9. Kết cấu của Luận văn
2.1. Hiện trạng mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành y tế
Từ trước đến nay, thực trạng Nhà nước phải chi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho hoạt động NCKH trong ngành y tế nói riêng và cho hoạt động NCKH nói chung, nhưng rất ít kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất hay trở thành sản phẩm thương mại trên thị trường. Đây thực sự vẫn là niềm trăn trở của những người làm quản lý KH&CN và người làm nghiên cứu KHCN chân chính. Các doanh nghiệp và các tổ chức KH&CN trong bệnh viện chưa có được mối liên kết đáng ra cần phải có.
Trong khi các tổ chức KH&CN trong bệnh viện phải loay hoay đi kêu gọi, tìm kiếm các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị kỹ thuật cho các hoạt động nghiên cứu thì cũng không ít doanh nghiệp cũng đang phải vật lộn đi tiếp thị bên ngoài thị trường những sản phẩm KH&CN được nhập khẩu ở nước ngoài để được đưa vào sử dụng. Trong khi đó có cả những sản phẩm có khả năng sản xuất ngay tại trong nước hoặc đang được nghiên cứu với những tính năng, hiệu quả ưu việt hơn cả những sản phẩm nhập khẩu. Chính bởi vậy, nhiều lúc các tổ chức KH&CN trong bệnh viện thường bị thiếu kinh phí hoàn thiện các sản phẩm nên đã chậm một nhịp so với guồng quay thương mại; nhà
doanh nghiệp thì lại chưa đủ tin tưởng vào năng lực nghiên cứu của các tổ chức KH&CN trong bệnh viện nên chưa mạnh dạn hợp tác đầu tư, mạo hiểm liên kết nghiên cứu. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp thường chủ yếu nhập khẩu những công nghệ, sản phẩm y dược, trang thiết bị y tế thuộc tầm trung và tầm thấp từ bên ngoài về hoặc nhập khẩu từ những nước phát triển chậm hơn so với các cường quốc đi đầu trong phát triển KH&CN trong lĩnh vực y tế, hoặc mua lại những kết quả nghiên cứu hết thời hạn bảo hộ để sản xuất.
So sánh từ kinh nghiệm của các nước có nền KH&CN phát triển và Việt Nam, các chuyên gia đã chỉ ra một trong những hạn chế dẫn đến thực trạng kể trên là do Việt Nam đang rất thiếu các tổ chức trung gian làm vai trò cầu nối, kết nối, điều tiết và hài hòa nhu cầu, lợi ích giữa cung và cầu trong nghiên cứu, triển khai KH&CN. Đó là các trung tâm chuyển giao công nghệ, mô hình vườn ươm KH&CN để hỗ trợ nhà khoa học hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ của mình để có thể thương mại hóa, định giá công nghệ, kết nối với doanh nghiệp và kết nối các bài toán nhằm giải quyết các vấn đề trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tới các nhà khoa học.
Những nghiên cứu nhằm tìm ra các biện pháp thúc đẩy thương mại hoá kết quả R&D ở Việt Nam bắt đầu được Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN nghiên cứu từ khá sớm, từ khi bắt đầu manh nha hình thành lực lượng doanh nghiệp công nghệ vào đầu những năm 2000.
Với tiến trình hội nhập trong giai đoạn mới Việt Nam đã mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế đối ngoại với nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Tiếp nối những thành quả hội nhập đầy tự hào, sau khi gia nhập WTO vào tháng 1/2007, Việt Nam đã đẩy nhanh tiến trình đàm phán để đi đến hoàn thành và chuẩn bị ký kết 6 hiệp định FTA tiếp theo trong năm 2015, bao gồm Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thực tiễn này mở ra một loạt vấn đề cụ thể về chính sách thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho các nhà nghiên cứu trong nước.
Thương mại hóa kết quả nghiên cứu: Mô hình kinh doanh quan trọng hơn sản phẩm (Báo điện tử Vietnambiz ngày 18/8/2018 – Ngọc Vũ) đã chỉ ra ở
Việt Nam còn thiếu sự kết hợp giữa nhà khoa học và người bán hàng. Nhà khoa học vô cùng vất vả để nghiên cứu ra một sản phẩm tốt nhưng rồi không biết làm thế nào để bán được hàng.
