2.1.1Giới thuyết về phương pháp phê bình ấn tượng và thực chứng
2.1.1.1Kiểu phê bình “thuần cảm giác”, trực cảm
Phê bình vừa là sự ngưng kết của những quan điểm, quan niệm văn học của nhà phê bình vừa là công cụ hữu hiệu để khám phá thế giới nghệ thuật của nhà văn. Phương pháp được coi là cách thức nhà phê bình vận dụng các lý thuyết văn chương, cách tiếp cận văn chương của các trường phái (chủ nghĩa) như là công cụ đi vào tác phẩm, tác giả, xu hướng, trào lưu ... Bởi thế, tên gọi các phương pháp không tách rời với tên của các trường phái, chủ nghĩa ấy.Phê bình văn học, nhìn từ góc độ phương pháp, tuy không phản ánh được sự sinh động, phức tạp của đời sống phê bình, nhưng lại cho thấy sự vận động trong tư tưởng phê bình của từng tác giả.
Phê bình ấn tượng và thực chứng là phương pháp đầu tiên trong phê bình văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX. Ngoài việc chịu hơi hướng của chủ nghĩa ấn tượng trong hội họa phương Tây, triết học tinh thần của Dilthey, thuyết trực giác của Bergson, phê bình ấn tượng và thực chứng còn kế thừa trực tiếp truyền thống phê điểm trung đại. Tất cả những điều trên, được tinh thần lãng mạn và ý thức cá nhân của thời đại nhào trộn và cho ra đời một lối phê bình ấn tượng và thực chứng đại trà và khi hội đủ điều kiện thì vươn tới đỉnh cao.
Phê bình ấn tượng và thực chứng được xét trên hai bình diện. Thứ nhất, theo nghĩa rộng, phê bình ấn tượng có mặt trong hầu hết các phương pháp phê bình. Bất cứ nhà phê bình nào cũng phải bắt đầu từ ấn tượng. Phải nói ngay rằng nếu không có ấn tượng thì sẽ không có những gì xảy ra tiếp theo. Một nhà phê bình dù là chuyên nghiệp hay nghiệp dư khi hướng ngòi bút của mình vào một tác phẩm thơ văn, một tác gia hay một giai đoạn văn học thì cái đầu tiên mà anh ta có là ấn tượng về cái mình sắp viết ra.
Thứ hai, theo nghĩa hẹp, phê bình ấn tượng chỉ một phương pháp phê bình bắt đầu từ trong hội họa – trường phái hội họa ấn tượng hay ấn tượng chủ nghĩa rất coi trọng ánh sáng. Ở đây trong văn học chỉ một cách tiếp nhận.Mỗi tác phẩm bao giờ cũng để lại trong lòng độc giả một dấu ấn nhất định. Mà đã là “dấu ấn” thì chỉ có cái hay mà không có cái dở. Phê bình ấn tượng đi thẳng vào những cái đặc sắc.
Sau khi tổng hợp khá nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu phê bình như Phan Cự Đệ, Nguyễn Văn Trung, … nhà lý luận phê bình văn học Trần Đình Sử trong cuốn “Lý luận và phê bình văn học” đã đưa ra khái niệm về phê bình ấn tượng và thực chứng, đó là: “Phê bình dựa vào ấn tượng chủ quan, thưởng ngoạn… Cái gọi là ấn tượng ở đây chính là cảm nhận tự nhiên về vẻ đẹp và ý nghĩa của hình tượng.Phê bình cốt chú trọng ghi nhận các ấn tượng trực giác mà ít phân tích lý tính”(108).
Đã là phê bình ấn tượng và thực chứng thì mỗi trang, mỗi dòng, mỗi chữ phải thấm đẫm cảm giác của người đọc tác phẩm.Nghĩa tác phẩm được quy hồi lại như là chính kinh nghiệm cảm giác có được của nhà phê bình.Nhà phê bình ấn tượng chủ nghĩa vì thế làm một nhà khảo cổ học về tinh thần của mình khi đi qua văn bản, và cái gì còn lại đậm sâu trong cảm giác thì được tái hiện lại bằng chữ.Phê bình ấn tượng vì thế thuần cảm giác. Giống như Monet, một họa sĩ tài ba, chỉ với cảm giác đặc biệt có được về vầng mặt trời đỏ ối đang từ từ mọc trên biểnđã tạo thành siêu họa phẩm“Mặt trời mọc” lẫy lừng của hội họa ấn tượng.
