Tư tưởng vô vi

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quan điểm về con người trong đạo gia và ý nghĩa hiện thời của nó (Trang 34 - 39)

8. Kết cấu của luận văn

1.2. Tổng quan về tƣ tƣởng triết học của Đạo gia

1.2.2. Tư tưởng vô vi

Kinh của Lão Trang. Trong cuốn Đạo Đức Kinh có tới 97 chỗ nói đến chữ Vô. Trong quan niệm của Lão Tử có một cái Vô tuyệt đối và một cái Vô tương đối. Ở chương 14, Lão Tử có nhắc đến cái Vô tuyệt đối là cái “không tên‟; “không hình trạng”. Đó là cái Vô dùng để chỉ Đạo, cái Đạo của bản thể, khi dùng để nhắc đến chữ Đạo Đức. Còn cái nghĩa tương đối của nó để dùng với cái hữu đối đãi, tức là dùng theo với cái nghĩa thông thường. Trong đó cái Vô tuyệt đối quy định cái Vô tương đối. Công dụng của cái Vô trong một xã hội náo loạn gần như đến cực điểm ở thời Xuân Thu Chiến Quốc là luôn cần bởi thiên hạ bất cứ đời nào cũng thiên về Đạo hữu vi, nên đem cái Đạo vô vi mà đề xướng ra ở bất cứ thời buổi nào cũng đều là cần thiết cả. Tóm lại cái học của Lão Tử đều gộp vào một chữ Vô, ở vũ trụ thì gọi là vô danh, ở chính trị và xử thế thì gọi là vô vi.

Ngay từ chương 2 Đạo Đức kinh, Lão Tử viết: “Dùng vô vi mà xử sự, dùng bất ngôn mà dạy dỗ” [31; 45], hay như trong chương 3, ông cho rằng: “Nếu làm theo vô vi, ắt không có gì là không trị” [31; 51]. Ở chương 48 ông lại khẳng định: “Theo học, càng ngày càng thêm. Theo Đạo, càng ngày càng bớt. Bớt rồi lại bớt, đến mức vô vi. Không làm mà không gì là không làm, thường dùng “vô vi” thì được thiên hạ, bằng dùng “hữu vi” thì không đủ trị thiên hạ” [31; 232]. Vì thế chỉ dùng đến “vô vi” mới có thể có được thiên hạ, còn dùng đến “hữu vi” lấy ý riêng mà can thiệp vào việc người khác thì không sao trị được thiên hạ. Chương 57 Lão Tử viết: “Ta vô vi mà dân tự hóa” [31; 279] hay là “Làm mà không làm, lo mà không lo, nếm mà không mùi” [31; 311]. Lão Tử chủ trương “Vi vô vi” có nghĩa là làm theo cái Đạo vô vi thì không dùng tư tâm mà xen vào việc kẻ khác, không lấy tư lợi mà can thiệp vào việc người khác. “Vi vô vi” cũng có nghĩa là làm mà như không làm, làm một cách hết sức tự nhiên kín đáo không cố cưỡng, không dụng tâm, làm mà như không có làm gì cả. Người hiểu Đạo không có một bảng giá trị chung nào về điều phải lẽ sai nên không hướng đến một lẽ phải tuyệt đối nào cả, đã thoát

khỏi cái bảng giá trị đó. Lão Tử chủ trương: “Đạo thường vô vi, nhi vô bất vi” [31; 185] hay ở chương 43 ông cho rằng: “Sự lợi ích của vô vi, trong thiên hạ ít ai hiểu kịp” [31; 216] thấy thì dường như không làm gì cả nhưng không có cái gì là không thấy ảnh hưởng của việc làm của Đạo. Vô vi, không phải là không làm gì cả mà đừng làm cái gì thái quá. Theo Lão Tử thì phải để cho con người trở về với cái sống tự nhiên giản dị của họ. Cho nên vô vi là đừng dùng tư tâm mà xen vào cái sống tự nhiên của mọi vật, càng ít can thiệp đến việc người bao nhiêu càng quý bấy nhiêu.

