7. Kết cấu của luận văn
1.2 Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về phong cách làm việc dân chủcủa
1.2.1 Tầm quan trọng của phong cách làm việc dân chủcủa cán bộ
Hồ Chí Minh là người tham gia các sự kiện trọng đại nhất của dân tộc Việt Nam, luôn là người dấn thân vào cuộc sống thực tế, trở thành nhân vật cốt yếu nhất, một nhà chính trị, nhà tư tưởng, một vị lãnh tụ mẫu mực hoạt động. Dưới ánh sáng của Chủ Nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy cần có một hệ thống chính trị vững mạnh, một đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, trí tuệ và phong cách làm việc chuẩn mực để lãnh đạo nhân dân thực hiện mục tiêu chung. Hồ Chí Minh khẳng định vị trí, vai trò của cán bộ: “là gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém”[62; tr.235]. Theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cây thì phải có gốc, không có gốc thì cây héo, sông thì phải có nguồn, không có nguồn thì sông cạn. Vì vậy trong mọi việc mà không có cán bộ thì không thể hoàn thành.
Cán bộ còn được hiểu "là cái dây chuyền của bộ máy". Trong cỗ máy công nghiệp, dây chuyền liên quan đến nhiều bộ phận, nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Sự chuyển động của xã hội được coi như một "cỗ máy" khổng lồ. Trong "cỗ máy" đó, cán bộ là dây chuyền, "cầu nối" giữa Đảng, Chính phủ với nhân dân. Đây là một "dây chuyền" đặc biệt. Bởi vì, cán bộ phải đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Như vậy, nếu cán bộ dở thì một mặt chính sách không thể thực hiện được, mặt khác việc hoạch định, xây dựng chính sách mới sẽ sai lầm hoặc không phù hợp.
Trong mối quan hệ giữa cán bộ và nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm dân như nước, cán bộ như cá. Lực lượng bao nhiêu là nhờ dân hết. Người chỉ rõ "cán bộ không có đội viên, lãnh tụ không có quần chúng thì không làm gì được"[62; tr.275]. Từ đó, Người khẳng định nước lấy dân làm gốc, "cán bộ quyết định mọi việc". Sự "quyết định" ở đây là cán bộ phải đi trước, làm gương về tư tưởng, đạo đức, thái độ, lề lối làm việc. Muốn phát huy được đầy đủ tính sáng tạo của hàng chục triệu người, thì cán bộ phải đi trước, tự cải tạo mình, tự nâng cao mình. Cán bộ phải có lập trường giai cấp vô sản vững chắc, giác ngộ về chủ nghĩa xã hội cao; phải rửa sạch ảnh hưởng tư tưởng của giai cấp bóc lột, rửa sạch chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện tinh thần và ý thức tập thể.
Phong cách làm việc là sản phẩm của con người, vì vậy phong cách làm việc của mỗi cán bộ sẽ mang sắc thái riêng. Tuy nhiên, xuất phát từ phương pháp tiếp cận tư tưởng Hồ Chí Minh về phong cách làm việc dân chủ của cán bộ theo chiều cạnh chính trị của dân chủ. Cán bộ có phong cách làm việc dân chủ phải có đầy đủ các đặc trưng:
- Mỗi cán bộ phải biết biết phân chia quyền lực, lãnh đạo quản lý của mình, phải gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, đặt mình trong tập thể, lắng nghe ý kiến của tập thể. Đồng thời phải lắng nghe, tranh thủ ý kiến cấp dưới, của nhân dân đưa họ tham gia vào việc thảo luận các quyết định, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân.
- Cán bộ phải mở rộng dân chủ để phát huy sức mạnh của tập thể. Cán bộ phải biết giác ngộ và tổ chức nhân dân thực hiện chủ chương chính sách của Đảng và Nhà nước vì mục tiêu chung của Dân tộc, vì lợi ích của nhân dân.
- Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết trong quá trình tổ chức thực hiện. Theo phong cách dân chủ Hồ Chí Minh là nhận trách nhiệm cá
nhân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được tập thể giao phó và tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Như vậy, phong cách làm việc dân chủ là phong cách được đặc trưng bằng việc Người cán bộ phân chia quyền lực quản lý, lãnh đạo của mình, tranh thủ ý kiến cấp dưới, đưa họ tham gia vào việc khởi thảo các quyết định. Cán bộ có phong cách này còn tạo ra những điều kiện thuận lợi cho cấp dưới, nhân dân được phát huy sáng kiến, tham gia vào việc lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch, đồng thời tạo ra bầu không khí tâm lý tích cực trong quá trình quản lý. Theo phong cách này cán bộ sẽ không hành động khi không có sự đồng thuận của cấp dưới hoặc người cán bộ tự quyết định hành động nhưng có tham khảo ý kiến của cấp dưới của mình.
