Khái quát ảnh hƣởng của Đạo gia ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quan điểm về con người trong đạo gia và ý nghĩa hiện thời của nó (Trang 86 - 92)

Chƣơng 2 : QUAN ĐIỂM VỀ CON NGƢỜI TRONG ĐẠO GIA

3.1. Khái quát ảnh hƣởng của Đạo gia ở Việt Nam

Tư tưởng Đạo gia đã vào Việt Nam từ cuối thời kì Đông Hán, thế kỉ II - III sau CN. Từ đó đến hết thời Bắc thuộc, chúng ta liên tục ghi nhận những chứng tích về sự du nhập này. Các sách kinh điển của Đạo gia đã được biết đến, nghiên cứu, thảo luận và vận dụng ở nước ta. Triết học Đạo gia đã giành được vị trí cao trong tầng lớp có học vấn và để lại một số dấu vết quan trọng.

- Thời Bắc thuộc

Đạo gia và tư tưởng triết học của phái Đạo gia bắt đầu du nhập vào nước ta theo vó ngựa của quân xâm lược phong kiến phương Bắc thời kì Bắc thuộc. Phân tích thời kì Bắc thuộc, một số học giả cho rằng, do nước ta ở khá xa Trung Quốc, đường sá hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt nên chính quyền đại diện phương Bắc nhiều khi chỉ hữu danh vô thực. Giai đoạn Bắc thuộc cũng là giai đoạn Tam giáo truyền vào nước ta, trong đó có đạo Lão. Trong “Lí hoặc Luận”, cuốn sách đầu tiên của Phật giáo Trung Quốc được Mâu Tử viết ở phía Bắc Việt Nam. Ông đều gọi Nho, Phật, Lão là Đạo. Đạo không vì ca ngợi mà thành sang, không vì chê bai mà thành hèn, nó mênh mông như trời, thẳm sâu như biển, nó không có tên, không thể mô tả được. Bản chất của Đạo là ở nhà có thể thờ cha mẹ, làm chủ một nước có thể trị dân, riêng bản thân có thể sửa mình. Đạo là con đường dẫn đến “vô vi”. Như vậy theo Mâu Tử “vô vi” của Lão Tử chính là bản thể của Đạo, của Tam giáo. Trong “Sáu bức thư” tranh luận về Đạo Phật giữa Đạo Cao, Pháp Minh và Lý Miễu vào cuối thế kỉ V, Đạo Cao và Pháp Minh cũng 5 lần nhắc đến Đạo gia. Khác với “Lí hoặc Luận” ở chỗ nếu đối tượng trích dẫn của sách này là Lão Tử thì đến đây, đối tượng trích dẫn lại là Trang Tử. Và nếu ở “Lí hoặc Luận” nội dung trích dẫn là những câu triết lí thì đến đây lại được thay bằng những câu chuyện ngụ ngôn. Trong bài phú “Bạch Vân chiếu xuân hải”, Khương Công Phụ đã phát

huy cái nhìn “Thiên đạo tự nhiên” của Lão Tử và quan điểm “mỹ giả tự mỹ” của Trang Tử.

Thời kì Bắc thuộc xuất hiện hiện tượng Tam giáo đồng nguyên, Nho Phật Lão hội nhập là hiện tượng tư tưởng chung của các nước Đông Á, đây có thể được xem như hệ quả của quá trình vừa cạnh tranh vừa tiếp nhận lẫn nhau để cuối cùng đi đến hội nhập trong đa dạng về phương diện tư tưởng. Ở Việt Nam hiện tượng này diễn ra trong thời kỳ Bắc thuộc đến năm 939 và kéo dài trong suốt thời kì vương quốc độc lập tự chủ từ năm 939 đến năm 1885 theo một tiến trình gồm ba bước: Tam giáo đỉnh lập, tam giáo dung hợp, tam giáo đồng nguyên, trong cả ba giai đoạn này tư tưởng Đạo gia đều có những ảnh hưởng nhất định. Thời kì đầu Tam giáo đỉnh lập thì Nho, Phật, Lão cùng ở cái thế chân vạc, mối quan hệ giữa chúng thường là phân lập, hoặc có chỉ trích nhau, phê phán nhau cũng không ngoài mục đích khẳng định bản thân. Thời kì thứ hai Tam giáo dung hợp hay còn gọi là “tam giáo hỗn dung” hay “tam giáo nhất gia” chỉ hiện tượng Nho, Phật, Lão xâm nhập vào nhau, bổ trợ cho nhau, chung sống cùng nhau. Thời kì cuối Tam giáo đồng nguyên hay còn gọi “tam giáo nhất nguyên” hay “tam giáo hợp lưu”, “tam giáo đồng quy”, “tam giáo nhất trí”, “tam giáo nhất thể” thì Nho, Phật, Lão được coi như về cùng một mối. Cuối cùng ba Đạo đã kết thành một mạng lưới tạo nên sức mạnh vì mục đích nhân văn, vì cuộc sống con người như vua Hiếu Tông thời Nam Tống có nói: “Nho trị thế, Phật trị tâm, Lão trị thân”. Có thể thấy ở giai đoạn này, tư tưởng Đạo gia có vai trò và vị thế song song với Nho và Phật.

