3.2. Triển vọng hợp tác hai bên trên một số lĩnh vực chủ yếu
3.2.2. Lĩnh vực kinh tế
Có thể thấy rằng, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều đã nỗ lực xây dựng nền tảng cho việc hợp tác kinh tế hai miền. Qua bản tuyên bố tại cuộc họp thượng đỉnh vào ngày 4/10/2007, hai nước đã khẳng định việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác kinh tế và xây dựng các bước đi một cách cụ thể, chi tiết.
Việc làm đầu tiên là cả hai phía nhất trí về các biện pháp thể chế, đồng thời đề cập tới vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng như hệ thống chu chuyển, thông tin liên lạc, kiểm tra hải quan nhanh chóng nhất. Hai bên cũng đồng ý xây dựng chỗ ở cho công nhân Triều Tiên, mở rộng đường giao thông gần Tổ hợp và điều chỉnh giờ tàu. Quá trình ra vào Tổ hợp cũng được đơn giản hóa qua việc giảm giờ giới nghiêm và gắn hệ thống truyền thanh của Triều Tiên với Hàn Quốc, cải tiến hệ thống kiểm tra hải quan như chấp nhận chế độ kiểm tra hải quan có chọn lọc.
Dự án tổ hợp công nghiệp Kaeseong có thể cải thiện quan hệ kinh tế hai miền. Cách thức hợp tác đã thay đổi từ gián tiếp sang trực tiếp và từ quan hệ thương mại song phương sang kiểu hợp tác đầu tư. Bên cạnh đó, hai nước Hàn Quốc và Triều Tiên từ chỗ chỉ sử dụng đường biển đã chuyển sang việc sử dụng đường bộ để vận chuyển hàng hóa. Hơn nữa, hình thức hợp tác cũng
thay đổi từ hình thức đơn phương chuyển sang hình thức cùng tham gia. Sự hợp tác này sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai miền. Về lâu dài, sự hợp tác này tất nhiên sẽ góp phần vào việc cải thiện các mối quan hệ hai bên và giữ gìn hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Mặc dù cơ sở hạ tầng được xây dựng để phát triển khu công nghiệp chung và KIC có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của cả hai nước nhưng khó có thể nói được rằng dự án này sẽ tiếp tục phát triển. Chính phủ của tổng thống Lee Myung-bak có chính sách đối với Triều Tiên hoàn toàn khác biệt với các chính phủ tiền nhiệm. Sự thất vọng về chính sách mới của Seoul đã làm cho Bình Nhưỡng hủy bỏ tất cả các cuộc hội đàm song phương, trục xuất gần hết cán bộ quản lý của Hàn Quốc tại KIC về nước và thử tên lửa tại bờ biển phía Tây vào tháng 3-2008, kiểm soát chặt chẽ việc qua lại biên giới, đình chỉ hoạt động đường sắt qua biên giới.
Từ thực tế những diễn biến, kết quả đạt được trong quan hệ kinh tế giữa hai nước có thể dễ dàng nhận thấy rằng, quan hệ kinh tế hai miền luôn bị các quan hệ chính trị chi phối, chỉ phát triển khi có những chuyển biến tích cực trong quan hệ chính trị. Sau mỗi cuộc họp thượng đỉnh, quan hệ kinh tế được cải thiện đáng kể nhờ những thỏa thuận, ký kết về những dự án hợp tác kinh tế. Mối quan hệ hợp tác phát triển kinh tế hai miền thực sự phát triển dưới thời tổng thống Roh Moo-hyun, thể hiện qua các thành tựu kinh tế đạt được từ 3 dự án (Tổ hợp công nghiệp Kaeseong, nối lại các tuyến đường sắt và đường bộ và dự án phát triển du lịch Kim Cương), hứa hẹn sự phát triển kinh tế cho Triều Tiên và lợi ích kinh tế cho Hàn Quốc, đóng góp vào tiến trình hòa giải dân tộc.
Tuy nhiên, sự thay đổi đường lối chính trị của Tổng thống Lee Myung- bak đã làm cho mối quan hệ kinh tế hai nước trên đà trượt dốc, gây tổn hại lớn về kinh tế cho cả hai miền, xóa nhòa niềm tin, hy vọng vào triển vọng tốt
đẹp của các nhà đầu tư cũng như của toàn thể nhân dân hai nước trên Bán đảo. Sự căng thẳng trong quan hệ hai nước đã tác động tiêu cực tới ngành công nghiệp, tổn hại đến nền kinh tế Hàn Quốc, làm cho các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại, giảm đầu tư vào Hàn Quốc, ảnh hưởng tới việc tạo công ăn việc làm, báo hiệu những trở ngại lớn đối với KIC trong tương lai. Các hoạt động hợp tác phát triển kinh tế tại KIC sẽ dần được nối lại nhưng việc thực hiện kế hoạch mở rộng phát triển như dự định ban đầu chắc sẽ khó thực hiện được.
Về hợp tác phát triển du lịch, do kinh phí đầu tư không nhiều như đầu tư vào việc phát triển công nghiệp, và nhu cầu du lịch của người Hàn Quốc ngày càng tăng nên trong tương lại, sự hợp tác này sẽ phát triển mạnh hơn so với sự hợp tác trong các lĩnh vực khác.