Ưu điểm của phong cách làm việc dân chủ của cán bộ đó là cấp dưới thích lãnh đạo hơn, không khí trong tổ chức thân thiện, định hướng nhóm, định hướng nhiệm vụ rõ ràng. Mỗi thành viên trong tổ chức đều thấy sự cần thiết phải gắn bó với nhau để cùng làm việc nhằm đem lại kết quả chung, hiệu quả công việc cao, kể cả khi không có mặt của người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Phong cách làm việc dân chủ giúp cán bộ phát huy được năng lực và trí tuệ của tập thể, phát huy được tính sáng tạo của cấp dưới, quyết định của người cán bộ lãnh đạo, quản lý được cấp dưới tin tưởng và làm theo.
Hồ Chí Minh thấy rõ sức mạnh của dân nên đồng thời khẳng định sức mạnh và vai trò của thực hành dân chủ và phong cách làm việc dân chủ của cán bộ. Phong cách này như một sức mạnh giải phóng ý thức tư tưởng, mọi tiềm năng xã hội, nhờ đó phát huy được mọi khả năng sáng tạo, làm nở rộ những tài năng, sáng kiến của nhân dân, tạo ra những nguồn lực dồi dào cho tiến bộ và phát triển. Phong cách làm việc dân chủ là đặc trưng cơ bản của phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nó sẽ khơi dậy được mọi sự tham gia nhiệt tình và những đóng góp sáng tạo của quần chúng.
Hồ Chí Minh viết: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến”[58; tr.345]. Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ” nghĩa là nhân dân làm chủ và nhân dân là chủ. Cán bộ, Đảng viên sẽ là người đầy tớ trung thành của nhân dân, vừa đi trước quần chúng, vừa hòa mình vào quần chúng. Làm sao cho cán bộ cấp dưới, cán bộ bình thường và nhân dân có ý kiến thì giám nói ra, dám phê bình, không sợ bị trù dập, phát huy tối đa quyền làm chủ và là chủ của nhân dân. Như vậy là cán bộ lãnh đạo, quản lý đã đạt được tầm cao của phong cách làm việc dân chủ.
Theo Hồ Chí Minh, phong cách làm việc dân chủ của cán bộ sẽ có tác dụng thúc đẩy, phát triển để hướng tới tiến bộ, văn minh của dân chủ được thể hiện trên nhiều lĩnh vực: Sản xuất, làm kinh tế vì ích nước lợi nhà, thoát được đói nghèo, dần dần trở nên giàu có. Nhờ có dân chủ mà thể chế, luật pháp, bộ máy nhà nước mới có sức mạnh, mới hướng vào mục tiêu phục vụ dân, bảo vệ dân. Nhờ có phong cách làm việc dân chủ của cán bộ mà Đảng mới phát huy được uy tín, ảnh hưởng xã hội rộng lớn trong dân. Quan hệ gần gũi, mật thiết giữa Đảng và Nhà nước thì phải có dân chủ, dân sẽ dám nói, dám nghĩ, dám làm. Cán bộ Đảng viên thì có gan nói, gan làm, dám chịu trách nhiệm. Có làm việc theo phong cách dân chủ, thực hiện tự do tư tưởng, tự do thảo luận, tranh luận để tìm ra chân lý thì sẽ khắc phục được thói áp đặt, quan liêu, mệnh lệnh. Bảo đảm và phát huy được dân chủ thì quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Đây là một tác dụng vô cùng to lớn, kích thích mọi khả năng sáng tạo, nhất là đối với giới trí thức.
Do đó, Nhà nước phải phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân. Chính phủ là chính phủ của toàn dân, chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ trung thành, tận tụy của dân. Sức của dân rất lớn. Lực lượng của
dân dồi dào. Sáng kiến của dân là vô tận. Dân có trăm tai nghìn mắt ở cơ sở nên hiểu tình hình, hiểu cán bộ. Giám sát thanh tra của dân làm cho những sai trái, khuất tất sẽ lộ ra, nhờ đó mà kịp sửa chữa, chấn chỉnh. Bộ máy có trong sạch, cán bộ có liêm khiết thì mới phục vụ được dân. Muốn vậy phải dựa vào dân, phải đưa mọi vấn đề cho dân thảo luận và tìm cách giải quyết.
Vai trò, tác dụng của phong cách làm việc dân chủ của cán bộ còn ở chỗ nó thúc đẩy đoàn kết, tăng cường đồng thuận và ngăn chặn quan liêu, tham nhũng. Có làm việc dân chủ thực chất, tức là bảo đảm sự tôn trọng, tin cậy và bình đẳng thì mới đoàn kết thực chất được. Có làm việc dân chủ và đoàn kết thì xã hội mới đồng thuận, để đồng tâm hiệp lực vào công cuộc xây dựng chế độ, phát triển kinh tế, văn hóa vì hạnh phúc chung. Phong cách làm việc dân chủ của cán bộ sẽ tạo ra điều kiện thuận lợi để cho cán bộ cấp dưới được phát huy ý kiến, tham gia vào việc lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch, đồng thời tạo ra bầu không khí tâm lý tích cực trong quá trình quản lý để hiệu quả công việc kể cả không có mặt của cán bộ.