Cũng nhờ vào cảm giác, phê bình ấn tượng và thực chứng có lợi thế là thường lôi cuốn hơn, đắm say hơn các phương pháp khác bởi tính lãng mạn của nó.Khoa học - lý trí thì thường “khô” hơn cảm xúc, đó là điều hiển nhiên. Thế nên, đọc “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh, ở nhiều chỗ, sự đọc như rơi vào đam mê riêng của tác giả: “Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa có bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như
Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên… và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu” (116, tr.34). Viết phê bình tinh tế và đẹp đến vậy chỉ thấy xuất hiện ở “Thi nhân Việt Nam”.Vì vậy, đến tận bây giờ, tác phẩm này vẫn là đỉnh cao sơn xanh thăm thẳm của phê bình ấn tượng và thực chứng tại Việt Nam.
Những cái tinh tế của cảm giác thì rất đẹp, nhưng bất toàn. Các nhà thơ lãng mạn, có thể do cùng tạng với Hoài Thanh nên đã được ông viết rất hay, như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Nhược Pháp, Vũ Đình Liên, Huy Thông… Còn những nhà thơ không thuộc trường lãng mạn Hoài Thanh, mà đã rơi dần sang tượng trưng, siêu thực thì Hoài Thanh không viết về họ. Ông không đưa vào “Thi nhân Việt Nam” những tên tuổi như Đinh Hùng, Nguyễn Xuân Sanh, cũng không “lấy hồn tôi để hiểu hồn người” được Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên ... Rơi vào thi giới của trường thơ loạn, Hoài Thanh rối loạn cảm xúc, hoang mang. Kể cả trong trường lãng mạn, thì những cái tên được Hoài Thanh chọn như Nguyễn Đình Thư, Nguyễn Xuân Huy, Phan Văn Dật, Phan Thanh Phước, Phan Khắc Khoan, Nguyễn Giang, Đỗ Huy Nhiệm, Thu Hồng… đến nay đều phụ lòng ông, hay nói cho đúng, phụ phàng cái ấn tượng, cảm giác của ông. Việc này chẳng phải do riêng Hoài Thanh, mà còn do phương pháp nhà phê bình thuộc về.
Như vậy, phương pháp phê bình ấn tượng và thực chứng tự nó mang theo những chân trời đồng thời mở ra cũng lắm băn khoăn. Làm thư ký trung thành của cảm giác, nhà phê bình phó mặc phận chữ cho cảm xúc. Phê bình ấn tượng và thực chứng vì thế đề cao xúc động nghệ thuật. Điều này không giống với các phương pháp khác đề cao tính khoa học chặt chẽ hơn, như phê bình khoa học khách quan, phê bình xã hội học Macxit, hay phê bình tiểu sử ... Khoa học hay nghệ thuật đều có chỗ sở trưởng sở đoản của mình. Ngày nay, phê bình ấn tượng thực chứng và phê bình xã hội học cùng với nhiều
phương pháp khác không loại trừ mà bổ sung cho nhau, cùng góp phần làm nảy nở thêm nhiều giá trị cho nền phê bình dân tộc.
2.1.1.2Nhập thân vào tác phẩm, coi tác phẩm như một cá thể độc lập
Phê bình ấn tượng và thực chứng có lẽ bắt nguồn từ W.Dilthey (1833- 1911), nhà triết học Đức theo trường phái tinh thần luận, người đầu tiên đặt vấn đề tính tự trịcủa khoa học nhân văn. Theo ông, sự khác nhau giữa khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn là ở phương pháp nhận thức.Thiên nhiên thì vô hồn, không có mục đích, không có cấu trúc tư tưởng, còn con người thì có tình cảm và ý chí.Đó là hai hiện thực khác nhau về chất.Thiên nhiên - đối tượng của khoa học tự nhiên - chỉ là vật liệu kinh nghiệm “bề ngoài” của con người. Ngược lại, khoa học nhân văn nghiên cứu con người ở chính cái nơi mà chủ thể và khách thể trùng nhau: đó là tinh thần của con người. Bởi vậy, muốn hiểu được con người phải xuyên thấu vào động cơ, lý tưởng, quan niệm của nó, vào thế giới tinh thần trọn vẹn của nó. Khoa học văn chương cần phải nghiên cứu thế giới bên trong, mà phương pháp nghiên cứu, đúng hơn phương pháp nhận thức đối tượng, là đồng nhất mình với đối tượng để tự xem xét, tức là xoá nhoà đường biên giữa chủ thể và khách thể, biến việc đứng ngoài quan sát thành sự tự quan sát, chiêm nghiệm từ bên trong.
