Những khó khăn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ hợp tác giữa CHDCND triều tiên và hàn quốc thời kỳ sau chiến tranh lạnh (Trang 72 - 75)

Vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên chính là yếu tố chi phối mạnh mẽ nhất đến mối quan hệ hai miền Nam Bắc trong giai đoạn hiện nay, bởi lẽ mâu thuẫn căng thẳng giữa hai miền vào thời điểm hiện nay bắt đầu nảy sinh từ khi Tổng thống Lee Myung-bak lên cầm quyền vào ngày 25/02/2008. Sau khi nhậm chức, ông đã đưa ra quan điểm cứng rắn của mình đối với Triều Tiên bằng cam kết gắn viện trợ cho Triều Tiên với những tiến bộ đạt được trong tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân của nước này. Ông đã yêu cầu phía

Triều Tiên phải đáp ứng được những điều kiện như dỡ bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân và trao trả những người Hàn Quốc bị bắt cóc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) nếu muốn tiếp tục nhận được viện trợ của Hàn Quốc.

Tổng thống Lee Myung-bak phê phán những người tiền nhiệm là có thái độ quá mềm mỏng với Triều Tiên. Đáp lại những tuyên bố cứng rắn từ phía Hàn Quốc, Triều Tiên tuyên bố, họ có thể tự sống được mà không cần sự viện trợ của Hàn Quốc, đe dọa sẽ không thực hiện nghĩa vụ trong vòng đàm phán sáu bên. Phía Triều Tiên cho rằng, cá nhân Tổng thống Lee Myung-bak là người theo đuổi Mỹ trong việc ép Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Mối quan hệ giữa hai miền Nam – Bắc càng xấu đi khi phía Hàn Quốc đe dọa sẽ phá hủy cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng nếu Bình Nhưỡng thử tên lửa. Đặc biệt là việc Hàn Quốc tham gia vào sáng kiến không phổ biến vũ khí hạt nhân do Mỹ khởi xướng đã làm cho phía Triều Tiên hết sức tức giận và coi đó là hành động gây chiến tranh. Hai bên không bên nào chịu thay đổi lập trường của mình.

Tổng thống Lee Myung-bak vẫn giữ thái độ kiên quyết đối với Triều Tiên. Ngay cả khi phía Triều Tiên có những động thái cho thấy họ đã bớt cứng rắn hơn như việc mở cửa biên giới, thả công dân Hàn Quốc, nối lại đường dây liên lạc giữa hai bên.v.v, thì phía Hàn Quốc vẫn cho rằng họ không thay đổi thái độ với Triều Tiên trừ khi nước này chấm dứt hoàn toàn chương trình hạt nhân. Trong khi đó, phía Triều Tiên cũng một mực tuyên bố Hàn Quốc phải thay đổi chính sách cứng rắn hiện nay. Phía nào cũng muốn giữ quan điểm cứng rắn, không bên nào chịu nhượng bộ bên nào.

Triều Tiên muốn phát triển vũ khí hạt nhân để khẳng định địa vị của mình, để lấy đó làm con bài mặc cả với Mỹ và cộng đồng quốc tế trong khi Hàn Quốc lại lấy việc giải trừ hạt nhân làm điều kiện cải thiện quan hệ hai

miền. Do đó, có thể thấy vấn đề hạt nhân của Triều Tiên muốn được giải quyết cần phải có sự thay đổi đường lối chính sách của hai bên và sự tác động của các yếu tố bên ngoài hay phụ thuộc vào việc đàm phán giữa các bên có liên quan trong vòng đàm phán sáu bên gồm Triều Tiên, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, trong đó hai nhân vật chính là Triều Tiên và Mỹ.

Tuy nhiên, hiện nay vòng đàm phán 6 bên về vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đang đi vào bế tắc do các bên chưa đạt được thỏa thuận, đặc biệt là phía Triều Tiên đã rút khỏi vòng đàm phán này. Phía Triều Tiên có vẻ như chưa sẵn sàng cho việc từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của mình. Phía Mỹ, với chính sách dưới thời Tổng thống Barac Obama vẫn chưa cho thấy dấu hiệu của sự nhượng bộ. Mỹ cũng giống đồng minh của mình là Hàn Quốc gắn việc bình thường hóa quan hệ Mỹ - Triều Tiên với vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Bên cạnh vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên thì yếu tố lãnh đạo cũng chi phối mối quan hệ giữa hai nước Hàn Quốc – Triều Tiên. Những động thái gần đây cho thấy, nội bộ Triều Tiên đang có những dấu hiệu về một cuộc chuyển giao quyền lực cho một nhà lãnh đạo mới vì sức khỏe của vị lãnh tụ tối cao của họ không hoàn toàn khỏe mạnh. Việc chuyển giao quyền lực này có tác động đến quan hệ hai miền Nam – Bắc vì có thể làm thay đổi chính sách đối nội cũng như đối ngoại của Triều Tiên. Như chúng ta biết, thông thường, chính sách đối nội và đối ngoại của một quốc gia thường được định hình ngay khi có một nhà lãnh đạo mới với một chính quyền mới. Như vậy, việc thay đổi căn bản chính sách đối nội hay đối ngoại của một quốc gia sẽ phụ thuộc vào sự thay đổi nhà lãnh đạo tối cao – người có ảnh hưởng lớn đến việc quyết định chính sách của nước đó. Đặc biệt là ở Triều Tiên, người lãnh đạo tối cao có vai trò rất lớn trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, những thay đổi lớn về chính sách đối nội và đối

ngoại của nước này chỉ xảy ra khi người được chuyển giao quyền lực nằm ngoài gia đình Kim Jong il, nhưng khả năng này rất nhỏ vì với cách “gia đình trị” và truyền thống về tính kế tục theo huyết thống trong quan điểm về chọn người lãnh đạo cao nhất ở Triều Tiên thì người thay thế vị trí của Kim Jong il khó có thể là người ngoài gia đình ông. Vào ngày 28/9/2010, Kim Jong-un, sinh năm 1983, người con trai thứ ba của ông Kim Jong il đã được phong hàm Đại tướng và theo những thông tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, Kim Jong-un sẽ được chọn để thay thế cha mình. Người thay thế là con trai và do chính Kim Jong il lựa chọn thì cũng khó có khả năng thực hiện một chiến lược phát triển đất nước khác với đường lối hiện tại.

Về phía Hàn Quốc, cũng giống như ở Triều Tiên, lãnh đạo tối cao ở Hàn Quốc có thẩm quyền lớn trong việc quyết định chính sách đối nội và đối ngoại của đất nước. Vai trò của tổng thống Hàn Quốc đã được thể hiện rõ trong chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc hay đối đầu, thù địch. Kể từ khi ông Lee Myung-Bak một người thuộc phái bảo thủ phản đối Chính sách Ánh dương lên cầm quyền vào tháng 2-2008, quan hệ hai miền trở nên căng thẳng. Ông đã thay đổi hoàn toàn chính sách của Hàn Quốc đối với Triều Tiên từ mềm dẻo sang cứng rắn. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng trong quan hệ giữa hai miền.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ hợp tác giữa CHDCND triều tiên và hàn quốc thời kỳ sau chiến tranh lạnh (Trang 72 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)