Chương 1 : TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐÀO TẠO CÁN BỘ
2.1.1. Khái quát tình hình chính trị kinh tế văn hóa xã hội tỉnh Nam Định
2.1.Thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã ở tỉnh Nam Định
2.1.1. Khái quát tình hình chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội tỉnh Nam Định Định
Nằm giữa trung tâm đồng bằng sông Hồng, cách thủ đô Hà Hội hơn 80 km, Nam Định là mảnh đất văn hiến, gắn liền với sự ra đời và phát triển của vương triều Trần. Nam Định có diện tích tự nhiên năm 2009 là 1.671,5 nghìn km2, bằng 6,25% diện tích của cả nước và bằng 13,25% diện tích của Bắc Bộ. Theo điều tra dân dố 01/04/2009 Nam Định có 1.825.771 người với mật độ dân số 1.196 người/km². Nam Định gồm có 1 Thành phố và 09 huyện, có 230 đơn vị hành chính cấp xã gồm 195 xã, 20 phường và 15 thị trấn. Địa hình Nam Định gồm cả đồng bằng, núi và biển. Phía Đông và Đông nam giáp biển Đông, là tỉnh có đường biên giới quốc gia trên biển và chỉ cách Thủ đô Hà Nội 90km về phía Nam. Hệ thống giao thông đường thủy và đường bộ khá tốt. Có 45km đường sắt xuyên Việt, có quốc lộ 1A, quốc lộ 10, quốc lộ 21 chạy qua. Có 72km tiếp xúc với biển. Có cảng biển hàng hóa và đường sông. Quốc lộ 10 được xây dựng tạo thành tuyến giao thông huyết mạch nối liền các tỉnh duyên hải với vùng tam giác phát triển kinh tế Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh cùng các trung tâm kinh tế trọng điểm vùng Đông Bắc tổ quốc tạo thành cửa mở quan trọng cho hội nhập và phát triển của tỉnh [39, tr. 3].
* Tình hình kinh tế
Nam Định hình thành rõ nét ba vùng kinh tế: vùng kinh tế đồng bằng gồm các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường - đây là vùng có nhiều khả năng thâm canh phát triển công nghiệp dệt, chế biến,
công nghiệp chế biến, công nghiệp cơ khí và các ngành nghề truyền thống; vùng kinh tế ven biển gồm các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng với bờ biển dài 72 km, đất đai phì nhiêu có nhiều khả năng phát triển kinh tế tổng hợp ven biển; vùng trung tâm công nghiệp, dịch vụ là Thành phố Nam Định có các ngành công nhiệp dệt may, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến các ngành nghề truyền thống, các phố nghề... cùng các ngành dịch vụ tổng hợp, dịch vụ chuyên ngành hình thành và phát triển từ lâu. Các sản phẩm công nghiệp của Nam Định ngày càng phong phú, có sức cạnh tranh lớn trên thị trường như sản phẩm của công ty may Sông Hồng, công ty sinh hóa Nam Định, nhà máy cơ khí đúc Trường Thành, một số mặt hàng chủ yếu có tốc độ tăng trưởng khá như may mặc, thịt đông lạnh, hàng thủ công mỹ nghệ...
Với những cố gắng, nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân tỉnh Nam Định, trong giai đoạn 2005 - 2010 tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh Nam Định đạt mức khá (10,2%/năm), cao hơn mức bình quân trong giai đoạn 2001 -2005 (7,3%/năm).
Về mặt cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch phù hợp với định hướng kinh tế nhiều thành phần và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tổng GDP tăng hơn 1,63 lần; GDP/ đầu người tăng hơn 2,6 lần; giá trị công nghiệp tăng hơn 2,5 lần, bình quân 20,5%/ năm. Các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được đầu tư, có tác động rõ rệt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân tăng 3,8%/ năm. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng. Các ngành dịch vụ hoạt động ổn định, giá trị tăng bình quân 9,1%/ năm; xuất khẩu tăng nhanh, tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 230 triệu USD.
Sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng khẳng định sự đúng đắn trong chính sách và các chiến lược nhằm sử dụng có hiệu quả và hợp lý các nhân tố, các nguồn lực. Đây là vấn đề trọng tâm mà giai đoạn trước đây tỉnh chưa chú ý hoặc chưa có điều kiện để khai thác. Thông qua sự phát triển nhanh chóng của các chỉ số trên đã tạo điều kiện cho đời sống nhân dân dần đi vào ổn định và ngày càng được nâng cao trên cả phương diện số lượng và chất lượng.
