Giáo dục phải giúp con người hướng tới sự hiểu biết, từ đó

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng giáo dục của Jiddu Krishnamurti (Trang 63 - 68)

7. Kết cấu của luận văn

2.2. Những nguyên tắc tiến hành giáo dục

2.2.2. Giáo dục phải giúp con người hướng tới sự hiểu biết, từ đó

định mục đích và lý tưởng sống

Bên cạnh quan niệm cho rằng giáo dục dựa trên tinh thần tự do, tình yêu và lòng thiện tâm, Krishnamurti cũng đề ra nguyên tắc là giáo dục phải giúp con người có sự hiểu biết, từ đó xác định mục tiêu và lý tưởng sống.

Krishnamurti nhấn mạnh rằng chúng ta không nên từ bỏ kỹ thuật nhưng cần phải biết suy tư. Giáo dục không chỉ là đọc một vài quyển sách hay thuộc lòng một vài dữ kiện mà còn phải biết học hỏi cách theo dõi, cách lắng nghe quyển sách đang nói gì, biết suy tư xem điều đó là đúng hay sai. Ở đây cần có sự phân biệt giữa học hỏi và việc thu lượm kiến thức. Krishnamurti cho rằng kiến thức là tất cả những gì con người đã học hỏi qua kinh nghiệm; là những gì con người gom góp bằng học vấn, bằng nghiên cứu, sưu tầm qua hàng bao thế kỷ đấu tranh cùng với sự nỗ lực cố gắng về cả mặt khoa học và tâm lý. Kiến thức thật mênh mông, nó không chỉ được ghi chép thành sách mà còn tồn tại hiện hữu trong mỗi cá nhân hay trong tâm thức tập thể hoặc chủng tộc. Những thông tin về y học và khoa học, khả năng biết làm và những lĩnh vực thuộc về kỹ thuật, về thế giới vật chất chủ yếu bén rễ trong tâm thức người phương Tây; cũng giống như vậy, có sự nhạy cảm lớn lao hơn về cảnh giới thoát trần trong tâm thức người phương Đông. Tất cả những điều đã được khám phá hay đang được khám phá từng ngày một đều được coi là kiến thức. Kiến thức là một tiến trình không ngừng thêm lên, không có chung cuộc cho nên rất có thể đó là điều mà con người luôn theo đuổi. Krishnamurti không phủ nhận vai trò của kiến thức, thậm chí ông còn nhấn mạnh vai trò của nó: “Kiến thức là hết sức cần thiết, không thể bị xem thường. Không kiến thức, khoa giả phẫu hiện đại và hàng trăm kỳ công khác không thể hiện hữu được” [27, tr. 14]. Kiến thức cần thiết cho những ai quan tâm đến trật tự của sự vật. Một kỹ sư ắt phải có kiến thức để xây dựng một cây cầu hay phác thảo những máy móc. Nhà vật lý học phải có kiến thức, nó là một phần học vấn và cũng là cuộc sống của anh ta. Tuy nhiên, chất chứa quá nhiều kiến thức làm cho chúng ta mất tự do trong quá trình nhìn nhận, đánh giá sự vật. Chúng ta không sáng tạo vì đã rót đầy kiến thức của người khác và chứa đầy những câu trích dẫn của người khác. Chúng ta được tiếp thu rất nhiều kiến thức từ nhà trường thông qua thầy giáo, qua sách vở và trong chính cuộc sống thường ngày. Kiến thức như vậy đã dẫn đến hậu quả là tư duy, suy nghĩ của chúng ta luôn bắt

đầu bằng những kết luận. Krishnamurti đồng ý rằng nếu như không có kiến thức từ quá khứ như là ký ức thì chúng ta không nhận ra được sự vật là cái gì. Mọi quá trình giao tiếp không thể tiếp tục nếu những kết luận như thế không được chấp nhận một cách hiển nhiên. Tuy nhiên, tư tưởng dựa trên kinh nghiệm thì luôn luôn là hệ quả của quá khứ và do đó lối tư duy như thế không bao giờ mang lại điều mới lạ. Hầu hết những suy nghĩ của chúng ta đều dựa trên truyền thống, kinh nghiệm, thói quen của người khác. Một tâm trí bị vướng mắc trong truyền thống không thể nhận thức được cái gì là đúng, là chân được. Có kiến thức là một chuyện, nhưng việc đạt được sự hiểu biết lại là chuyện khác. Kiến thức không đưa đến sự hiểu biết nhưng sự hiểu biết có thể làm phong phú, bổ sung cho kiến thức.

