1.2. Vai trò lãnh đạo của Đảng trong các công ty cổ phần
1.2.1. Công ty cổ phần và đặc điểm công ty cổ phần
* Khái niệm công ty cổ phần
Công ty cổ phần là một loại hình tổ chức doanh nghiệp trong đó các thành viên cùng góp vốn để SXKD (dưới hình thức mua cổ phiếu), cùng hưởng lợi nhuận và chịu lỗ tương ứng với phần vốn góp. Công ty và các thành viên góp vốn có địa vị pháp lý độc lập, do đó, họ chịu trách nhiệm trong phần vốn góp, nhưng không phải dùng tài sản riêng trả nợ thay cho công ty. CTCP có quyền huy động thêm vốn bằng cách phát hành trái phiếu. Các loại cổ phiếu, trái phiếu này có thể mua, bán, trao đổi tự do trên thị trường chứng khoán do pháp luật của từng nước quy định. Do CTCP có quy mô huy động vốn rất rộng rãi so với tất cả các loại công ty khác, có cơ chế trao đổi, mua bán chứng khoán thuận lợi, linh hoạt, chịu trách nhiệm hữu hạn nên rất phù hợp với nền sản xuất lớn.
Ở Việt Nam hiện nay có hai loại hình CTCP là CTCP thành lập mới và CTCP chuyển từ DNNN. Cả hai loại CTCP này đều có các tính chất có tính pháp quy của công ty cổ phần nói chung như:
- Vốn điều lệ của công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần.
- Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã đầu tư (mua cổ phần) vào doanh nghiệp.
- Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 3 và không hạn chế số lượng tối đa.
- Công ty cổ phần có quyền phát hành chứng khoán ra công chúng theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
- Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Ngoài ra, giữa CTCP thành lập mới và CTCP chuyển từ DNNN có điểm khác nhau là: CTCP thành lập mới do các cổ đông sáng lập ra, mọi hoạt động của công ty đều do ban lãnh đạo công ty (hội đồng quản trị) quyết định trong khuôn khổ của pháp luật. Còn CTCP chuyển từ DNNN khác với CTCP thành lập mới ở chỗ:
Thứ nhất, các thành viên tham gia thành lập công ty đại đa số là người lao động của doanh nghiệp nhà nước cũ và có thể có pháp nhân là nhà nước (nhà nước uỷ quyền cho người công ty hoặc người của cơ quan quản lý vốn cấp trên làm đại diện). Ngoài ra, còn có các cổ đông bên ngoài công ty.
Thứ hai, cơ sở vật chất quan trọng như: địa điểm, trụ sở, phương tiện sản xuất, cơ cấu tổ chức, đội ngũ lao động cơ bản là từ công ty nhà nước chuyển sang.
Thứ ba, các tổ chức trong hệ thống chính trị của CTCP gần như có nếp hoạt đông từ công ty nhà nước, khi chuyển sang CTCP, các tổ chức trong hệ thống vẫn duy trì hoạt động; đây là yếu tố thuận lợi để đặt vai trò lãnh đạo của Đảng ta ở loại hình doanh nghiệp cổ phần hoá.
Thứ năm, để CTCP ra đời, Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích: bán cổ phần cho những người lao động của nhà nước theo năm công tác giảm 30%, lao động nghèo được mua chịu cổ phần, hàng năm được nhận cổ tức và 10 năm sau mới phải trả hết nợ; nợ khó đòi có đủ lý do sẽ được trừ vào giá trị của doanh nghiệp. Nhà nước cho tiền đề để tạo tay nghề, nâng cao trình độ cho cán bộ, lao động của công ty cổ phần; giảm 50% thuế lợi tức và thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm đầu…
Trong khuôn khổ của luận văn này, tác giả chỉ xin đề cập đến các công ty cổ phần được chuyển từ doanh nghiệp nhà nước trong ngành Dệt - May Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng ở các công ty cổ phần này.
