Thực trạng việc vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cho thanh niên ở nước ta hiện nay

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan điểm của hồ chí minh về giáo dục đạo đức cho thanh niên và vận dụng vào điều kiện hiện nay (Trang 61 - 66)

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng nước ta. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Đảng ta đã nêu rõ: nắm vững và vận dụng sáng tạo những luận điểm cơ bản và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay. Quan điểm Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cho thanh niên là một trong những nội dung quan trọng được Đảng, Nhà nước quan tâm, quán triệt và vận dụng vào thực tiễn. Sự vận dụng đó được thể hiện rõ trong việc đề ra các chủ trương, chính sách, mục tiêu về giáo dục, đào tạo và công tác thanh niên qua các kỳ đại hội.

Đặc biệt, trong chương trình cải cách giáo dục lý luận chính trị cho thanh niên ở các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp từ năm 1984, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã quyết định cùng với bốn môn học lý luận Mác – Lênin bổ sung môn giáo dục đạo đức vào chương trình chính khoá. Uỷ ban Cải cách giáo dục Trung ương chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 14 của Bộ Chính trị ( khoá IV) đã có hai quyết nghị 01 và 06 về tăng cường giáo dục đạo đức cho thanh niên học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, vấn đề giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên đang chịu những tác động của kinh tế thị trường làm cho công tác này gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, những hiện tượng được gọi là tiêu cực xuất hiện nhiều trong đời sống kinh tế – xã hội như mua bán văn hoá phẩm đồi truỵ, sản xuất và lưu thông nhiều hàng hoá giả, mê tín dị đoan, tham nhũng…có nguyên nhân từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, của việc buông lỏng kỷ cương pháp luật và công tác giáo dục kém hiệu quả. Bên cạnh đó, những quan niệm mới về đạo đức, những nguyên tắc, chuẩn mực, hệ thống giá trị đạo đức trên bình diện xã hội đang thay đổi, đang hình thành xác lập những chuẩn mực mới. Do đó, việc giáo dục đạo đức cho thanh niên càng có vị trí quan trọng trong các định hướng nội dung giáo dục xã hội chủ nghĩa. Để phát triển toàn diện, thanh niên không chỉ cần có năng lực nghề nghiệp chuyên môn giỏi mà còn cần phải có những phẩm chất xã hội chủ yếu được xác lập vững vàng như phẩm chất chính trị, pháp luật, lao động, đạo đức, thẩm mỹ…Thiếu phẩm chất đạo đức, người thanh niên sẽ phát triển một cách “khập khiễng”. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, trong cuộc đấu tranh giữa hai con đường (con đường xã hội chủ nghĩa và con đường tư bản chủ nghĩa) diễn ra phức tạp, gay gắt và lâu dài, nhiều tàn dư, tập quán và lối sống cũ lạc hậu, cũng như lối sống tư sản…càng dễ xâm nhập vào thanh niên. Do đó, càng phải quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cho thanh niên.

Những năm qua, việc giáo dục đạo đức cho thanh niên đã được coi trọng trong nhà trường cũng như ở ngoài xã hội. Nội dung, hình thức giáo dục phong phú, đa dạng được triển khai sâu rộng trong nhà trường, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong sinh hoạt Đoàn, Hội, cùng các hoạt động tình nghĩa như: đoàn kết giúp đỡ nhau trong học tập, quyên góp giúp đỡ các bạn vùng bị thiên tai, giúp đỡ các gia đình khó khăn, gia đình chính sách…Đến nay, phong trào đã đi vào nền nếp ở các trường, các cơ sở đoàn, hội, các địa phương… Các hoạt động đó đã tạo nên xu hướng tích cực về đạo đức trong thanh niên. Số thanh niên xếp loại đạo đức tốt ngày càng nhiều hơn, chính số này có sức lôi cuốn mạnh hơn đối với bộ phận còn lại. Nền nếp học tập, sinh hoạt, trật tự vệ sinh trong nhà trường, nơi công cộng và việc chấp hành luật lệ giao thông cũng có sự tiến bộ rõ rệt trong thanh niên.

Mặc dù có sự biến động chính trị sâu sắc ở nhiều nước trên thế giới và có sự tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, thanh niên ta nhìn chung vẫn giữ gìn đạo đức trong sáng, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu nhanh chóng các giá trị văn hoá tiên tiến của thế giới. Tuy nhiên, trong thanh niên đã xuất hiện nhiều biểu hiện không lành mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng về đạo đức, lối sống. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) đã nêu rõ: “Điều đáng quan tâm là các quan hệ đạo đức giữa người với người, một trong những phương diện quan trọng nhất của văn hoá, có nhiều mặt bị sa sút nghiêm trọng” [9; tr.13]. Một số thanh niên thuộc gia đình khá giả được nuông chiều, quen đòi hỏi hưởng thụ, ích kỷ, ỷ lại, ít quan tâm chăm sóc ông bà, cha mẹ, bà con hàng xóm; ít chăm lo công việc gia đình, cộng đồng, xã hội. Bên cạnh đó, nhiều gia đình có mức sống thấp, lo kiếm sống hàng ngày, không có thời gian quan tâm giáo dục con em nên một số thanh niên bị tiêm nhiễm các thói hư tật xấu ngoài xã hội. Thực tế đã cho thấy, sự suy giảm đạo đức trong thanh niên, học sinh một phần lớn là do sự thiếu quan tâm giáo dục từ phía gia đình. Ở nhà trường, số thanh niên yếu kém về đạo đức tuy có giảm nhưng số

