Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên, vấn đề cơ bản và nổi bật nhất là quan điểm giáo dục toàn diện, mà nội dung bao gồm: giáo dục chính trị, giáo dục đạo đức, giáo dục văn hoá, khoa học kỹ thuật và quân sự, giáo dục lao động – nghề nghiệp, giáo dục sức khoẻ và thể chất, giáo dục nhân cách, thẩm mỹ, pháp luật… Trong Thư gửi các cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường và các lớp bổ túc văn hoá, ngày 31 – 8 – 1960, Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hoá, kỹ thuật, lao động và sản xuất” [22; tr. 190]. Trong đó, Người đặc biệt coi trọng, đề cao vai trò của việc giáo dục đạo đức cách mạng và coi đó là một trong những nhân tố cơ bản góp phần hoàn thiện nhân cách cho thanh niên.
Trước hết, theo Người mục đích của việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho thanh niên là nhằm giúp họ trở thành những công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người chủ xứng đáng của đất nước và là người cách mạng chân chính…Đó là những con người “vừa có đức vừa có tài”, “vừa hồng vừa chuyên”. Trong mối quan hệ “đức - tài”, “hồng - chuyên” đó, Hồ Chí Minh coi “đạo đức là gốc của người cách mạng”, là vấn đề có ý nghĩa quyết định của việc xây dựng con người mới. Người dạy: “Thanh niên ta phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và phải trau dồi đạo đức của người cách mạng” [25; tr.31]. Bởi vì “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có
nguồn sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” [17; tr.252]. Chính nhờ có đạo đức cách mạng mà mỗi thanh niên có thể tự phấn đấu hoàn thiện mình, hình thành năng lực để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Vì vậy, đạo đức cách mạng là nền tảng vững chắc để thanh niên hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình.
Xuất phát từ tư tưởng coi đạo đức là nền tảng của người cách mạng, Hồ Chí Minh đã có rất nhiều bài nói, bài viết đề cập đến vấn đề giáo dục đạo đức cách mạng. Đặc biệt trong 5 điểm Bác dạy thanh niên và 5 điều Bác dạy thiếu nhi đều toát lên một sự quan tâm sâu sắc về việc giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh thiếu niên – những người chủ tương lai của đất nước. Đặc biệt, Người đã nêu lên những nội dung cụ thể về giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho thanh niên. Đó là giáo dục những phẩm chất đạo đức cơ bản, cần thiết cho thanh niên. Cụ thể là
-Thứ nhất, giáo dục thanh niên trung với nước, với Đảng, hiếu với nhân dân
Có thể thấy, khi nói tới giáo dục đạo đức cách mạng, vấn đề quan trọng hàng đầu được Hồ Chí Minh quan tâm là làm cho thanh niên nhận thức được rằng: đạo đức cách mạng là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và hiếu với nhân dân. Thực ra, khái niệm “trung, hiếu” vốn là những khái niệm đạo đức đã có trong tư tưởng đạo đức truyền thống Việt Nam và phương Đông nhưng đã được Hồ Chí Minh sử dụng và đưa vào những nội dung mới. Trước kia, trong thời kỳ phong kiến là trung quân, trung thành với vua vì vua và nước là một, vua là nước, nước là nước của vua. Còn hiếu thì chỉ thu hẹp trong phạm vi gia đình là con cái phải hiếu thảo với cha mẹ, phải chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, khái niệm “trung, hiếu” đã được nâng cao, phát triển mang tính cách mạng, vượt qua được hạn chế của những quan niệm truyền
thống. Bởi vì theo Người: “Đạo đức ngày nay cao rộng hơn; không phải chỉ có hiếu với cha mẹ mà phải trung với nước, hiếu với dân”. Đây là chuẩn mực đạo đức có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Theo đó, trung với nước là trung thành với sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Muốn có lòng trung với nước thì phải giáo dục cho thanh niên tinh thần yêu nước nồng nàn, sâu sắc. Về nội dung này, Hồ Chí Minh nói rất rõ: yêu Tổ quốc là cái gì trái với quyền lợi của Tổ quốc, chúng ta kiên quyết chống lại. Tư tưởng quán xuyến của Người là Tổ quốc luôn gắn liền với nhân dân vì nước là nước của dân và dân là người chủ của đất nước. Vì vậy, yêu nước hay trung với nước là làm sao cho “dân giàu, nước mạnh” – điều này đã được Hồ Chí Minh đưa ra từ rất sớm ngay sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng.
Trung với Đảng, theo Hồ Chí Minh là phải giáo dục cho thanh niên có được những đức tính trung thực, ngay thẳng, không tà, không làm việc ác. Ngoài lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của cách mạng không có lợi ích riêng. Lúc được giao việc thì bất kỳ việc to nhỏ đều ra sức làm cẩn thận, có hiệu quả và phải biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng. Đó là những nội dung hết sức sinh động, cụ thể vừa là thước đo, vừa là chỉ dẫn không chỉ riêng đối với thanh niên mà còn cho tất cả những ai tự nguyện chiến đấu dưới ngọn cờ của Tổ quốc, của Đảng.
