Tiền đề văn hoá và tư tưởng

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng giáo dục của Jiddu Krishnamurti (Trang 35 - 39)

7. Kết cấu của luận văn

1.2. Những điều kiện, tiền đề hình thành tƣ tƣởng giáo dục của

1.2.2. Tiền đề văn hoá và tư tưởng

Sinh ra trong một gia đình theo đạo Bà la môn và lớn lên ở Ấn Độ - một đất nước có bề dày văn hoá và truyền thống, tư tưởng của Krishnamurti mang đậm dấu ấn của một thứ triết lý chuyên sâu về cuộc sống con người và đời sống nội tâm của nó. Ngay từ lúc mới được sinh ra, Krishnamurti đã được nuôi dưỡng bằng những bài Thánh ca truyền thống của Ấn Độ. Khi đọc kinh Vedas, tác phẩm cổ nhất của nền văn học tôn giáo Ấn Độ, ta có thể thấy người Ấn Độ cổ đại luôn nuôi dưỡng một niềm vui sống dung dị. Những lời tụng niệm kêu gọi tinh thần sống nhân hậu, hoàn toàn không thù hận, con người phải đạt tới một sự hoàn thiện về tâm hồn. Con người phải chứng minh sự hoàn thiện ấy bằng cách kiềm chế giết chóc và không làm hại bất cứ sinh vật sống nào. Bên cạnh đó, những bài kinh cũng khuyên con người nên tiết chế mọi hành động không xuất phát từ tình yêu thương và sự cảm thông. Krishnamurti cũng thường xuyên được đọc cho nghe những thiên anh hùng ca của người Ấn Độ như Mahabharata và Ramayana. Những dòng thơ trữ tình đẹp đẽ ca ngợi vẻ đẹp của tự nhiên, những câu chuyện lý thú đầy chất nhân văn, đặc biệt là thái độ từ bi đối với người khác, làm điều tốt vì hạnh phúc toàn thể nhân loại đã ăn sâu vào trong suy nghĩ của ông. Tuy sau này không được tiếp tục sống trong nguồn suối văn hoá Ấn Độ nhưng lúc nào có cơ hội ông đều ngâm nga một số đoạn được trích trong các trường ca trên. Chính

những điều này đã để lại dấu ấn đậm nét trong tư tưởng của Krishnamurti. Triết lý của ông dựa trên quan niệm coi thời gian như một dòng chảy không ngừng từ quá khứ, qua hiện tại, đến tương lai; trong đó, ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề hiện tại. Trong cái hiện tại của thời gian vô thuỷ, vô chung, con người tiếp nhận, đối diện và ứng xử với cuộc sống mà theo cách nhìn của Krishnamurti thì “nó là vẻ đẹp, đau khổ, niềm vui và sự rối loạn; nó là cây cỏ, chim chóc và ánh sáng của vầng trăng trên mặt nước; nó là việc làm và hy vọng; nó là cái chết, là sự tìm kiếm bất tử, là niềm tin vào cái tối thượng; nó là thiện tâm, ghét và ghen; nó là tham lam và cao thượng; là tình yêu và sự thiếu vắng yêu thương; nó là óc sáng tạo và khả năng khai thác máy móc; nó là sự ngất ngây xuất thần không lường được; nó là tâm trí; người tham phiền và sự tham phiền”[27, tr.186]. Chính vì vậy, trong giáo dục, Krishnamurti luôn nhấn mạnh đến việc khám phá vẻ đẹp và thấu hiểu ý nghĩa của cuộc sống. Ông mong muốn con người có thể hiểu được cuộc sống như một chỉnh thể toàn diện chứ không phải là những lát cắt rời rạc từ các môn khoa học chuyên biệt.

Bước chuyển biến quan trọng trong cuộc đời Krishnamurti chính là khi ông được phát hiện bởi Leadbeater - một nhà huyền bí nổi tiếng đương thời. Leadbeater cùng với Mrs Besant đã tạo mọi điều kiện để giúp Krishnamurti trở thành bậc Thầy thế giới. Bên cạnh việc chăm sóc về thể xác, Krishnamurti cũng được rèn luyện về mặt tâm linh vì đó mới là mục tiêu sau cùng đối với vị giáo chủ tương lai. Leadbeater bắt đầu giới thiệu về các Đức Thầy, về con đường tâm linh mà Krishnamurti phải hoàn tất. Những năm tháng sau khi rời bỏ tổ chức Ngôi sao Phương Đông và Hội Thông Thiên học, Krishna luôn nhấn mạnh đến việc từ bỏ mọi giáo lý của tổ chức này. Tuy nhiên, một thời gian rất dài ông được dạy dỗ và sống trong môi trường tâm linh của Hội cũng đã ảnh hưởng đến tư tưởng của ông. Chủ thuyết của Hội chịu ảnh hưởng sâu đậm trên nền tảng triết lý và tôn giáo phương Đông. Đó cũng là một trong những lý do để những người lãnh đạo Hội rời trụ sở về vùng Adyar, thuộc Madras, Ấn Độ và Krishnamurti đã được phát hiện tại đây. Tôn chỉ của Hội là