Krishnamurti không nhằm biện hộ hay phê phán kiến thức, ông cố gắng đưa đến một cách nhìn toàn diện về cuộc sống. Kiến thức chỉ là một thành phần của cuộc sống chứ không phải toàn thể. Khi cái bộ phận được đề cao thái quá thì cuộc sống trở nên hời hợt, nhàm chán. Chỉ có mỗi kiến thức thì dù có bao la đến đâu và được kết hợp với kỹ xảo thế nào đi chăng nữa thì cũng không giải quyết được các vấn đề của con người. Sự tồn tại của con người cần một cái gì đó sâu xa tinh tế hơn thế. Do vậy, để hiểu biết cuộc sống cần có sự học hỏi. Học hỏi ngụ ý rằng chúng ta không chỉ biết nhìn nhận sự vật mà còn phải biết cảm nhận và hiểu biết về chúng. Nếu chỉ có thu lượm kiến thức thì chúng ta cũng không khác gì máy móc. Một máy vi tính hay một người máy có thể thu lượm kiến thức vì nó được dung nạp những thông tin đó. Nó có khả năng thu lượm thông tin, lưu trữ và đáp lại khi được yêu cầu trả lời một câu hỏi. Trái lại, khi chúng ta có sự học hỏi, chúng ta có được sự tinh tế để cảm nhận toàn vẹn về cuộc sống. Chúng ta chỉ học hỏi được nhiều nhất khi tâm trí tự do, không bị đe doạ bởi uy quyền hay sự ganh đua với người khác. Krishnamurti chỉ ra rằng, cuộc sống vốn rất đa dạng và phong phú: đó là những người dân làng trong những bộ quần áo rách nát, bẩn thỉu, thường xuyên bị đói, làm việc mỗi ngày trong suốt cuộc đời. Đó cũng có thể là những

con người đi trên những chiếc xe sang trọng, phủ đầy người bằng trang sức đắt tiền, có nhiều người hầu. Đó còn là những người tự nguyện vứt bỏ của cải, sống một cuộc sống đơn giản, vô danh, không muốn mọi người biết đến. Cuộc sống bao gồm cả những con người biết suy nghĩ cẩn thận, hợp lý nhưng cũng có những người mù quáng, chỉ biết tuôn theo các mệnh lệnh. Thậm chí, ngay cả cái chết cũng là một phần của cuộc sống. Việc chúng ta được cha mẹ cho đến trường, có việc làm và lập gia đình… Tất cả điều này chỉ là những mảnh nhỏ của cuộc sống. Việc hiểu biết nó một cách toàn diện không phải chỉ bằng những kiến thức thâu lượm được mà phải bằng sự học hỏi trong suốt cuộc đời. Không ai có thể dạy chúng ta nhưng chúng ta có thể học được. Có một sự khác biệt lớn lao giữa học hỏi và được dạy. Học hỏi tiếp diễn suốt cuộc đời, còn được dạy sẽ chấm dứt trong vài giờ hoặc vài năm. Sau đó, chúng ta lặp lại những gì đã được dạy trong suốt phần đời còn lại. Những gì chúng ta được dạy sớm biến thành đống tro tàn nguội lạnh trong khi cuộc sống là một thực thể sống động. Chúng ta bị ném vào cuộc sống mà không có sự thoải mái hay tự do để hiểu biết về nó. Trước khi chúng ta biết bất kỳ điều gì về cuộc sống thì chúng ta đã ở giữa dòng đời, có gia đình và công việc. Do vậy, cần học hỏi về cuộc sống từ thuở bé trở đi chứ không phải khi ta đã lớn và già nua. Sự học hỏi này liên quan mật thiết với tự do và tình yêu. Nếu không có được tự do thì sự học hỏi không thể bắt đầu.

Krishnamurti chỉ ra rằng nền giáo dục khuyến khích sự an phận thông qua kiến thức làm cuộc sống của chúng ta ngày càng trống rỗng và mất cân bằng. Cuộc sống là của chính chúng ta và do vậy, không ai có thể dạy chúng ta cả. Có chăng điều nhà trường có thể làm là chỉ ra nỗi sợ hãi và tìm cách xoá bỏ điều đó để đứa trẻ có thể bắt đầu tiến trình học hỏi. Có rất nhiều điều để học ở chính mình. Đây là một việc làm vô tận và đầy cuốn hút. Khi chúng ta tự học hỏi, thông minh sẽ đến. Chúng ta cũng không nên chờ đợi người khác hay mong muốn thế giới tự thay đổi. Thay vào đó, chúng ta phải tự thay đổi chính bản thân mình và thể hiện điều đó qua hành động để làm thay đổi thế giới.