Để việc nghiên cứu và kinh doanh trở thành một chuỗi liên kết thì mô hình kinh doanh, mô hình liên kết hợp tác nghiên cứu theo nhu cầu thị trường còn quan trọng hơn sản phẩm nghiên cứu đơn thuần theo khoa học. Người bán hàng sẽ hỗ trợ nhà khoa học đánh trúng tâm lý người tiêu dùng. Ngược lại, nhà khoa học cũng phải đặt mình vào địa vị nhà thương mại. Nhiều nhà khoa học cho rằng mình không có kỹ năng bán hàng và phó thác việc bán hàng cho bộ phận kinh doanh. Phải nghĩ rằng, nếu sản phẩm của mình mà chính mình không thuyết phục được người mua thì có thể bán được cho ai? Một người hiểu sản phẩm lại hiểu tâm lý khách hàng sẽ có cách khớp được quy trình đưa sản phẩm từ phòng thí nghiệm ra thị trường.
Trong khi có hàng loạt kết quả NCKH công nghệ được cất vào tủ, thì các doanh nghiệp đang đau đáu đi tìm những công trình nghiên cứu có thể biến thành sản phẩm mang lại giá trị cho cộng đồng. Cuộc trốn tìm này đã tồn tại nhiều năm nay. (Thương mại hóa kết quả NCKH công nghệ: Giải bài toán “trốn tìm”,Báo Doanhnhansaigon.vn 21/11/2018 – Phương Thanh).
Để giải bài toán “trốn tìm” này không chỉ là trách nhiệm của các đơn vị nghiên cứu, không chỉ của doanh nghiệp, và không riêng của cơ quan chức năng, mà phải là một sự phối hợp toàn diện từ tất cả các bên. Nói cách khác, cần một sự hợp tác để xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa 3 nhà: Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học. Đó cũng là "công thức" phát triển mang tính quốc tế.
Trên thực tế, ở Việt Nam, việc chuyển đổi những kết quả NCKH công nghệ trở thành những sản phẩm có thể thương mại hóa còn rất gian nan. Quá trình này được ví như việc vượt qua một “thung lũng tử thần”. Khái quát hóa thách thức của quá trình này gọi là ba lỗ hổng: (1) Lỗ hổng khám phá công nghệ; (2) Lỗ hổng thương mại hóa; và (3) Lỗ hổng thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Để phát triển một công nghệ cần khắc phục ba lỗ hổng sau mới có thể tiếp cận được thị trường thương mại.
Lỗ hổng khám phá công nghệ cản trở việc đánh giá tính khả thi thương mại của những khám phá khoa học tiên tiến. Để khắc phục được lỗ hổng này, các tổ chức KH&CN cần chuyển đổi các khái niệm và thuật ngữ khoa học thành ngôn ngữ thông thường, chứng minh khái niệm và phát triển các nguyên mẫu sẵn sàng tung ra thị trường cũng như nghiên cứu các bằng sáng chế có liên quan. Việc thúc đẩy các tổ chức KH&CN tiết lộ và thương mại hoá những khám phá của họ cũng là một thách thức đối với nhiều doanh nghiệp do một loạt các yếu tố nghề nghiệp, tổ chức và văn hóa.
Lỗ hổng thương mại hóa nằm giữa một cơ hội kinh doanh khả thi và một doanh nghiệp sẵn sàng nhận đầu tư. Để khắc phục được lỗ hổng này, các tổ chức nghiên cứu KH&CN cần phát triển một chính sách để tạo ra giá trị, xây dựng một mô hình kinh doanh có thể nắm bắt được một phần giá trị đó và xác định thị trường mục tiêu. Các công nghệ được tổ chức KH&CN nghiên cứu phát triển ở giai đoạn đầu ít khi có sẵn các yếu tố trên, tạo ra một lỗ hổng thương mại hóa giữa các nhà sáng chế và doanh nhân khởi nghiệp.
Cuối cùng, việc khởi động một doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại một tổ chức KH&CN tạo ra một loạt các thách thức liên quan đến việc thành lập và tài trợ của doanh nghiệp. Lỗ hổng thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chỉ có thể được khắc phục khi quyền sở hữu công nghệ được bảo hộ, một đội ngũ quản lý dày dặn kinh nghiệm cam kết khởi nghiệp và nguồn tài trợ hạt giống được bảo đảm. Nếu không có tất cả ba yếu tố trên, các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ không thể cam kết tài trợ cho sự ra đời của doanh nghiệp khởi nghiệp.