Trang Tử trong Nam Hoa Kinh cũng dành riêng một thiên Tiêu Diêu Du để giải thích cái nghĩa của vô vi tức là tự do sống theo bản tính tự nhiên hết sức rõ ràng. Vô vi tức là hành vi của vô ngã, của bản tính. Theo ông sống hòa làm một với Đạo, thực hiện “vô kỉ, vô công, vô danh” là vô vi. Tất cả tư tưởng vô vi của Trang Tử có thể tóm gọn trong một câu ở thiên Tiêu Diêu Du: “Chí nhân vô kỉ, thần nhân vô công, thánh nhân vô danh” [64; 111]. Vô vi không phải là không làm mà là làm theo Trời, không làm theo người mà làm theo thiên tính. Trang Tử cho rằng được phát triển tự do bản tính là điều kiện đầu tiên đưa ta đến hạnh phúc. Ở thiên Thu Thủy cuốn Nam Hoa Kinh ông nói: “Trời ở bên trong, người ở bên ngoài. Bò ngựa bốn chân đó là Trời, khớp đầu ngựa, xỏ mũi bò, đó là Người” [64; 65], “chớ lấy Người mà giết Trời! Chớ lấy nhân tạo mà giết Thiên Mạng! Chớ lấy Được mà chết theo danh! Giữ cẩn thận, đừng làm mất Thiên Chân! Đó là trở về cái Chân của mình!” [64; 66] hay ở thiên Ứng Đế Vương: “phá bỏ tất cả mọi trang sức giả tạo bên ngoài để cho tấm lòng trở về cõi thuần phác tự nhiên” [64; 343]. Tư tưởng vô vi của Trang Tử chủ yếu kế thừa từ Lão Tử mặc dù vậy ông có những nét riêng. Cũng như Lão Tử, Trang Tử là người có nhiệt tâm cứu đời, cứu người nhưng ông cho rằng không chỉ triết lí suông về Đạo mà phải thực hành bản thân cuộc sống theo Đạo. Có thể nói cốt lõi tư tưởng về nhân sinh của Trang Tử là học thuyết “vô vi” mà Lão Tử đề xướng, nhưng được biểu

hiện cụ thể hơn qua các vấn đề sống và chết, tự do hạnh phúc, bình đẳng tuyệt đối, tự do tuyệt đối…Thiên Tiêu Diêu Du lột tả hết tư tưởng tự do tuyệt đối của Trang Tử cũng là tư tưởng vô vi của ông. Con người cứ hãy rong chơi vui thích theo mình, biết yên theo chỗ mà tạo hóa đã an bài cho mình tức là thừa nhận cái tánh phận của mình và yên vui nơi đó mà không đèo bòng tham muốn gì ngoài đó cả thì đó là cái hạnh phúc của Thánh nhân, trái lại sẽ không bao giờ được hưởng yên vui lạc phúc. Vì thế ở một khía cạnh nào đó cũng có thể hiểu nếu làm theo học thuyết vô vi, con người ta sẽ đạt được tự do tuyệt đối mà tiêu diêu cũng là một cách để thực hiện học thuyết vô vi một cách trọn vẹn.

Trong thiên Tề Vật Luận Trang Tử đã đưa ra phương pháp luận để đạt đến tiêu diêu tự tại. “Tề vật” tức là nhất thiết bình đẳng, nghĩa là vạn vật đều ngang bằng nhau cả, ngang nhau về phẩm. Người thật tự do, biết trọng sự tiêu diêu tự tại trong bản tính là người phải biết xem bằng ta vật, thị phi, thiện ác, phải quấy, tốt xấu, sống chết… không chịu sống nô lệ bất cứ bảng giá trị nào của bất cứ chế độ luân lí nào cả, là người vượt lên trên tất cả mọi thứ luân lí tầm thường chật hẹp họ là hạng người không còn tư tâm tư dục nữa, nghĩa là hạng người “Vô kỉ, vô công, vô danh”.

Có lẽ chính vì sự hỗn loạn của thời Chiến Quốc vô cùng thê thảm ấy mà Đạo gia đưa ra một giải pháp an bang tế thế. Học thuyết vô vi là một trong những giải pháp đó. Người theo chủ nghĩa vô vi phải là người có tinh thần cách mạng rất cao đối với bản thân và xã hội, không biết khuất phục một uy quyền nào cả, vì họ là Đạo. Vì thế quan niệm vô vi của Đạo gia là một thái độ an phận trước những sự thái quá hay bất cập, trước những bất công xã hội là quan niệm hết sức sai lầm. Vô vi của Đạo gia, không phải là thái độ tiêu cực của những người yếm thế hay phẫn thế mà thực hiện vô vi là không làm gì trái với tự nhiên, không để thân tâm lụy vì ngoại vật tức là gìn giữ thiên chân, không đem tư tâm mà can thiệp đến việc người.

