) tín đồ công giáo đã nhìn nhận trách nhiệm của mình và như vậy trên thực tế họ đã tham gia vào lợi ích xã hội do hành vi đạo đức cá nhân mang lại. Tất nhiên ở đây chúng ta cũng phải thấy rằng mục tiêu của mọi hoạt động đạo đức của các giáo dân suy cho cùng là vì lợi ích của chính bản thân cá nhân họ: mong được Chúa ban phước lành, được Chúa chọn vào nước Trời trong ngày tận thế để được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu nơi thiên đường. Còn lợi ích xã hội, lợi ích cộng đồng có được mang lại chăng thì chỉ là hệ quả chứ không phải là mục tiêu trực tiếp. Mục tiêu này kết hợp với đức tin "Chúa quan phòng" đã tạo cho tín đồ sự tuân thủ các quy phạm đạo đức một cách đầy đủ hơn, thực hiện nghiêm ngặt các lề luật mà Chúa đã phán dạy.
Niềm tin và nếp sống đạo đức đó thấm sâu vào trong tâm thức của mỗi tín đồ, tạo nên cuộc sống thực sự đoàn kết, yêu thương nhân ái trong cộng đồng nói chung và nếp sống gia phong, tôn ti trật tự, trên kính dưới nhường, thảo kính Cha Mẹ trong mỗi gia đình nói riêng. Điều đó có ảnh hưởng tích cực tới việc giữ gìn TT, ATXH. Giáo hội nói chung và giáo hội địa phương nói riêng, luôn khích lệ các tín đồ của mình hãy thực hiện các đức tính nhân bản vì điều đó phù hợp với đạo lý con người. Đây cũng là cơ sở khoa học để Đảng, Nhà nước ta hoạch định và kiên trì với chính sách tôn giáo, càng khẳng định tính đúng đắn trong quan điểm "đạo đức tôn giáo có nhiều điểm phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới".
Tuy vậy, với những tín đồ chân chính, tiến bộ, biết khai thác yếu tố tích cực, hợp lý của đạo đức công giáo thì sẽ góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Ngược lại, với những kẻ còn "mượn danh Thiên Chúa để làm những điều phàm tục, tầm thường", hoặc có những kẻ vì cuồng tín mà tuân phục một cách máy móc, mù quáng, vì đức tin làm lu mờ lý trí... thì sẽ mang lại hậu quả xấu cho cộng đồng xã hội, gây mất ổn định về an ninh chính trị và phá rối TT, ATXH ở vùng giáo nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Vụ việc Cầu Rầm (Vinh), Thanh Hoà (Thanh Chương), Công Thành (Yên Thành), vụ Chúa Giêsu chảy máu ở Nghi Phú (T hành phố Vinh)... là những ví dụ điển hình.
Hạn chế này được thể hiện rõ hơn trong việc chấp hành pháp luật. Đó là trong khi đại đa số đồng bào công giáo rất có ý thức, gương mẫu chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kết hợp hài hoà giữa niềm tin tôn giáo với niềm tin xã hội tiến bộ... thì ở một số Xứ, Họ đạo do trình độ dân trí của giáo dân còn thấp, đức tin dễ bị chuyển hoá thành cuồng tín nên họ đã bị một số linh mục, BHG có ý đồ lợi dụng, lôi kéo họ tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật, như : đòi lại đất đai cơ sở cũ, lấn chiếm, chuyển nhượng đất trái phép, tiếp tay tuyên truyền, phát triển đạo trái phép hoặc đề ra các yêu sách đòi tự do tôn giáo vượt ra ngoài khuôn khổ của pháp luật.
Thật vậy, đối với các giáo dân, niềm tin tôn giáo chủ đạo của họ là hướng đến Thiên Chúa mà người đại diện cho Chúa, có quan hệ trực tiếp nhất, ảnh hưởng trực tiếp nhất đối với họ chính là linh mục. Ở Nghệ An, có những xứ, họ đạo giáo quyền công giáo đè nặng lên đời sống của giáo dân, lời nói của linh mục có sức nặng to lớn đối với họ. Rất đáng mừng là, với vai trò, uy tín đó, đa số các linh mục đã biết phát huy thế mạnh của mình trong cộng đồng, dùng lời hay lẽ phải để thay mặt Chúa khuyên nhủ các giáo dân biết giữ đạo và sống đạo, kết hợp tốt giữa việc đạo và việc đời, sống có kỷ cương, tình thương, trách nhiệm... nhưng cũng thật đáng tiếc là bên cạnh đó vẫn còn một số linh mục do lập trường chính trị không vững vàng, có quan điểm sai trái hoặc do bị tác động của kẻ địch bên ngoài nên đã có thái độ, hoạt động cố tình vi phạm pháp luật. Tệ hại hơn, các cá nhân cá biệt này còn lợi dụng niềm tin tôn giáo của các tín đồ để lôi kéo họ vào những việc làm sai trái của mình.
Đồng thời với sự ảnh hưởng của niềm tin đến việc chấp hành pháp luật thì niềm tin tôn giáo cũng có ảnh hưởng rõ nét đến việc bài trừ các tệ nạn xã hội và phát huy tình đoàn kết cộng đồng. Trước hết đã là tín đồ công giáo thì điều đầu tiên cần phải biết và ghi nhớ là 10 điều răn của Thiên Chúa - xác định rõ trong quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, việc nào nên làm, được làm và việc nào không nên làm, không được làm. Trong đó có 6/10 điều răn trực tiếp đề cập đến việc tránh xa các tệ nạn xã hội. Để thực hiện tốt những điều răn dạy, cấm đoán này của Chúa, các tín đồ phải thực sự có niềm tin vào Thiên Chúa và kính Chúa trên hết mọi sự, có như vậy con người mới thoát khỏi những ham muốn trần tục, tầm thường, mới xây dựng được một cộng đồng "mình vì mọi người và mọi người vì mình". Những điều răn dạy, những quy phạm đạo đức trên rất gần gũi và cần thiết với chủ trương xây dựng khu dân cư văn hoá, an toàn làm chủ, không có tệ nạn xã hội. Thực tế cho thấy, ở các vùng giáo tinh thần đoàn kết cộng đồng được phát huy cao hơn so với các địa phương khác. Đặc biệt, các tệ nạn xã hội thì rất ít bắt gặp. Có những tín đồ phạm tội, được sự khuyên nhủ chân thành của linh mục, sự tác động của gia đình và sự động viên của cộng đồng nên đã biết ăn năn hối cải, trở thành những công dân - giáo dân tốt, tiến bộ, có ích cho gia đình, cộng đồng và xã hội; thậm chí có những trường hợp tín đồ phạm tội, qua xưng tội hoặc qua một số kênh thông tin, dư luận trong cộng đồng, linh mục đã đến tận nơi động viên, khuyên nhủ họ tự giác ra đầu thú, nhận tội trước chính quyền.
Như vậy chúng ta không thể phủ nhận những giá trị đạo đức của đạo công giáo mà thông qua sức mạnh của niềm tin tôn giáo đã tác động to lớn đến phong trào giữ gìn TT, ATXH. Để phát huy cao hơn nữa ảnh hưởng tích cực này chúng ta cũng cần phải kiên quyết đấu tranh chống lại những kẻ mượn danh Thiên Chúa để lợi dụng sự sùng kính của tín đồ nhằm mưu lợi ích cho cá nhân, cho một cộng đồng hạn hẹp và thực hiện ý đồ bành trướng ảnh hưởng trên tất cả các lĩnh vực khác của đời sống.