Chương 3 Không gian và thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Lê Lựu
3.2. Thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Lê Lựu
3.2.2. Thời gian sự kiện tâm tưởng
Nhìn chung văn học thời kì đổi mới, đặc biệt là thể loại tiểu thuyết được xây dựng trên một nền không gian khá rộng lớn và quen thuộc, đồng thời nó cũng gắn với một kiểu thời gian nghệ thuật mang nét riêng của thời đại. Hướng chung là rút ngắn thời gian sự kiện và kéo dài thời gian tâm trạng. Các nhà văn thời kì này tỏ ra hứng thú với việc đi sâu khám phá đời sống nội tâm đầy bí ẩn của con người như Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Thân phận của tình yêu (Bảo Ninh), bên cạnh đó những sáng tác của Lê Lựu là một minh chứng cụ thể và sinh động. Những sự kiện lịch sử đặc biệt gắn liền với những số phận thăng trầm của dân tộc như chiến tranh, cải cách ruộng đất, thời kì kinh tế bao cấp… có sức hấp dẫn đặc biệt bởi đó là cái phông nền lí tưởng để nhà văn Lê Lựu khám phá, lí giải về con người và cuộc đời.
Trong Thời xa vắng, bối cảnh của nó là những năm sau Cách mạng cho đến trước thời kì đổi mới. Ngay chính cái nhan đề của câu chuyện cũng đã gợi lên yếu tố thời gian nghệ thuật, là cái thời mà con người còn quá giản đơn trong nhận thức, đánh giá và cả trong sự quan tâm lẫn nhau; là cái thời mà con người “không còn là mình”, “không được sống thật với chính mình”. Giang Minh Sài đã đi qua chiến tranh với tinh thần chiến đấu anh dũng, với những chiến công đạt được. Sài dường như chỉ biết lao động và cống hiến, quên đi khát vọng yêu thương chân chính.
Giang Minh Sài đã coi chiến tranh là mảnh đất lý tưởng để chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân bất hạnh, chạy trốn khỏi cuộc sống gia đình luôn làm anh cảm thấy ngột ngạt, để quên đi bi kịch cá nhân của mình, như một hướng giải thoát. Sài hoàn toàn khác với Hai Hùng, Ba Thành, Kiên trong sáng tác của Chu Lai, Bảo Ninh, họ đến với chiến tranh để thực hiện và cảm nhận những lý tưởng cao đẹp, thiêng liêng của cuộc đời thanh niên trai trẻ.
Cũng viết về chiến tranh, Chuyện làng Cuội lại đề cập đến nghịch lý trớ trêu, một sự thật trái lẽ. Lưu Minh Hiếu coi chiến tranh là công cụ để mở rộng con đường danh lợi của mình. Sự hi sinh của hai em Mai, Sau, lòng tốt của bác Văn Yến, nỗi niềm của người mẹ thật thà tội nghiệp, tất cả đều trở thành thứ công cụ lợi hại để Hiếu đạt được mục đích của mình. Trong chiến tranh, Hiếu là kẻ cơ hội núp sau vỏ bọc an toàn. Sau chiến tranh, bộ mặt của kẻ cơ hội ngày càng hiện rõ hơn, với những thủ đoạn ngày càng tàn nhẫn hơn. Chuyện làng Cuội không ồn ào bởi tiếng bom đạn của chiến tranh, nhưng một mặt nào đó nó luôn hiện ra sau vẻ bề ngoài yên tĩnh, bình lặng, tác động không nhỏ đến từng số phận của mỗi nhân vật. Có thể nói Chuyện làng Cuội đã tái diễn lại một quãng thời gian mà chúng ta không thể nào phủ nhận nó, những vấn đề của xã hội ở giai đoạn này vô cùng nhức nhối, đặc biệt là vấn đề cải cách ruộng đất.
