8. Kết cấu của luận văn
2.2. Lôgíc học và con đường tìm kiếm chân lý đi đến tự do
2.2.2. Lôgíc học với sự phát triển tinh thần tự do
Vương quốc của tư tưởng (theo triết học) nghĩa là trong sự vận động bên trong vốn có của nó (hay sự phát triển tất yếu của nó), hình thức của tư duy không thể bị coi là những bộ xương khô mà chính là đời sống sinh động. Sự bắt đầu của nhận thức: Tiến bộ và vô hạn, sự giải phóng, các hình thức của tư duy khỏi vật liệu, khỏi những biểu tượng, những nguyện vọng,
việc rút ra cái phổ biến. Những phạm trù lôgíc là rút gọn của một số vô tận những chi tiết của sự tồn tại và hoạt động bên ngoài. Đến lượt chúng, các phạm trù ấy phục vụ cho con người trong thực tiễn, trong việc sản xuất nội dung sinh động ở trong tinh thần, trong việc sáng tạo ra tư tưởng và trong việc trao đổi tư tưởng, khi đó nhận thức của con người có tự do.
Hêghen đòi hỏi phải có một lôgíc mà những hình thức phải là những hình thức có nội dung thực tế, sinh động, gắn liền chặt chẽ với nội dung. Hêghen chú ý đến những ý niệm về tất cả những sự vật thuộc giới tự nhiên và thuộc lĩnh vực tinh thần. Yêu cầu cần nhận thức được bản tính lôgíc, cái bản tính lôgíc cổ vũ tinh thần, thúc đẩy và hoạt động trong tinh thần, đó là nhiệm vụ phải làm. Dựa vào ý này của Hêghen, Lênin kết luận rằng: “Lôgíc không phải là những hình thức bên ngoài của tư duy mà là những hình thức và quy luật phát triển của tất thảy mọi sự vật vật chất, tự nhiên, tinh thần, tức là học thuyết về những quy luật phát triển của toàn bộ nội dung cụ thể của thế giới và nhận thức thế giới, tức là sự tổng kết, tổng số kết luận của lịch sử nhận thức thế giới” [36, 101].
Để có được nhận thức đúng một điều rất quan trọng là phải có phương pháp đúng, xung quanh con người có một hệ thống màng lưới những hiện tượng tự nhiên, con người bản năng, man rợ không biết tách khỏi giới tự nhiên cho nên không nhận thức được đúng về thế giới. Người có ý thức sẽ tự biết tách khỏi giới tự nhiên, xây dựng lên cho mình một hệ thống những phạm trù như là những giai đoạn của sự tách khỏi đó, chúng là những điểm nút của màng lưới và giúp ta nhận thức, nắm chắc được màng lưới.
Ta biết rằng đối tượng nghiên cứu của lôgíc học là tư tưởng với tính cách là sản phẩm của tư duy thuần tuý, và tự do không những là cái đích cuối cùng của nhận thức mà nó còn nằm trong quá trình nhận thức: “Sự tự do trực tiếp nằm ngay trong tư duy, bởi tư duy là hoạt động của cái phổ biến, là một
sự tự quan hệ với chính mình, và do đó là trừu tượng” [14, 109]. Nó là khoa học về những tư tưởng thuần tuý của Ý niệm tự mình và cho mình. Vậy Lôgíc học là học thuyết về tư tưởng, hơn thế, về tư tưởng không còn chỉ ở trong sự vận động của việc phản tư vào trong chính mình mà đã quay trở về trong chính mình (về khái niệm) một cách tuyệt đối. Từ nay khái niệm tự phát triển để trở thành tự mình và cho mình, xuất phát từ cái cho mình tự do. Như vậy, quá trình nhận thức đi từ lôgíc học tồn tại đến bản chất và cuối cùng đến lôgíc học khái niệm cũng chính là quá trình đi tới tự do. Trong lôgíc bản chất, Hêghen đã đưa ra luận điểm có vẻ rất nghịch lý là sự đồng nhất giữa tự do và tất yếu. Ở đây, tính nhân quả không còn là khái niệm đối lập với tự do nữa, vì trong khuôn khổ của bản chất, việc được nguyên nhân quy định không còn mang tính cách của việc bị quy định từ bên ngoài, từ cái xa lạ. Theo Hêghen, tôi tự do không phải bằng cách tự phát, lấy chính mình làm một nguyên nhân thứ nhất mà là thấu hiểu tiến trình của nguyên nhân – kết quả như là tiến trình của một sự tạo hình thái của cái Tuyệt đối bao trùm cả tôi. Một sự tự do chống lại điều ấy, tìm cách tự khẳng định như là tự do cá nhân riêng lẻ đối lập lại với tiến trình của hiện thực, với Hêghen là sự tuỳ tiện. Tự do không có nghĩa là lấy cái tồn tại hiện có bất tất của mình làm ra thước đo cho cái hiện thực, mà ngược lại, chính vẻ ngoài xa lạ của một sự tất yếu đối với tôi là tiền đề để tôi nhận ra không gian cho sự hiện thực của tôi. Hiện thực là không gian trong đó tôi có thể ở trong nhà của mình nơi cái khác, tự do của cá nhân riêng lẻ tự hiện thực hoá như là tự do của thế giới trong đó cá nhân hiện hữu. Sự đồng nhất giữa tự do và tất yếu đã đưa lôgíc học về bản chất sang lôgíc học về khái niệm, thực chất khái niệm là đồng nhất với tự do: “Khái niệm là cái tự