Sử gia đầu tiên của Trung Hoa là Tư Mã Thiên, bàn về cái học của Lão Trang có cho rằng triết lí của Trang Tử khác với Lão Tử, lại muốn siêu thoát khỏi vấn đề nhân gian thế sự. Khi ông nói đến các vị vua đầu tiên của nhà Hán, cho rằng các bậc ấy lấy vô vi mà trị nước là có ý muốn nói rằng các bậc trị nước ấy đã áp dụng triết lí chánh trị của Lão Tử. Chỉ đến cuối đời nhà Hán (220 sau Tây lịch kỉ nguyên) thì người ta mới bắt đầu để ý đến Huyền học, bấy giờ sách của Lão Tử cũng được người ta dụng cái học của Trang Tử mà giải thích. Như vậy ta thấy rằng tuy khởi thủy hầu như lập trường triết lí của hai nhà đứng riêng nhau, nhưng vẫn có sự liên hệ với nhau. Nếu như Đạo Đức kinh là quyển sách gối đầu giường của các nhà chính trị mong dùng cái Đạo vô vi mà trị nước, chống lại cái Đạo trị nước bằng hữu vi thì sách Trang Tử không phải tuyệt nhiên không bàn đến vấn đề trị nước vì thực ra ông cũng dành một chương để nói về Đạo trị nước là thiên Ứng Đế Vương nhưng thực sự lại nặng về phần giải thoát cá nhân hơn và bảo toàn thiên chân trước hết. Như vậy tư tưởng vô vi nơi Lão Tử chủ yếu là dùng cho những người có sứ mạng dìu dắt quần chúng hay cầm quyền thiên hạ, còn tư tưởng vô vi của Trang Tử là dùng cho tất cả mọi người trong xã hội. Thậm chí Trang Tử với cái thuyết tiêu diêu tự do, tư tưởng vô vi của ông còn đi xa hơn nữa so với Lão Tử, ông không mấy thiết tha đến việc cứu rỗi thiên hạ, là vì ông không tin nơi sự cứu đời, ông cho rằng không ai giải thoát được mình cả ngoài mình, và nếu mỗi người đều có thể làm theo cái lẽ vô vi thực hiện vô kỉ vô công vô danh thì không ai còn phải lo cải tạo ai cả, thiên hạ sẽ không gặp phải rắc rối nữa. Vấn đề xã hội từ đó được ông quy về vấn đề cá nhân. Lão Tử chủ trương “cứng rắn, dễ bị bẻ nát; nhọn bén, dễ bị mòn lụt”, “đầy, dễ đổ”… cho nên ông chỉ cho con người con đường tránh đổ nát, mòn gẫy. Trái lại Trang Tử lại chủ trương “ngoại tử sinh, vô chung thủy” cho nên chỗ mà Lão Tử thắc mắc thì Trang Tử lại thờ ơ không mấy quan tâm. Tuy vậy theo Sử kí của Tư Mã Thiên thì cái học của Trang Tử không đâu là không bàn đến, nhưng gốc ở

những lời dạy của Lão Tử. Chỗ tương đồng của cả hai triết gia là ở chỗ đều cùng một quan niệm về Đạo và Đức, và cả hai đều chống đối tư tưởng truyền thống và chế độ đương thời. Dù vậy với Trang Tử thì cái ý định đưa Đạo học vào chính trị của Lão Tử xem ra không mấy ăn thua mà chỉ có con đường tự cứu thân là có thể giải phóng con người ra khỏi tình trạng xã hội đảo loạn lúc bấy giờ. Và “lo cho mình” theo cách của Trang Tử cũng là một cách lo cho đời bớt được một tâm hồn ích kỉ, một ảnh hưởng xấu xa, một mối nguy cho xã hội loài người vậy. Cho nên nếu phải cầm quyền trị nước thì phải dùng cái “không trị” mà trị. Ở đây chúng ta thấy Trang cũng như Lão đều dụng cái học thuyết “vô vi nhi trị” và như vậy thì Trang và Lão cũng không có gì là khác nhau về quan niệm chính trị. Theo như dịch giả Nguyễn Duy Cần thì xét một cách khách quan Đạo Đức Kinh trước hết là một quyển sách dường như viết ra để kêu gọi các nhà cầm quyền và chính khách dùng Đạo mà trị nước. Có người cho rằng Lão Tử không siêu thoát bằng Trang Tử và thực sự trong Đạo Đức kinh ta thấy Lão Tử ít nói về vấn đề siêu thoát mà bàn rất nhiều về phương pháp trị nước sở dĩ như vậy vì ông muốn cố gắng đem Đạo học vào chính trị. Vì vậy có ý kiến cho rằng muốn thấu suốt hoàn toàn cái học thuyết “vô vi nhi trị” của Đạo gia thì phải đọc Trang trước Lão sau, bởi vì muốn áp dụng được cái “dĩ bất trị, trị thiên hạ” cần phải thực hiện trước nhất cái Đạo nơi bản thân mình, đạt đến độ “vô kỉ, vô công, vô danh”.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quan điểm về con người trong đạo gia và ý nghĩa hiện thời của nó (Trang 34 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)