Mặt khác, theo Hồ Chí Minh phải giáo dục cho thanh niên có được tấm lòng hiếu thảo. Nếu như Nho giáo chỉ giới hạn chữ hiếu đối với cha mẹ thì Hồ Chí Minh một mặt luôn nhắc nhở thanh niên phải kính trọng và thương yêu cha mẹ, mặt khác Người cũng đã mở rộng phạm vi chữ hiếu là hiếu với nhân dân. Hiếu với dân như lời dạy của Người là phải giáo dục thanh niên biết yêu mến nhân dân, quý trọng nhân dân, học tập, chiến đấu vì nhân dân, làm cho ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Phải chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, tích cực giúp đỡ nhân dân vượt qua mọi khó khăn trong
cuộc sống để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Đồng thời dám đấu tranh chống lại mọi biểu hiện sách nhiễu nhân dân, gây phiền hà cho nhân dân và luôn dựa vào nhân dân để phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, làm cho nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào chế độ xã hội chủ nghĩa.
- Thứ hai, giáo dục thanh niên cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư
Khi giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, Hồ Chí Minh rất chú trọng đến việc giáo dục những phẩm chất cao quý như: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đây cũng là những khái niệm đạo đức cũ được Hồ Chí Minh tiếp thu, chọn lọc, đưa vào những yêu cầu và nội dung mới. Người chỉ ra rằng: phong kiến nêu ra cần, kiệm, liêm, chính nhưng không thực hiện; ngày nay, ta đề ra cần, kiệm, liêm, chính là cho cán bộ thực hiện làm gương cho nhân dân theo để lợi cho nước, cho dân. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là một biểu hiện sinh động của phẩm chất “trung với nước, hiếu với dân”.
Trong tác phẩm “Cần kiệm liêm chính” tháng 6 – 1949, Hồ Chí Minh đã có sự phân tích cụ thể về bốn đức tính. Trong đó, theo Người “Cần tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai…Cần thì việc gì, dù khó khăn mấy cũng làm được…Cần không phải là làm xổi…Cần là luôn cố gắng, luôn luôn chăm chỉ, cả năm cả đời. Nhưng không làm quá trớn. Phải biết nuôi dưỡng tinh thần và lực lượng của mình, để làm việc cho lâu dài. Lười biếng là kẻ địch của chữ Cần”. Còn “Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”, nhưng Kiệm cũng không phải là bủn xỉn. “Liêm” theo Hồ Chí Minh có nghĩa là “trong sạch, không tham lam”. “Chính” nghĩa là “không tà, nghĩa là ngay thẳng, đứng đắn”. Giữa các đức tính đó có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó “cần” và “kiệm” “ đi đôi với nhau như hai chân của con người – Cần mà không kiệm thì làm chừng nào xào chừng ấy, cũng như một cái thùng không có đáy, nước đổ vào chừng nào chảy hết chừng ấy, không lại hoàn không. Kiệm mà không cần thì không tăng thêm, không phát triển được…Cần, kiệm, liêm là gốc rễ của
chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có cành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải cần, kiệm, liêm, nhưng còn phải chính mới là người hoàn toàn” [17; tr. 632 – 643]. Cần, kiệm, liêm, chính rất cần thiết đối với tất cả mọi người. Vì vậy, năm 1949 với bút danh Chiến Thắng, dưới đầu đề Cần kiệm liêm chính, Hồ Chí Minh đã viết:
“ Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính Thiếu một mùa, thì không thành trời
Thiếu một phương, thì không thành đất
Thiếu một đức, thì không thành người” [17; tr.631]
Điều đó cho thấy sự quan trọng và cần thiết của “Cần, kiệm, liêm, chính” đối với con người. Đối với thanh niên là những người chủ tương lai của đất nước thì bốn đức tính đó càng cần thiết hơn bởi lẽ đó là một trong những tiền đề, điều kiện quan trọng để thanh niên có thể “làm việc, làm người, làm cán bộ, để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”.