lượng vẫn còn lớn. Tình trạng kỷ luật, kỷ cương của lớp, của trường không được tôn trọng. Hiện tượng gây gổ, đánh nhau, học tập đối phó, gian dối trong kiểm tra, thi cử vẫn còn nhiều và có chiều hướng gia tăng. Tình trạng chạy điểm, mua bằng, làm bằng giả… vẫn diễn ra. Truyền thống tôn sư trọng đạo bị suy giảm; mức độ nghiêm trọng của những hành động bạo lực, hư hỗn trong nhà trường ở những thanh niên học sinh cá biệt có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu thống kê trong một cuộc điều tra của Tổ môn Giáo dục công dân , Phòng Giáo dục - đào tạo, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh có liên quan đến vấn đề đạo đức, lối sống với 500 học sinh từ Trung học cơ sở trên địa bàn đã cho thấy: Có 38,8% học sinh thường xuyên chửi thề, nói tục; 53,6% thỉnh thoảng nói tục; 32,2% thường xuyên vô lễ với thầy cô, nhiều học sinh chỉ chào thầy cô trong trường còn ra ngoài đường thì coi như không quen biết. Số học sinh vi phạm pháp luật, thiếu lễ độ với người lớn, nói tục, gây gổ đánh nhau, không trung thực, ích kỷ, ham chơi, đua đòi,…ngày càng nhiều. Chuyện học sinh cầm xe, cầm đồ, trộm cướp tài sản lấy tiền tiêu xài diễn ra ngày càng nhiều và phổ biến. Điều đó cho thấy thực trạng xuống cấp đạo đức trong thanh niên học sinh đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó, chương trình giáo dục đạo đức lại chưa thể hiện được vai trò quan trọng của môn này. Ở bậc Trung học phổ thông, học sinh lớp 11, 12 không có tiết đạo đức nào. Chương trình Giáo dục công dân lớp 10 với 29 tiết / năm lại rất nặng nề về kiến thức với 2 phần triết học và đạo đức gồm các nội dung trừu tượng, hàn lâm: các phạm trù đạo đức cơ bản, các khái niệm và các giá trị đạo đức; vật chất, ý thức, tồn tại xã hội, ý thức xã hội, phương pháp luận biện chứng…Chính điều này làm học sinh thiếu hứng thú và hiệu quả giáo dục không cao. Ở các trường cao đẳng, đại học, số lượng thanh niên sinh viên vi phạm pháp luật cũng còn nhiều. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn từ 2003 – 2007, số sinh viên phạm tội hình sự là 27 sinh viên, bị bắt giữ liên quan đến vụ việc khác là 77

sinh viên, 126 sinh viên bị buộc thôi học và 2.533 sinh viên vi phạm quy chế nhà trường.

Ở ngoài xã hội, chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ, thích hưởng thụ vật chất có chiều hướng phát triển. Ý thức tập thể, cộng đồng, tính tích cực xã hội bị suy giảm. Hành vi tôn trọng trật tự, vệ sinh công cộng, bảo vệ môi trường, kính trọng người già, giúp đỡ trẻ em, tôn trọng phụ nữ, bảo vệ các tài sản công cộng còn rất hạn chế trong một bộ phận thanh niên. Số thanh niên phạm tội, vi phạm pháp luật năm sau cao hơn năm trước và mức độ nguy hiểm cũng có chiều hướng gia tăng. Theo Báo lao động số 217 ngày 20 – 09 – 2008, thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho thấy “nếu năm 1986 có 3.607 người chưa thành niên phạm tội bị phát hiện thì đến năm 1996, con số này là 11.726 em”. Trung bình mỗi năm, trên cả nước có 4.746 người chưa thành niên phạm tội bị phát hiện. Thanh niên có mặt ở hầu hết các nhóm tội danh nhưng chủ yếu là phạm tội trộm cắp, cướp giật tài sản công dân, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, đánh bạc.

Tình trạng thanh niên học sinh, sinh viên nghiện hút, sử dụng ma túy và các chất gây nghiện diễn ra rất nghiêm trọng. Nếu như năm 2004, chỉ có 600 học sinh, sinh viên nghiện ma tuý, thì đến năm 2007, con số này đã tăng lên 1.234 học sinh, sinh viên.

Nếp sống sinh hoạt cá nhân thiếu lành mạnh còn biểu hiện ở một bộ phận thanh niên như: chưa tiết kiệm thời gian, tiền của, một số chạy theo lối sống tiêu xài…. Một số chạy theo lối sống thực dụng, kiếm tiền bằng mọi cách đã dẫn đến những hành vi sai phạm đạo đức, pháp luật. Ý chí chịu khó, chịu khổ, quyết tâm học tập, rèn luyện vươn lên thành tài, lập thân lập nghiệp mới chỉ có ở một bộ phận thanh niên, số yếu kém trong đạo đức, lối sống vẫn còn chiếm số đông.

Những thực trạng trên cho thấy, việc giáo dục đạo đức cho thanh niên vẫn chưa được chú trọng đúng mức và cũng chưa đem lại hiệu quả cao. Điều đó đòi hỏi cần phải tiếp tục nâng cao, bồi dưỡng và giáo dục đạo đức cho thanh niên. Trong đó, việc giáo dục đạo đức theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được coi là một biện pháp hữu hiệu.

2.3. Một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cho thanh niên ở nước ta hiện nay

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan điểm của hồ chí minh về giáo dục đạo đức cho thanh niên và vận dụng vào điều kiện hiện nay (Trang 61 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)