do như là sức mạnh bản thể tồn tại cho mình và là [cái] toàn thể” [14,
669], khái niệm không chỉ là sự tự do nói chung mà là cái gì đang tự do, hay cái tự do. Thật ra, bản thể đã mang trong mình mầm mống của tự do trong
chừng mực sức mạnh tuyệt đối của nó làm chủ (một cách phủ định) đối với tất cả sự phong phú của nội dung của nó. Tuy nhiên, bản thể vẫn còn gắn bó quá trực tiếp với nội dung - tuỳ thể của nó, và nội dung này chưa có một sự độc lập tự tồn đầy đủ để cho sự thống nhất phủ định của hình thức tạo nên một sự tự do đúng thật, nghĩa là, tạo nên một sự phản tư – trong mình ở trong cái khác của mình. Ngược lại, trong khái niệm ta đã thấy sức mạnh bản thể này từ nay là tuyệt đối cho mình như là sự phủ định hiện thực đối với một sự phủ định hiện thực. Vì thế, khi kết hợp bề dày của bản thể và trong sự trong suốt chủ quan của cái cho mình (sức mạnh bản thể tồn tại cho mình), khái niệm thực sự là tự do. Sự tự do khái niệm không phải là một sự trừu tượng nữa mà là một sự quy định hiện thực, do đó là cái toàn thể. Như thế có nghĩa là ngay trong sự quy định để dị biệt hóa cái tự mình của nó, nó vẫn tuyệt đối là cho mình. Đó chính là sự tự quy định hay sự quy định tự mình và cho mình.
Để làm rõ hơn tự do là gì, Hêghen đã xác lập mối quan hệ giữa tự do và tất yếu, ông cho rằng, chân lý của sự tất yếu là Tự do, sự tự do không gì khác hơn là sự tất yếu nội tại và trong suốt nhờ đó “Tư tưởng làm chủ những quy định lôgíc tất yếu như là làm chủ những quy định của chính mình về mình và bởi mình. Do đó chân lý này của sự tất yếu chính là sự Tự do”[14, 651].
Sự tự do là chân lý của sự tất yếu, tự do ở đây không phải là sự phủ định trừu tượng đối với sự tất yếu mà là sự vượt bỏ. Tất yếu là cái có sức mạnh cưỡng chế, con người không có quyền lực đối với cái tất yếu. Để minh hoạ điều này, Hêghen đã đưa ra các quy luật tự nhiên được khoa học tự nhiên phát hiện ra, chúng tác động một cách không phụ thuộc vào ý chí và ý thức của con người, con người chỉ còn cách phải nghiên cứu các quy luật ấy, tính đến và sử dụng chúng trong hoạt động thực tiễn của mình. Đương nhiên, tất yếu đóng vai trò là cái hạn chế tự do bên ngoài của con người. Chính vì vậy mà quan hệ giữa tự do bên ngoài và tất yếu đã thu hút được sự quan tâm của Hêghen, khi đặt tự do phụ
thuộc vào tất yếu, Hêghen đã vượt ra khỏi khuôn khổ của những quan niệm đạo đức về tự do vốn đặc trưng cho Thiên chúa giáo.
Theo cách hiểu thông thường, tự do là vượt ra khỏi mọi ràng buộc, quy định. Liệu điều này có đúng không. Theo Hêghen: “Nếu ta nhầm tưởng rằng bằng cách cứ dấn thân vào tính vô hạn ấy, ta tự giải thoát mình ra khỏi cái hữu hạn, thì trong thực tế, chỉ là sự giải thoát của việc trốn chạy. Nhưng kẻ trốn chạy vẫn chưa phải là tự do vì trong việc trốn chạy, người ấy vẫn còn bị quy định bởi điều làm cho người ấy phải trốn chạy” [14, 335 - 336]. Theo Hêghen, tự do là cái tất yếu đã được nhận thức. Câu hỏi đặt ra là, vậy cái tất yếu là gì? Ở đây, cái tất yếu được hiểu là các quy luật tự nhiên. Do vậy, có thể viết lại định nghĩa về tự do của Hêghen như sau: tự do là các quy luật tự nhiên được nhận thức. Hêghen cho là con người càng nhận thức một cách chính xác, rõ ràng và toàn diện về cái tất yếu bao nhiêu thì càng tự do bấy nhiêu.