Gắn liền với bốn đức tính “cần, kiệm, liêm, chính” là “chí công vô tư”. Trong đó “chí công” tức là yêu cầu phải rất công minh, chính trực, công bằng, công tâm. Còn “vô tư” là không được thiên tư, thiên vị. Tựu chung lại “chí công vô tư” đó là làm việc gì cũng không nghĩ đến mình trước, chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào; là đặt lợi ích của cách mạng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Thực hành chí công vô tư cũng có nghĩa là phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Vì vậy, trong mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, Hồ Chí Minh đòi hỏi thanh niên phải tự hỏi mình đã làm
gì cho nước nhà, chứ không phải là hỏi nước nhà đã làm cho mình những gì. Đối với tập thể và gia đình cũng vậy. Phải giáo dục cho thanh niên có tình thương và trách nhiệm với mọi người. Hồ Chí Minh đã nhiều lần nghiêm khắc phê bình những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong thanh niên. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Người chỉ rõ: “ Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm tới lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm như quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí, xa hoa, tham danh trục lợi, thích địa vị, quyền hành, tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền…Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, chủ nghĩa xã hội” [22; tr.306]. Vì vậy, trong 5 điểm dạy thanh niên, Hồ Chí Minh đã nhắc nhở thanh niên phải “kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do”. Người cũng đã nhiều lần nói về tính chất nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân vì “Chủ nghĩa cá nhân trái với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình; dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng. Chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian xảo, xảo quyệt, nó khéo dỗ dành người ta xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn leo dốc. Vì thế mà càng nguy hiểm” [21; tr. 283, 384].
Tóm lại, theo Hồ Chí Minh “chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tiểu tư sản còn ẩn nấp trong mình mỗi người chúng ta. Nó chờ dịp – hoặc dịp thất bại, hoặc dịp thắng lợi - để ngóc đầu dậy”[24; tr.557]. Vì vậy, chủ nghĩa cá nhân là mối nguy hại cho cá nhân con người, cho mỗi đảng viên và cả dân tộc. Hồ Chí Minh viết: “Một dân tộc, một đảng viên và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá
nhân”[24; tr.558]. Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta cần phải kiên quyết loại bỏ chủ nghĩa cá nhân.
Tuy nhiên, cũng cần nhận thức đúng đắn đâu là chủ nghĩa cá nhân, đâu là lợi ích cá nhân. Hồ Chí Minh cho rằng: “đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là giày xéo lên lợi ích cá nhân”. Mỗi người đều có cá tính riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và của gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu. Mặc dù vậy, Người cũng tỏ thái độ phản đối kiên quyết tư tưởng coi lợi ích cá nhân tách rời lợi ích tập thể, bởi nó phá hoại sự phát triển hài hoà của tập thể, không thể nào dẫn đến sự phát triển tốt đẹp của nền đạo đức xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, việc quan tâm tới lợi ích cá nhân và chống chủ nghĩa cá nhân đòi hỏi thanh niên phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa lợi ích của mình với lợi ích của tập thể và xã hội; phải biết đặt lợi ích cá nhân trong lợi ích tập thể, xã hội, biết làm cho lợi ích cá nhân và xã hội phát triển hài hoà. Xã hội không đòi hỏi cá nhân phải hạn chế lợi ích của mình, mà yêu cầu cá nhân quan tâm thúc đẩy lợi ích riêng trong sự phát triển lợi ích chung của tập thể và xã hội. Vì vậy, khi giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể có sự mâu thuẫn với nhau thì đòi hỏi mỗi cá nhân phải biết điều chỉnh lợi ích của mình cho phù hợp với lợi ích của tập thể. Không những thế, trong những trường hợp nhất định còn phải biết hy sinh lợi ích riêng, vì lợi ích chung. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã nói: “Nếu lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể, thì đạo đức cách mạng đòi hỏi lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể” [21; tr. 291- 292].
- Thứ ba, giáo dục thanh niên về Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm
Như chúng ta đã biết, các chế độ phong kiến ở nước ta cũng đã từng coi việc giáo dục đạo đức cho nhân dân nói chung, thanh niên nói riêng là vấn đề quan trọng. Giai cấp phong kiến Việt Nam đã lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng
chính thống và các trí thức, hiền nho cho rằng “ngũ thường” là những phẩm chất quan trọng nhất của con người. Đó là: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tóm tắt những phẩm chất cơ bản của người cách mạng là “nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”. Trong 5 điều ấy có 3 khái niệm nằm trong “ngũ thường”, còn “dũng” và “liêm” cũng là những khái niệm đạo đức được nhân dân ta coi trọng. Thế nhưng khi Người phân tích về những khái niệm đạo đức nêu trên chúng ta thấy có sự khác hẳn về bản chất so với nội dung truyền thống, bởi lẽ đạo đức mà Người dạy thanh niên phải luôn trau dồi là đạo đức cách mạng chứ không phải đạo đức chung chung, lại càng khác xa với đạo đức phong kiến. Vì thế, Người đã có những giải thích cụ thể từng điều theo cách riêng mà Người suy nghĩ.
Cụ thể là khi nói về “nhân”, theo quan niệm của Nho giáo thì “Nhân là yêu người, nhân là làm cho người ta yêu mình, nhân là yêu mình”, thì ở Hồ Chí