Điều kiện kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng giáo dục của Jiddu Krishnamurti (Trang 30 - 35)

7. Kết cấu của luận văn

1.2. Những điều kiện, tiền đề hình thành tƣ tƣởng giáo dục của

1.2.1. Điều kiện kinh tế xã hội

Krishnamurti sinh ra và lớn lên trong thời kỳ mà xã hội Ấn Độ cũng như tình hình thế giới có nhiều biến động sâu sắc. Điều này đã gây tác động và có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của ông về các vấn đề chiến tranh, hoà bình, tự do…đặc biệt là tư tưởng của ông về giáo dục.

Trước khi người Anh đặt chân lên Ấn Độ thì nước này đã bị Bồ Đào Nha xâm chiếm bởi vai trò tiên phong trong các cuộc phát kiến địa lý. Bằng đường đi mới, người Bồ Đào Nha đã tiến hành hàng loạt các cuộc cướp bóc ở Ấn Độ. Những hương liệu quý hiếm như hồi, quế, sa nhân, ớt… được người Bồ Đào Nha đem về và kiếm lợi lớn ở thị trường châu Âu. Nhưng từ cuối thế kỉ XVI đến đầu thế kỉ XVII trở đi, người Bồ Đào Nha đă dần dần mất đi quyền ở Ấn Độ vì lúc này Hà Lan và Anh đã tiến vào con đường tư bản chủ nghĩa vượt xa các nước châu Âu khác về trình độ phát triển kinh tế và chính trị. Với mục tiêu cướp bóc để phục vụ cho quá trình tích luỹ tư bản, người Hà Lan và người Anh đã xây dựng cho mình đội thương thuyền hùng mạnh đánh bại người Bồ Đào Nha và giành quyền thống trị trên biển. Với vị trí chiến lược và giàu tài nguyên thiên nhiên, Ấn Độ trở thành vùng đất bị xâu xé bởi các nước thực dân phương Tây. Từ cuối thế kỉ XVI, các kị sĩ chuyên cướp bóc thuộc địa của Anh đã đến Ấn Độ. Để xây dựng một tổ chức chuyên cướp bóc Ấn Độ, ngày 31 tháng 12 năm 1600, công ty Đông Ấn của Anh ra đời. Trong suốt thế kỉ XVII, công ty Đông Ấn của Anh hoạt động ráo riết và thành lập được hệ thống thương điếm ở những vị trí quan trọng ở bờ biển phía Tây và Đông Ấn Độ. Cuộc tranh chấp giữa các công ty của Hà Lan, Anh, Pháp diễn ra quyết liệt trong suốt thế kỉ XVIII ở Ấn Độ. Do có ưu thế về quân sự và kinh tế mà người Anh đă lần lượt gạt các đối thủ của mình là Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp ra khỏi Ấn Độ. Đến năm 1849, cuộc chinh phục của Anh đối với Ấn Độ về căn bản đã hoàn thành. Thực dân Anh chính thức bắt đầu thực hiện chính

sách cai trị, bóc lột Ấn Độ. Ấn Độ từ một nước phong kiến độc lập đã trở thành một nước thuộc địa và là thuộc địa quan trọng nhất trong hệ thống thuộc địa của thực dân Anh vì nó có diện tích lớn nhất, đông dân nhất và giàu có nhất.

Sống trong cảnh nô lệ, Krishnamurti nhận thức rõ địa vị thấp kém của người dân nước thuộc địa. Vào nửa đầu của thế kỷ thứ XX, những người Ấn Độ được đánh giá bởi những người Anh đang cai trị Ấn Độ như một bộ phận tất yếu của lãnh thổ quốc gia – phải được duy trì một khoảng cách vừa đủ, phải được khoan dung nhất; nhưng dù ở bất kỳ tình huống nào một người Ấn Độ không được khuyến khích để thân thiết với người Anh; và một thái độ hạ thấp mình của người bản địa lan tỏa trong hầu hết mọi quan hệ giữa người Anh và người dân Ấn Độ. Krishnamurti đã viết trong tự truyện của mình rằng ông và những đứa trẻ bằng tuổi luôn có một sự sợ hãi với người châu Âu. Tuy không lý giải được tại sao nhưng Krishnamurti cho rằng rất có thể cách hành xử và những biến động về chính trị đã ảnh hưởng đến ông và những người bạn. Ông cũng thú nhận rằng thông thường những người châu Âu ở Ấn Độ chẳng mấy tử tế đối với người bản địa. Ông đã chứng kiến nhiều hành động tàn nhẫn của họ mà chúng khiến ông càng cay đắng thêm. Ông mong ước rằng những người Anh ở Ấn Độ có thể hiểu rõ rằng người Ấn Độ cũng thương yêu tổ quốc của họ nhiều như những người Anh thương yêu tổ quốc của mình và cũng cảm thấy bất kỳ sự sỉ nhục nào đều sâu đậm, dù là không cố ý. Sự khinh miệt của những người Anh ở Ấn Độ liên quan đến văn hóa và những thói quen sinh hoạt của Ấn Độ. Thời kỳ này, ở Nam Ấn Độ, những người đàn ông, đàn bà, trẻ em; dù giàu có hay nghèo khổ, đều ngồi và ngủ trên một tấm thảm trên nền nhà, và nơi gia đình sum họp đã cung cấp sự ấm áp và một ý thức phụ thuộc lẫn nhau hiếm khi nào thể hiện ở phương Tây.