Đến với Núi trong Sóng ở đáy sông, chính chiến tranh đã làm biến đổi tất cả cuộc đời hắn. Việc về quê ngoại sơ tán đã nhanh chóng mang đến cho Núi một tình yêu đầu đời vô cùng đẹp đẽ, với những giây phút nồng nàn và cả nỗi đau khổ, tuyệt vọng, xấu hổ, nhục nhã ê chề vì đã trót yêu người cô họ cách nhau bảy đời. Mẹ chết, tình yêu tan vỡ, bỏ học kiếm sống và số phận đã xô đẩy hắn vào con đường tù tội. Chiến tranh chỉ mang lại cho con người những đau khổ và bất hạnh mà thôi.
Tiểu thuyết Sóng ở đáy sông đã tái hiện một cách sinh động cả một giai đoạn lịch sử dài của đất Cảng qua cuộc đời nhân vật Núi, qua những mối quan hệ giữa Núi và mọi người. Thời gian cốt truyện kéo dài từ chiến tranh đến hòa bình theo những thăng trầm của cuộc đời Núi. Vốn là một đứa trẻ học giỏi, ngoan ngoãn hắn đã trở thành một tên tội phạm vào tù ra tội. Bị chính cha đẻ của mình lạnh lùng, tàn nhẫn từ mặt, hắn tiếp tục dấn thân vào con đường tội lỗi, có con với một cô gái giang hồ, rồi phải tự nuôi con một mình khi người mẹ phụ bạc bỏ đi theo trai.
Đọc tác phẩm người đọc thấy giận Núi bởi Núi là một kẻ lưu manh trộm cắp, nhưng cũng đầy cảm động và thương xót vì tình yêu thương mà Núi đã dành cho con.
Qua các tiểu thuyết Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông, Hai nhà ta thấy ở đó nhà văn đã tái hiện một cách sinh động cuộc sống của thời kì bao cấp. Nhà văn đã không ngần ngại đề cập đến những chuyện bất hợp lý, những thiếu thốn khó khăn của một thời kì. Những người ăn lương phải sống theo chế độ tem phiếu, sự phân chia sản phẩm theo kiểu quân bình đã tạo nên một cách kiếm tiền phổ biến nhất đó là đi phe. Chính cách sống và kiểu làm ăn con phe đã lấn át nền kinh tế tập trung do nhà nước chỉ đạo, những gì thuộc về kinh tế nhà nước đã trở nên tẻ nhạt, bất lực trước những hoạt động làm ăn chui của những kẻ cơ hội.
Sài, Tâm những nhà trí thức mẫu mực cũng là nạn nhân của cảnh xếp hàng với sổ gạo, tem phiếu. Việc xếp hàng không phải là một việc gì quá nặng nhọc mà quan trọng nó chiếm mất quỹ thời gian khá nhiều vào việc chờ đợi, hơn nữa việc chờ đợi đó lại diễn ra hàng ngày khiến cho đời sống tinh thần của con người trở nên mệt mỏi. “Trai gái lấy nhau có đăng kí mới mua được cái màn, một cái chiếu và một cái giường đôi. Chiếu và màn được mua ngay sau ba tuần đăng kí, còn giường phải xếp nốt đến tháng bảy mới có…” [32; 8]. Vợ chồng Tâm phải chạy ngược chạy xuôi gần tám tháng trời mới vay được tiền và mua được gian nhà tập thể 14mét vuông chật chội, ẩm thấp, dột nát. Đến đây nhà văn đã tái hiện lại cuộc sống khó khăn của thời kì bao cấp mà trong mỗi chúng ta không phải ai cũng có cơ hội chứng kiến.
Nhà văn Lê Lựu đã từng phát biểu rằng: Sức mạnh của tác phẩm văn học không nằm ở khối lượng hiện thực được ghi chép mà nó còn phụ thuộc vào sự chiêm nghiệm, nghiền ngẫm của nhà văn, vào chiều sâu của những tư tưởng, tình cảm mà anh ta gửi gắm trong đó. Khắc họa, tái hiện lại một sự kiện lịch sử, miêu tả những hành động anh hùng,
đồng thời mà chủ yếu đi sâu vào số phận con người trong thời điểm khốc liệt ấy. Nhà văn đã tập trung biểu hiện những khoảnh khắc đời thường, những diễn biến tâm lý của con người để tái hiện lịch sử, tái hiện lại thời đại. Những sáng tác của Lê Lựu dường như đã khẳng định một lần nữa chân lý mà nhà văn Nga Lecmôntôp từng phát biểu: “Lịch sử tâm hồn con người dù bé nhỏ đến đâu cũng đáng quan tâm hơn lịch sử của một đất nước” (Một anh hùng thời đại).