Thúc đẩy hoạt động khai thác, thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho Việt Nam (tạp chí KH&CN Việt Nam, ngày cập nhật 20/09/2013) bài viết đưa ra giải pháp kết nối giữa 3 nhà trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho Việt Nam bao gồm: nhà nghiên cứu, nhà nước và nhà doanh nghiệp. Nhà nghiên cứu trong các tổ chức KH&CN và nhà doanh nghiệp cần phải có tiếng
nói chung trong quá trình thực hiện các công trình nghiên cứu sao cho mục đích nghiên cứu gắn liền với những nhu cầu hiện tại của người tiêu dùng. Nhà nước đứng ra với vai trò điều tiết vĩ mô và có những hỗ trợ cần thiết cho nhà nghiên cứu cũng như nhà doanh nghiệp để đưa kết quả nghiên cứu vào áp dụng trong thực tế.
Thương mại hóa kết quả NCKH: Con đường đau khổ (tạp chí Tia sáng ngày cập nhật 11/12/2014) bài viết nêu ra thực trạng số lượng kết quả nghiên cứu của Việt Nam được ứng dụng vào trong thực tế, bên cạnh đó tác giả đưa ra những dẫn chứng trong thực tế để chứng minh cho việc chuyển kết quả nghiên cứu thành sản phẩm là một con đường đau khổ. Bên cạnh việc thiếu những chính sách hỗ trợ thì chính việc nghiên cứu thiếu định hướng thị trường cũng là một nguyên nhân sâu xa dẫn tới những kết quả nghiên cứu sau khi được nghiệm thu thì sẽ không được mấy người quan tâm.
Chính sách nhà nước thúc đẩy thương mại hóa KQNC khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước” (Nguyễn Quang Tuấn (tập 3, số 3, 2014), Tạp chí Chính sách và Quản lý KH&CN) Tác giả đề cập đến một số chính sách cơ bản thúc đẩy hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu chưa đi sâu vào việc định hướng thị trường kéo. Các chính sách đưa ra mặc dù có tính khoa học tuy nhiên chưa phù hợp với tình hình hiện tại của Việt Nam.
Vấn đề chính sách thương mại hóa kết quả nghiên cứu cũng được một số luận văn thạc sỹ quản lý KH&CN đề cập đến, đó là: Vũ Ngọc Dương (2012), Chính sách phát triển công nghệ theo hướng thị trường kéo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (nghiên cứu trường hợp các doanh nghiệp sản xuất công nghệ nhỏ và vừa tỉnh Hải Dương); Đào Trường Giang, (2013), Chính sách đổi mới công nghệ theo hướng thị trường kéo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp viễn thông (nghiên cứu trường hợp GTEL, Bộ Công An); Đào Việt Hà (2010), Thực hành chính sách thị trường kéo kích thích nhu cầu đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp công nghiệp (nghiên cứu trường hợp nhóm ngành
dệt tỉnh Nam Định); Lê Thị Hải Yến (2015), Nghiên cứu giải pháp chính sách thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu của các viện trong lĩnh vực cơ điện nông nghiệp” ; Phạm Nguyệt Minh (2015), Nhận diện rào cản trong hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Các luận văn thạc sĩ nêu trên đã phần nào chỉ ra vai trò của việc thương mại hóa kết quả R&D theo định hướng thị trường kéo, tuy nhiên phạm vi xem xét nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoặc trong lĩnh vực một ngành, một địa phương, một tổ chức nghiên cứu.
Như vậy, có thể thấy rằng hiện nay các kết quả nghiên cứu chưa đi vào đời sống thực tế là bao trong khi đó thì chúng ta vẫn đang phải bỏ rất nhiều kinh phí để mua công nghệ của nước ngoài về sử dụng. Đây cũng là lỗ hổng “chảy máu chất xám” mà các nhà quản lý trăn trở nhiều và đang dần từng bước tháo gỡ. Chính vì thế việc xây dựng mô hình liên kết giữa các tổ chức KH&CN với các doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các phương tiện kỹ thuật là hết sức cần thiết. Bởi chỉ có sự liên kết chặt chẽ mới tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn khoảng cách giữa các nhà nghiên cứu với các doanh nghiệp.