Phương pháp của Dilthey cũng gần như cách của thiền gia.Muốn vẽ một cây trúc thì hãy chiêm nghiệm nó đến lúc biến mình thành cây trúc thì mới cầm bút vẽ.Lúc ấy cây trúc qua ngọn bút hoạ sĩ làm trung gian sẽ tự hiện lên trên mặt giấy.Cũng vậy, muốn hiểu một tác phẩm thì hãy nhập thân vào nó, trở thành chính nó thì mới có thể trình ra những ấn tượng về nó.
Có thể chưa đọc Dilthey, nhưng cũng như tác giả này, ở “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh chú ý trước hết đến tính tự trị của tác phẩm văn học. Bởi vậy, ông thấy chỉ cần nghiên cứu bài thơ là đủ, khỏi cần phải quan tâm đến người thơ với tư cách là tác giả.Sau đó, Hoài Thanh chú trọng tìm hiểu khái niệm tinh thần, đặc biệt là tinh thần thời đại.Bởi vậy, mở đầu “Thi nhân Việt
Nam” ông viết hẳn một thiên đại luận để chứng minh Thơ Mới là một thời đại
trong thi ca Việt Nam.Ông định danh tinh thần của thời đại này là cái Tôi,
khác với thời đại cái Ta của toàn bộ nền văn học trung đại.Đây cũng là thời đại của tinh thần lãng mạn mà hầu hết các nhà Thơ Mới đều hấp thụ. Hoài Thanh đã gọi cái tinh thần ấy là hồn: “hồn thơ”, “hồn thời đại”. Cái hồn chung này là cơ sở để nhà phê bình tìm hiểu thơ của các tác giả trong “Thi nhân Việt Nam” bằng con đường giao cảm, cảm thông, thấu hiểu. “Tôi đã sống trong lòng thời đại, kể lại lịch sử thời đại, làm sao có thể không nhớ lại những năm vừa qua trong đời tôi” (116, tr.369). Từ đó, “gặp thơ hay, tôi triền miên trong đó. Tôi ngâm đi ngâm lại hoài, cố lấy hồn tôi để hiểu hồn người” (116, tr.367). Có thể nói, đây là lý thuyết “phê bình không lý thuyết” của Hoài Thanh, rất gần với lý thuyết của phê bình ấn tượng chủ nghĩa ở châu Âu.
Phê bình ấn tượng và thực chứng hầu như chỉ dựa vào ấn tượng, cảm xúc, rung động của nhà phê bình khi đọc tác phẩm và gắn liền với phương pháp này là sự phê bình chủ quan, tách tác giả với tác phẩm, không cần biết tác giả, chỉ biết tác phẩm.Nhà phê bình đôi khi quá nhập thân vào tác phẩm, đánh giá tác phẩm hoàn toàn dựa trên cảm nhận của chính bản thân mình về tác phẩm đó trong thời điểm hiện tại mà bỏ qua những yếu tố tác động khác, thậm chí tách rời tác phẩm với chính tác giả khai sinh ra nó. Bình về một bài văn, bài thơ hay, nhà phê bình như đắm chìm trong những dòng văn chương sâu lắng, say sưa cảm nhận những khoái cảm tinh vi mà câu chữ gợi ra trong lòng mình, mà quên đi bối cảnh lịch sử xã hội, bỏ qua phong cách tác giả, ẩn ý tác giả gửi gắm trong bài viết. Bởi thế, phê bình ấn tượng và thực chứng phụ thuộc rất nhiều vào việc “nhập thân” của người cầm bút.
Và cũng chính bởi việc “nhập thân”, xem xét tác phẩm một cách “siêu hình” như vậy, phê bình ấn tượng có lúc bị coi là thứ phê bình của người ít đọc sách, hời hợt, không có lý thuyết, vô căn cứ.Nhưng thực chất, để có được những dòng phê bình in sâu trong tâm trí độc giả, nhà phê bình đã phải dụng
công rất nhiều.Hãy lấy trường hợp Hoài Thanh làm ví dụ.Viết phê bình, Hoài Thanh đưa ra những phán đoán riêng của ông, có bao nhiêu, viết ra bấy nhiêu, có tác giả ông chỉ viết dăm bảy dòng mà rất trúng. Ta thường gọi phê bình của Hoài Thanh là “ấn tượng”, nhưng để có những “ấn tượng” này, nhà phê bình đã phải đọc rất nhiều sách, nghiên cứu sâu rộng rất nhiều lý thuyết. Không có cái phông nền kiến thức như vậy, chắc chắn không nhà phê bình nào có thể đặt bút viết nên được những dòng cảm nhận có giá trị, được lưu dấu trong lòng người đọc và mang lại đóng góp cho văn đàn văn học nước nhà.
