6 Cấu trúc luận văn
3.2 Đa dạng trong kết cấu
3.2.2 Kết cấu có cốt truyện
Trong mỗi phóng sự giai đoạn đầu thời đổi mới trên báo Văn nghệ đều là những câu chuyện có kết cấu giản dị, chặt chẽ và hiện đại. Các cây bút phóng sự đã sử dụng phóng sự như một thể loại văn học chứ không phải là một thể loại báo chí. Vì vậy, có
nhiều đặc điểm của truyện ngắn như ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp chồng chéo, nhân
nhiều tầng tuyến mà được xây dựng theo kiểu tương phản hoặc liên tưởng… Mỗi câu chuyện là một lát cắt tiêu biểu về cuộc sống của người nông dân. Câu chuyện nào cũng có nhân vật, có cốt truyện rõ rệt. Kết cấu đơn giản, không nhiều tầng tuyến nhưng sắp xếp các sự kiện hợp lý, làm nổi bật được vấn đề. Tuy nhiên, trên thực tế, quy mô chỉ ở mức vừa phải, không hoành tráng như phóng sự của giai đoạn 1932-1945, 1945-1975. Đa phần chỉ gặp ở tiểu loại phóng sự chân dung – một thể ghép từ phóng sự và ký chân dung với đặc tính trội là lấy con người làm đối tượng trung tâm của quá trình phản ánh. Có truyện mâu thuẫn nảy sinh, phát triển và kết thúc theo trật tự thời gian như Thủ tục để làm người còn sống, Buôn bán là một nghề gay lắm, Chứng nhân của hai cơ chế, Tôi đào được hồng ngọc, Vàng ơi…Nhưng trong một số phóng sự lại có
kết cấu đảo ngược đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc. Chẳng hạn, Từ “tứ
hùng” Sầm Sơn đến “thủ đô” Nông Cống, Tiếng kêu cứu từ một vùng văn hóa…Khảo sát phóng sự trên báo Văn nghệ giai đoạn 1986-1991 có thể bắt gặp các kiểu kết cấu cốt truyện sau:
Kết cấu truyền thống, là kiểu kết cấu mà hệ thống các sự kiện được sắp xếp theo trình tự tuyến tính từ khi xảy ra cho đến khi kết thúc, tức là tiến trình các sự kiện
xảy ra theo quy tắc nhân quả dẫn đến một kết cục. Ví dụ, phóng sự Người đàn bà quỳ
của Trần Khắc nổi lên một cốt truyện khá trọn vẹn, được xây dựng từ những sự kiện, biến cố, những bước ngoặt quan trọng của cuộc đời bà Khang – người đàn bà đi kiện. Chặng đường trải qua bao cay đắng, tủi hờn của nhân vật được sắp xếp, tổ chức theo trục thời gian tạo thành dòng chảy liền mạch. Khép lại chuỗi ngày tháng tủi nhục ê chề, mạch trần thuật mở nút với một kết luận có hậu, những kẻ gieo rắc tội ác phải trả
giá, công lý đã được thực thi. Giống như vậy, trong phóng sự Tôi đào được hồng ngọc
của Thái Chí Thanh, mở đầu phóng sự cho tới khi kết thúc là một hệ thống các sự kiện được diễn ra tiếp nối, sự kiện trước gắn kết với sự kiện sau. Khởi đầu là câu chuyện trở về quê của tác giả. Rồi được người em trai “dẫn dắt” vào nghề phu đá đỏ. Trải qua
“những trận đánh”, tác giả và người em trai của mình trở về với bàn tay trắng nhưng điều may mắn nhất là vẫn còn giữ được mạng sống. Như vậy, có thể thấy ở những phóng sự này, mạch trần thuật trùng khít với mạch sự kiện. Cốt truyện hiện lên rõ ràng, rành mạch, có mở đầu, có kết thúc, người đọc dễ dàng theo dõi và nắm bắt diễn biến câu chuyện.
Ở cốt truyện nghệ thuật, hệ thống sự kiện lại được tổ chức, sắp xếp theo ý đồ nghệ thuật của người viết nhằm thể hiện một ý tưởng, một quan niệm nào đó về sự
thật. Vì vậy, bố cục chuyện không diễn biến theo dòng chảy thời gian, trật tự nhân quả
vì thế cũng bị đảo lộn. Chẳng hạn trong phóng sự Từ “tứ hùng” Sầm Sơn đến “thủ
đô” Nông Cống của Trần Huy Quang, mạch trần thuật không hoàn toàn trùng khít với diễn biến của cuộc đời nhân vật. Phóng sự mở đầu từ bối cảnh hiện tại, tác giả trên đường đi Sầm Sơn thì xe hỏng phải dừng lại nhà dân bên đường để sửa chữa, dòng trần thuật đột ngột ngược về với quá khứ đắng cay, bắt đầu từ sự kiện của một người cán bộ già làm trong ngành tòa án, cách đây một năm vì làm theo lẽ phải nhưng trái ý cấp trên nên bị đuổi về. Dòng trần thuật đi ngược lại quá khứ còn xuất hiện ở đoạn cuối của phóng sự khi tác giả tình cờ gặp lại cô gái làm công nhân xay xát ở chợ huyện và mạch trần thuật một lần nữa không bắt nhịp sự kiện khi quay ngược trở lại quá khứ để nói về những tai ương mà cô công nhân gặp phải khi tình cờ chứng kiến việc làm sai trái của ông giám đốc xí nghiệp, để rồi bị trù úm. Như vậy, có thể thấy, nếu kết cấu truyền thống thường mở nút bằng một cái kết cụ thể, mẫu thuẫn được giải quyết trọn vẹn thì kết cấu cốt truyện nghệ thuật đôi khi chưa thật sự mở nút, dòng sự kiện vẫn còn lưu chuyển, mở ra những khoảng trống cần thiết để độc giả
cùng bạn đọc nhập cuộc, đối thoại. Từ “tứ hùng” Sầm Sơn đến “thủ đô” Nông Cống
có một kết thúc bỏ ngỏ như vậy. Người đọc chưa biết số phận của những nhân vật bị trù dập hiện giờ ra sao, kẻ gây ra oan trái bị trả giá như thế nào…Điều này hoàn toàn
phù hợp với nhận định của Nôen Đuytơre: “Tất cả các biện pháp của công việc sáng
tác tiểu thuyết hay truyện ngắn (trừ hư cấu) đều được sử dụng trong văn học phóng
sự” [18, tr.11].