Krishnamurti được sinh ra và nuôi dưỡng trong một gia đình theo đạo Bà la môn điển hình mặc dù cha cậu là viên chức của công ty Đông Ấn. Khi được phát hiện bởi một người Anh huyền bí lập dị - Leadbeater, Krishnamurti có mái tóc dài đến đầu gối và phía trước được cạo láng theo phong tục của

Nam Ấn Độ. Ngay lập tức, một công cuộc thay đổi về diện mạo bên ngoài và thói quen được thực hiện để xoá bỏ tất cả những dấu ấn của người Ấn Độ của Krishna và Nitya. Hầu như chắc chắn rằng những người thầy thông thái của Krishnamurti đã quyết định rằng cậu và người em của cậu bắt buộc chỉ nói tiếng Anh, vì vậy ngôn ngữ Telugu du dương dần dần bị quên lãng; kinh Vedas và những bài thánh ca được học thời niên thiếu đều bị xóa sạch. Tóc của họ được cắt và chải tách ra ở trung tâm. Họ được dạy học bằng tiếng Anh; học cách ăn bằng một cái muỗng và cái nĩa; để hai khủy tay của họ sát vào thân thể khi họ đưa nĩa lên miệng; mặc quần áo phương Tây một cách thoải mái; thấy những nếp gấp của quần được ủi và đánh bóng giầy của họ đến khi chúng sáng bóng. Họ được dạy cách tắm theo kiểu của người Anh. Theo Leadbeater, chỉ có phong cách quý tộc của người Anh là cao quý nhất trong quá trình tiến hoá của nhân loại. Vì vậy, Krishnamurti phải học để trở thành một nhà quý tộc Anh đích thực. Thời kỳ đầu, Krishnamurti luôn tuôn theo mọi sự sắp xếp của Leadbeater. Dần dần, Krishnamurti đã giũ sạch truyền thống Ấn Độ để biến thành một nhà quý tộc Anh lịch lãm, biết sử dụng muỗng thìa đúng cách, biết chào hỏi phụ nữ hết sức lịch thiệp theo kiểu phương Tây. Tuy nhiên, Leadbeater không kiên nhẫn với Krishnamurti vì sự mơ màng của cậu và đặc biệt là thói quen đứng há hốc miệng. Có một lần ông đánh vào cằm Krishna rất mạnh để bắt buộc cậu phải ngậm miệng lại. Sau đó Krishnamarti nói rằng hành động bạo lực này phá vỡ tất cả sự liên hệ giữa ông và Leadbeater.

Việc giáo dục theo kiểu phương Tây từ khi còn rất nhỏ đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của Krishnamurti sau này. Ông không thể nói được tiếng bản địa nên trong các buổi nói chuyện với người Ấn Độ ông đều cần phiên dịch. Tuy nhiên, khi quay về Ấn Độ, việc đầu tiên ông làm là trút bỏ trang phục phương Tây, khoác lên mình trang phục truyền thống của Ấn Độ. Sự phân biệt về dân tộc, quốc gia mà những người lãnh đạo Hội Thông Thiên học thực hiện với ông khi còn nhỏ chỉ làm thay đổi diện mạo bề ngoài chứ không

nhào nặn được những suy nghĩ và quá trình đang diễn ra trong tâm trí Krishnamurti. Suy nghĩ của ông vẫn hoàn toàn tự do, thoát khỏi mọi quy định của dân tộc hay quốc gia. Ý thức được hậu quả của việc phân ly và kỳ thị giữa người với người nên trong các tác phẩm của mình, Krishnamurti nhấn mạnh đến sự tự do, bình đẳng giữa con người. Trong giáo dục, điều này được thể hiện thông qua nguyên tắc giáo dục dựa trên sự tự do và lòng yêu thương giữa con người với con người.