*Tình hình chính trị
Hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp có nhiều đổi mới; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp được nâng cao hơn, hoạt động của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể đã góp phần làm bền chặt hơn quan hệ gắn bó mật thiết giữa đảng với nhân dân, đảm bảo sự đồng thuận xã hội, huy động sức mạnh của các tầng lớp nhân dân thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương. Công tác quốc phòng an ninh được tăng cường góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Công tác quản lý cán bộ, công chức đi dần vào nề nếp. Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức từng bước được nâng cao về trình độ, năng lực công tác, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Công tác cải cách hành chính được tiếp tục đẩy mạnh. 100% huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn; 16/19 sở, ban ngành trong tỉnh thực hiện giao dịch hành chính “một cửa”. Tỉnh đã ban hành thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn, các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh đồng thời tiếp tục rà soát, phấn đấu giảm 30% các thủ tục hành chính đã công bố. Tỉnh cũng tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn quản lý tiên tiến. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được quan tâm và duy trì, bảo đảm cho nhân dân thực hiện đầy đủ quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân.
“Tình hình chính trị - xã hội ổn định; Đảng bộ đoàn kết, thống nhất;
kinh tế - xã hội của tỉnh sau nhiều năm tích lũy kết quả phát triển ở giai đoạn có chuyển biến mới về chất; nội lực về văn hóa, giáo dục, con người tiếp tục được phát huy; sự phát triển chung của vung kinh tế trọng điểm Bắc bộ; sự quan tâm mọi mặt và định hướng của Trung ương về xây dựng thành phố Nam Định trở thành Trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, phát triển kinh tế biển, nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới...” [55, tr. 24]
* Tình hình văn hóa
Nam Định, một vùng đất địa linh nhân kiệt nổi tiếng, có mạch nguồn văn hóa riêng, khó pha trộn, là một tỉnh giàu truyền thống văn hiến, đoàn kết, yêu nước, cách mạng trong đấu tranh xây dựng quê hương và sự phong phú về giá trị di sản văn hóa. Truyền thống đó đã được phát huy, phát triển trong công cuộc đổi mới, đặc biệt là trong giai đoạn (2005 -2010). Nó chính là sức mạnh nội lực về tinh thần để Đảng bộ, quân và nhân dân tỉnh vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để vững tiến, đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển quê hương, đất nước.
Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, nhân dân Nam Định luôn quan tâm, coi trọng học vấn tiếp nối truyền thống “tôn sư trọng đạo” của cha ông. Đó thực sự là một nét đẹp trong đời sống văn hóa của nhân dân. Trong 16 năm liền, ngành giáo dục - đào tạo tỉnh Nam Định giữ vững danh hiệu tiên tiến xuất sắc, đứng đầu trong tốp dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Trong đó tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp và tốp trường trung học phổ thông có tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào đại học cao, trung bình điểm thi đại học cao nhất cả nước. Tiếp tục phát triển toàn diện về quy mô và chất lượng. Đã đạt chuẩn phổ cập tiểu học và trung học cơ sở đúng độ tuổi. Tỷ lệ học sinh thi tuyển vào học lớp 10 đạt 81%.
Năm học 2008 - 2009 và 2009 - 2010 dẫn đầu toàn quốc về tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, tỷ lệ học sinh giỏi đạt giải quốc gia và điểm thi bình quân vào đại học, cao đẳng.
Đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý từng bước được chuẩn hóa và nâng cao đạo đức sư phạm. Thực hiện tốt đổi mới giáo dục phổ thông, “hai không” trong giáo dục và bệnh thành tích trong thi cử. Hệ thống cơ sở trường lớp được đầu tư nâng cấp theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa. Đã cải tạo, xây dựng hơn 2.300 phòng học kiên cố.
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay có 4 trường đại học, 5 trường cao đẳng, 15 trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề. Các huyện đều có các trung tâm dạy nghề. Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phát triển rộng khắp và ngày càng hiệu quả. Các hoạt động văn hóa - văn nghệ phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thưởng thức của nhân dân và định hướng chính trị tư tưởng. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được chú trọng, nhiều di tích lịch sử văn hóa được tu bổ, tôn tạo.
“Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”được mở rộng và nâng cao chất lượng. Năm 2010, có 40% làng, khu dân cư, 75% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa, 70% cơ quan, trường học đạt nếp sống văn hóa”
[55, tr. 9].
Phong trào thể dục, thể thao tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Nhiều giải thể thao trong nước và quốc tế được tổ chức thành công. Báo chí, phát thanh và truyền hình từng bước được đổi mới về cả hình thức hoạt động lẫn nội dung, cơ bản đáp ứng định hướng tuyên truyền của các cấp ủy và nhu cầu thông tin của nhân dân. Đã phủ sóng phát thanh, truyền hình đến hầu hết các xã trong toàn tỉnh với 99% số hộ được xem truyền hình, 100% số hộ được nghe đài phát thanh [55, tr. 9].