* Đặc điểm của công ty cổ phần
Công ty cổ phần có những đặc điểm cơ bản sau:
- Về số lượng thành viên: hầu hết pháp luật các nước đều quy định số lượng thành viên tối thiểu mà không giới hạn số lượng tối đa (theo quy định của Luật Công ty năm 1990 ở Việt Nam thì số lượng thành viên tối thiểu trong suốt quá trình hoạt động của CTCP là 7 và theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì số lượng thành viên tối thiểu của CTCP là 3). Đặc điểm này thể hiện đặc trưng cơ bản của CTCP là loại hình công ty đối vốn nên có sự liên kết của nhiều thành viên tham gia góp vốn.
- Về hình thức góp vốn: vốn điều lệ của công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Giá trị của mỗi cổ phần gọi là mệnh giá cổ phiếu, người mua cổ phiếu gọi là cổ đông, lợi nhuận có được hàng năm từ cổ phần gọi là cổ tức. Việc góp vốn vào CTCP được thực hiện bằng cách mua cổ phiếu, mỗi cổ đông có thể mua một hoặc nhiều cổ phiếu.
- Về huy động vốn: Trong quá trình hoạt động của mình, CTCP được phát hành chứng khoán theo quy định của pháp luật về phát hành chứng khoán ra công chúng để huy động vốn. Theo Luật Công ty năm 1990 và Luật Doanh nghiệp năm 2005 đều quy định: Đối với công ty TNHH khi muốn tăng vốn điều lệ của mình thì chỉ thực hiện bằng cách hoặc tăng thêm phần vốn
góp của các thành viên, hoặc kết nạp thêm các thành viên mới. Trong khi đó, khả năng huy động vốn để tăng thêm vốn điều lệ của CTCP là rất lớn, bất cứ lúc nào khi hội đủ các điều kiện luật định CTCP cũng có quyền phát hành cổ phiếu mới.
- Về chuyển nhượng phần vốn góp: trong CTCP, phần vốn góp của các cổ đông được thể hiện dưới hình thức cổ phiếu. Các cổ phiếu do CTCP phát hành là “hàng hoá” này có thể tự do chuyển nhượng một cách dễ dàng (trừ cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ phần phổ thông thuộc sở hữu của cổ đông sáng lập cho cổ đông khác nhưng không phải là cổ đông sáng lập khi chưa được sự chấp thuận của Đại hội cổ đông) mà không bị rằng buộc bởi bất kỳ điều kiện nào. Các cổ đông muốn chuyển nhượng một hoặc toàn bộ số cổ phiếu của mình trong CTCP cho các cổ đông khác đều được thực hiện một cách dễ dàng theo quy định của điều lệ công ty, trừ những trường hợp pháp luật hạn chế quyền chuyển nhượng cổ phiếu.
Như vậy, so sánh với các loại hình công ty khác thì CTCP có nhiều ưu việt hơn, khắc phục được những hạn chế của loại hình công ty đối nhân và công ty TNHH. Với loại hình CTCP, có thể huy động được nguồn vốn lớn, thoả mãn nhu cầu kinh doanh miễn là SXKD của công ty có hiệu quả, mức cổ tức đủ sức hấp dẫn những người có vốn, đồng thời chia nhỏ rủi ro cho các thành viên. Tuy nhiên, do CTCP thường có quy mô kinh doanh lớn, số lượng thành viên đông nên quản lý, điều hành sẽ gặp nhiều phức tạp. Kết quả hoạt động của công ty ảnh hưởng nhiều đến ổn định xã hội vì công ty được công khai phát hành cổ phiếu để huy động vốn trong xã hội và số đông các thành viên góp vốn có thể là người lao động. Mặc dù công ty chịu TNHH nhưng để đảm bảo an toàn cho xã hội và hoạt động của công ty có hiệu quả, Nhà nước phải có nhiều rằng buộc chặt chẽ về tổ chức, hoạt động của loại hình công ty này.