hình thành các hạt nhân cho tình huynh đệ đại đồng giữa con người với nhau. Niềm tin của Hội là sự pha trộn nhiều giáo thuyết tâm linh khác nhau, trong đó có sự đầu thai, sự tiến hoá và có cả các phẩm trật tâm linh chia làm nhiều giai tầng huyền bí. Trong các giai tầng này có cả Đức Phật, Chúa Giêsu, Bồ Tát Di Lặc và gần với con người hơn cả là các bậc Thầy sống ở vùng núi hiểm trở Tây Tạng. Đó là lý do vì sao trong việc huấn luyện Krishnamurti thành bậc Thầy thế giới có việc xuất hồn hàng đêm đến gặp các vị thầy tận vùng núi Tây Tạng để thọ giáo. Krishnamurti cũng kế thừa tư tưởng bất bạo động của đại văn hào Nga - Lev Tonstoi và các “Thánh nhân” Ấn Độ như Tagore, Gandhi. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến mục đích cũng như ý nghĩa giáo dục trong quan niệm về giáo dục của Krishnamurti. Ông luôn mong muốn một nền giáo dục giúp con người thoát khỏi chiến tranh, thù hận dựa trên sự hiểu biết về thế giới và về con người.

Bên cạnh đó, Krishnamurti cũng được đào tạo trong các trường học hàng đầu của phương Tây. Do vậy, các tư tưởng giáo dục của phương Tây có ảnh hưởng lớn đến ông. Ông cũng có điều kiện đi thăm rất nhiều trường đại học lớn ở châu Âu và Mỹ. Đặc biệt lần đến thăm Đại học Berkeley tại California đã để lại trong ông ấn tượng sâu sắc. Đây là một trường đại học lớn, có những đóng góp quan trọng trong khoa học tự nhiên và các hoạt động xã hội. Chính mô hình đào tạo này đã thu hút và làm nảy sinh trong ông ý tưởng về việc xây dựng các ngôi trường như thế tại Ấn Độ quê hương ông cũng như những nơi khác trên thế giới. Việc kết hợp giữa việc học tập, trau dồi tri thức với các hoạt động ngoại khoá khác luôn được Krishnamurti coi trọng trong quan niệm của ông về giáo dục.

Có thể nói, triết lý giáo dục của Krishnamurti đã tích hợp được những yếu tố tích cực của nền giáo dục phương Đông và phương Tây trong một cái nhìn hiện đại. Ông là nhà đạo học của con người, đến từ phương Đông nhưng sử dụng ngôn ngữ và lối nói của phương Tây để soi sáng và giải đáp những khát vọng muôn đời của con người. Lời giảng của ông vừa kết tinh đạo học

nguyên thuỷ của mọi tôn giáo lớn vừa mang tính chất phủ định tích cực cấp bách của thời hiện đại. Đó là sự kết hợp hài hoà giữa tôn giáo và khoa học. Tư tưởng giáo dục của ông chịu ảnh hưởng của các nhà giáo dục lớn trong lịch sử nhân loại. Dấu ấn của các nhà giáo dục vĩ đại trong lịch sử như Khổng Tử, Đức Phật, Chúa Giêsu…được thể hiện trong các bài nói chuyện của Krishnamurti. Bên cạnh đó, những tư tưởng giáo dục hiện đại cũng được ông đề cập đến. Chính sự kết hợp này đã tạo nên tính độc đáo trong tư tưởng giáo dục của Krishnamurti: là sản phẩm của triết học tôn giáo phương Đông nhưng những vấn đề ông quan tâm lại tạo ra tiếng vang và có ý nghĩa trong tư tưởng phương Tây và trên toàn thế giới. Chính vì vậy mà khi ông thuyết giảng, mọi người đều lắng nghe và chia sẻ những ý tưởng của ông.

Chƣơng 2

NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG TƢ TƢỞNG GIÁO DỤC CỦA JIDDU KRISHNAMURTI

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng giáo dục của Jiddu Krishnamurti (Trang 35 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)