Nghệ thuật tiểu thuyết là nghệ thuật sắp xếp các biến cố, sự kiện trong thời gian. Trong văn học thời kì đổi mới, nhiều nhà văn có xu hướng xây dựng cốt truyện dựa trên dòng hồi tưởng triền miên của nhân vật, Thân phận của tình yêu (Bảo Ninh) là một minh chứng tiêu biểu. Tác giả đã đưa nhân vật Kiên lạc vào những miền kí ức rời rạc, đứt đoạn về quá khứ bi thương của thời đại mình. Có lúc Kiên đã quên đi cả hiện tại, có những lúc quá khứ - hiện tại đồng hiện… Toàn bộ cuốn tiểu thuyết là những dòng suy nghĩ triền miên chồng lớp như muốn cuốn con người vào một vòng xoáy mà không thể nào thoát ra được. Đôi khi quá khứ - hiện tại cùng xuất hiện làm người đọc cũng rối trí theo, khó phân biệt được, nhưng ngược lại nó lại rất hấp dẫn ở những cái khó hiểu từ từ được hé lộ.
Xây dựng diễn biến thời gian trong tác phẩm văn học không tuân theo quy luật từ quá khứ đến hiện tại, tương lai mà trong đó có những lúc có những khoảnh khắc đặc biệt của tâm trạng hay một thời điểm có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đời nhân vật.
Giang Minh Sài trong Thời xa vắng đang sống cuộc sống giữa hiện tại thời bình, tưởng đã lãng quên cái thời tuổi trẻ với những chiến công oanh liệt, với cả những hi sinh mất mát của đồng đội, trước sự việc chiếc ba lô của Thêm bị cắt đứt quai thì kí ức bỗng ùa về, sống dậy tươi ròng “bỗng anh cảm thấy như hụt hơi, như lạc bước vào trận bom (…). Mới đêm qua thôi ư?” [29; 331]. Nỗi đau và sự thức tỉnh đã giày vò Sài,
nó không chỉ khơi gợi kỉ niệm mà còn như cứa sâu thêm nỗi đau của Sài, giúp anh bừng tỉnh, “không thể tiếp tục cuộc sống không phải là mình, không còn là mình” và “phải tìm cách sống khác thôi”.
Còn với Châu, dù đã trở thành vợ Sài nhưng những kí ức về mối tình đầu đắm say và mù quáng vẫn luôn ám ảnh không nguôi trong tâm trí của cô. Trong lòng cô luôn có sự so sánh giữa Sài và Toàn, giữa hiện tại và quá khứ. Nhưng như người ta vẫn nói, mọi sự so sánh đều không ngang bằng; nếu Sài là gã nhà quê cục mịch, vô tâm, nhu nhược, có phần thô lỗ thì Toàn hào hoa, tinh tế, phong nhã, lịch lãm. Toàn luôn thấu hiểu những thói quen, sở thích và suy nghĩ của Châu. Sau giây phút “vượt cạn”, Châu đã hình dung Sài đến thăm, quỳ xuống đầu giường, hôn lên đôi môi khô nẻ của cô, tặng cô một bó cẩm chướng, loại hoa mà Châu yêu thích, nhưng cuối cùng người tặng hoa cho Châu không ai khác mà chính là Toàn, kẻ đã đánh cắp cuộc đời cô, kẻ mà cô vừa yêu thương đến đắm đuối, vừa căm ghét đến dữ dội. Có thể nói quá khứ luôn có ảnh hưởng ghê gớm đến mỗi con người, nó luôn hiện diện trong thế giới tâm hồn nhân vật mà không dễ dàng muốn quên mà quên đi được.