* Tình hình tôn giáo tín ngưỡng
Là một bộ phận của văn hóa dân tộc, đời sống tín ngưỡng của nhân dân Nam Định phát triển rất mạnh. Truyền thống uống nước nhớ nguồn đã thấm sâu vào đời sống của mỗi người dân, thể hiện qua tín ngưỡng thờ cúng gia tiên, cúng thành hoàng mà hầu hết là những nhân thần có công dựng nước, giữ nước. Đạo Phật xuất hiện ở Nam Định cách đây khoảng trên 1000 năm, thịnh nhất vào thời Lý - Trần. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 818 ngôi chùa, có 1 trường Trung cấp Phật học và đang tiến hành xây dựng khu trung tâm Trúc Lâm Thiên Trường tại thành phố Nam Định. Phật giáo có
khoảng 779 tăng ni đang trụ trì và kiêm trụ trì tại 579 ngôi chùa, có trên 11 vạn tín đồ quy Tam bảo (chiế, 7,4% dân số trong tỉnh). Ngoài ra, khoảng 60% nhân dân trong tỉnh chịu ảnh hưởng của Phật giáo. Toàn tỉnh có 197 xã, phường, thị trấn có chùa, trong đó có 44 đơn vị có từ 7 chùa trở lên. Cơ cấu tổ chức có Ban trị sự Phật giáo tỉnh gồm 37 thành viên cùng 10 Ban đại diện Phật giáo ở 9 huyện và thành phố Nam Định với 86 thành viên. Đạo Thiên Chúa du nhập vào tỉnh Nam Định vào loại sớm nhất cả nước (từ thế kỷ XVIII) [39]. Đến thời thuộc Pháp, đạo Thiên Chúa được khuyến khích phát triển và Nam Định cùng với Phát Diệm (Ninh Bình) đã trở thành trung tâm Thiên Chúa lớn nhất Đông Dương. Đến nay, đạo Công giáo trong tỉnh bao gồm giáo phận Bùi Chu và một phần giáo phận Hà Nội với 140 giáo xứ, 517 giáo họ. Đạo Công giáo trong tỉnh có 657 nhà thờ, có trường đào tạo linh mục - cơ sở II của Đại chủng viện Hà Nội tại Bùi Chu, có 6 dòng tu. Đội ngũ chức sắc đạo Công giáo có 03 giám mục, 160 linh mục và đang cử đi đào tạo 64 chủng sinh tại các đại chủng viện trong nước. Đội ngũ chức việc có khoảng 3.600 người đang tham gia hoạt động. Hiện trong tỉnh có khoảng 43 vạn người theo đạo công giáo, chiếm 22% dân số, sống trên địa bàn 9 huyện và thành phố nhưng tập trung chủ yếu ở các huyện ven biển. Toàn tỉnh có 199/299 xã, phường, thị trấn có tín đồ đạo công giáo, trong đó có 83 xã, phường, thị trấn có trên 30% dân số là người Công giáo.
Từ cội nguồn, người Công giáo ở Nam Định luôn mang trong mình lòng yêu nước, lòng tự hào của người Việt Nam. Song vừa bị ám ảnh bởi gánh nặng của quá khứ, vừa do quá trình can thiệp của của Giáo hội Vaticăng, vừa do những hạn chế trong thực thi đường lối, chính sách của Đảng ở địa phương nên trong một bộ phận giáo dân có tâm lý lo ngại. Họ lo ngại sự chuyên quyền của một bộ phận bề trên, lo ngại với đội ngũ cán bộ địa phương khi thực thi các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có chính sách về tôn giáo. Đây là điểm đáng lưu ý trong quá trình thực hiện công tác tôn giáo ở tỉnh.
Như vậy, với những điều kiện thuận lợi và khó khăn đặt ra về tự nhiên, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đã tạo cho Nam Định vị thế đặc biệt mà ít tỉnh trong vùng có được. Nam Định đang quyết tâm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện thực hiện không tổ chức Hội đồng nhân dân. Theo đó dần thay đổi diện mạo của một tỉnh đang có nguy cơ “già” do tốc độ phát triển có nguy cơ tụt hậu. Tất cả các chủ trương, chính sách đó thành hay bại, đòi hỏi toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và mọi người dân phải đồng lòng, dốc sức, nỗ lực phấn đấu, đặc biệt trong đó có vai trò quyết định của đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền tỉnh. Việc chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp trong tỉnh là một yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài để phát triển. Yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ công chức không chỉ đủ về số lượng mà còn đảm bảo chất lượng, hoàn thành nhiệm vụ được giao, tuyệt đối trung thành với chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước.