Chương 1 : TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐÀO TẠO CÁN BỘ
1.2. Quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về đào tạo cán bộ
1.2.2. Tính tất yếu của đào tạo cán bộ
Khi nói về cán bộ và vai trò của cán bộ những nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác- Lênin đã từng đưa ra rất nhiều những luận điểm rất nổi tiếng.
C.Mác đã từng viết: “Muốn thực hiện tư tưởng thì cần có những con người sử
dụng lực lượng thực tiễn” [8, tr.181]. Ông còn nói: con người là tổng hòa của
mọi mối quan hệ xã hội, vấn đề con người - cán bộ từ lâu đã được xem là nhân tố quyết định hàng đầu cho mọi sự thắng lợi.
Lênin thì đã khẳng định: “Trong lịch sử chưa hề có một giai cấp nào
giành được quyền thống trị nếu nó không đào tạo ra được trong hàng ngũ của mình những lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiên phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào” [67, tr. 473]. Nhân dân làm nên lịch sử, làm nên
các cuộc cách mạng xã hội nhưng trong cuộc cách mạng đó không thể không nhắc đến vai trò của những vĩ nhân, và bộ phận cán bộ lãnh đạo cách mạng. Đó chính là con người đưa ra định hướng, chiến lược và hướng dẫn quần chúng nhân dân thực hiện; thành công hay thất bại của cách mạng có vai trò to lớn của
bộ phận cán bộ cách mạng. V.I Lênin nhấn mạnh nếu không có đội ngũ cán bộ
tốt “thì tất cả mọi mệnh lệnh và quyết định sẽ chỉ là mớ giấy lộn”.
Do vậy, muốn có một đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu mới trong giai đoạn cách mạng, thì chúng ta cần phải thường xuyên quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng họ, vì:
Cán bộ không tự nhiên có, không có ai sinh ra để làm cán bộ. Phải qua quá trình đào tạo và tập trung đào tạo lâu dài mới có được.
Cán bộ từ xã hội mà ra - cái xã hội mà chúng ta đang tiến hành cải tạo. Vì thế cán bộ không tránh khỏi mang trong mình những hạn chế từ xã hội. Phải đào tạo cán bộ để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta là vô cùng to lớn, đầy khó khăn, phức tạp, lại biến đổi không ngừng. Phải đào tạo cán bộ thường xuyên, liên tục mới đáp ứng được yêu cách mạng.
Bản thân Đảng và Nhà nước cũng trưởng thành không ngừng, cán bộ phải được đào tạo và tập trung đào tạo để theo kịp sự phát triển của tổ chức.
Mặt khác cán bộ của chúng ta chủ yếu xuất thân từ nông dân, công nhân, ngoài ra còn một số do chế độ cũ để lại. Vì vậy, phải thường xuyên bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ chính trị cho họ.
Hơn nữa, tình hình quốc tế và tình hình kinh tế - xã hội trong nước thường xuyên thay đổi, do đó cán bộ cần phải nắm bắt được những thông tin mới, những thay đổi trong cuộc sống để kịp thời giải quyết công việc sao cho phù hợp với thực tiễn.
Trình độ của nhân dân ngày càng cao, nhiệm vụ cách mạng ngày càng nặng nề, do vậy phải thường xuyên nâng cao phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ, đảng viên thi mới có thể hoàn thành được trách nhiệm được giao.
Ngay từ thời kỳ đầu của sự nghiệp cách mạng, Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến vấn đề đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phục vụ sự nghiệp cách mạng. Tư tưởng về công tác đào tạo và huấn luyện cán bộ đã
được Hồ Chí Minh quán triệt khá sâu sắc trong những lần Người đi chỉ đạo thực tiễn, đặc biệt là trong hai bài phát biểu chính của Người “Nói về công tác huấn luyện và học tập”phát biểu ngày 6 tháng 5 năm 1950 và “Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I trường Nguyễn Ái Quốc” ngày 7 tháng 9 năm 1957. Từ đó đến nay, 50 năm đã trôi qua chúng ta đã làm được rất nhiều việc theo sự chỉ dẫn của Người, đã cung cấp cho Trung ương, địa phương, các ban ngành một đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, đảm trách những công việc mà Đảng và Nhà nước giao phó. Chúng ta đã trụ được trong bão táp và phát triển. Đó là mặt rất cơ bản.
Trong giai đoạn hiện nay, khi đã giành được chính quyền, lãnh đạo công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc đội ngũ cán bộ lại có vai trò quan trọng hơn. Công cuộc đổi mới ngày càng đi vào chiều sâu, những vấn đề mới đặt ngày càng nhiều, những biến động trên thế giới và sự gắn kết vào phân công và hợp tác quốc tế, ngày càng sâu, đòi hỏi chúng ta phải đầu tư nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngày một thiết thực hơn, nhằm đào tạo được một đội ngũ cán bộ vững vàng về chính trị, tư tưởng, có đạo đức tốt, lối sống lành mạnh; có năng lực, đủ sức giải quyết những vấn đề thực tiễn mà sự nghiệp cách mạng của dân tộc đặt ra. Đó là một đội ngũ cán bộ biết: “Đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi công việc” [31, tr. 285].