Với bà Đất trong Chuyện làng Cuội, nỗi đau quá khứ bị Tổng Lỡi hãm hại luôn đọng lại trong bà như một mảng kí ức đau buồn không thể xóa được. Những năm tháng của tận cùng đau khổ nuôi con một mình ở lán rừng La Hiên, bao lần con ốm thập tử nhất sinh, những giọt nước mắt cay đắng tủi phận và cả niềm thương yêu con vô bờ bến của bà tất cả như chỉ vừa mới xảy ra hôm qua. Bà đã cất giữ những kí ức ấy trong đáy cõi lòng, điều mà cả đời bà không thể chia sẻ cùng ai ngay cả những đứa con ruột của mình, dù nó đã qua đi nhưng khoảng thời gian đó vẫn luôn tồn tại trong tâm tưởng của bà – một người phụ nữ khốn khổ.
Trong Sóng ở đáy sông, tuy sống giữa hiện tại nhà tù nhưng Núi không thôi day dứt, ân hận về những lỗi lầm trong quá khứ mà hắn đã
gây ra cho Hiền và cả nỗi lo lắng cho đứa con bơ vơ ở ngoài. Hắn nhớ lại những gì xảy ra trong quãng thời gian chưa xa ngã để rồi nuối tiếc. Quá khứ và hiện tại là hai quãng thời gian luôn khơi dậy trong hắn những day dứt, những tiếc nuối, ân hận về những gì đã qua.
Ở Hai nhà, xen kẽ những đoạn kể theo trình tự thời gian là những trang nhật kí, những đoạn nhớ lại rất ấn tượng của nhân vật để sự việc được soi tỏ dưới nhiều góc độ, nhiều điểm nhìn. Linh Anh hồi tưởng về cuộc đời nhiều chiến tích tình yêu của cô, đấy là bản chất một con người đầy thực dụng, yêu đương sớm, “từ lão già 67 tuổi đến cậu con trai 21 tuổi lốc nhốc chạy theo sẵn sàng hầu hạ mọi sở thích của tôi (Linh Anh)”. Cô chấp nhận lấy Tâm để hợp thức hóa hai đứa con, nhưng chưa thỏa mãn, cô tiếp tục dấn thân vào những cuộc phiêu lưu tình ái.
Bức thư tuyệt mệnh của Hoàng Địa gửi Tâm cũng là một dạng thức đồng hiện thời gian hay nói cách khác nó là một dạng thức của thời gian tâm tưởng. Trước khi chấm dứt cuộc đời đầy nhục nhã ê chề, ông đã hồi tưởng lại hành trình cuộc đời mình. Từ nỗi khổ vì cái lý lịch của người cha “địa chủ, cường hào, ác bá, đại gian, đại ác” khiến ông không thể ngóc đầu lên được, từ sự nhu nhược khi chứng kiến cảnh vợ ngoại tình mà vẫn phải “vui vẻ như không”, rồi đến việc ngoại tình với vợ hàng xóm người bạn chí tình mà những tưởng có thể sống chết vì nhau. Những trang nhật kí đã tái hiện lại cuộc đời ông Địa một cách đầy chân thực và sống động. Quá khứ và hiện tại của nhân vật đã tạo nên sự logic của diễn biến cốt truyện
Trong các tiểu thuyết của Lê Lựu, ta thấy nhân vật sống trong hiện tại nhưng luôn hồi tưởng về quá khứ. Hiện tại là thời gian nền để quá khứ hiện diện, quá khứ soi chiếu trong hiện tại để nhân vật tự suy ngẫm, cảm nhận, qua đó nhà văn cũng tăng bề dày cho hình tượng nghệ thuật. Quá khứ không phải là những thứ đã qua mà nó luôn đồng hiện trong thế giới tâm hồn nhân vật, góp phần làm cho người đọc hiểu hơn về
cuộc đời nhân vật, về giai đoạn mà nhân vật đang tồn tại, đồng thời độc giả cũng hiểu hơn về bối cảnh xã hội lúc đó.