Hồ Chí Minh nhấn mạnh một vai trò to lớn của phong cách làm việc dân chủ như “là cái chìa khóa vạn năng giải quyết mọi vấn đề”. Cán bộ nếu có phong cách làm việc dân chủ luôn xung phong, gương mẫu đi trước giải quyết mọi vấn đề, bàn bạc một cách dân chủ chắc chắn hiệu quả công việc sẽ luôn cao. Kinh nghiệm cho thấy, cơ quan nào mà trong lúc khai hội, cán bộ để mọi người nói hết, cái đúng thì nghe, cái ko đúng thì giải thích, sửa chữa, ở những cơ quan ấy mọi người đều hoạt bát, bệnh “thì thầm, thì thào” cũng hết.
Phong cách làm việc dân chủ có vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến uy tín của cán bộ đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý và tác động đến hiệu quả nhiệm vụ chính trị của tổ chức, phong cách của cán bộ cấp dưới, lợi ích của nhân dân. Tư tưởng: “Tất cả vì lợi ích của nhân dân” là kim chỉ nam cho hoạt động lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ các cấp.
Năm 1947, Hồ Chí Minh về thăm Thanh Hóa căn dặn: “Phải đem hết sức dân, tài dân, của dân làm cho dân. Trước kia, sức dân, của dân làm lợi cho đế quốc, nay đem lại lợi ích cho dân” [62; tr. 254]. Đem tài dân, sức dân, của dân, tức là đem toàn bộ sức người, sức của, tinh thần, vật chất, tài năng, của cải, tài sản trong dân để làm lợi cho dân. Nói ngắn gọn, đây chính là triết lý phát huy nguồn lực của dân để đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đây là một triết lý hết sức sâu sắc, có ý nghĩa lớn với việc xây dựng phong cách làm việc dân chủ của đội ngũ cán bộ theo Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Phong cách làm việc dân chủ của cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng ảnh hưởng đến uy tín và tác động đến hiệu quả của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức, phong cách của cán bộ cấp dưới, lợi ích của cán bộ cấp trên. Phong cách làm việc dân chủ của cán bộ góp phần phát huy được uy tín, ảnh hưởng xã hội rộng lớn của Đảng trong dân. Phong cách làm việc dân chủ góp phần thực hiện tự do tư tưởng, tự do thảo luận, tranh luận để tìm ra chân lý thì sẽ khắc phục được thói áp đặt, quan liêu, mệnh lệnh. Đây là một tác dụng vô cùng to lớn, kích thích mọi khả năng sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với giới trí thức.
Tuy nhiên, nhược điểm của phong cách này là người cán bộ có thể tốn khá nhiều thời gian để ra được một quyết định, và đôi khi cũng khó đi đến thống nhất ý kiến trong một số vấn đề cụ thể nếu không có người điều hành đủ chuyên môn, hiểu biết và sự quyết đoán. Hồ Chí Minh đã xem phong cách làm việc dân chủ của cán bộ đã góp phần quan trọng đến kết quả của công việc. Do đó, cán bộ phải phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân, nâng cao phong cách làm việc dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Phong cách làm việc dân chủ của cán bộ đúng đắn là phải kết hợp chặt chẽ giữa cách làm việc dân chủ tập thể với tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, kịp thời đưa ra những quyết sách đúng của cá nhân. Những hiện tượng coi
thường tập thể, hoặc dựa dẫm, ỷ lại tập thể, không quyết đoán, không nêu cao trách nhiệm cá nhân đều làm trì trệ, suy yếu năng lực lãnh đạo của người cán bộ.
Tóm lại:
Phong cách làm việc dân chủ của cán bộ giữ vai trò quan trọng.
Thứ nhất, phong cách làm việc dân chủ là một trong những yếu tố cấu thành nên chất lượng làm việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nó quyết định hiệu quả của công việc lãnh đạo.
Thứ hai, phong cách làm việc dân chủ của cán bộ là nhân tố quan trọng quyết định năng lực lãnh đạo, quản lý và sức chiến đấu của Đảng. Đồng thời, phát huy được mọi khả năng sáng tạo, làm nở rộ những tài năng, sáng kiến của nhân dân, tạo ra những nguồn lực dồi dào. Dân chủ, sáng kiến, hăng hái_ba điều đó quan hệ mật thiết với nhau, có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến, hăng hái, tích cực hạn chế những khuyết điểm trong quá trình công tác.
Thứ ba, phong cách làm việc dân chủ của cán bộ ảnh hưởng đến mối quan hệ của Đảng, cán bộ với nhân dân. Nhờ có phong cách làm việc dân chủ của cán bộ mà Đảng mới phát huy được uy tín, ảnh hưởng xã hội rộng lớn trong dân. Quan hệ giữa Đảng, nhà nước, và nhân dân trở nên gần gũi, mật thiết.
Thứ tư, Hồ Chí Minh nhấn mạnh một vai trò to lớn của phong cách làm việc dân chủ như “là cái chìa khóa vạn năng giải quyết mọi vấn đề”. Cán bộ nếu có phong cách làm việc dân chủ luôn xung phong, gương mẫu đi trước giải quyết mọi vấn đề, bàn bạc một cách dân chủ hiệu quả công việc sẽ luôn cao.