- Thời độc lập tự chủ

Năm 938, chiến thắng quân Nam Hán mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, kỉ nguyên độc lập tự chủ. Có thể nói từ thế kỉ X trở đi, tư tưởng Đạo gia đã không còn được sự trợ tá của Đạo Phật để trở thành anh hai trong gia đình Tam giáo đồng nguyên như dưới thời Bắc thuộc. Đạo gia ở thời kì nước ta độc lập tự chủ đã bị đẩy dần đến hàng thứ ba sau Nho và Phật, thường

được dẫn dụng như là những từ ngữ hoặc điển cố để minh họa cho tư tưởng “nhân sinh nhược đại mộng”, “phú quý tự phù vân” trong triết lý hệ tư tưởng cũng như trong thơ văn, nhất là từ giữa thế kỉ XV trở đi, khi Nho giáo chiếm lĩnh vũ đài học thuật, và từ thế kỉ XVI trở đi, khi nước ta bước vào thời kì Nam - Bắc phân tranh… Tình hình đó không những làm gián đoạn ảnh hưởng của Đạo gia ở Việt Nam mà trái lại đưa nó sang một bước ngoặt mới. Nếu như trước đó sự tiếp thu những luồng tư tưởng có phần tự phát, riêng rẽ thì giờ đây đã có những cơ chế bảo đảm cho nó đi đúng con đường tạo điều kiện hình thành khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam. Mặc dù luôn có ý thức xây dựng một nền văn hóa tự chủ, nhưng trong hoàn cảnh dân tộc, các triều đại giai đoạn này không thể không tiếp thu những thành tựu văn hóa qua quá trình chịu ảnh hưởng trước đó. Hơn nữa những gì tiếp thu đều đã được bản địa hóa. Mặt khác chúng được thu hút vào một quỹ đạo mới, văn hóa phong kiến Việt buổi đầu. Trong bối cảnh đó, văn hóa Đạo gia và tư tưởng của nó vốn đã có chỗ đứng trong văn hóa Việt, nhất là văn hóa dân gian, lại tiếp tục phát triển và không ngừng tiếp thu từ bên ngoài. Đến đời Lý rồi Trần cơ bản đã có được thế hài hòa Tam giáo. Tuy nhiên địa vị của Đạo gia không trội như Nho và Phật. Mặc dù vậy Đạo gia vẫn hiện diện trong đời sống học thuật và triều đình. Điều đó chứng tỏ người học Đạo, tiếp thu Đạo gia có học tập Đạo kinh, mà phải học từ trước đó rất lâu. Như thế thì tư tưởng của Đạo gia hẳn rất phổ biến.

Điều này được minh chứng qua các sách Phật giáo như “Khóa hư lục” thường dẫn các điển của Đạo gia, hay như “Thượng sĩ ngữ lục” và trong thơ văn của một số nhà tư tưởng tiêu biểu Việt Nam thời bấy giờ.

Đối với lịch sử tư tưởng Việt Nam, Đạo gia có những ảnh hưởng lâu dài nhất định, nhất là khía cạnh văn hóa tư tưởng. Những quan điểm trong học thuyết Đạo gia có phần ảnh hưởng đến thế giới quan, nhân sinh quan… của một số nhà tư tưởng tiêu biểu ở Việt Nam. Trên phương diện triết học, tư

tưởng Lão - Trang khi đi vào đời sống triết học đã tạo được cảm hứng tiêu dao cho giới trí thức Việt Nam. Trí thức Việt Nam trước đều được đào tạo theo nền Hán học, con đường trong đời của họ là chăm lo đèn sách để làm quan tham chính, mặc dù không phải con đường công danh lúc nào cũng thuận lợi cả. Đối với những người thuận lợi ngoài thời kì làm quan lập danh thì họ lui về ẩn dật, triết lí sống của họ là an bần lạc đạo, vui thỏa trong cảnh tiêu dao, thanh nhàn, rời xa công danh phú quý. Đó là những con người tự chọn thú vui nhàn tản, không ưa hành động, không màng danh lợi. Nhưng có những nhà Nho buộc phải lựa chọn con đường ẩn dật vì bất mãn và cảm thấy bất lực trước thời cuộc. Khi không thể thích ứng với cục diện xã hội, họ phản ứng lại với trật tự xã hội ấy bằng những hành vi khác nhau: hoặc tự đặt mình ra khỏi vòng xã hội đó hoặc sống như những”ẩn quân tử”, “dật nhân”. Họ đã tìm thấy ở học thuyết Lão Trang niềm an ủi cho tâm trạng bất đắc chí trước thời cuộc của mình. Họ rời bỏ chính trường và thời cuộc để giữ thân cao quý, di dưỡng tính tình. Tư tưởng phủ nhận danh lợi và lối sống ẩn dật thanh nhàn gần gũi tự nhiên trong tư tưởng của họ cũng là một nhân tố điều kiện tác động đến sự phát triển của lịch sử tư tưởng Việt Nam.

Như vậy có thể thấy trong xã hội phong kiến Việt Nam, có nhiều Nho sĩ không được “công thành danh toại” đã tìm cách “lánh đục về trong”. Trong việc tìm cho mình một tư tưởng hợp cảnh mình, nhiều người đã kết giao cùng tư tưởng Lão - Trang. Họ đã tìm thấy trong đó luồng sinh khí mới cho cuộc đời mình từ những tư tưởng về cuộc sống tự nhiên trong trẻo, do vậy với “sở trường” độc đáo, phù hợp với những hoàn cảnh éo le, tư tưởng Lão Trang đã được nhiều Nho sĩ tiếp nhận và trở thành một nhân tố trong đời sống tinh thần của họ. Cho nên lúc gặp thời họ tìm đạo Nho, lúc thất thế họ quay trở về với đạo Lão - Trang, tìm sự an ủi trong lí tưởng sống tự do tự tại. Có thể nói hầu hết các nhà Nho Việt Nam đều chịu ảnh hưởng của tư tưởng Lão-Trang. Từ cuộc đời lối sống của những nhà Nho có nhiều uẩn khúc và gặp những bước

thăng trầm trong cuộc đời như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hằng, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du…có thể thấy rõ được điều này. Tác giả Trần Đình Hượu khẳng định: “Trong mỗi nhà Nho thường có sự đấu tranh tư tưởng giữa Nho gia và Lão Trang… Cuộc đời nhà Nho có một nửa Trang Chu” [24; 156].

Sinh bất phùng thời như Nguyễn Công Trứ, không tìm được minh quân, tuổi già sức yếu, chán ngán thế sự hay gặp chuyện bất bình như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến… thường lui về làm bạn cùng nước biếc, non xanh, nguyệt bạc, rượu nồng, túi thơ, bàn cờ. Cho nên tư tưởng Lão - Trang tự nhiên đi vào trong tư tưởng và biểu hiện trong thơ là điều dĩ nhiên. Nguyễn Trãi cho rằng cuộc đời và danh lợi đều là huyền ảo trong bài thơ “Đêm thu khách cảm”. Tinh thần Lão - Trang cũng xuyên suốt trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Từ quan trở về cố hương, ông dựng một am nhỏ và đặt tên là Bạch Vân Am. Ngay cái cách đặt tên Am và hiệu cho mình là “Bạch Vân cư sĩ” cũng đủ diễn tả chủ ý vô vi thanh tịnh, nhàn lạc của một bậc ẩn sĩ, có thể nói trên con đường tìm kiếm hướng đi riêng cho mình, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thực hiện được tôn chí của Đạo. Sống trong cuộc đời đầy rẫy đua chen, con người luôn giữ cho cái tâm thanh tĩnh, gạt bỏ mọi chuyện trần tục, sống an nhiên tự tại, đó là lúc đạt đến thuyết vô vi của Đạo gia. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đồng quan niệm “công thành thân thoái” với Lão Tử. Nguyễn Công Trứ tuy ra làm quan bận rộn với việc khẩn hoang lập làng nuôi sống dân nghèo, cầm quân đánh giặc mà vẫn tìm cách sống theo các thuyết Đạo giáo “tri túc bất nhục” và “tiêu dao nơi hàn cốc thanh sơn. Đến thế kỉ 19, Cao Bá Quát bất mãn với Tự Đức mà nhiều bài hát nói, hay Đường thi của ông, cũng chịu ảnh hưởng của Lão - Trang. Chuyện Trang Chu chiêm bao làm bướm, đời và mộng lẫn nhau cũng đã được nhiều nhà tư tưởng thể hiện trong thơ. Hay như trong truyền thuyết, truyện cổ tích, ngụ ngôn xưa chúng ta cũng bắt gặp những tư tưởng “công thành thân toại” của Đạo gia, từ thời dựng

nước, vị anh hùng cứu quốc Phù Đổng, sau khi đánh thắng giặc liền phi thần mã rút lui không chịu hưởng công danh.

Do chúng ta chỉ có thể tìm dấu vết của Đạo gia thông qua những người ngoại Đạo. Vì thế cho nên khi nhận định toàn diện tính chất ảnh hưởng của Đạo gia đối với lịch sử tư tưởng Việt Nam có thể nêu lên một số điểm khái quát như sau:

Trước hết có thể thấy, không ít trí thức người Việt có chữ nghĩa đã đọc kinh điển, sách vở của Đạo gia, triết lí của nó đã ảnh hưởng đến suy nghĩ, lối sống, hành xử của họ nói riêng và của dân Việt xưa nói chung. Có thể thấy chúng ta chủ yếu tiếp nhận ở Đạo gia không phải ở phần triết học bản thể cao siêu mà tiếp thu triết lí nhân sinh, nhãn quan cuộc đời và văn từ của nó. Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam nói chung và lịch sử triết học Việt Nam nói riêng, những tư tưởng của Đạo gia đã ngấm dần và có phần ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà tư tưởng kiệt xuất của Việt Nam được thể hiện qua các bài thơ của họ. Tinh thần phóng khoáng, tư tưởng triết học chấp chới hư thực, chân ảo, tinh thần sùng thượng thiên nhiên, quan điểm mỹ học “mỹ giả tự mĩ” cũng góp phần tác động lớn tới tư duy nghệ thuật thơ. Có thể thấy tư tưởng Đạo gia gia nhập vào con đường đồng nguyên ở Việt Nam là do: thứ nhất, tư tưởng

Lão - Trang đã góp phần khắc phục tính phiến diện, bổ khuyết chỗ thiếu hụt của Đạo Nho và đạo Phật, giải quyết được nhiệm vụ còn bỏ trống trên bình diện tư tưởng. Thứ hai, tư tưởng Lão - Trang với tinh thần phê phán hiện thực đề cao tự do cá nhân đã trở thành niềm an ủi và tăng sức kháng cự cho con người trong những tình cảnh khốn khó. Thứ ba, trên bình diện cá nhân trong cuộc sống con người ta phải trải qua những hoạt động, nhu cầu nhận thức và tâm lí khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau vì vậy mỗi lúc họ lại cần sự dẫn dắt của một loại hình tư tưởng. Như vậy do tính chất phiến diện của mỗi Đạo mà Đạo Lão - Trang với nét đặc thù của tư tưởng đã góp phần tạo nên sức sống của một hiện tượng tinh thần đặc sắc ở Việt Nam.

Do tính chất của tư tưởng nên chưa bao giờ tư tưởng Lão - Trang có được vị thế như Nho giáo và Phật giáo đối với lịch sử hình thành và phát triển tư tưởng Việt Nam. Nó chỉ là thành tố phụ gia, đóng vai trò bổ sung hoặc làm “mềm hóa”, chuyển hóa các yếu tố của Nho và Phật. Ảnh hưởng của Đạo gia trong lịch sử tư tưởng Việt Nam rõ ràng không đậm bằng các trường phái triết học khác như Nho và Phật. Điều này cũng phản ánh đúng địa vị của tư tưởng Đạo gia trong tiến trình lịch sử Việt Nam, vả chăng đó cũng là tâm lí chung của dân tộc, một dân tộc ít truyền thống triết học, thần học hay huyền học. Tư tưởng Đạo gia chỉ là bổ trợ cho tư tưởng Nho giáo, lối sống kiểu Trang Tử chỉ là “phương thuốc xoa dịu tinh thần”, là “cái vẻ bề ngoài”, “biểu hiện bất mãn với chế độ phong kiến” của mỗi nhà tư tưởng trong những hoàn cảnh đặc biệt. Đúng hơn thì tư tưởng Lão - Trang đã được các nhà tư tưởng Việt Nam tiếp biến một cách sáng tạo để trở thành một phương tiện tinh thần tăng thêm sức kháng cự trong quãng đời éo le nhằm nuôi dưỡng chí lớn, giúp họ tạo thế cân bằng, tạo lập lối sống hài hòa, hữu ích, lạc quan, yêu đời. Tuy nhiên trong cuộc sống của mỗi cá nhân nhiều nho sĩ Việt Nam, đặc biệt là một số nho sĩ có tâm huyết nhưng gặp nhiều tình cảnh éo le, khốn khó của cuộc đời thì yếu tố Lão - Trang lại có vai trò không nhỏ. Với dấu vết ảnh hưởng còn lại có thể thấy nó có đóng góp nhất định cho diện mạo và làm phong phú thêm cho sự phát triển của lịch sử tư tưởng Việt Nam. Đồng thời cũng có những ảnh hưởng nhất định đến sự ra đời và phát triển của triết học nhân sinh.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quan điểm về con người trong đạo gia và ý nghĩa hiện thời của nó (Trang 86 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)