Krishnamurti còn là nhân chứng lịch sử, chứng kiến trọn vẹn hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ XX và các cuộc chiến tranh cục bộ xảy ra liên miên trong thời gian dài. Các cuộc chiến tranh đã ngăn cản việc đi lại và diễn thuyết của Krishnamurti. Nhưng hơn thế, ông nhận ra tính chất ác liệt và những hậu quả nghiêm trọng do chiến tranh mang lại. Những tường thuật về chiến tranh; sự tàn phá Hiroshima và Nagasaki bởi bom nguyên tử đã khiến ông ngập tràn sự kinh hoàng không thể diễn tả được, nhưng đã thức dậy những thấu triệt về bản chất của bạo lực và tội lỗi. Đặc biệt thấu triệt này đã làm sống động ông vào một ngày khi ông đi đến vùng Santa Barbara. Một người đàn bà đến gần Krishnamurti, cho ông xem những món kỷ niệm ở Nhật. Krishnamurti từ chối, nhưng bà ta quả quyết chỉ cho ông cái bà có trong hộp. Bà mở nó ra và trong đó là một cái tai và cái mũi của con người đã bị quắt lại. Ấn tượng đó không bao giờ có thể quên trong tâm trí Krishnamurti. Chính những hậu quả nặng nề của các cuộc chiến đã giúp Krishna nhận thấy giá trị đích thực, to lớn của hoà bình và một thế giới không có đau khổ, chiến tranh. Xuyên suốt các buổi diễn thuyết và trong các tác phẩm của mình, ông luôn đề cao một cuộc sống hoà bình, kêu gọi xoá bỏ thù hận và chia cách. Ông mong muốn giáo dục hướng con người đến hoà bình và tìm ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

Krishnamurti cũng chứng kiến cuộc khủng hoảng trong khoa học công nghệ hiện đại - một nền kỹ thuật tạo nên nhiều tiện ích và giá trị vật chất nhưng cũng mang đến không ít những bất hạnh cho loài người. Tiến bộ khoa

học kỹ thuật trở thành nhân tố làm thay đổi căn bản, triệt để toàn bộ lối sống của con người. Đặc biệt, từ giữa thế kỷ XX, với bom nguyên tử và công nghệ nguyên tử, lần đầu tiên trong lịch sử, loài người có thể tự huỷ diệt bằng công nghệ. Cách ứng xử với công nghệ và kỹ thuật trở thành vấn đề sống còn đối với con người. Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của khoa học công nghệ; nó đáp ứng được phần lớn nhu cầu sinh hoạt vật chất của nhân loại, tạo ra mọi điều kiện cần thiết cho sự phát triển toàn diện của con người. Chưa bao giờ con người được giải phóng khỏi nỗi lo về vật chất, có quyền tự do, dân chủ đến thế nhưng cũng chính trong thời kỳ này, con người phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề nhân sinh. Tệ sùng bài khoa học, sùng bái vật chất đẩy con người đến chỗ đánh mất tính nhân văn, lòng trắc ẩn, sự vị tha, sự chia sẻ. Con người trở thành nô lệ về mặt tinh thần, đánh mất quyền tự do của chính mình. Krishnamurti có cơ sở lý luận và tiền đề thực tiễn để khẳng định: “Nền giáo dục hiện thời đã hoàn toàn thất bại vì nó quá nhấn mạnh vào kỹ thuật. Trong việc quá nhấn mạnh vào kỹ thuật, chúng ta đã huỷ diệt con người. Trau dồi tài năng và hiệu quả mà không hiểu biết cuộc sống, không có một tri giác bao quát những thể cách của tư tưởng và khát vọng sẽ làm cho chúng ta gia tăng thêm sự tàn nhẫn vô tình, mà đó là điều đã đưa đến những cuộc chiến tranh và làm nguy hiểm cho sự an toàn thể xác chúng ta”[28, tr.17]. Đó là một sự thật đau lòng, một thất bại lớn lao của nền giáo dục hiện đại. Sự thất bại này có nguyên nhân sâu xa từ việc chúng ta quá coi trọng yếu tố dạy nghề trong giáo dục, quá coi trọng yếu tố kỹ thuật mà không chú ý đến việc giáo dục tình thương yêu giữa người với người, tinh thần chung sống hoà bình. Krishnamurti muốn làm một cuộc cách mạng trong giáo dục. Theo ông, muốn giải thoát con người khỏi hiểm hoạ công nghệ, chúng ta phải xuất phát từ một triết lý giáo dục đúng. Từ triết lý đó, chúng ta xây dựng một nền giáo dục bắt đầu từ sự tự hiểu biết chính mình để tạo nên một thế giới hoà bình, một tinh thần yêu thương hoà giải.

Có thể nói, sống trong một thời kỳ đầy biến động của nhân loại, Krishnamurti có điều kiện để thấy được tận mắt những hậu quả của chiến tranh, tệ phân biệt chủng tộc và sự sùng bái khoa học. Tất cả những hậu quả trên đều xuất phát từ chính con người. Chúng ta không thể đổ lỗi cho chính quyền, dân tộc hay thần thánh. Vấn đề là mỗi cá nhân phải tự chịu trách nhiệm về các hành vi của mình. Theo Krishnamurti, để xoá bỏ được chiến tranh và thù hận phải bắt đầu bằng việc giáo dục những đứa trẻ với một tinh thần tự do và một nền giáo dục dựa trên tình yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ và cách thức để thấu hiểu cuộc sống như một thể toàn diện.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng giáo dục của Jiddu Krishnamurti (Trang 30 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)