Việc quan trọng khi chúng ta bắt đầu tiến trình hiểu biết để xác định mục tiêu và lý tưởng sống là tìm một công việc thực sự yêu thích và làm nó trong sự đam mê chứ không thuần tuý như một nghề nghiệp có thể đem lại thu nhập. Tìm được công việc mình yêu thích là một việc khó khăn và trách nhiệm này thuộc về giáo dục. Muốn tìm ra nó, chúng ta cần phải có sự thâm nhập và hiểu rõ về bản thân. Giáo dục không phải giúp đứa trẻ tìm kiếm một nghề nghiệp. Nó không phải là quá trình tìm kiếm thông tin từ giáo viên hay học toán từ một quyển sách, ghi nhớ ngày tháng lịch sử của những vị vua và phong tục… Giáo dục đúng đắn phải giúp đỡ đứa trẻ tìm ra cái gì chúng thực sự yêu thích làm bằng toàn tâm toàn ý của chúng. Ở đây không quan trọng đó là công việc gì, dù rằng đó là công việc nấu nướng hay làm vườn. Lúc chúng ta trao toàn bộ tâm trí, tâm hồn cho công việc đó, chúng ta sẽ làm việc có hiệu quả mà không trở nên hung bạo. Ngôi trường phải là một nơi mà đứa trẻ được giúp đỡ để tìm ra công việc yêu thích thông qua thảo luận, lắng nghe những điều đứa trẻ muốn nói hay muốn làm.

Trong quá trình học tập cũng như trong các công việc khác, học sinh phải được tham gia và thảo luận các vấn đề liên quan đến sự an toàn của tập thể. Cần có một hội đồng học sinh được thành lập và thầy giáo là đại diện. Các học sinh sẽ tự chọn lựa trong nhóm những người chịu trách nhiệm cho việc hoàn tất những quyết định. Việc tự trị trong trường học chính là sự chuẩn bị cho sự tự trị sau này. Việc chịu trách nhiệm và ý thức được vai trò của bản thân cũng là một việc làm cần thiết giúp cho cuộc sống sau này của các em. Nếu lúc còn ở trong nhà trường, đứa bé học hỏi được sự thận trọng, điềm tĩnh trong các cuộc bàn luận thì khi lớn tuổi nó có thể đương đầu một cách có hiệu quả và điềm tĩnh với những thách thức còn lớn lao và phức tạp hơn của cuộc sống. Nhà trường khuyến khích các em tự hiểu biết chính mình và hiểu biết những đặc tính cũng như những khó khăn của người khác thì khi trưởng thành, chúng sẽ thận trọng và kiên nhẫn hơn trong các quan hệ xã hội.

Như vậy, Krishnamurti nhấn mạnh giáo dục phải hướng tới sự hiểu biết bản thân và sự thay đổi từ bên trong của mỗi cá nhân. Quan niệm này rất gần gũi với quan niệm của các triết gia khác trong lịch sử khi nói về quá trình học tập của các cá nhân. Socrates - một trong những nhà giáo dục kiệt xuất của phương Tây thời cổ đại đã đề ra phương châm: con người hãy tự biết chính mình. Ông cho rằng bản chất con người là ở bên trong. Việc giáo dục là để giúp con người đi đến chân lý, nhất là tự hiểu biết chính bản thân mình. Ở đây, Krishnamurti cũng đề cao quá trình tự hỏi hỏi của cá nhân và đặc biệt quá trình đó không phải chỉ diễn ra trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường mà nó phải tiếp tục trong suốt cả cuộc đời. Nhà trường chỉ có thể giúp các em chuẩn bị để sống một cuộc sống tốt hơn khi đến tuổi trưởng thành. Krishnamurti nhấn mạnh đến nền giáo dục xuất phát từ sự tôn trọng, bảo vệ con người và giúp con người có thể phát triển toàn vẹn. Đây cũng chính là triết lý giáo dục nhân văn xuyên suốt từ thời cổ đại cho tới thời hiện đại và được kết tinh rõ nét trong quan niệm giáo dục của Krishnamurti.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng giáo dục của Jiddu Krishnamurti (Trang 63 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)