Cần nhận thức rằng, mỗi loại hình công ty đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định, nhưng CTCP là loại hình công ty có nhiều ưu điểm, phù hợp với nền kinh tế thị trường. Đồng thời, trên thực tế để đảm bảo phù hợp
với tâm lý của người góp vốn, phù hợp với quy mô ngành nghề kinh doanh, trình độ của người quản lý, điều hành công ty, pháp luật các nước đều cho phép thành lập các loại hình công ty nêu trên. Luật Doanh nghiệp của Việt Nam năm 1999 cho phép thành lập công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên, CTCP và cả loại hình công ty hợp doanh kết hợp cả ưu việt của loại hình công ty hợp vốn đơn giản.
Với những đặc điểm nêu trên, đặc biệt là với những ưu điểm của CTCP, loại hình kinh tế này đã và đang chiếm ưu thế trong nền kinh tế quốc dân. Tính đa sở hữu và tự chủ trong chương trình kinh doanh là một đặc trưng của CTCP và hoạt động của doanh nghiệp chủ yếu dựa vào Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong DNCP là cần thiết nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển theo đúng định hướng XHCN. Nội dung lãnh đạo của Đảng trong CTCP là lãnh đạo chính trị, tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp và người lao động thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp. Vì vậy, phương thức lãnh đạo của Đảng cũng phải thay đổi, Đảng không chỉ lãnh đạo bằng chỉ thị, nghị quyết, mà phải bằng tuyên truyền, vận động, thuyết phục, nêu gương. Yêu cầu về tính đảng đối với cán bộ làm công tác đảng và đội ngũ đảng viên trong doanh nghiệp cũng phải cao hơn để khẳng định được vị trí vai trò của mình không chỉ thể hiện ở bản lĩnh chính trị mà còn ở khả năng lãnh đạo kinh tế.
Trong hơn 10 năm qua, ngành Dệt - May Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng bình quân 23,8% một năm vươn lên đứng thứ hai trong cả nước về kim ngạch xuất khẩu, sau ngành dầu khí. Năm 2000, xuất khẩu ngành Dệt - May đạt 1,892 triệu USD, gấp 16 lần so với năm 1990. Nếu như năm 1990, hàng Dệt - May Việt Nam mới chỉ có mặt ở gần 30 nước trên thế giới thì đến nay đã hiện diện ở hầu khắp các châu lục với trên 100 nước và vùng lãnh thổ và kim ngạch xuất
khẩu năm 2006 đạt tới 5,7 tỷ USD trong đó xuất khẩu sang thị trường Mỹ khoảng 1,645 triệu USD (gấp 24 lần năm 2001).
Để đạt được tốc độ tăng trưởng như trên mà vẫn gắn với nhịp độ chung của đất nước, ngành Dệt - May Việt Nam đã và đang tiến hành CPH nhiều DNNN nhằm khắc phục những hạn chế của mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung, xây dựng mô hình kinh tế mới phù hợp với hoàn cảnh của nước ta hiện nay nhưng vẫn duy trì và đảm bảo được định hướng XHCN.
Các CTCP ngành Dệt - May Việt Nam chủ yếu là được chuyển đổi từ các DNNN, nên Nhà nước vẫn chiếm tỉ lệ khống chế về vốn. Hội đồng quản trị chủ yếu là các cán bộ, đảng viên nòng cốt từ doanh nghiệp cũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị thường vẫn là Bí thư Chi bộ, hoặc Bí thư Chi bộ là những người giữ vị trí then chốt trong các CTCP như Giám đốc hoặc Phó Giám đốc; Trưởng Phó phòng. Nhưng để Bí thư Chi bộ vừa làm tốt công việc của mình đối với công ty, vừa làm tốt công việc của một đảng viên, của một Bí thư Chi bộ thì đây không phải là một vấn đề đơn giản chút nào đối với Đảng ta trong công cuộc đổi mới, đặc biệt là đổi mới về kinh tế. Khi còn là DNNN Đảng có vai trò chủ đạo, nhưng khi DNNN đó CPH thì vai trò lãnh đạo của Đảng ở những công ty này có duy trì được hay không phải phụ thuộc rất lớn vào năng lực của đội ngũ đảng viên trong lĩnh vực kinh tế và đạo đức cách mạng của người đảng viên trong nhiệm vụ và cương vị mới ở các CTCP này.