Định nghĩa này đã phát triển hơn so với các quan điểm của các nhà triết học trước đây, tự do từ một trạng thái bản năng đến tự do trong mối tương quan với cái tất yếu. Như vậy, ranh giới của trạng thái tự do và trạng thái không có tự do chính là cột mốc nhận thức được cái tất yếu. Nhận thức được cái tất yếu, con người sẽ không nhân danh tự do để thực hiện những hành vi kìm hãm sự phát triển của bản thân anh ta và cả cộng đồng. Chính lúc ấy, tự do sẽ là điều kiện tinh thần giúp con người tiếp cận với sự phát triển thực thụ và toàn diện.
Tự do trong triết học Hêghen thể hiện ra là tự do chủ quan, tất yếu hiển nhiên là cái hạn chế tự do chủ quan, nhưng khi đó, đương nhiên sẽ nảy sinh vấn đề khắc phục cái tất yếu. Trong trường hợp ngược lại, tự do là không đầy đủ, bị hạn chế. Tự do bị hạn chế, về thực chất là đã không tự do, đó là nỗi sợ hãi trước cái tất yếu, tuy nhiên để đi đến tự do Hêghen không sử dụng phương pháp loại bỏ cái tất yếu, mà ngược lại đồng hoá cái tất yếu ấy. Việc nhận thức
được cái tất yếu thể hiện ra là bước đi thứ nhất trên con đường đồng hoá như vậy. Sau khi đã nhận thức được cái tất yếu (các quy luật của tự nhiên và của xã hội) con người có khả năng bắt cái tất yếu phục tùng lợi ích và nhu cầu của mình. Song điều đó chỉ có thể diễn ra với một điều kiện là tự do hiện diện trong bản thân tất yếu, mặc dù dưới dạng bị che đậy Hêghen viết: “Chân lý của bản thân tất yếu là tự do”. Như vậy, cái tất yếu ở Hêghen là một loại tất yếu đặc biệt.
Ở đây chúng ta không nên vội kết luận tất yếu của Hêghen là mù quáng. Tất yếu của ông được hiểu như là tính có quy luật của thế giới, là cái đưa thế giới tới một mục đích xác định. Nó không phải là cái gì khác ngoài tên gọi khác của “lý tính thế giới”. Cái cần phải tự hiện thực hoá mình trong tự nhiên và trong lịch sử. Do vậy theo Hêghen, người nào nhận thức được cái tất yếu thì qua đó, cũng nhận thức được tính hợp lý, lý tính của thế giới và tính thần thánh của nó. Và khi đó, tự do ở đằng sau tất yếu sẽ được mở ra cho người ấy. Hêghen tin tưởng rằng, mục đích tối cao của thế giới cần được thực hiện thông qua con người và lịch sử xã hội, đó là sự khải hoàn của tự do và của tính hợp lý.
Với luận điểm cho rằng tự do như là cái tất yếu đã được nhận thức, nhiều người đã hiểu rằng tư tưởng ấy có nhiệm vụ minh chứng cho tính thống nhất của hệ tư tưởng thống trị mà mọi người cần phải nhận thức và nhận thức theo một trình tự nhất định, còn nếu chưa nhận thức được có nghĩa con người chưa có tự do. Nếu hiểu như vậy sẽ rất dễ dẫn tới sai lầm, quan điểm này mới chỉ tập trung nhấn mạnh ý nghĩa của cái tất yếu, nhưng vấn đề tự do lại không được đặt ra ở đây, cái gì đã xảy ra với cái tất yếu sau khi nó được nhận thức? Tại sao bỗng dưng nó lại trở thành tự do? Tất yếu sẽ vẫn là tất yếu, cho dù nó có được nhận thức một cách sâu sắc đến đâu đi chăng nữa. Luận điểm này chỉ kêu gọi con người phục tùng cái tất yếu nhờ giả định rằng chính việc làm đó
là tự do. Việc giải quyết vấn đề ở đây là bằng ngôn từ thuần tuý, những việc đổi tên cho tất yếu trở thành tự do không biến cái tất yếu thành tự do một cách thật sự, trên thực tế. Thế nhưng, con người luôn có khát vọng vượt ra khỏi khuôn khổ của cái tất yếu là tự do và độc lập sáng tạo ra cái mà nó ưa thích, hiện thực hoá các năng lực nhận thức và sáng tạo của mình. Vậy tự do là gì? Theo Hêghen, tự do chính là ở chỗ làm sao để tồn tại là bản thân mình, tồn tại chỉ lệ thuộc vào bản thân mình, làm sao để tự quyết định được bản thân mình. Có thể nói đây là một quan điểm cực kỳ sâu sắc của Hêghen, trong cuộc sống con người mong có tự do làm theo những điều mình thích, tự quyết định mọi việc liên quan đến cuộc sống của mình, nhưng liệu đó đã là tự do hay chưa? Nếu hiểu như vậy thì con người sẽ không bao giờ có tự do cả bởi con người có vô vàn các mối quan hệ chế định nên không bao giờ làm được tất cả mọi điều mình thích. Tự do phải được hiểu trong các mối quan hệ ràng buộc con người, con người tìm được tính tất yếu của nó và hành động theo nó một cách tự nguyện chứ không còn là sự ép buộc nữa, vậy tự do phải là sự tự quyết từ nội tâm của mình.