2.1.1.3Phụ thuộc thuần túy vào cảm xúc của nhà phê bình, có thể bị xem là thiếu chặt chẽ, thiếu khoa học
Cảm xúc là một hình thức trải nghiệm cơ bản của con người về thái độ của chính mình đối với sự vật, hiện tượng của hiện thực khách quan, với người khác và với bản thân. Sự hình thành cảm xúc là một điều kiện tất yếu của sự phát triển con người như là một nhân cách. Cảm xúc chính là sự rung động về một mặt nhất định của con người đối với các hiện tượng nào đó của hiện thực. Vì vậy, nó có đặc điểm là mang tính chất chủ quan.
Phê bình ấn tượng và thực chứngthuần túy thành hay bại nhờ vào cảm xúc của nhà phê bình. Vì nương nhờ cảm xúc nên phê bình ấn tượng hiển nhiên thiếu chặt chẽ,do vậy, nó thường bị coi là “tùy tiện”. Điều này rất khác với các phương pháp mang tính khoa học nghiêm ngặt hơn trong phê bình văn học như phương pháp tiểu sử, văn hóa - lịch sử, xã hội học văn học, thi pháp học, phong cách học…
Ta hãy thử so sánh nó với phương pháp phê bình tiểu sử. Phê bình tiểu sử học hình thành ở châu Âu vào nửa đầu thế kỉ XIX cùng với tên tuổi của Sainte - Beuve (1804-1869). Nó ra đời như là một sự chống lại mĩ học của Aristote, coi cái đẹp là sự mô phỏng: mô phỏng tự nhiên, mô phỏng hiện thực và mô phỏng những trước tác mẫu mực. Thi pháp học của Aristote, bởi thế, là thi pháp học quy phạm, không quan tâm đến chủ thể sáng tạo.Ngày nay, với
sự phát triển cao của ý thức cá nhân, đặc biệt là cá nhân lãng mạn, văn học đã hết sức quan tâm đến chủ thể sáng tạo. Một con người cá nhân cụ thể nào đó là kẻ sáng tạo đích thực ra văn chương. Tác phẩm, xét cho cùng, là một thứ con đẻ của nhà văn, nên nó phải in dấu những đặc điểm của người làm ra nó, như khí chất, tính tình, thiên hướng, tư tưởng, giáo dục... Sainte - Beuve đã tìm hiểu tác phẩm qua việc nghiên cứu tác giả, đúng hơn là nghiên cứu chân dung tâm lí tác giả. Cũng theo phương pháp ấy, lấy con người cắt nghĩa tác phẩm, nhưng khác với Sainte - Beuve coi tâm lí con người là bất biến, Trần Thanh Mại – nhà phê bình tiểu sử nổi tiếng của văn học Việt Nam, không chỉ chú ý đến tâm lí, mà còn quan tâm đến cả xã hội. Tuy nhiên, trong ba yếu tố Thiên - Địa - Nhân mà ông nói đến, ông chỉ chú trọng vào Nhân - tức con người, con người xã hội. Ông từng nói: “Với những phương pháp mới, xưa nay chưa từng có trong lịch sử văn học Việt Nam, tôi đã phân tích ra từng cử chỉ, tính tình của nhà thi sĩ, từng giai thoại trong đời người. Những cái ấy, mà bề ngoài tưởng như vô bổ và chỉ để kéo cho dài dòng, tựu trung đều ăn nhịp với nhau như những vòng của một sợi dây chuyền để ảnh hưởng đến cái đích của người viết sách muốn đi tới: cắt nghĩa thi phẩm của nhà thơ” (73).Phê bình Hàn Mặc Tử, Tú Xương … Trần Thanh Mại đã nêu lên mối quan hệ giữa thân thế và thi văn, tức lấy con người để cắt nghĩa tác phẩm. Và ông đã đưa ra được những nhận định chính xác, có căn cứ về hai tác giả này thông qua việc nghiên cứu tiểu sử và những yếu tố thân thế, cuộc đời ảnh hưởng đến phong cách viết văn của họ.
Tương tự như vậy, các phương pháp phê bình: xã hội học văn học, văn hóa lịch sử, thi pháp học … đều dựa trên căn cứ là những yếu tố thực tế về xã hội, bề dày văn hóa, chiều dài lịch sử, thi pháp riêng của từng tác giả. Nó đã tạo nên cái nền vững chắc cho nhà phê bình dựa vào, theo kiểu “nói có sách, mách có chứng”. Còn phê bình ấn tượng và thực chứng lại không giống như vậy. Phê bình ấn tượng và thực chứng thuần túy dựa vào cảm xúc của nhà phê